Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ]
Murakami Haruki ,
Tiểu Thuyết Gia Hiện Đại Nhật Bản*
Phạm Vũ Thịnh
|
Từ Điển Bách Khoa Columbia, ấn bản năm 2001, ghi rằng Murakami Haruki "được công nhận một cách phổ biến là một trong những tiểu-thuyết-gia-thế-kỷ-XX quan trọng nhất của Nhật Bản". Đề cập đến thời đại lắm bão tố hiện nay ở Nhật, Matsuda Tetsuo của Báo Yomiuri Shimbun, tờ nhật báo có số in lớn nhất Nhật Bản, viết:"Trong bất cứ trận bão lớn nào cũng có những nhà văn giương cao ngọn đèn soi cho quần chúng. Murakami Haruki đang và sẽ lãnh vai trò đó". Báo The Guardian ở nước Anh viết: "không có nhiều tác giả cùng thời với ông mà tác phẩm lôi cuốn được giới độc giả trẻ trực tiếp đến như thế, không chỉ trong nước ông mà còn trên khắp thế giới".Murakami Haruki sinh năm 1949 ở cố đô Kyoto, nhưng lớn lên ở Kobe. Thân phụ có thời là nhà sư, dạy văn học Nhật Bản ở cấp trung học, và đã gặp thân mẫu ông trong lúc cùng dạy môn ấy. Ngay từ thuở nhỏ, Murakami Haruki đã có khuynh hướng phản kháng đối với văn hóa truyền thống. Thay vì chia sẻ với song thân quan tâm về văn học Nhật, ông tìm đọc mê mải tác phẩm của những tác giả Âu Châu thế kỷ XIX -Balzac, Flaubert, Chekhov, Dostoevsky, Dickens. Sau đó, ông học tiếng Anh, và đọc nguyên tác tiếng Anh những tiểu thuyết trinh thám, khoa học giả tưởng, Truman Capote, Kurt Vonnegut, Richard Brautigan... Ông ham mê nhạc Âu Mỹ: Elvis, Beatles, Beach Boys, nhạc Jazz... Thế giới mới đó quyến rũ ông đến nỗi không bao lâu sau khi kết hôn với bạn đồng học Takahashi Yôko, năm 1971, ông ngưng việc học ở Đại học Waseda, cùng vợ mở một quán rượu nhạc Jazz ở Tokyo. Ở quán Jazz đó, tên đặt theo con mèo ông nuôi là Peter Cat, ông hầu bàn, rửa chén đĩa, thay đĩa nhạc, bố trí nhạc công, và khi rảnh thì đọc rất nhiều sách và học tiếp khoá trình Đại học. Song thân ông rất thất vọng về việc ông lấy vợ sớm và quay lưng lại với đời công tư chức vẫn được xem là an toàn, an định, thậm chí lý tưởng trong xã hội Nhật lúc bấy giờ đang phát triển mạnh. Quán Jazz sống được 7 năm, ông và vợ ông cũng đã tốt nghiệp Đại học trong khoảng thời gian đó.
Ông chỉ bắt đầu viết từ 1978. Khi đang xem một trận bóng chày -baseball-, ý nghĩ viết văn chợt đến với ông, như một tiếng gọi siêu hình, ông cho đó là sự kiện hạnh phúc nhất của đời ông. Tác phẩm đầu tay của ông, "Lắng nghe gió hát" (Kaze no Uta wo Kike, Hear the Wind Sing) xuất bản năm 1979, kể lại thời sinh viên tranh đấu phản kháng mà ông đã tham gia với một ít hoài nghi. Tác phẩm đầu tay này được giải thưởng "Tác giả Mới -Gunzô" ngay năm đó.
Tiếp tục thành công với 2 tác phẩm sau đó và một số các truyện ngắn, ông bán quán Jazz, và trở thành một tác giả toàn thời. Ông bắt đầu dậy sớm và để ý ăn uống dưỡng sinh. Ông cũng bắt đầu việc dịch sách tiếng Anh, thường là cộng tác với một giáo sư về văn học Mỹ ở Đại học Tokyo. Nương theo tiếng tăm đang lên của ông trong lãnh vực sáng tác, số người ham chuộng những tác phẩm dịch thuật của ông từ Raymond Carver, Truman Capote, F. Scott Fitzerald... cũng tăng nhanh.
Phong cách Murakami Haruki định hình từ tác phẩm thứ 3 là "Cuộc phiêu lưu theo con Cừu" (Hitsuji wo Meguru Bôken, A Wild Sheep Chase) xuất bản năm 1982, giải "Tác giả Mới -Noma" trong năm, pha trộn những chi tiết trinh thám đen với những ảo giác và bí mật siêu hình. Nhân vật của ông chủ trương những giá trị quan khác lạ với truyền thống xã hội Nhật, và ham mê Âm nhạc mới, Phim ảnh mới Âu Mỹ. Những đặc điểm đó hấp dẫn tâm tình giới trẻ Nhật Bản đang muốn cởi bỏ những trói buộc của văn hoá truyền thống Nhật Bản. Lúc này, số in mỗi tác phẩm của ông đã đạt mức 100 ngàn.
Dị ứng với lối sống đua đòi vật chất trong một nền kinh tế hãnh tiến, và do chưa có con, vợ chồng ông rời Nhật sang sống ở Ý năm 1986. Ở Rome, ông viết "Rừng Na Uy" (Noruuei no Mori, Norwegian Wood), tác phẩm đã đưa ông lên địa vị "siêu sao" trong văn học Nhật Bản. Những ký ức hoài niệm trong tuổi đang lớn chen lẫn với ý thức về tính cách nhất thời của đời sống, ý thức về sự không thể tránh được của những mất mát, là đề tài của tác phẩm, đặt trong bối cảnh thời sinh viên tranh đấu phản kháng cùng lúc với bình minh của phong trào tự do tính dục những năm cuối thập niên 60 và đầu 70. Độc giả cùng lứa tuổi chia sẻ được với ông những hoài niệm, đã đành, mà giới trẻ, đặc biệt là các thiếu nữ ở lứa tuổi mười mấy, đôi mươi, cũng cộng cảm với ông về những trầm tư về tình yêu và đau khổ của thời mới lớn, cùng tâm trạng bơ vơ trong cuộc sống. "Rừng Na Uy" trở thành một phong trào, được tận dụng trong giới quảng cáo, từ bánh kẹo cho đến vật dụng trong nhà; các nhà sản xuất xin làm phim; Murakami Haruki được mời làm quảng cáo truyền hình; nhạc phẩm dựa trên cuốn sách leo lên hạng bán chạy nhất; người hâm mộ hành hương về hộp đêm ở Shinjuku được nhắc đến trong sách,... Ngay trong năm đầu tiên, "Rừng Na Uy" đã bán được 1 triệu bộ (1 bộ gồm 2 cuốn Thượng và Hạ, vị chi 2 triệu cuốn).
Sống ở Âu Châu, ông vẫn băn khoăn về mục đích của đời sống của ông, một người Nhật, một tác giả Nhật. Hai vợ chồng lại quay về Nhật năm 1990, cao điểm của thời kinh tế bọt, mọi người giàu lên và không ngừng nói về tiền. Năm sau, ông lại khoác áo ra đi, lần này sang Mỹ làm giáo sư khách của Đại học Princeton 2 năm, rồi 2 năm tiếp theo làm Tác giả Thường trú (Writer-In-Residence) ở Đại học Tufts, Massachusetts. Hai tác phẩm nổi tiếng khác của ông được xuất bản trong thời gian này.
Tháng Giêng năm 1995, xảy ra thảm kịch động đất ở Kobe, trên 6000 người chết, 300 ngàn người trở thành không nhà không cửa, trong số đó có song thân của ông. 2 tháng sau, lại xảy ra vụ tín đồ Chân Lý Giáo Aum thả hơi độc sarin trong tàu điện ngầm ở Tokyo làm 12 người chết và trên 2000 người bị thương. Ông nghĩ rằng hai thảm kịch này đánh dấu sự chuyển biến từ căn bản của xã hội Nhật: Ý thức an định do an toàn xã hội từ lâu nay vẫn là một biểu hiện tính ưu việt của truyền thống văn hóa Nhật Bản, được tăng cảm nhờ tình trạng không ngừng phát triển của kinh tế bọt, bỗng một sớm một chiều đã bị thách thức gay gắt đến độ sụp đổ theo những toà nhà Kobe trong cơn động đất. Không lâu sau đó, kinh tế bọt Nhật Bản cũng vỡ tan.
Hai cơn sốc liên tiếp này đã đưa ông trở về Nhật và là nhân tố chính của các tác phẩm gần đây của ông. Tuyển tập truyện ngắn "Sau cơn động đất" (Jishin no Atode, After The Quake) có những nhân vật chính, do ảnh hưởng gián tiếp xa xôi của trận động đất Kobe, đã cảm nhận sâu sắc sự trống rỗng của chính mình, mất niềm tin vào sự an định của đời sống gia đình, bơ vơ đi tìm những chỗ nương tựa siêu hình. Tập "Mạch ngầm" (Andaguraundo, Underground) thoát ra khỏi thể loại tiểu thuyết, ghi những cuộc phỏng vấn trực tiếp những tín đồ Chân Lý Giáo Aum cùng những nạn nhân, những chi tiết thực tế của thảm kịch hơi độc, cho thấy tâm tình phản kháng đối với những giá trị quan tôn thờ vật chất của xã hội hiện đại, cố gắng tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời từ những giải thuyết siêu hình, có khi cực đoan đến nỗi trở thành tội ác. Chưa đến nỗi cực đoan, nhưng những nhân vật chính của Murakami Haruki cũng chia sẻ tâm tình đó.
Những nhân vật chính của Murakami Haruki không những chỉ hấp dẫn giới trẻ Nhật Bản đang muốn cởi bỏ những trói buộc văn hoá truyền thống Nhật Bản, mà còn cộng hưởng với tâm tình giới trẻ Âu Mỹ vì những nét quen thuộc trong lối sống, lối suy nghĩ, thị hiếu mới; và chia sẻ với giới trẻ các nước chậm tiến bộ hơn Âu Mỹ lòng ngưỡng mộ hay ước vọng về lối sống Âu Mỹ. Rất nhiều tác phẩm của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, và có nhiều người hâm mộ ở Mỹ, Anh, Nga, Đức, Pháp, Ý, Spain, Hy Lạp, Hà Lan, Phần Lan, Đan Mạch, Áo, Canada, Do Thái, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan,... Tiếng tăm của ông ở nước ngoài cộng với địa vị "siêu sao" trong nước Nhật, đã làm tăng thêm khoảng cách đối với dòng văn học truyền thống Nhật Bản vốn vẫn nghi ngờ ý đồ có vẻ tạo loạn của ông. Giải Nobel Văn học 1994 Oe Kenzaburo công kích Murakami Haruki là đã "thất bại trong việc lôi cuốn giới độc giả trí thức bằng những kiểu mẫu cho tương lai Nhật Bản" và chê ông là "hôi mùi bơ" (batakusai) vì hay dẫn dụ những chi tiết văn hóa Âu Mỹ. Điều đó dễ hiểu. Chính Murakami Haruki từ lâu vẫn tự nhận là "người dưng" (outsider) đối với xã hội Nhật Bản nói chung, vốn cứng ngắc vì những trật tự quá gò bó, phân định trong ngoài, thân sơ quá rõ rệt.
Murakami Haruki không thích sự săn đón của giới truyền thông, ông ít khi chịu phỏng vấn. Giống như giới trẻ hiện đại, thành phần độc giả chủ yếu của ông, Murakami Haruki thoải mái với quần bò, áo thun, giày thể thao, ham thích các hoạt động tăng tiến thể lực, tham gia nhiệt tình các kỳ chạy việt dã mỗi năm trong suốt 20 năm qua: Athens, New York (3 lần), Boston (6 lần)... Koyama Tetsurô của hãng thông tấn Kyodo News nhận xét (năm 2004): "Hiện nay, Murakami Haruki là tác giả văn-học-thuần-túy (pure literature) duy nhất cứ mỗi lần tác phẩm mới phát hành là đạt ngôi vị sách bán chạy nhất (Nhật Bản). Tác phẩm mới nhất của ông là "Kafka Bên Bờ Biển - UmibeNo Kafuka" ngay trong tháng đầu tiên (tháng 9, 2002) đã bán được 600 ngàn cuốn".
Tạp chí The New York Times số ra ngày 11/12/2005 trong mục bình chọn 10 tác phẩm văn học xuất sắc nhất năm 2005 đã nêu tên cuốn "Kafka On The Shore - Umibe no Kafuka - Kafka Bên Bờ Biển" của Murakami Haruki đầu tiên, tán thưởng rằng đây là công trình của một tác gia đường-đường tự tín.
Murakami Haruki hiện đang sống ở Boston, Mỹ, làm việc với Đại học Harvard, và diễn giảng tại các cơ sở văn hoá giáo dục trong vùng đất có truyền thống văn hoá lâu đời nhất nước Mỹ. Trong năm nay (2006), ông đã được 2 giải thưởng quốc tế là Giải thưởng văn học Franz Kafka cho tiểu thuyết, và Giải thưởng Frank O'Connor cho truyện ngắn.
Phạm Vũ Thịnh12/2006
Tham khảo:[1] Richard Williams: "Marathon man", The Guardian, 17/05/2003.
