Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ]
Một vài cái Động
___________Nguyễn Dư
Lễ Động thổ của ngày xưa tưởng là đã mất. Không ngờ, lại rầm rộ trở lại. Cứ đà này thì không chừng một loạt những cái Động khác cũng sắp lục đục thức dậy.Để bớt bỡ ngỡ, mời bạn cùng dạo chơi, thăm mấy cái Động của người xưa.
Động thổ
Tín ngưỡng dân gian tin rằng trên trời có Ngọc Hoàng, dưới sông có Hà Bá, đất đai có Thổ thần. Nói theo ngôn ngữ ngày nay thì Thổ thần là vua địa ốc. Tất cả mọi chuyện liên can đến đất đai thì phải qua tay Ngài. Ai muốn xây cất, đào xới, động chạm đến đất (Động thổ) thì phải làm lễ Động thổ để lo lót, xin phép Ngài. Thần thánh có vui vẻ thì mọi chuyện mới xong. Tay không mà đòi qua mặt vua địa ốc thì coi chừng... mất mạng.
Theo truyền thuyết, lễ Động thổ do Hán Vũ Đế đặt ra.
Cúng lễ chỉ có đèn nhang, trà rượu, và đồ mã. Chả có gì để chấm mút, chia chác. Thế mà buổi lễ vẫn trang nghiêm.
Vị chủ lễ mặc áo thụng xanh, cuốc một cục đất đặt lên bàn thờ, khấn vái xin Thổ thần cho phép dân làng bắt đầu từ hôm nay được động đến đất, được phép cày cuốc ruộng vườn.
Ai cày cuốc trước khi làng làm lễ sẽ bị phạt, kể cả trường hợp chôn cất người chết.
Để giảm bớt phiền toái cho dân làng, đồng thời cũng để khuyến khích mọi người sớm bắt tay vào công việc đồng áng, vườn tược, lễ Động thổ thường được làm ngay sau 3 ngày Tết.
Các quan chức ngày nay, mặc dù không biết Thổ thần là thằng nào, kinh doanh nhà đất hợp pháp hay không, cũng thi nhau làm lễ Động thổ. Lễ của các quan nhiều phẩm vật, lộc thánh. Được ăn, được nói, được gói đem về. Thiên hạ tốn tiền, mình được ăn lộc. Tội gì không làm cho thật to. Phải không, u cái đĩ ?
Lễ Động thổ ngày nay thật ra là bắt chước lễ Đặt viên đá đầu tiên của Tây, được tổ chức lúc bắt đầu một công trình xây cất.
Xưa kia, vua cũng làm lễ Động thổ. Lễ của vua gọi là Tịch điền.
Theo truyền thuyết thì lễ Tịch Điền được vua Thần Nông đặt ra.
Mỗi năm đến mùa Xuân, nhà vua cày ruộng để làm gương cho nông dân !
Mùa Xuân năm 987, vua (Lê Đại Hành) bắt đầu cày ruộng tịch điền ở núi Đọi, được một chĩnh nhỏ vàng, lại cày ở núi Bàn Hải, được một chĩnh nhỏ bạc, vì thế đặt tên là ruộng Kim Ngân (Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử kí toàn thư, tập 1, Khoa Học Xã Hội, 1967, tr.171).
Vua cày ở đâu thì ở đấy có vàng, có bạc. Đúng là bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu. Giàu đẹp thay một đất nước nhìn đâu cũng thấy rừng vàng, biển bạc. Tiếc rằng đám nịnh thần, điếu đóm ngày xưa không dâng kế khuyên nhà vua cày cho nát đất nước, biết đâu lại chả vớ được cả kim cương!
Lễ Tịch điền được nhà Nguyễn tổ chức trọng thể nhưng... kín đáo hơn.
Vua, hoàng thân, các quan đại thần cày mấy đường cày đầu năm tại sở Tịch điền trong Kinh thành để làm gương, khiến các nhà nông noi theo đó mà siêng năng việc cày cấy.