[2] Mick Brown: "Tales of the unexpected", The Daily Telegraph, filed 15/08/2003.
[3] Mục "Murakami Haruki", The Columbia Encyclopedia, 6th Edition, 2001.
[4] Velisarios Kattoulas: "Pop Master", Times Asia, 25/11/2002.
[5] Laura Miller: "The Outsider", The Salon Interview, 16/12/1997.
[ Trở Về ]
Ngày xửa ngày xưa ...... Nói cho oai vậy thôi chứ chỉ đâu chừng 14, 15 năm trước, tôi đã có thời sống trong một cư xá sinh viên. Lúc ấy tôi 18 tuổi, vừa mới chân ướt chân ráo vào đại học. Địa lý Tokyo thì hoàn toàn mù tịt, thêm vào đó chưa từng sống một mình bao giờ, nên bố mẹ tôi lo lắng, tìm cách lo cho tôi vào được cái cư xá ấy. Tất nhiên tài chính cũng là một lý do chính khác. Chi phí sinh hoạt trong cư xá rẻ hơn rất nhiều so với việc sống một mình ở Tokyo. Riêng tôi thì thật tình muốn thuê một căn phòng trọ sống một mình cho thoải mái, nhưng nghĩ đến các món tiền nhập học, tiền đóng mỗi học kỳ, thêm với khoản sinh hoạt phí mà bố mẹ sẽ phải gửi cho hàng tháng, tôi không thể đòi hỏi như ý mình được.Cư xá nằm trên cuộc đất cao của phường Bunkyo, có tầm nhìn thoáng đẹp. Khuôn viên rộng rãi, có tường xi-măng cao bao quanh. Bước qua cổng thì ngay chính diện là một cây cử [1] to tướng, xoè cành lá bao sân. Tuổi cây đâu chừng 150 năm, có khi còn xưa hơn thế nữa. Đứng ở gốc cây nhìn lên không thấy nổi khoảng trời bị che khuất bởi đám lá cành chi chít.
Lối đi tráng xi măng uốn vòng qua khỏi thân cây ấy xong lại thẳng đường cắt ngang khoảng sân giữa rộng rãi. Hai bên sân giữa là hai toà nhà lớn bằng xi măng cốt sắt 3 tầng song song đối mặt nhau. Từ những chiếc cửa sổ mở toang suốt ngày vọng ra tiếng nhạc tuyển từ các đài phát thanh. Màn cửa sổ phòng nào cũng cùng một màu kem vàng nhạt, là màu ít bị nắng chói làm phai đi nhất.
Ngay trước lối đi tráng xi măng là toà nhà 2 tầng bản doanh của ban quản lý cư xá. Tầng trệt có phòng ăn và phòng tắm rộng lớn, tầng trên có giảng đường và phòng hội họp, có cả phòng trọ cho khách quý nữa. Bên cạnh toà nhà bản doanh, là toà-nhà-ở thứ ba, cũng 3 tầng. Sân giữa rộng lớn, lát cỏ xanh, có những vòi tưới nước xoay vòng dưới ánh sáng mặt trời. Phía sau toà nhà bản doanh là sân bóng đá kiêm bóng chày, và 6 sân quần vợt. Thiết bị cho một cư xá sinh viên mà được như thế nầy là vạn toàn rồi.
Chỉ có một vấn đề duy nhất! mặc dù có cho là vấn đề hay không cũng tùy theo quan điểm của mỗi người. Đó là việc cư xá được vận doanh bởi một pháp nhân tài chính gồm chủ yếu là những nhân vật cực hữu! Tờ chỉ dẫn nhập cư hay bản quy chế của cư xá ghi: "Hoàn thiện căn bản giáo dục để đào tạo nhân tài hữu ích cho quốc gia" là tinh thần của việc sáng lập cư xá. Và nhiều nhà kinh tài tán trợ tinh thần nầy đã góp tiền của để lập nên ... Bề mặt là như thế, nhưng sau lưng thì như thông lệ, cứ mờ mờ ảo ảo, không ai nắm chắc được là thế nào. Người thì cho là để trốn thuế đấy, người lại bảo chẳng qua là trò lừa đảo, dùng danh nghĩa sáng lập cư xá sinh viên để chiếm đoạt lô đất ấy thôi. Có người còn quy kết đấy chỉ là hành vi mua danh không hơn không kém. Nhưng mà sự thật thế nào thì kết cuộc cũng chẳng phải là chuyện gì quan trọng. Chỉ biết là từ mùa xuân 1967 cho đến mùa thu năm sau, tôi đã sinh sống trong cái cư xá ấy. Từ góc độ sinh hoạt thường ngày mà nhìn thì có hữu khuynh hay tả khuynh, ngụy thiện hay ngụy ác gì gì đi nữa, cũng chẳng khác nhau bao nhiêu.
Một ngày của cư xá bắt đầu bằng lễ thượng kỳ trang nghiêm. Tất nhiên là có cả quốc ca. Thượng quốc kỳ, tấu quốc ca là hai thứ bất khả chia lìa mà. Cũng bất khả chia lìa như tin tức thể thao phải đi kèm với các bản hành khúc. Trụ cờ nằm ngay giữa sân, từ cửa sở phòng nào trong cư xá cũng nhìn thấy.
Nhiệm vụ kéo cờ, hạ cờ là trách vụ của tay trưởng khối của toà nhà phía đông, trong đó có phòng tôi. Đó là một người đàn ông trên dưới 50, cao và có cặp mắt sắc nhọn, tóc cứng có vài sợi bạc, da cổ ăn nắng ngăm đen có một vết sẹo dài. Nghe nói nhân vật nầy xuất thân từ Trường Bộ binh Nakano. Đứng bên cạnh ông ta là tay trợ thủ sinh viên giúp việc kéo cờ, trong tư thế sẵn sàng. Về tay sinh viên nầy thì không ai biết rõ ràng. Tóc cắt gọn, lúc nào cũng mặc đồng phục học sinh, không ai biết tên gì, mà ở phòng nào cũng chẳng ai biết. Tôi chưa hề chạm mặt anh ta cả ở phòng ăn lẫn phòng tắm. Ngay cả chuyện anh ta có thật là sinh viên hay không cũng không ai biết rõ. Nhưng mà đã mặc đồng phục thì hẳn cũng là sinh viên rồi, chứ gì. Trái với ông Bộ binh Nakano, tay nầy lùn mập và da có trắng hơn. Bộ đôi nầy mỗi ngày cứ đến 6 giờ sáng là thực hành nghi thức thượng kỳ ở sân giữa của cư xá.
Hồi mới vào ở cư xá, tôi thường ra cửa sổ ngắm quang cảnh chào cờ nầy. Sáng 6 giờ, cùng với tiếng chuông báo giờ, đã thấy dáng hai người ở cột cờ. Tay sinh viên mang một hộp dẹt bằng gỗ ngô đồng, ông Bộ binh Nakano mang máy thâu băng xách tay hiệu Sony. Ông Bộ binh Nakano đặt máy dưới chân cột cờ. Tay sinh viên mở hộp gỗ, trong hộp có lá cờ đã xếp gấp cẩn thận. Tay sinh viên nâng lá cờ lên trao cho ông Bộ binh Nakano. Ông Bộ binh Nakano cột lá cờ vào dây. Xong, tay sinh viên nhấn nút trên máy thâu băng. Quốc ca trổi lên. Và quốc kỳ tuồn tuột leo lên cột cờ. Cứ đến khúc "Cho đến khi sỏi đá ..." là cờ lên đến ngay giữa cột, và đến khúc "... bám rong rêu." [2] là lá cờ vừa chạm đỉnh cột cờ. Lúc đó, cả hai đứng thẳng người lấy tư thế "Nghiêm" ngẩng đầu nhìn lên lá quốc kỳ. Gặp ngày đẹp trời mà có thêm chút gió nữa thì thật là một quang cảnh đáng chiêm ngưỡng.
Đến chiều tối thì có nghi lễ hạ kỳ, hình thức cũng tương tự như lễ thượng kỳ buổi sáng sớm, chỉ có thứ tự đảo ngược lại mà thôi. Lần nầy, quốc kỳ trôi tuồn tuột xuống rồi được gấp xếp cẩn thận cho vào hộp gỗ. Cờ không bay ban đêm. Tôi không hiểu tại sao buổi tối lại phải xếp cờ vào hộp. Ban đêm thì quốc gia vẫn còn nguyên đó chứ. Ban đêm vẫn có rất nhiều người làm việc. Những người làm việc đêm không được quốc kỳ gia hộ thì có phải là bất công không? Nhưng mà chuyện nầy cũng không mấy quan trọng, chẳng ai chú ý đâu. Chắc chỉ có mình tôi thắc mắc, mà chính tôi cũng chỉ bâng quơ nghĩ đến thế thôi, chẳng có ý nghĩa gì sâu sắc cả.
Nguyên tắc chia phòng trong cư xá là: sinh viên hai năm đầu thì 2 người 1 phòng, lên năm thứ ba, thứ tư thì được phòng riêng. Phòng 2 người rộng cỡ 6 chiếu [3] xếp hàng dọc dài và hẹp. Tường trong cùng có cửa sổ khung nhôm. Vật dụng trong phòng thì cực kỳ đơn giản mà bền chắc. Hai cặp bàn ghế, giường hai tầng, hai tủ áo, và một kệ đóng vào tường. Trên kệ thường để máy nghe đài bán dẫn, máy xấy tóc, bình điện đun nước, lọ cà phê uống liền, soong nồi để nấu mì ăn liền, và chén bát, ly tách. Tường quét vôi, dán những trang giữa của tạp chí Playboy. Kệ sách đặt trên bàn học, có sách giáo khoa chen với vài cuốn tiểu thuyết thời thượng.
Phòng của phái nam nên nói chung là dơ bẩn kinh khiếp. Giỏ rác thì dưới đáy còn dính vỏ quít đã mốc meo, lon-bia-không thay gạt-tàn-thuốc thì đóng tàn thuốc đến cả tấc. Cà phê đóng cặn dính cứng trong cốc. Sàn phòng đầy những giấy bao mì ăn liền và lon-bia-không lăn lóc tán loạn. Hễ có gió là bụi từ sàn phòng bốc lên như sương khói. Lại còn mùi hôi nữa. Áo quần cần giặt nhét vào dưới gầm giường. Chăn màn lâu ngày không phơi phóng nên mảnh chăn nào cũng hút giữ đầy mồ hôi và mùi thân thể lưu cữu.
So với tình trạng điển hình ấy thì phòng tôi đúng là sạch sẽ khác thường. Sàn phòng không có chút bụi, cái gạt tàn thuốc lúc nào cũng được rửa sạch. Chăn đắp mỗi tuần phơi ít nhất một lần. Bút chì cắm vào lọ đựng bút cẩn thận. Trên tường thay vì hình gái đẹp thì treo hình chụp kênh đào ở Amsterdam. Được thế là vì bạn ở chung phòng là người ưa sạch sẽ đến mức bệnh hoạn. Nó dành hết mọi việc quét dọn, giặt phơi của cả hai. Tôi khỏi phải động đến một ngón tay. Tôi vừa uống xong lon bia đặt xuống bàn là ngay lập tức lon-không bay biến vào sọt rác.
Bạn chung phòng của tôi chọn ngành Địa lý học. Buổi sơ kiến, nó nói:
_"Tô ... tôi ... tôi học đị ... địa ... địa lý".
_"Cậu thích địa đồ à?" Tôi hỏi.
_"ƯØm, tương lai là vào Viện Đị ... Địa ... Địa lý Quốc gia, làm đị ... địa ... địa đồ".
Thế gian nầy có đủ thứ hoài bão thật. Từ trước đến nay, có bao giờ tôi thắc mắc do động cơ nào mà người ta chế ra địa đồ đâu. Đã thế, một anh chàng cứ động đến hai chữ địa đồ là lắp ba lắp bắp, mà lại nuôi chí vào làm trong Viện Địa lý Quốc gia, thì quả là trớ trêu thật. Cậu ta nói lắp cũng tùy chữ, thế nhưng mà hễ gặp chữ "địa đồ" là chắc như bắp, trăm phần trăm, lần nào cũng nói lắp.
Nó hỏi tôi: _"Còn cậu chuyên ngành nào?"
Tôi đáp: _"Kịch nghệ".
_"Kịch nghệ thì là diễn tuồng đấy phải không?"
_"Bậy nào. Có diễn tuồng gì đâu. Chỉ nghiên cứu kịch bản thôi. Racine, Ionesco, Shakespeare, vân vân ..."
Nó nói ngoài Shakespeare ra mấy cái tên kia nghe lạ hoắc. Mà chính tôi cũng chẳng rành gì mấy cái tên ấy, thấy có ghi trên tờ khái yếu của môn học thì biết thế thôi.
Nó lại hỏi: _"Nhưng mà, chắc cậu thích ngành ấy lắm nhỉ?"
Tôi đáp: _"Cũng chẳng thích gì lắm".
Nó ngơ ngẩn. Càng ngơ ngẩn lại càng nói lắp tợn. Tôi có cảm giác đã làm điều không tốt, liền giải thích:
_"Học ngành gì cũng tốt thôi. Triết Ấn Độ hay là Sử Đông Dương, ngành nào cũng tốt, đối với tôi. Chỉ là tình cờ mà chọn kịch nghệ đấy thôi".
_"Khó hiểu thật". Nó nói. _"Tô ... tôi ... tôi ấy à, thích đị ... địa ... địa đồ mới chọn ngành ấy đấy. Muốn thế nên mới lên tận Tokyo nầy để vào đại học, bắt bố mẹ chi cấp mọi thứ. Thế mà cậu thì lại khác ..."
Điều nó nói rất phải, nên tôi dẹp chuyện giải thích thêm. Hai đứa bắt thăm xem ai nằm giường tầng trên hay tầng dưới. Nó được tầng trên. Nó hay đóng bộ cánh quần đen, áo sơ mi trắng. Cao, tóc cắt sát, xương má gồ lên. Đi học thì mặc đồng phục học sinh. Giày và cặp sách đen tuyền. Trông nó có vẻ là một sinh viên khuynh hữu, mà chung quanh lắm người cũng tưởng thế, nhưng thật ra, nó hoàn toàn trăm phần trăm chẳng lý gì đến chính trị. Aên mặc như thế là vì nó lười chuyện chọn áo quần, vậy thôi. Quan tâm của anh chàng thu hẹp trong phạm vi những sự kiện địa lý, như là biến đổi của đường bờ biển hay là chuyện hoàn thành một đường hầm xe lửa mới. Tôi mà lỡ mồm động đến mấy chuyện đó là nó vừa cà lăm vừa thao thao bất tuyệt, từ giờ nầy sang giờ khác, cho đến khi tôi hét lên, hay ngủ thiếp đi, nó mới ngưng.
Mỗi buổi sáng, cứ đúng 6 giờ là nó thức dậy, quốc ca thay cho đồng hồ báo thức. Xem thế thì chuyện thượng kỳ mỗi sáng cũng không đến nỗi vô ích. Thế rồi nó thay quần áo, ra nhà vệ sinh đánh răng rửa mặt. Mà chuyện đánh răng rửa mặt của nó rất là mất thì giờ. Đến nỗi tưởng như nó lấy từng cái răng ra chùi rửa cẩn thận rồi mới nhét trở lại không bằng. Về lại phòng là vuốt cho thẳng cái khăn mặt, treo thẳng thớm lên móc áo. Bót đánh răng và xà phòng trả ngay ngắn vào ngăn kéo. Xong rồi nó mở máy nghe đài, bắt đầu tập thể dục theo đài.
Tôi hay thức khuya, lúc đã ngủ thì ngủ rất say. Giờ nó bắt đầu tập thể dục theo đài thì lắm lúc tôi vẫn còn mê man ngủ. Thế nhưng, đến phần nhảy tại chỗ của nó thì tôi phải thức dựng đứng lên ngay. Chứ mỗi cú nhảy của nó, mà tay nầy lại nhảy rất cao, làm cái đầu của tôi cũng phải nhảy theo, lên xuống có đến 5 phân trên mặt gối, hỏi làm sao mà ngủ cho được. Chịu đựng đến ngày thứ tư, tôi bảo nó:
_"Xin cậu. Thể dục theo đài thì làm trên sân thượng có được không? Chứ cậu làm ở đây thì tôi không làm sao ngủ được".
_"Ấy, đâu có được". Nó trả lời. _"Làm trên sân thượng thì tụi ở tầng ba kêu ca. Còn ở đây tầng trệt, dưới đâu có ai".
_"Vậy cậu ra sân giữa mà tập".
_"Ra đấy không được đâu. Dù thế nào, cũng không có đài bán dẫn để có nhạc. Mà không có nhạc thì không thể tập-theo-đài tốt được".
Đúng là nó chỉ có máy nghe đài chạy điện nhà, tôi thì có đài bán dẫn nhưng lại chỉ nghe được các băng tần FM thôi, không có nhạc cho thể dục theo đài.
_"Thôi thì cậu vặn nhạc nhỏ lại, và bỏ cái khoản nhảy tại chỗ hộ tôi tí. Chứ cậu nhảy thì cả người tôi cũng nhảy tưng tưng theo ấy. Chịu phiền tí nhé?"
_"Nhảy tại chỗ gì?" Nó ngạc nhiên. _"Nhả ... nhảy ... nhảy gì kia?"
_"Đấy, có đoạn cậu nhảy tưng tưng lên ấy mà".
_"Nào có đâu".
Tôi cảm thấy nhức đầu, thôi thì mặc nó muốn làm gì thì làm. Nhưng đã lỡ nói ra rồi, đến đây mà rút lui thì cũng không được, nên tôi vừa hát bài đệm thể thao thứ nhất của đài phát thanh quốc gia NHK, vừa nhảy tưng tưng trên sàn phòng.
_"Đây, đoạn nầy nầy. Có đấy chứ sao không".
_"À, có đoạn nhả ... nhảy ... nhảy thật đấy nhỉ. Có để ý đâu".
_"Thì đấy". Tôi năn nỉ. _"Chỉ đoạn ấy thì cậu bỏ hộ cho. Các đoạn khác tôi gắng chịu được".
_"Không được". Nó nói thẳng thừng. _"Đâu có đoạn nào mà bỏ được. Mười năm liên tiếp tập thế rồi, cứ bắt đầu là không cần suy nghi ... nghĩ ... nghĩ gì cũng làm đủ một chuỗi các động tác ấy. Bỏ một đoạn là tịt ngay, không sao làm hế ... hết ... hết được".
_"Vậy cậu đừng tập gì cả là xong".
_"Nói thế không tố ... tốt ... tốt đâu. Sao lại ra lệnh cho người ta".
_"Nầy, tôi có ra lệnh gì đâu. Tôi chỉ muốn được ngủ ít nhất là đến 8 giờ. Mà cho dù có phải thức dậy sớm hơn thì cũng muốn tự mình thức dậy tự nhiên thôi, chứ không muốn bị đánh thức như kiểu súng lệnh chạy đua giành bánh ấy. Chỉ có thế thôi. Cậu hiểu cho tôi không?"
_"Chừng ấy thì hiểu chứ".
_"Vậy, cậu nghĩ thế nào?"
_"Thế thì, cậu cũng dậy tập thể dục theo đài với tớ là tốt nhất chứ gì".
Tôi chán nản, ngủ lại. Và nó sau đó vẫn tiếp tục thể dục theo đài, ngày nào như ngày nấy.
*
Tôi kể chuyện bạn cùng phòng và cách tập thể dục theo đài của nó cho em nghe, em cười khúc khích. Không định kể chuyện cười, mà rồi kết cuộc tôi cũng cười theo. Đã lâu lắm tôi mới được thấy lại nét em cười, dù chỉ trong giây phút rồi tan biến đi mất.
Tôi và em rời tàu điện ở ga Yotsuya, bước đi trên con đê ven đường rầy tàu điện, về hướng Ichigaya. Một buổi chiều chủ nhật của tháng Năm. Cơn mưa buổi sáng đã dứt đâu khoảng trưa, những đám mây màu tro u ám, trĩu thấp nặng nề, đã bị luồng gió Nam thổi bay đi mất. Đám lá anh đào màu xanh đậm đà theo gió xao động lấp lánh. Ánh nắng đã bắt đầu có mùi hương tinh khôi của những ngày đầu mùa hạ. Những người đi ngược chiều phần nhiều đã cởi áo khoác, áo len, vắt lên vai. Sân quần vợt có những thanh niên chỉ mặc quần đùi ngắn, quơ những chiếc vợt vành kim loại lấp lánh phản chiếu mặt trời chiều.
Chỉ có hai bà phước đang ngồi cạnh nhau trên băng ghế là còn mặc áo chùng mùa đông màu đen phủ kín. Vậy mà cả hai như đang vui say câu chuyện, đến tưởng chừng mùa hạ vẫn còn ở nơi nào xa lắm.
Đi bộ đâu 15 phút là mồ hôi đã rịn ra khắp lưng áo. Tôi cởi bớt chiếc áo sơ-mi bằng vải dày, chỉ còn mặc áo lót. Em cuốn tay áo của chiếc áo thể thao màu tro nhạt lên đến khủy tay. Chiếc áo qua nhiều lần giặt đã phai nhạt đi, tôi tưởng chừng đã thấy em mặc từ kiếp nào xa lắm. Nhưng chỉ có cảm giác thế thôi. Dạo nầy tôi không nhớ ra được tinh tường nhiều sự việc; tất cả mọi chuyện đều như xảy ra từ kiếp nào xa lắc.
_"Sống chung với người khác có vui không anh?". Em hỏi.
_"Nào biết đâu. Đã sống chung thế được bao lâu đâu mà biết".
Em dừng chân lại trước vòi nước uống, uống một ngụm nhỏ, rồi lấy khăn tay trong túi quần ra lau miệng. Em cúi xuống cột lại dây giầy quần vợt.
_"Em có sống như thế được không nhỉ?"
_"Sống chung với người khác ấy à?"
_"Vâng". Em nói.
_"Thấy vậy chứ cũng có nhiều chuyện phiền phức hơn mình tưởng đấy. Chẳng hạn như các quy luật nhỏ nhặt, hay chuyện thể dục theo đài ấy".
_"ƯØ nhỉ". Em nói, suy nghĩ một lúc rồi nhìn sâu chăm bẳm vào mắt tôi. Mắt em trong suốt một cách dị thường. Tôi lạ lùng sao từ lâu không để ý mắt em trong suốt đến như thế. Cảm giác trong suốt dị kỳ, như nhìn vào khoảng không.
_"Vậy mà, đôi khi em nghĩ cần phải sống chung như thế. Nghĩa là ..."
Em nói, mắt vẫn nhìn sâu vào mắt tôi, môi cắn nhẹ, rồi em nhìn xuống.
_"Em cũng chẳng hiểu nữa. Mà thôi vậy ..."
Đối thoại ngưng ở đấy. Em lại tiếp tục bước đi.
Đã nửa năm rồi tôi không gặp em. Trong vòng nửa năm ấy, em đã gầy đi trông thấy. Đôi má phính đặc trưng ngày nào đã biến đâu mất, chiếc cổ tròn cũng đã thon nhỏ hơn. Thế nhưng em hoàn toàn không có vẻ xương xẩu gì cả. Tôi lại thấy em xinh đẹp hơn bao giờ. Định nói với em điều ấy, nhưng rồi chẳng biết nói như thế nào, đành thôi.
Hai đứa đến Yotsuya nầy cũng chẳng phải vì có mục đích gì, chỉ tình cờ gặp nhau trong tàu điện trên tuyến đường trung ương. Cả tôi lẫn em đều không có dự định gì. Em bảo xuống xe đi, tôi cũng nghe theo. Xuống rồi mới biết là ga Yotsuya. Còn lại hai người mà thật cũng chẳng có chuyện gì để nói. Tôi không hiểu em bảo tôi cùng xuống ga nầy vì lý do gì. Ngay từ đầu, đã không có chuyện gì cần nói với nhau.
Rời ga xong, em chẳng nói gì, xăm xăm bước đi. Tôi cũng bước như đuổi theo em. Giữa em và tôi vẫn có khoảng cách chừng một thước. Tôi bước đi vừa nhìn lưng em. Rồi thỉnh thoảng em ngoái đầu lại nói, và tôi có lúc trả lời được, có lúc không biết trả lời sao. Cũng có lúc em nói gì tôi không nghe rõ. Nhưng em có vẻ không để ý gì đến điều ấy. Nói điều muốn nói xong, em quay đầu lại phía trước mà tiếp tục bước tới.
Hai đứa rẽ phải ở khoảng Iidabashi, rời khỏi hào, vượt qua ngã tư Jinbocho, leo dốc Ochanomizu, xuyên qua khu Hongo. Rồi đi dọc theo đường tàu điện lộ thiên, đến tận Komagome. Khoảng cách khá xa. Đến Komagome thì trời đã tắt nắng.
_"Đây là đâu anh?"
_"Komagome đấy". Tôi đáp. _"Đi một vòng xa quá".
_"Đến đây làm gì thế?"
_"Em dẫn đi cơ mà. Anh chỉ đi theo đấy thôi".
Hai đứa vào quán mì Nhật cạnh ga, ăn nhẹ. Từ lúc gọi mì cho đến khi ăn xong không nói một lời nào. Tôi thì đi bộ mệt, thân thể gần như rã ra, còn em có vẻ suy nghĩ gì lung lắm.
_"Em có sức gớm nhỉ?" Tôi nói sau khi ăn mì xong.
_"Ngạc nhiên lắm hả?"
_"Ừ".
_"Xem thế nầy chứ hồi trung học đã là tuyển thủ chạy đường dài đấy nhé. Thêm vào đấy, bố em thích leo núi, nên hồi nhỏ, cứ chủ nhật là đi leo núi. Cho nên bây giờ vẫn lưng vững chân mạnh đấy chứ".
_"Nhìn thì chả thấy thế đâu".
Em cười.
_"Thôi, để anh đưa về nhé?"
_"Không phiền anh đâu, em về một mình được mà. Khỏi phải lo".
_"Anh hoàn toàn không bận gì cả đâu".
_"Thật tình không sao đâu, em về một mình quen rồi".
Thật ra, em nói cho như thế, tôi cũng nhẹ nhõm một phần. Nhà trọ của em, phải đi tàu điện hơn một tiếng đồng hồ mới đến nơi, mà suốt quãng đường ấy, hai đứa không có chuyện gì để nói, cứ im lặng tựa lưng vào ghế như thế, cũng chán. Kết cuộc, em về một mình, và tôi chịu phần trả tiền bữa ăn. Lúc sắp chia tay, em nói:
_"Anh nầy, nếu tiện ... nếu không có gì phiền, có thể gặp nhau nữa không? Tất nhiên, em vẫn biết là không có quyền gì để hỏi như thế cả".