Trong khi vua cày, Ngài mặc áo chẽn, bịt khăn đường cân, mang hia, tay cầm roi, tay cầm chiếc cày sơn vàng, do hai con bò cũng phủ lụa vàng kéo. Đi theo hầu vua, có quan Phủ thừa và một viên ấn quan bộ Hộ, người mang thúng giống, kẻ vãi giống. Lại có viên quan đi phòng ngừa để hứng phân bò phòng hai con vật có lỡ bất kính mà làm bậy (...). (Bửu Kế, Phong tục Tết Việt Nam và các lân bang, Đông Nam Á, 1986, tr. 15).
Làm thân trâu bò để vua quất roi sai khiến kể cũng... đáng tự hào. Được mặc đẹp. Không biết có được ăn thả cửa không ? Tha hồ ỉa đái, có quan lớn chầu chực bưng hứng ơn mưa móc. Chỉ khổ cho mấy bác nhà nông phải tưởng tượng ra cảnh vua cày ruộng trong kinh thành để mà bắt chước.
Nông dân gọi lễ Tịch điền của vua quan là lễ Múa rìu qua mắt thợ.
Động mồ, động mả
Dân quê Việt Nam rất sợ bị động mồ động mả tổ tiên.
Bàn về nền nông nghiệp nước ta, Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) than :
" Có người bảo thầy địa lý nói không nên cho nước tụ lại, hoặc đắp đê sẽ làm động địa mạch khiến hương hào hương lão trong làng ốm đau. Có người bảo nếu đắp đê làm ứ nước, các xã thôn bên trên sẽ làm đơn kiện. Có người bảo không dám đắp vì sợ động đất đai trong xã hoặc động mồ động mả nhà quan ở xã gần bên. Những chuyện tương tự như thế nhiều không kể xiết.
Tôi rất lấy làm tiếc nhưng không biết làm cách nào cho dân hết những tệ trạng này ".
(Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ, nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 1988, tr. 251).Người ta tin rằng mồ mả bị đụng chạm thì vong linh tổ tiên sẽ không vui vẻ, siêu thoát để phù hộ con cháu. Gia đình người sống sẽ gặp khó khăn, có người lâm trọng bệnh, anh em lục đục bất hoà, làm ăn thua lỗ...
Động mồ, động mả là mồ mả bị sụt lở, ngập lụt, bị trâu bò giầy xéo phóng uế.
Con cháu phải làm lễ cải táng, nghĩa là phải mang hài cốt đi chôn chỗ khác.
Người ta chọn ngày lành tháng tốt, làm lễ xin phép Thổ thần rời mộ đi chỗ khác.
Lễ xong thì bắt đầu đào mả cũ, mở nắp quan tài, dùng nước thơm rửa sạch hài cốt, đặt vào một chiếc tiểu sành mới.
Trước khi chôn chiếc tiểu, phải làm lễ cáo Thổ thần của khu đất mới.
Sau đó, người ta xây mộ mới.
Cũng có khi ngôi mộ cũ chưa sụt lở nhưng con cháu bây giờ làm ăn khá giả, người ta cũng cải táng, xây mộ mới để làm đẹp lòng người quá cố.
Nhiều người lưu lạc kiếm ăn, chết nơi đất khách quê người. Gặp dịp thuận tiện, gia đình, họ hàng cũng cho bốc mộ, đưa hài cốt về chôn tại quê quán.
Tổ tiên được mồ yên mả đẹp, được cao nấm ấm mồ, sẽ phù hộ con cháu.
Lịch sử Việt Nam có hai cuộc cải táng đặc biệt.
Năm 1804 di hài vua Lê Chiêu Thống được mang từ Trung quốc về táng tại trấn Thanh Hoa.