_"Có gì mà phải nói đến chuyện quyền?" Tôi ngạc nhiên.
Em thoáng đỏ mặt, có lẽ vì thấy tôi ngạc nhiên.
_"Khó nói quá". Em phân trần. Em bối rối cuốn hai tay áo lên đến khủy tay xong lại cuốn ngược trở lại. Ánh đèn nhuộm những lông măng trên cánh tay em màu vàng óng thật đẹp.
_"Em không định nói là quyền. Định nói một lời gì khác kia".
Em tựa khủy tay lên bàn, nhắm đôi mắt lại tìm lời nói cho đúng, nhưng lời nói ấy không thấy đâu.
_"Không sao cả đâu". Tôi nói.
_"Không làm sao nói cho đúng ý mình được. Dạo nầy em cứ bị thế mãi. Lúc nào có chuyện định nói, cũng chỉ có những lời nói trật chìa thốt ra, lúc thì sai, lúc thì hoàn toàn ngược lại với điều muốn nói. Rồi vì muốn đính chính những lời ấy, lại nghĩ ra những lời sai hỏng khác, cứ xáo trộn cả lên mà nói trật chìa hết. Cảm thấy như thân thể tách ra làm hai, nửa nầy đuổi bắt nửa kia. Như ngay chính giữa có cây cột thật to, hai nửa ấy cứ đuổi nhau chạy vòng vòng quanh chiếc cột. Lời nói đúng ý mình thì lại nằm trong nửa kia, còn em trong nửa nầy cứ phải chạy đuổi theo mà không bao giờ bắt kịp".
Em đặt cả hai bàn tay xuống bàn, nhìn tôi đăm đăm, nói tiếp:
_"Điều ấy, anh hiểu được không?"
_"Cảm giác ấy không ít thì nhiều ai cũng có đấy". Tôi nói. _"Ai cũng có lúc không sao diễn tả được ý mình, nên thấp thỏm, thế thôi".
Nghe tôi nói thế, em có vẻ thất vọng.
_"Điều đó khác chứ". Nhưng em chỉ nói thế, không thêm gì hơn.
Tôi nói: _"Gặp nhau cũng đâu có sao. Bề nào anh cũng đang rảnh. Không làm gì cả thì chi bằng đi bộ với nhau như thế nầy lại tốt cho thân thể hơn".
Hai đứa chia tay ở ga. Tôi nói: _"Em về". Em cũng nói em về.
*
Lần đầu tiên tôi gặp em là khoảng mùa xuân năm tôi học năm thứ hai trung học. Em cùng tuổi với tôi, và đang học trường Dòng con gái dành cho con nhà gia giáo. Giới thiệu em cho tôi là đứa bạn thân của tôi. Hắn và em là người yêu của nhau. Hai người là bạn chơi với nhau từ hồi còn bé, từ Tiểu học. Hai nhà cách nhau chừng trăm thước. Cũng giống như nhiều cặp bạn bè từ thời thơ ấu, hai người không có nguyện vọng muốn gặp riêng chỉ hai người với nhau, mà thường qua nhà nhau ăn uống vui đùa chung với cả gia đình. Tôi có vài lần cũng đi chơi hẹn hò hai cặp cùng với họ, nhưng lần nào cặp của tôi cũng không đạt đến kết quả luyến ái nào, nên cuối cùng, tôi cùng hắn và em trở thành một bộ ba đi chơi với nhau. Mà như thế lại thoải mái nhất. Vai trò của tôi là khách, hắn là chủ, và em vừa đóng vai phụ tá, vừa đóng vai chính.
Hắn đóng vai trò chủ chốt rất tài tình. Có khuynh hướng châm chọc người khác có hơi thẳng thừng, nhưng bản tính vốn tử tế và công bình. Hắn châm chọc cả tôi lẫn em bằng những lời bỡn cợt không phân biệt bạn hay người yêu. Thấy bên nào yên lặng là hắn lại gợi chuyện rất khéo để bên ấy tham gia vào câu chuyện chung. Hắn có khả năng nắm bắt tình hình tức khắc và đối ứng thích đáng. Hắn lại có cái tài ít người có là nhìn thấy được nhiều điểm lý thú ngay trong những câu chuyện nghe qua chẳng thú vị gì của người đối thoại. Thế nên nói chuyện với hắn, tôi nhiều lúc cảm thấy như mình cũng đang sống một đời lý thú.
Nhưng một khi hắn rời đi là tôi và em chẳng còn biết nói chuyện gì với nhau. Hầu như giữa tôi và em không có câu chuyện gì chung. Những lúc như thế, tôi và em thường chẳng trao đổi lời nào, chỉ mân mê cái gạt tàn thuốc trên bàn, hay nhấm nháp ly nước, chờ hắn trở lại. Có mặt hắn thì lại chuyện trò rôm rả như trước.
Ba tháng sau đám tang hắn, tôi và em chỉ gặp nhau một lần. Có chút chuyện cần nên hẹn gặp nhau ở quán trà. Chuyện cần ấy giải quyết xong thì rồi chẳng có chuyện gì để nói với nhau. Sau đó, tôi có thử gọi điện thoại cho em vài lần, nhưng lần nào câu chuyện cũng chấm dứt nửa chừng. Thêm vào đó, cách nói chuyện của em khiến tôi cảm thấy vương vướng góc cạnh gì đấy. Có vẻ như em giận tôi vì một lẽ gì đấy mà tôi không hiểu. Rồi tôi và em xa nhau.
Có thể em giận tôi vì người cuối cùng gặp được hắn lại là tôi mà không phải là em. Nói thế có lẽ không nên, nhưng mà tôi có thể thông cảm tâm tình ấy. Tôi muốn hiểu cho em, nếu được. Nhưng mà kết cuộc chuyện đã xảy ra như thế thì đâu có thể làm gì được nữa. Chuyện một khi đã xảy ra rồi thì cố gắng cách mấy đi nữa, cũng đâu có thể xoá đi làm lại được.
*
Buổi chiều tháng Năm ấy, tôi và hắn trên đường từ trường về, nói cho đúng thì không phải học xong, mà là bỏ buổi học nửa chừng, ghé quán bi-da chơi khoảng 4 ván. Tôi chỉ thắng ván đầu, còn thì hắn tóm gọn cả 3 ván sau, nên đúng như giao hẹn, tôi đã trả trọn tiền bàn.
Đêm ấy, hắn chết trong nhà xe. Ống cao su nối vào ống thải khí của chiếc xe N360 [4], dẫn vào trong xe đã đóng cửa kín mít, và băng nhựa to bản đã bít kín các khe hở cửa sổ, cứ như thế mà cho nổ máy xe. Không hiểu bao lâu sau thì hắn chết, chỉ biết bố mẹ hắn đi thăm người bà con bị bệnh trở về thì thấy hắn đã chết rồi. Máy nghe đài trong xe vẫn mở suốt. Kẹp vào que gạt nước mưa trên kính xe là tấm biên nhận của cây xăng.
Di thư đã không có mà động cơ tự sát cũng không ai hiểu. Là người đã gặp hắn lần cuối cùng, tôi bị cảnh sát thẩm vấn. Tôi khai là hoàn toàn không thấy có triệu chứng gì khác thường ở hắn, vẫn y như mọi ngày tôi gặp hắn. Có ai định tự sát mà lại thắng liên tiếp 3 ván bi-da đâu. Cảnh sát có vẻ có ấn tượng không mấy tốt về cả hắn lẫn tôi. Chắc họ nghĩ những đứa mới trung học mà đã trốn học đi đánh bi-da, thì có tự sát cũng không có gì lạ. Chỉ có một mảnh tin nhỏ trên báo, chấm dứt sự kiện. Chiếc N360 màu đỏ của hắn đã xử trí xong. Bàn học của hắn trong lớp được chưng hoa trắng một thời gian.
Lúc vừa xong trung học, lên Tokyo, tôi chỉ tâm niệm một điều duy nhất. Đó là việc gì cũng vậy, gắng không suy nghĩ thâm sâu quá. Tôi dặn lòng là phải quên quách đi cái bàn bi-da phủ vải nhung màu lục, chiếc N360 màu đỏ, cánh hoa trắng trên bàn học, ... Cả cục chặn giấy nặng trịch đặt trên bàn ở phòng tra vấn của cảnh sát. Tất cả mọi thứ, phải quên hết đi. Lúc đầu thấy có vẻ thuận chiều như ý định ấy thật. Thế nhưng trong trí tôi vẫn có cái gì đấy, lởn vởn mơ hồ như không khí. Theo với thời gian, không khí đó bắt đầu kết tụ rõ rệt dần, thành một thứ hình dạng đơn giản, mà tôi có thể dùng lời nói để phô diễn như thế nầy: "Tử không phải là đối cực của Sinh, mà tồn tại như một phần của Sinh". Nói quách ra thành lời như thế thì hoá ra có vẻ tầm thường đến phát chán. Hoàn toàn tổng quát. Nhưng mà lúc bấy giờ, tôi đã cảm nhận điều đó, không phải bằng lời nói như thế, mà như một khối không khí bên trong thân thể mình. Cái chặn giấy cũng vậy mà 4 trái banh bi-da sắp hàng trên bàn bi-da cũng vậy, Tử đã tồn tại sẵn bên trong. Và mọi người giống như đã hấp thụ Tử như hít một hạt bụi li ti vào sẵn trong phổi mình mà tiếp tục sống.
Từ trước, tôi nhận thức Tử như một tồn tại độc lập, phân ly khỏi mọi thứ gì khác trên đời. Nói rõ hơn: Tử một ngày nào đó chắc chắn sẽ tóm được ta. Nhưng thế cũng có nghĩa ngược lại là cho đến khi Tử tóm được ta, thì ta vẫn chưa bị Tử tóm. Đối với tôi, như thế là tư duy vô cùng nghiêm trang và luận lý. Sinh hiện hữu ở phía bên nầy, còn Tử hiện hữu ở phía bên kia.
Nhưng cái đêm bạn tôi chết mất đi đã vạch một lằn ranh, từ đó tôi không còn có thể nhận thức Tử một cách đơn thuần như thế nữa. Tử không phải là đối cực của Sinh. Tử đã có sẵn trong Sinh rồi. Cố gắng cách mấy đi nữa, tôi cũng không thể quên được điều ấy. Bởi vì cái đêm tháng Năm tôi 17 tuổi đó, Tử đã bắt đi bạn tôi mà cũng vừa bắt được cả tôi nữa.
Tôi nhận thức rõ ràng như thế, đồng thời, tôi vừa tránh không suy nghĩ thâm sâu về điều ấy. Mà làm thế là chuyện vô cùng khó khăn cho tôi, lúc ấy mới 18 tuổi, còn non dại quá để có thể truy cứu đến trọng tâm của chuyện đời.
*
Từ ngày ấy, tôi vẫn tiếp tục hẹn hò với em mỗi tháng một hai lần. Nói hẹn hò cũng tạm đúng, mà tôi cũng không tìm ra chữ nào thích đáng hơn.
Dạo ấy, em theo học một đại học dành cho nữ sinh ở ngoại vi Tokyo, một đại học xinh xắn và trang nhã nổi tiếng. Từ nhà trọ của em đi bộ đến trường không đến 10 phút. Trên đường có lạch nước thật đẹp, thỉnh thoảng em vẫn dạo quanh đấy. Có vẻ em không có bạn bè nào. Em vẫn nói nhỏ giọt như trước. Mà tôi cũng ít nói vì thật cũng chẳng có gì cần nói. Gặp nhau, hai đứa cũng chỉ im lặng bước đi. Nhưng không vì thế mà hoàn toàn không có tiến triễn gì cả đâu. Khoảng gần hết kỳ nghỉ hè thì em dần dần đã bước sóng đôi bên cạnh tôi một cách tự nhiên. Vai bên vai, lên dốc xuống dốc, qua cầu qua đường, hai đứa đã đi bên nhau rất lâu. Cứ đi bên nhau như thế chẳng cần phải đến đâu hay làm gì. Đi một hồi, lại ghé vào quán cà-phê, uống xong lại tiếp tục đi. Chỉ có thời tiết là thay đổi, mùa nầy tiếp mùa khác trôi qua như thay phim dương bản. Mùa thu đến, sân giữa của cư xá phủ đầy những lá khô của cây cử. Áo len mặc vào đã có hương của mùa mới. Tôi cũng mới mua một đôi giày da Thụy điển.
Mùa thu qua, khi gió lạnh bắt đầu thổi, thỉnh thoảng em tựa người vào cánh tay tôi. Xuyên qua lớp vải dày của chiếc áo khoác có mũ, tôi cảm nhận được nhịp thở của em. Nhưng chỉ có thế thôi. Tôi vẫn đút hai tay vào túi áo khoác, bước đi như mọi khi. Cả tôi lẫn em đều đi giày đế cao su nên thường không nghe tiếng chân bước. Chỉ khi nào dẫm lên lá ngô đồng khô nhăn nhúm mới nghe có tiếng chân khô khốc. Có vẻ em không tựa lên cánh tay tôi, mà em đang tựa lên cánh tay ai đó. Em không tìm hơi ấm của tôi, mà em đang tìm hơi ấm của ai đó. Không biết có đúng như thế không, nhưng quả thật tôi đã có cảm giác như thế.