Năm 1987, hài cốt vua Duy Tân được đưa từ Cộng Hoà Trung Phi về an táng ở Huế.
Người Việt ngày nay có mặt khắp nơi trên thế giới. Trong tương lai sẽ còn nhiều cuộc cải táng mang tính chất thời đại toàn cầu hoá.
Nói chung, người Việt không muốn người khác động mồ động mả nhà mình, nhưng không thiếu gì người lại khoái đi động mồ động mả nhà người khác.
" Chém cha đứa bắt gà nhà bà !
(...) Mày muốn sống mà ở với chồng với con mày, thì mày buông tha thả nó ra, cho nó về nhà bà. Nhược bằng mày chấp chiếm, thì bà đào thằng tam đại tứ đại nhà mày lên, bà khai quật bật săng thằng ngũ đại lục đại nhà mày lên " (...).
(Nguyễn Công Hoan, Bước đường cùng)Đàn bà mất gà, chỉ chửi bới cho hả giận thôi. Thực tế thì chả làm gì ghê gớm cả. Thách kẹo cũng không dám đào mồ đào mả nhà ai.
Vua Gia Long bản lĩnh hơn các bà. Ngài làm thật chứ không chửi suông.
Sử nhà Nguyễn chép :
Tháng 11 năm 1802, Gia Long sai áp dẫn Nguyễn Quang Toản và em là Quang Duy, Quang Thiệu, Quang Bàn ra ngoài cửa thành, xử án lăng trì cho 5 voi xé xác, đem hài cốt của Nguyễn Văn Nhạc và Nguyễn Văn Huệ giã nát rồi vất đi, còn xương đầu lâu của Nhạc, Huệ, Toản và mộc chủ của vợ chồng Huệ thì đều giam ở Nhà đồ Ngoại (năm Minh Mệnh thứ 2 đổi giam vào ngục thất cấm cố mãi mãi).
(Đại Nam thực lục, tập 1, Giáo Dục, 2002, tr. 531).Mấy chục năm gian truân, chết chóc, mới có ngày vinh quang, được đào mồ đào mả người khác ! Trẫm vì chín đời mà trả thù.
Vẫn chưa bằng...
Thời Minh Mệnh, có giặc Lê Văn Khôi.
(...) Rồi sai đem 6 tên phạm : nghịch Trắm, nghịch Minh, nghịch Dự, nghịch Tín, nghịch Do và nghịch Viên, giam vào cũi sắt, phái giải về kinh để tận pháp xử trị. Tên Trắm đến tỉnh Quảng Ngãi lấy khóe móc cổ họng chết, sai phanh thây từng miếng và chặt đầu bỏ hòm đưa về ; lại tra xét nơi chôn thây tên nghịch Khôi, đào lấy xương đâm nát chia ném vào hố xí ở 6 tỉnh và cắt chia từng miếng thịt cho chó, đầu lâu thì đóng hòm đưa về kinh rồi cùng đầu lâu những tên phạm khác bêu treo khắp chợ búa nam bắc, xong vất xuống sông...
(Cao Xuân Dục, Đại Nam chính biên liệt truyện, Văn Học, 2005, tr. 1038).Hậu sinh khả uý hay là Con hơn cha là nhà có phúc?
Dân gian có câu Rước voi giầy mồ để gọi bọn mượn tay người ngoài để hại người trong nhà.
Động gia cư
Theo thuật phong thuỷ, nhà nào bị đường đi hay đòn cái nhà khác đâm thẳng vào gian chính thì gia đình thường hay gặp khó khăn, lủng củng, luôn có người đau ốm.
Như vậy là bị động gia cư.
Muốn được yên ổn thì tốt nhất là đổi hướng nhà. Nhưng nhà xây rồi thì khó đổi hướng, người ta tìm cách xê dịch cửa hoặc đắp một bức tường chắn, hoặc chôn ở trước nhà một con chó đá. Có nhà treo một mảnh gương để đổi hướng , hay một hình bát quái để yểm trừ ma quỷ.