Tôi càng thấy đôi mắt em trong suốt hơn trước, cái vẻ trong suốt chơi vơi mãi như thế. Đôi lúc dưng không em nhìn sâu đăm đăm vào mắt tôi, làm dấy lên trong lòng tôi một nỗi buồn man mác.
Tụi bạn trong cư xá hễ thấy tôi ra đi mỗi khi nhận được điện thoại của em ngày chủ nhật, là trêu chọc. Không trách được tụi nó nghĩ là tôi có người yêu. Mà tôi cũng mặc kệ tụi nó, vì không sao giải thích được, mà cũng chẳng có lý do gì phải giải thích. Từ chỗ hẹn hò trở về là thế nào cũng bị một tên trong bọn hỏi chuyện làm tình có "đã" không. Và lần nào tôi cũng đáp: cũng tàm tạm.
Cứ thế, tuổi 18 của tôi cũng qua đi. Mặt trời lên, mặt trời lặn, quốc kỳ lên, quốc kỳ xuống. Chủ nhật thì hẹn hò với người yêu của bạn mình đã chết. Tôi hoàn toàn chẳng biết mình đang làm gì lúc nầy, và sẽ làm gì từ đây về sau. Ở lớp học, tôi đọc Claudel, đọc Racine, đọc Eisenstein, thấy họ viết câu văn nào ra câu văn ấy. Nhưng cũng chỉ học có thế thôi. Tôi hầu như không có bạn bè nào trong lớp học. Giao tế với tụi bạn trong cư xá thì vẫn không có gì thay đổi. Thấy tôi như lúc nào cũng đọc sách, tụi nó nghĩ tôi định sẽ là tiểu thuyết gia, nhưng thật tình tôi chẳng muốn thành tiểu thuyết gia, mà cũng chẳng muốn thành gì cả.
Tâm tình ấy, tôi đã lắm lần định tỏ bày với em. Tôi mường tượng rằng em thì có thể hiểu đúng được điều tôi nghĩ. Nhưng rồi tôi cũng không nói được với em. Như có lần em đã nói, lúc nào tôi cố tìm cho ra lời chính xác để diễn đạt ý mình, thì lời chính xác ấy cũng rời xa khỏi tầm tay với của tôi mà chìm tuốt xuống hố tối thăm thẳm.
Cứ đến tối thứ bảy là tôi lại ngồi trên ghế ở hành lang cư xá, chờ điện thoại của em. Có khi suốt ba tuần không có điện thoại, cũng có khi có điện thoại hai tuần liên tiếp. Nhưng dù có hay không có, mỗi tuần cứ đến tối thứ bảy là tôi lại ngồi trên ghế ở hành lang cư xá, chờ điện thoại của em.
Tối thứ bảy, phần lớn sinh viên trong cư xá đều đi chơi cả rồi nên hành lang thường im vắng. Tôi ngồi nhìn đăm đăm vào những hạt ánh sáng nổi lên trong cái không gian trầm mặc ấy, cố gắng xác định lòng mình. Người ta, ai cũng tìm kiếm cái gì đấy từ người nào đấy. Hẳn thế, nhưng từ đó trở đi thì tôi không hiểu gì hơn. Chỉ một chút xíu ngay trước ngón tay tôi với ra đã là bức tường không gian mờ ảo.
Trong mùa đông, tôi đi làm thêm ở một quán nhỏ bán đĩa nhạc ở Shinjuku. Dịp Giáng Sinh, tôi đã tặng em đĩa nhạc hoà tấu Henri Mancini có bản "Dear Heart" mà em thích. Tôi đã tự mình bao giấy bóng, gắn thêm nơ màu hồng nữa. Giấy bao đặc biệt cho dịp Giáng Sinh có hình những cây thông xanh. Em đan cho tôi bao tay bằng chỉ len, ngón tay cái có hơi ngắn, nhưng mà ấm áp. Kỳ nghỉ đông ấy, em không về quê, nên tôi đến nhà trọ của em ăn tối trong mấy ngày đầu năm.
Mùa đông năm ấy đã có nhiều sự kiện xảy ra. Cuối tháng Giêng, bạn cùng phòng với tôi đã sốt đến 40 độ, nằm liệt hai ngày. Vì vậy, tôi đã phải bỏ hẹn với em. Tên bạn như sắp chết đến nơi rồi, mà tôi bỏ đi cũng không đành. Ngoài tôi ra, nó chẳng có ai coi sóc giùm cho. Tôi mua nước đá về bỏ trong bao nhựa để chườm cho nó, lấy khăn tẩm nước lạnh lau mồ hôi cho nó, và cứ mỗi giờ lại đo thân nhiệt một lần. Nguyên một ngày, nhiệt không suy giảm. Nhưng sáng hôm sau, nó nhổm bật dậy như đã chẳng có chuyện gì xảy ra, và thân nhiệt cũng đã hạ xuống chỉ còn 36 độ 2.
_"Lạ quá". Nó nói. _"Từ trước đến nay, có khi nào tôi bị nóng đâu".
_"Nóng suốt hôm qua đấy cậu". Tôi nói, rồi chìa cho nó xem hai cái vé mời nghe nhạc vì nó bệnh mà tôi và em đã phải bỏ phí.
_"May là vé mời không tốn tiền, nên không sao cả nhỉ". Nó nói!
*
Tháng hai có vài lần tuyết rơi. Khoảng cuối tháng hai, vì một chuyện chẳng đáng gì, tôi gây gổ và đánh một sinh viên lớp trên ở cùng dãy trong cư xá, tống đầu vào tường xi-măng. Rất may, không bị thương tích gì cả. Tôi bị gọi lên phòng trưởng cư xá nhận cảnh cáo. Do thế mà thấy bực bội trong đời sống cư xá.
Rồi tôi lên năm thứ hai, 19 tuổi. Tôi rớt vài môn học, thành tích hầu như toàn C với D, chỉ một ít được B. Còn em thì lên năm thứ hai không rớt một môn học nào. Thế mà đã một vòng bốn mùa qua rồi.
Đến tháng sáu thì em 20 tuổi. Tôi có cảm giác là lạ: em mà 20 tuổi rồi sao. Thấy như cả tôi lẫn em đều thật sự chỉ qua lại ở tuổi 18 và 19. Hết 18 đến 19, hết 19 đến 18. Như thế thì còn hiểu được. Nhưng mà em 20 tuổi thật rồi. Và tôi cũng sắp 20 mùa đông tới. Chỉ có người đã chết mới ở mãi tuổi 17 thôi.
Sinh nhật em, trời mưa. Tôi mua bánh ngọt ở Shinjuku, leo tàu điện đến nhà trọ của em. Tàu điện đông người mà lại chao đảo nữa, vì thế, chiều tối khi tôi lê được đến nhà em trọ thì chiếc bánh đã nát như di tích cổ thành La Mã. Dù sao, vẫn cứ dựng lên bánh 20 cây đèn cầy, châm diêm đốt. Màn cửa sổ đóng lại, tắt đèn trần đi thì cũng khá có không khí sinh nhật. Em mở một chai rượu vang. Hai đứa ăn bánh, và một bữa ăn tối nhẹ.
_"Hai mươi tuổi! nghe có vẻ ngớ ngẩn thế nào ấy". Em nói.
Aên xong, hai đứa cùng thu dọn chén đĩa rồi ngồi xuống sàn uống nốt chai rượu vang. Tôi xong 1 cốc thì em đã uống hết 2 cốc.
Điều lạ là hôm ấy, em nói rất nhiều. Chuyện thời con nít, chuyện trường học, chuyện gia đình, chuyện nào cũng dài dòng. Không chỉ dài dòng mà chuyện nào cũng rành mạch, tỉ mỉ. Chuyện nầy đang kể nửa chừng thì bắt qua chuyện kia như một phần của chuyện đang kể, rồi chuyện kia lại bắt qua chuyện nọ nằm trong chuyện kia, cứ thế mà tiếp tục. Liên miên không dứt. Lúc đầu tôi cũng gắng gật gù đệm nhịp, cuối cùng phải chịu thua. Tôi cho chạy đĩa hát như để đệm nhịp cho em nói, đĩa nầy xong đổi đĩa khác. Một vòng hết đĩa lại quay về đĩa đầu tiên. Bên ngoài trời vẫn chưa thôi mưa. Thời gian từ từ trôi, em vẫn chưa thôi nói một mình.
Đến khi đồng hồ chỉ 11 giờ đêm, ngay cả tôi cũng đâm ra lo sợ. Em đã nói liên tục như thế suốt hơn 4 giờ đồng hồ rồi. Giờ tàu cuối của tôi cũng gần kề. Tôi chẳng biết làm sao, nửa thì nghĩ cứ để cho em nói cho đến khi nào em hết chuyện, nửa thì nghĩ hay là rình chỗ nào ngắt được thì xen vào bắt em ngừng nói. Băn khoăn như thế một hồi, cuối cùng tôi quyết định ngăn em lại, bởi dù gì đi nữa thì em cũng đã nói quá lâu rồi.
_"Nán lại trễ quá cũng không tốt, thôi anh về đây". Tôi nói. _"Rồi lại gặp nhau ngay ấy mà".
Không hiểu điều tôi nói có truyền được đến em không. Em ngưng trong giây lát, rồi lại nói tiếp. Tôi đành chịu thua, châm thuốc hút. Ngó bộ cứ để cho em nói kỳ hết những điều muốn nói là hơn. Đến đâu hay đó vậy.
Nhưng chuyện em nói đến đấy cũng không còn bao nhiêu. Sực nhìn lại thì em đã ngừng rồi. Lời nói cuối như bị ngắt đuôi, treo lơ lửng trên không. Chính xác thì chuyện em nói đã ngừng đâu, chỉ đột nhiên mất hút nơi chốn nào thôi. Em vẫn còn gắng nói tiếp nhưng đã chẳng còn lời nào phía trước nữa để mà tiếp theo. Có gì đấy đã rơi đâu mất tăm. Em vẫn còn mở nhẹ môi, nhìn lơ đãng vào mắt tôi, như đang nhìn xuyên qua một màng mờ đục. Tôi cảm thấy như đã làm điều gì rất không nên. Tôi nói chậm rãi như xác nhận từng tiếng một:
_"Không định ngăn em lại, nhưng mà đã khuya quá rồi, vả lại ..."
Chưa nói xong, đã có dòng nước mắt ứa tràn mắt em chảy xuống gò má, rơi thành tiếng trên bìa đĩa nhạc. Một khi giọt nước mắt đầu tiên ứa ra, là dòng nước mắt tuôn theo không dứt. Chống hai bàn tay xuống sàn phòng, em gập người lại khóc như người đang nôn thốc. Hầu như vô thức, tôi nhè nhẹ vươn tay chạm vai em đang rung lên từng đợt ngắn. Tôi bàng hoàng kéo em lại. Em gục mặt lên ngực tôi, khóc không thành tiếng. Hơi thở nóng ấm và nước mắt em ướt đẫm áo tôi. Mười ngón tay em lang thang tìm kiếm gì đấy trên lưng tôi. Tay trái tôi ôm giữ thân hình em, tay phải vuốt làn tóc sợi nhỏ của em. Trong tư thế ấy một lúc thật lâu, tôi chờ em nín khóc, nhưng em vẫn khóc mãi, khóc mãi như không bao giờ ngưng.
*
Đêm ấy, tôi ngủ với em. Tôi không biết làm thế có nên hay không. Nhưng mà làm thế nào khác được?
Đã lâu lắm rồi tôi không ngủ với người con gái nào. Với em, thì đấy là lần đầu. Tôi hỏi thử rằng sao em đã không ngủ với hắn. Hỏi xong mới sực nghĩ là không nên. Em không trả lời. Tay em rời thân thể tôi. Em quay lưng lại phía tôi, nhìn mưa rơi ngoài khung cửa sổ. Tôi vừa hút thuốc vừa nhìn lên trần nhà.
Tảng sáng, mưa ngưng. Em vẫn còn ngủ, quay lưng về phía tôi. Mà cũng có thể em đã thức suốt đêm qua. Đối với tôi thì đằng nào cũng thế thôi. Trầm mặc lại chiếm trọn lấy em như dạo trước. Tôi nằm yên ngắm chiếc lưng em trắng muốt như thế một hồi lâu, rồi biết không thể làm gì hơn, tôi đứng lên rời khỏi giường. Dưới sàn vẫn còn vương vãi những bìa đĩa nhạc từ tối qua. Trên bàn ăn vẫn còn nửa cái bánh sinh nhật lở dở. Y như rằng thời gian đã ngưng đọng lại ở đấy. Trên bàn học có cuốn tự điển và bản chia động từ tiếng Pháp. Tường trước bàn học có treo cuốn lịch không có hình chụp hay hình vẽ gì, chỉ toàn số, trắng trinh, không có vết ghi nhớ, đánh dấu gì trên ấy cả.
Tôi nhặt quần áo đã cởi bỏ ở chân giường, mặc vào người. Chỗ ngực áo vẫn còn ẩm lạnh, áp gần mặt vẫn còn hương tóc em.
Tôi viết vào mảnh giấy ghi nhớ đặt trên bàn học: muốn em sớm điện thoại cho tôi, rồi rón rén bước ra và đóng cửa phòng lại.
Một tuần trôi qua không có điện thoại của em. Nhà em trọ không chịu chuyển điện thoại gọi đến cho các phòng, nên tôi viết cho em một lá thư dài. Xúc cảm của mình, tôi muốn giải bày trên ấy càng trung thực càng tốt. Thật tình tôi không hiểu rõ rất nhiều điều, đã gắng tìm hiểu nhưng vẫn không đủ thời gian. Và thời gian đã trôi qua mà tôi vẫn không biết mình đang ở chốn nào. Nhưng tôi đã định nếu có thể thì không suy nghĩ quá sâu sắc về điều gì. Đời sống quá mơ hồ để có thể suy xét sâu sắc; làm thế có thể lại đi đến chỗ bắt ép người chung quanh. Tôi thật chẳng muốn ép ai điều gì. Chỉ tha thiết muốn gặp em mà thôi. Có điều, tôi vẫn do dự như trước là gặp em như thế có nên không? Đấy là tất cả những điều tôi đã viết trong thư.
Đầu tháng bảy, tôi nhận được thư em trả lời, rất ngắn:
"Em định tạm thời nghỉ học một năm. Nói là tạm thời, nhưng có lẽ sẽ không trở lại trường nữa. Xin nghỉ học tạm chỉ là trên thủ tục mà thôi. Phòng trọ sẽ trả lại vào ngày mai. Anh có thể cho là chuyện đột ngột nhưng thật ra chuyện nầy em đã suy nghĩ từ lâu lắm rồi. Lắm lần cũng định bàn với anh nhưng rồi cũng không làm được vì sợ chuyện phải nói ra lời.
Xin anh đừng lo bất cứ điều gì. Cho dù có chuyện gì đã xảy ra, hoặc chuyện gì đã không xảy ra, đi nữa, thì em nghĩ kết cuộc rồi cũng như thế nầy thôi. Mà nói như thế nầy có khi lại làm anh buồn. Nếu thế thật thì xin anh tha lỗi. Em chỉ muốn nói rằng: xin anh đừng vì em mà trách mình hay trách ai khác. Chuyện nầy quả thật em phải nhận trách nhiệm hoàn toàn. Một năm nay, em đã lần lữa kéo dài, làm khổ cả anh rất nhiều. Có lẽ đến đây là giới hạn rồi.
Trong vùng núi Kyoto có một chỗ tịnh dưỡng tốt, nên em định tạm thời vào ở đấy. Không phải bệnh viện đâu, chỗ nầy an dưỡng tự do hơn nhiều. Chi tiết thì xin để dịp khác sẽ viết. Ngay bây giờ em không biết phải viết như thế nào cho phải. Ngay cả thư nầy, em cũng đã viết đi viết lại 10 lần rồi đấy. Suốt một năm nay, anh đã vì em mà ở bên em, lòng em biết ơn anh không lời nào diễn tả nổi. Xin anh tin em, dù chỉ một điều đó. Những gì khác thì em không dám nói. Những đĩa nhạc anh cho, em sẽ thương quý mãi mãi.
Em nghĩ một ngày nào đó, ở một nơi nào đó trên thế giới bấp bênh nầy, nếu mà em lại gặp được anh thì lúc ấy, có lẽ em sẽ tỏ bày rõ ràng được với anh rất nhiều điều.
Tạm biệt anh."
Tôi đã đọc đi đọc lại thư em vài trăm lần. Mỗi lần đọc là mỗi lần buồn bã không chịu nổi. Không khác gì nỗi buồn không có chỗ thoát mỗi lần em đăm đắm nhìn sâu vào mắt tôi, ngày trước. Tâm trạng ấy, tôi không ném vứt đi đâu được mà cũng không nhốt kín vào đâu được. Như gió, không có hình dung, không có trọng lượng. Bao nó ra ngoài thân mình cũng chẳng được. Phong cảnh ngoài đời qua đi chầm chậm trước mắt tôi. Tiếng người nói như không đến được tai tôi.
Vẫn như trước, cứ đến tối thứ bảy là tôi lại ngồi trên ghế ở hành lang hàng giờ. Không hy vọng gì có điện thoại của em, nhưng mà tôi không biết làm gì khác hơn. Tôi thường vặn máy truyền hình lên, giả vờ theo dõi chương trình truyền trực tiếp các trận bóng chày. Tôi ngồi đấy, nhìn đăm đăm vào khoảng không gian thăm thẳm giữa tôi và cái máy truyền hình. Mắt tôi chia khoảng không gian ấy ra làm hai, rồi lại chia làm hai, làm hai, làm hai, ... cho đến khi chỉ còn là không gian nhỏ nằm gọn trong lòng bàn tay tôi. Đến 10 giờ đêm, tôi tắt máy truyền hình, về phòng, ngủ.
*
Cuối tháng ấy, bạn cùng phòng cho tôi con đom đóm trong một lọ đựng cà-phê. Trong lọ chỉ có con đom đóm với một ít lá cỏ và nước. Trên nắp lọ có đục sẵn vài lỗ nhỏ cho không khí vào. Chung quanh vẫn còn sáng nên chỉ thấy như là một con sâu màu đen bên bờ nước, nhìn kỹ mới nhận ra là một con đom đóm. Đom đóm gắng sức bò lên thành thủy tinh trơn trợt, leo lên được một khúc lại trượt ngay xuống. Lâu lắm rồi tôi mới lại có dịp thấy côn trùng gần gũi như thế.
_"Bắt được nó ngoài vườn đấy. Khách sạn gần đây thả đom đóm ra để câu khách, cu cậu làm sao mà lại lạc sang đây đấy". Thằng bạn nói, tay vừa nhét áo quần, sách vở vào trong chiếc túi hàng hải. Nghỉ hè đã mấy tuần rồi, cư xá có lẽ chỉ còn lại vài đứa tụi tôi. Tôi thì không muốn về quê, nó thì bận thực tập. Mà nay thực tập cũng vừa xong, nó đang thu xếp đồ đạc để về quê.
_"Làm quà cho bạn gái tốt lắm đấy nhé. Chắc chắn là các cô thích lắm".
_"Cám ơn cậu". Tôi nói.
Đến tối thì cư xá im vắng hẳn. Quốc kỳ đã được kéo xuống cất đi. Cửa sổ phòng ăn thấp thoáng ánh đèn. Vì số sinh viên còn nán lại rất ít nên phòng ăn chỉ thắp sáng nửa số đèn thường ngày. Tắt dãy đèn bên phải, chỉ bật dãy đèn bên trái. Dù vậy, phòng ăn vẫn phảng phất mùi thức ăn tối, món hôm nay là thịt hầm rau và kem sữa.
Tôi mang lọ cà-phê đựng đom đóm lên sân thượng. Chẳng có bóng dáng người nào. Có ai bỏ quên chiếc áo sơ-mi trắng vắt trên dây phơi, trông như cái vỏ trắng phất phới trong gió đêm. Tôi leo chiếc thang sắt hoen rỉ ở góc sân thượng, lên trên nóc của tháp chứa nước. Tháp hình viên trụ, hấp thụ đầy ắp ánh nắng mặt trời từ sáng đến chiều tối nên vẫn còn ấm nóng. Ngồi xuống khoảng trống chật hẹp, tựa người vào tay nắm đầu thang sắt, tôi nhìn thấy nổi lên trước mặt, vầng trăng tròn trắng ngà chỉ hơi khuyết đi một tí. Thấy bên phải là vùng Shinjuku, bên trái là vùng Ikebukuro. Đèn trước của xe hơi chiếu sáng thành những dòng sông ánh sáng rực rỡ, chảy từ con đường nầy sang con đường khác. Bao nhiêu tiếng động khác nhau trộn lẫn thành chuỗi vang động ì ầm êm nhẹ như tầng mây nổi bên trên đường phố.
Ở đáy lọ, đom đóm toả ra chút ánh sáng mảnh mai, thứ ánh sáng quá yếu ớt, quá nhạt, không chút gì giống với thứ ánh đèn đom đóm trong trí nhớ của tôi, rỡ ràng, sắc sảo trong những đêm hè đen thẩm. Như thế mới đúng là ánh sáng đom đóm chứ. Có khi chú đom đóm nầy yếu quá, sắp chết đến nơi rồi. Tôi nắm miệng lọ lắc thử vài cái. Thân đom đóm đập vào thành lọ, bay lên được một tị, nhưng ánh sáng phát ra cũng chỉ yếu ớt mờ ảo như cũ. Có lẽ ký ức của tôi sai rồi. Có lẽ ánh sáng thực tế không rực rỡ như tôi nghĩ. Có lẽ chỉ là tôi tưởng lầm, thế thôi. Hoặc là lúc ấy, bóng đêm bao quanh tôi đã quá sâu thẳm chăng? Tôi thật không sao nhớ rõ được. Ngay cả chuyện lần cuối tôi nhìn thấy đom đóm là lúc nào, tôi cũng không nhớ ra được. Tôi chỉ nhớ tiếng nước âm thầm trong đêm tối ấy. Có cái cổng ngăn nước của cái đập xưa cũ bằng gạch, loại đập nước có tay quay xoay vòng để kéo cửa ngăn nước lên xuống. Dòng nước nhỏ như bị phủ kín trên mặt bởi đám cỏ nước, loại thường mọc ven bờ biển. Lúc ấy, chung quanh tôi tối đen. Phía trên vũng nước đọng ở cổng ngăn nước, bay lượn vài trăm con đom đóm, toát ra một khối ánh sáng vàng tươi, chiếu lên mặt nước những hạt lửa cháy đỏ.
Lúc nào thế nhỉ? Và ở đâu thế nhỉ? Chịu, không sao nhớ nổi. Bây giờ đây, bao nhiêu chuyện đã trộn lẫn vào nhau mất rồi, chẳng còn biết đầu đuôi gì nữa.
Tôi nhắm mắt lại, thở thật sâu vài lần để chỉnh đốn lại tâm tư của mình. Nhắm mắt lại thì có cảm giác như thân thể mình sắp bị cuốn hút vào trong đêm sâu thẳm mùa hạ ấy. Nghĩ lại thì đây là lần đầu tiên tôi leo lên tháp chứa nước nầy vào ban đêm. Nghe tiếng gió rõ ràng hơn ngày thường. Gió hẳn không mạnh bao nhiêu, vậy mà đã thổi qua nách áo tôi lưu lại một quỹ tích sắc nét lạ thường. Đêm chầm chậm bao phủ mặt đất. Cho dù ánh sáng đô thị cố gắng chứng tỏ hiện hữu đến đâu đi nữa, cuối cùng rồi cũng không tránh khỏi bị bóng tối cuốn hút mất tiêu.
Tôi mở nắp lọ, vớt chú đom đóm ra, đặt lên viền 3 phân của tháp chứa nước. Chú đom đóm có vẻ phân vân chưa nắm được tình hình. Lúc thì lắc lư bò quanh cái đinh ốc một vòng, lúc thì gác chân lên mảng sơn lở như tróc da trên mặt tháp. Bò đi phía bên phải, kiểm thấy cùng đường rồi, lại bò qua phía bên trái. Rồi từ từ uốn éo bò lên đỉnh cái đinh ốc, cuộn người nằm ở đấy. Có vẻ chú kiệt sức rồi, nằm yên không cựa quậy gì. Tôi vẫn tựa vào tay nắm thang sắt, ngắm hình dáng đom đóm. Một lúc rõ lâu, cả hai đều không động đậy chút nào. Chỉ có gió thổi, như dòng sông chảy qua giữa hai chúng tôi. Vô số lá cây cử cọ xát vào nhau. Tôi vẫn còn ngồi mãi như thế, chờ đợi. Rất lâu về sau, đom đóm nhỏm bật dậy. Như sực nhớ tới điều gì, đom đóm thình lình giương rộng đôi cánh, thoáng chốc bay bổng lên khoảng không mờ tối. Như để kéo lại thời gian đã mất, đom đóm nhanh nhẹn lượn một vòng cung bên cạnh tháp chứa nước. Rồi ngừng lại như để chờ cho lằn sáng đom đóm in đậm vào trong gió, xong nhắm hướng đông bay mất. Đom đóm đã bay mất rồi, nhưng quỹ tích ánh sáng của đom đóm vẫn còn lưu lại trong tôi rất lâu. Trong bóng tối dày đặc của mắt tôi đang nhắm lại, đốm sáng nhỏ nhoi ấy lạc lõng hoài hoài như một mảnh linh hồn lạc mất lối về. Tôi vài lần thử rón rén vươn tay vào khoảng tối thẳm ấy nhưng ngón tay tôi không chạm được gì. Đốm sáng nhỏ nhoi ấy lúc nào cũng cách một khoảng vô cùng ngắn trước đầu ngón tay tôi.
Cước chú:
[1] Keyaki - Zelkova, tự điển Hán Việt Thiều Chửu ghi là cây "cử"; thuộc họ "cây du - elm tree", cao đến 30 m, tàn rộng, gỗ cứng, dùng làm cột nhà và bàn ghế.
[2] Đoạn chính giữa của quốc ca Nhật "Sazare ishi no ...", và các chữ cuối "koke no musu made".
[3] Chiếu: tấm cói dày lót sàn phòng, cũng là đơn vị diện tích phòng và nhà ở, khoảng 180 cm x 90 cm.