Tuy nhiên, có nhiều nhà được xây đúng hướng thế mà trong nhà vẫn có người đau ốm. Người xưa cho rằng nhà này bị động bếp.
Động bếp
Bếp là chỗ ở của ông Công. Động bếp nghĩa là động đến chỗ ở của ông Công.
Động bếp vì để chó mèo phóng uế. Có khi vì đun bếp bằng củi không tinh khiết, gây mùi hôi thối. Ông Công nổi giận, làm cho trong nhà có người đau ốm.
Phải làm lễ tạ lỗi.
Nếu là chó mèo phóng uế thì người ta lau chùi, tắm rửa cho con vật , rồi lôi nó đến trước ông đồ rau khấn vái xin ông Công tha lỗi.
Nếu chỉ có mùi hôi thối thì dùng phương thuật Nhặt thịt thổi phù.
Người ta làm một bữa cơm có thịt nướng hay thịt xào. Thịt được ướp gia vị cho thơm. Lúc nướng hay xào người ta chủ ý đánh rơi một miếng thịt. Rồi nhặt miếng thịt lên, hướng về phía có mùi hôi thối, thổi thật mạnh. Hơi thơm của thịt sẽ bay toả ra đuổi sạch mùi hôi thối. Làm như vậy, người đau ốm sẽ khỏi.
Ngoài mục đích gây mùi thơm, phương thuật Nhặt thịt thổi phù còn hàm chứa một ý nghĩa khác.
Thổi phù là thổi mạnh để làm cho miếng thịt sạch bụi. Nhưng phù còn có nghĩa là lá bùa. Thổi phù nghĩa là thổi lá bùa, tung bùa ra để trừ ma quỷ.
Nhặt thịt thổi phù vừa trừ bỏ được mùi hôi thối, vừa trừ được ma quỷ đang ám hại người đau ốm.
Trên đây là mấy cái Động quan trọng. Động đến trời đất, quỷ thần. Dính dáng đến cả vua quan, chức sắc. Ảnh hưởng đến cả sức khoẻ, đời sống gia đình.
Ngoài ra, dân gian còn có vài cái Động vớ vẩn nhưng đáng yêu.
Cái Động nên bắt chước nhất là Động khai trùng môn (Mở toang cả mấy lần cửa). Động nghĩa là rõ ràng. Thành ngữ lấy từ điển tích :
Vua Tống Thái Tổ thường sai người mở toang cả mấy lần cửa trong cung và nói rằng như thế nếu tâm địa mình có điều gì mờ ám tất nhiên ai cũng thấy cả.
Nghĩa bóng của Động khai trùng môn là Lòng dạ quang minh thì không sợ ai dòm ngó.
Cái Động đáng yêu nhất là...Động phòng. Có người hiểu lầm Động phòng là động đến cái phòng, là mở cửa phòng. Không phải vậy. Trái với Động thổ hay Động mả, Động phòng rất... tĩnh. Động này là động tiên, là cái hang sâu trong núi.
Động phòng nghĩa là cái phòng sâu kín, ám chỉ buồng vợ chồng mới cưới. Lễ Động phòng là lúc cô dâu chú rể rủ nhau im lặng vào buồng kín.
Nghe đồn là Động phòng, hay phạm phòng, được nhiều người ưa thích, tôn lên hàng đệ nhất khoái.
Thứ nhất phạm phòng, thứ nhì lòng lợn.
Cái động bay bướm nhất là Động tình. Thú vật muốn bắt chước người nhưng không ai cho mượn, cho thuê phòng kín, đành phải rủ nhau... Động cỡn.
Động cỡn không cần nghi lễ hình thức. Tha hồ ồn ào, lộn tùng phèo, đầy... thú vị.
Nguyễn Dư
(Lyon, 10/2006)
[ Trở Về ]