[4] Xe nhỏ Honda 360 cc khoảng năm 1969.
[ Trở Về ]
Chuyện Trong Nhà
*
Murakami Haruki
*
Phạm Vũ Thịnh dịch
Lời người dịch:Truyện ngắn "Chuyện trong nhà - Family Affair" đã ra mắt người đọc trên tạp chí Lee số tháng 11-12 năm 1985.
Không hiểu có phải là chuyện thường tình trên đời không, ngay từ buổi đầu, tôi đã không thể nào ưa được anh chàng vị-hôn-phu của em tôi. Rồi về sau, ít nhất tôi lại còn ôm thêm nghi vấn về việc em tôi quyết tâm kết hôn với chàng ta. Thật tình tôi đã thất vọng về việc ấy.Mà có thể tôi nghĩ như thế là vì tính tôi hẹp hòi cũng không chừng. Ít nhất thì em tôi đã nghĩ như thế về tôi. Chúng tôi ngoài mặt không đả động đến điều ấy, nhưng chuyện tôi không mấy ưa vị-hôn-phu của em tôi thì cô ấy cũng đã cảm nhận được rõ rệt, nên dạo này có vẻ bực bội đối với tôi.
-"Anh suy nghĩ hẹp hòi quá đấy". Cô phàn nàn với tôi.
Lúc ấy chúng tôi đang nói chuyện về món mì Ý. Trực tiếp thì cô ấy chỉ trích tôi suy nghĩ quá hẹp hòi về món mì Ý. Nhưng tất nhiên, cô ấy chẳng phải chỉ nói về chuyện mì Ý mà thôi. Phía sau đó còn có chuyện vị-hôn-phu của cô, mà thật ra, chuyện vị-hôn-phu của cô mới là vấn đề cô muốn nói đến. Cũng là một loại chiến tranh đại-lý đó thôi.
Nguyên do cũng từ chuyện em tôi rủ tôi đi ăn mì Ý một buổi trưa chủ nhật. Đúng lúc tôi cũng muốn ăn mì Ý nên đồng ý ngay. Chúng tôi vào một quán mì YÝ xinh xắn, mới khai trương ở trước ga. Tôi gọi món mì có cà-dái-dê và tỏi, em tôi gọi món mì có rau húng thơm. Tôi uống bia ngồi chờ thức ăn mang đến. Cho đến lúc ấy thì chưa có vấn đề gì xảy ra cả. Tháng Năm, chủ nhật, mà lại là ngày đẹp trời nữa.
Vấn đề là khi thức ăn đã được mang đến, thì món mì Ý ấy thật dở tệ, phải dùng chữ "tai hại" mới đúng. Mì thì trên mặt còn lợn cợn những bột, mà bên trong còn cứng quá, mà phó-mát lại bẹt nhẹt như chó ăn rồi nhả ra. Tôi gắng lắm cũng chỉ nuốt được đâu nửa đĩa rồi bảo cô hầu bàn dẹp đi. Em tôi liếc thấy sự tình, nhưng ngay lúc ấy thì không nói gì, chỉ thong thả ăn cho đến hết cọng mì cuối cùng trong đĩa mình. Trong lúc ấy, tôi vừa uống lon bia thứ hai vừa ngắm cảnh sắc bên ngoài.
-"Anh này, làm gì đến nỗi phải chừa lại đến nửa đĩa để tỏ thái độ khó chịu như thế?". Em tôi nói, sau khi đĩa của cô đã được dẹp đi.
-"Dở ẹc". Tôi đáp, đơn giản.
-"Cũng đâu có dở đến phải bỏ lại đến nửa đĩa. Gắng nhịn một tí có phải được hơn không?"
-"Muốn ăn mới ăn, không muốn ăn thì bỏ lại. Quyền dạ dày của tao, chẳng phải chuyện dạ dày của mầy".
-"Xin anh đừng mầy tao với em. Mầy tao như thế, thiên hạ lại tưởng là ông lão bà cụ thô tục cãi nhau".
-"Quyền dạ dày của anh, chẳng phải chuyện dạ dày của cô". Tôi sửa lại.
Em tôi từ năm 20 tuổi đã huấn luyện tôi bỏ tật gọi cô ấy bằng "mầy" như lúc còn nhỏ, mà gọi bằng "em". Có khác nhau lắm không thì tôi cũng không rõ.
-"Quán này vừa mới khai trương, hẳn là người làm bếp chưa quen việc đấy thôi. Chịu khó khoan dung cho họ một tí cũng được chứ". Em tôi nói, rồi uống cốc cà-phê vừa được mang lại, trông nhạt thếch và chắc cũng dở ẹc.
-"Có lẽ cô nói đúng. Nhưng mà chừa lại không ăn món dở, cũng là hành vi của người có kiến thức". Tôi giải thích.
-"Anh trở thành người có kiến thức từ lúc nào thế?"
-"Ơ hay, cô gây sự với anh đấy à?". Tôi nói. -"Đến kỳ hay gì đấy hả?".
-"Anh này hay nhỉ. Cứ nói bậy nói bạ. Có phải là chuyện anh cũng nói được đâu".
-"Có gì đâu mà cô phải ngại. Cô bắt đầu có kinh từ lúc nào thì đã chẳng là chuyện bí mật gì. So với người ta thì trễ quá, mới phải đi với mẹ đến bác sĩ đấy chứ gì".
-"Thôi, thôi đi. Anh mà còn nói nữa thì em quật cái xách này vào người đấy nhé". Cô nói. Có vẻ cô tức giận thật rồi, nên tôi nín thinh.
-"Nói chung là: anh suy nghĩ hẹp hòi quá đấy". Cô nói, vừa cho thêm kem bột vào cà-phê (quả nhiên là dở ẹc!). -"Anh chỉ nhìn thấy khuyết điểm của sự vật mà phê phán, chứ không chịu nhìn ưu điểm. Có gì không đúng với tiêu chuẩn của anh thì anh không thèm đụng đến. Thấy anh như thế nên em bực mình lắm".
-"Nhưng đấy là lối sống của anh kia mà, có phải là đời sống của em đâu". Tôi chống chế.
-"Nhưng như thế là làm tổn thương người khác, làm phiền người khác. Như chuyện thủ-dâm đấy".
-"Thủ-dâm gì?". Tôi ngạc nhiên, hỏi. -"Chuyện gì kia?"
-"Thời trung học, anh thường thủ-dâm làm dơ chăn trải giường đấy chứ gì nữa. Em biết chứ không sao. Giặt chăn trải giường cực lắm đấy anh. Thủ-dâm sao cho khỏi dơ chăn có được không? Làm thế là làm phiền người khác đấy chứ gì nữa".
-"Anh sẽ để ý để khỏi làm phiền người khác". Tôi nói. -"Sẽ để ý chuyện ấy. Nhưng mà, có vẻ lặp lại điều anh đã nói, đấy là đời sống riêng tư của anh, có sự vật anh thích, có sự vật anh không thích. Làm thế nào được?".
-"Nhưng mà anh làm tổn thương người khác". Em tôi nói. -"Sao anh không cố gắng tránh đi? Sao anh không chịu khó nhìn vào ưu điểm của sự vật? Sao anh không ít nhất thì cũng chịu nhịn một tí? Sao không gắng trưởng thành hơn nữa?"
-"Anh vẫn trưởng thành chứ không sao?". Tôi nói, tâm tình có phần bị thương tổn. -"Nhẫn nhịn thì cũng có, mà anh cũng nhìn vào ưu điểm của sự vật đấy chứ. Có điều anh không nhìn vào cùng chỗ cô nhìn thấy mà thôi".
-"Thế thì anh kiêu ngạo đấy. Bởi thế nên đã 27 tuổi rồi mà chẳng có người yêu đàng hoàng nào cả".
-"Bạn gái thì có đấy chứ".
-"Để ngủ với nhau mà thôi, chứ gì". Em tôi nói. -"Cứ mỗi năm thì thay đổi một cô bạn gái để ngủ chung, hẳn là vui thích lắm nhỉ. Không hiểu nhau, không yêu thương gì nhau, không lo cho nhau thì chuyện anh có bạn gái ấy có ý nghĩa gì chứ. Chỉ giống như chuyện thủ-dâm thôi chứ có gì khác đâu".
-"Anh có thay đổi mỗi năm một cô đâu nào". Tôi phản kháng, yếu ớt.
-"Thì cũng gần như thế". Cô nói. -"Thử suy nghĩ nghiêm chỉnh một tí, sinh sống nghiêm chỉnh một tí, người lớn một tí, có phải tốt hơn không?".
Cuộc đối thoại ngừng ở đấy. Sau đó, tôi có gợi chuyện gì đi nữa, em tôi hầu như hoàn toàn không hưởng ứng.
Không hiểu vì sao cô nghĩ đến nỗi như thế về tôi. Chỉ mới năm ngoái đây, cô còn vui sống với lối sống sao cũng được của tôi mà tôi cho là phóng khoáng ấy. Và nếu cảm nhận của tôi không sai lầm, tôi nghĩ là em còn phục lối sống ấy nữa là khác. Cô dần dần phê phán tôi như thế chắc chắn là bắt đầu từ ngày quen với anh chàng vị-hôn-phu của cô.
Tôi nghĩ: như thế là bất công. Bởi anh em tôi quen nhau đã 23 năm nay rồi. Anh em chúng tôi rất thân nhau, chuyện gì cũng thẳng thắn với nhau được, mà hầu như chưa từng gây gổ với nhau. Em tôi biết chuyện tôi thủ-dâm, mà tôi cũng biết chuyện em có kinh từ tuổi nào. Em tôi biết tôi mua bao cao-su đầu tiên lúc nào (năm 17 tuổi), mà tôi cũng biết cô ấy mua quần áo lót viền đăng-tên đầu tiên lúc nào (năm 19 tuổi). Tôi đã hò hẹn (dĩ nhiên không ngủ chung) với bạn của em tôi, mà em tôi cũng đã hò hẹn với bạn của tôi (tôi đoán là không ngủ chung). Nói tóm lại, anh em chúng tôi thân nhau đến như thế. Vậy mà, quan hệ thân thiết ấy đã biến chất đi mất trong khoảng chỉ một năm nay. Càng nghĩ, tôi lại càng cảm thấy tức giận.
Em tôi bảo muốn đi xem giày ở cửa hàng bách hoá trước ga, nên tôi về phòng trọ một mình. Gọi điện thoại cho bạn gái nhưng không gặp. Chuyện đương nhiên. 2 giờ chiều chủ nhật mà đột nhiên gọi điện thoại cho bạn gái rủ đi chơi thì làm sao mà gặp được? Tôi gác điện thoại, lật vài trang sổ tay, rồi gọi đến một cô bạn gái khác. Cô này là sinh viên, tôi đã gặp ở một quán disco nào đấy. May quá, cô ấy đang ở nhà.
-"Đi uống không?". Tôi rủ.
-"Mới 2 giờ chiều mà". Cô nói, có vẻ làm biếng.
-"Mấy giờ cũng đâu có sao. Uống một hồi thì trời tối chứ gì". Tôi nói. -"Có quán rượu này, ở đấy mà ngắm hoàng hôn thì tuyệt vời. Mà phải đến đấy trước 3 giờ chiều, chứ không thì hết chỗ ngồi đấy".
-"Anh này, làm điệu quá nhỉ". Cô nói. Nhưng rồi cũng chịu đi. Hẳn là vì tính cô vốn thương người.
Tôi lái xe chạy dọc theo bờ biển, quá Yokohama một đoạn, rồi như đã hứa, đưa cô vào một quán rượu nhìn thấy biển. Tôi uống 4 ly rượu IW Harper với đá, cô ấy uống 2 ly rượu rum pha nước chanh, đường, chuối "Banana Daiquiri", vừa ngắm cảnh hoàng hôn trên biển.
-"Uống rượu nhiều thế rồi lái xe có được không anh?". Cô hỏi, có vẻ lo lắng.
-"Đừng lo". Tôi nói. -"Với tửu lượng của anh thì đã thấm vào đâu".
-"Còn chưa thấm nữa?"
-"4 ly là vừa mức bình thường. Chẳng có gì phải lo cả. Không sao đâu em".
-"Chán cái anh này". Cô nói.
Chúng tôi quay lại Yokohama ăn tối, rồi hôn nhau trên xe. Tôi rủ cô đi khách sạn, nhưng cô bảo không được.
-"Đã nhét nút bông rồi mà".
-"Thì lấy ra".
-"Đùa hay nhỉ. Mới ngày thứ hai mà".
Chán thật. Một ngày gì đâu. Biết thế thì ngay từ đầu, hẹn đi chơi với bồ còn hơn. Cứ nghĩ là lâu ngày không đi chơi với em mình nên đã dành ngày chủ nhật này cho nó mà không hẹn hò gì với ai. Thế mà hóa ra hỏng cả.
-"Xin lỗi nhé. Nhưng mà thật đấy, không nói dối đâu". Cô gái nói.
-"Không sao, em đừng bận tâm. Có phải lỗi tại em đâu. Lỗi tại anh mà".
-"Em đang có kinh là lỗi tại anh à?". Cô nói, có vẻ không hiểu tôi nói gì.
-"Không phải. Anh muốn nói là số phận đó thôi". Tôi nói.
Chứ còn gì nữa. Làm sao chuyện kinh nguyệt của một cô gái nào đấy không quen biết gì lắm mà lại là lỗi tại tôi kia chứ.
Tôi lái xe đưa cô về nhà tận Setagaya. Nửa đường nghe có tiếng lục cục trong xe, tuy nhỏ nhưng rườm tai quá. Tôi thở dài. Điệu này hẳn phải mang xe đi sửa sớm. Một ngày điển hình cho câu "Hoạ vô đơn chí", một chuyện không song suốt kéo theo một chuỗi những chuyện rủi ro khác.
-"Lần sau đi chơi với anh nữa nhé". Tôi dụ.
-"Đi chơi thôi hả? Hay đến khách sạn?"
-"Cả hai". Tôi nói, hăm hở. -"Hai chuyện ấy là hai mặt của cùng một thể. Giống như bàn chải với kem đánh răng ấy".
-"Vậy à? Để em suy nghĩ lại xem". Cô nói.
-"ƯØ, suy nghĩ thì đầu óc chậm già đi".
-"Thế nhà anh thì sao? Em đến chơi được không?"
-"Không được đâu. Có cô em gái đang ở đấy. Đã giao ước là anh không mang bạn gái về nhà, mà nó cũng không mang bạn trai về nhà".
-"Có thật là em gái không đấy?"
-"Thật chứ. Lần sau, anh mang bản sao hộ khẩu đến cho em xem". Tôi nói.
Cô cười lớn.
Tôi nhìn theo cô vào hẳn trong nhà cô rồi mới mở máy xe, vừa lắng nghe tiếng lục cục trong hộp số, vừa lái xe về nhà.
Phòng trọ tối om. Tôi mở cửa, bật đèn và gọi em tôi. Chẳng thấy cô ấy đâu cả. Đã 10 giờ đêm rồi mà còn đi đâu nữa đây. Tôi tìm tờ báo chiều một hồi nhưng không thấy đâu. Bởi chủ nhật làm gì có báo chiều.
Tôi mở tủ lạnh lấy bia mang vào phòng khách, bật bộ máy nghe nhạc lên, tra đĩa Harvey Hancock còn mới vào máy quay đĩa. Rồi vừa uống bia vừa chờ tiếng nhạc từ loa. Nhưng chờ mãi vẫn không nghe tiếng gì cả. Lúc ấy mới nhớ ra là bộ máy nghe nhạc đã hư từ 3 ngày trước, cho điện vào cũng không ra tiếng gì cả. Mà mở TV lên cũng chẳng nghe tiếng gì, bởi TV của tôi là loại máy nhận sóng ra hình thôi, còn âm thanh thì phải cho qua bộ máy nghe nhạc mới phát ra tiếng được. Chẳng làm sao hơn, tôi đành xem hình câm trên TV vừa uống bia. TV đang chiếu một phim chiến tranh cũ, đội xe tăng của Rommel trên mặt trận Phi Châu. Cà-nông trên xe tăng khạc ra đạn vô-thanh, súng tiểu liên nhả ra những loạt đạn thầm lặng, người ta ngã chết im lìm.
Chán thật. Tôi thở dài, cái thở dài thứ 16 trong ngày.
*
Anh em nhà tôi sống với nhau bắt đầu từ mùa xuân 5 năm trước. Lúc ấy tôi 22 tuổi, em tôi 18, tức là năm tôi vừa xong đại học bắt đầu đi làm, và em tôi vừa xong trung học, bắt đầu vào đại học. Bố mẹ tôi bảo là nếu nó chịu ở với tôi thì cho nó lên Tokyo học đại học. Nó bảo thế cũng được. Tôi cũng nói được thôi. Bố mẹ tôi thuê cho hai anh em một căn chung cư rộng có hai phòng riêng biệt, tôi chỉ phải trả một nửa tiền thuê nhà.
Như đã nói, anh em tôi rất thân nhau, nên tôi không phiền hà gì chuyện sống chung với em tôi. Tôi làm việc trong bộ môn quảng cáo cho một hãng chế máy móc điện nên buổi sáng đi làm tương đối trễ, và buổi tối về nhà trễ. Em tôi thì sáng đi học sớm, khoảng chiều là về đến nhà rồi. Thế nên, phần nhiều, lúc tôi ngủ dậy thì em đã ra khỏi nhà, và khi tôi về nhà thì cô ấy đã đi ngủ rồi. Thêm vào đấy, thông thường thứ bảy, chủ nhật thì tôi hẹn hò với bạn gái, nên suốt tuần chuyện trò ra hồn với em tôi chỉ một hai lần. Nhưng kết cuộc, như thế lại tốt cho cả hai. Nhờ thế mà anh em khỏi có thì giờ cãi cọ nhau, và khỏi xía miệng vào đời tư của nhau. Có lẽ cô ấy cũng có chuyện này chuyện kia, nhưng tôi nhất thiết không đả động gì đến chuyện riêng của em tôi. Con gái lớn, trên 18 tuổi rồi, có ngủ với ai đi nữa, cũng chẳng là chuyện tôi quan tâm.
Dù vậy, cũng đã có một lần tôi nắm tay an ủi em tôi suốt từ 1 giờ đến 3 giờ khuya. Lần ấy, tôi đi làm về thấy em đang ngồi khóc ở bàn ăn trong bếp. Tôi đoán là đang ngồi khóc ở bàn ăn trong bếp như thế chắc là muốn tôi làm gì đấy cho em, chứ nếu không muốn tôi dính dáng gì đến thì đã ngồi khóc trên giường trong phòng riêng rồi. Dù hiển nhiên là người hẹp hòi chỉ biết có mình đi nữa, chừng ấy thì tôi cũng hiểu được chứ.
Nghĩ thế nên tôi ngồi xuống cạnh em, và nắm chặt bàn tay em. Nắm tay em gái như thế thì cũng đã lâu lắm tôi không làm, từ đâu hồi tiểu học còn đuổi bắt chuồn chuồn với nhau. Tôi cảm thấy bàn tay em tôi, thì cũng tất nhiên thôi, có vẻ lớn hơn hồi trước rất nhiều. Kết cuộc em chẳng nói chẳng rằng, cứ ngồi thế mà khóc suốt 2 tiếng đồng hồ. Tôi thấy đáng nể là đến chừng ấy nước mắt mà có thể tuôn ra được từ thân người nhỏ bé ấy. Tôi thì chỉ khóc chừng 2 phút là toàn thân khô rang ngay.
Đến 3 giờ khuya thì tôi cũng đã mệt quá rồi, định chấm dứt. Lúc ấy tôi nghĩ mình là anh, chắc phải nói gì đấy với em, dù đấy là chuyện cực kỳ khó khăn cho tôi, nhưng làm sao mà tránh được.
-"Em à, anh nhất thiết không muốn can thiệp vào đời sống của em". Tôi nói. -"Đời em thì em muốn thế nào tùy ý em".
Em tôi gật đầu.
-"Nhưng mà, anh chỉ cảnh cáo em một lời thôi. Trong xách tay, em không nên để sẵn bao cao su. Làm thế người ta tưởng là con gái không đứng đắn".
Nghe thế, em tôi chụp ngay cuốn niên giám điện thoại to tướng trên bàn, thẳng tay ném vào người tôi.
-"Tại sao anh lại dòm vào xách tay của người ta?". Cô gầm lên. Tính cô cứ tức lên là ném thứ gì đấy ngay. Tôi không dám chọc giận cô thêm nữa, nên thôi không thanh minh rằng thật tình tôi chưa bao giờ dòm ngó gì xách tay của cô cả.
Dù sao, lại nhờ thế mà cô hết khóc, và tôi mới chui vào chăn trên giường mình được.
Rồi từ khi em tôi xong đại học vào làm việc trong một công ty đại lý du lịch, mô thức sinh hoạt của hai anh em cũng chẳng có gì thay đổi. Em đi làm nghiêm túc, từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, còn sinh hoạt của tôi thì càng ngày càng lè phè hơn. Ngày ngày, khoảng gần trưa tôi mới đến sở, đọc báo ở bàn mình, ăn trưa, đến khoảng 2 giờ chiều mới thật sự bắt đầu làm việc, chiều tối mới bàn thảo công việc với đại lý quảng cáo, tối thì đi uống rượu đến quá nửa đêm mới về nhà.
Dịp nghỉ hè đầu tiên từ ngày vào làm cho công ty đại lý du lịch, em tôi cùng với một cô bạn đi du lịch, tất nhiên là được giảm giá, vùng bờ biển phía tây nước Mỹ, và quen thân với một anh chàng cùng đi trong đoàn du lịch ấy, nghe đâu trên cô một tuổi, làm kỹ sư máy tính. Rồi sau khi trở về Nhật, tiếp tục hò hẹn với anh ta. Chuyện thường xảy ra đấy, tuy với tôi thì khó. Đại loại du lịch theo đoàn như thế thì tôi rất ghét, và không thích gì chuyện qua đấy mà quen thân với người nào.
Tuy nhiên, từ ngày quen thân với anh chàng kỹ sư máy tính ấy, em tôi có vẻ vui tươi hơn trước nhiều. Dần dần công việc trong nhà cũng thu xếp gọn gàng, mà quần áo cũng chăm sóc cẩn thận. Lúc trước, cô là mẫu người đi đâu cũng chỉ mặc áo sơ-mi đi làm, quần bò bạc màu, mang giày thể thao. Từ ngày bắt đầu chú tâm vào việc phục sức thì ngăn để giày trước phòng đầy ắp giày dép của cô, và trong nhà thì tràn ngập những móc treo bằng thép của tiệm giặt ủi. Cô siêng giặt, ủi quần áo hơn, chứ lúc trước thì phòng tắm đầy những áo quần chưa giặt chồng chất lên nhau như đồi kiến xây trong rừng Amazon. Lại siêng nấu nướng, siêng lau quét nhà cửa, không như lúc trước nữa. Tôi lờ mờ thấy rằng đấy là những triệu chứng nguy hiểm. Các cô mà bắt đầu biểu lộ những triệu chứng như thế thì đàn ông chỉ còn cách chạy trốn cho nhanh, không thì phải làm đám cưới thôi.
Rồi em tôi đưa ảnh của anh chàng kỹ sư máy tính ấy cho tôi xem. Cô cho tôi xem ảnh bạn trai như thế là lần đầu tiên. Lại một triệu chứng nguy hiểm nữa.
Có 2 bức ảnh, một chụp ở bến cá Fisherman's Wharf của San Francisco, em tôi và anh chàng kỹ sư máy tính đang sóng đôi cười toe toét trước một thân cá tuna lớn.
-"Con cá tuna trông oai quá chứ". Tôi nói.
-"Đừng đùa có được không". Em tôi nói. -"Chuyện nghiêm trang đấy".
-"Thế cô muốn anh nói gì đây?"
-"Anh khỏi phải nói gì cả. Đấy, anh ấy đấy".
Tôi cầm bức ảnh lên tay một lần nữa, ngắm gương mặt chàng trai. Nếu trên đời này có mẫu gương mặt nào tôi chỉ nhìn qua là có phản cảm, thì đấy là mẫu gương mặt này. Thêm vào đấy, trông anh chàng này toát ra vẻ gì giống hệt như tên đàn anh mà tôi ghét nhất trong nhóm sinh hoạt hồi trung học. Một tên mặt mày không tệ, nhưng óc rỗng mà lại hay thúc ép người khác làm việc này việc nọ. Lại nữa, có trí nhớ tốt như trí nhớ của loài voi, cả chuyện nhỏ nhặt cũng ghi nhớ kỹ. Đúng là lấy trí nhớ ấy để bù lại đầu óc ngu tối!
-"Thế đã làm ăn với nhau mấy lần rồi đấy?". Tôi hỏi.
-"Anh nói quái quỷ gì thế?". Cô nói. Vậy chứ cũng đỏ mặt lên. -"Anh đừng có lấy mình làm thước đo thiên hạ chứ. Đâu phải người nào cũng như anh".
Bức ảnh thứ hai chụp sau khi về lại Nhật, và chỉ có một mình anh chàng ấy thôi. Mặc áo da nhiều mảnh nối lại với nhau, người tựa vào một chiếc xe gắn máy loại lớn, trên ghế có nón an toàn. Cũng cùng một gương mặt như trong bức ảnh chụp ở San Francisco. Hẳn là anh chàng không còn vẻ mặt nào khác cả.
-"Anh ấy mê xe gắn máy lắm". Em tôi nói.
-"Nhìn là biết ngay". Tôi nói. -"Người không mê xe gắn máy có ai chịu mặc áo da nhiều mảnh ghép lại thế đâu".
Có lẽ cũng vì là người có tính hẹp hòi, tôi không làm sao ưa được những tay mê xe gắn máy. Bộ điệu của họ ngang tàng khoe khoang quá trớn. Nhưng tôi không nói gì với em tôi về điều ấy. Tôi im lặng trả lại bức ảnh cho em tôi.
-"Chà, ...". Tôi nói.
-"Chà ... cái gì chứ?" Em tôi hỏi.
-"Không biết sẽ ra sao đây".
-"Em cũng chẳng biết. Nhưng có thể sẽ cưới nhau đấy".
-"Người ta đã xin cưới cô rồi à?"
-"Đã ngỏ lời rồi. Nhưng em còn suy nghĩ".
-"Hừm".
-"Thật ra, em cũng mới đi làm chưa được bao lâu, vẫn còn muốn sống một mình, vui chơi ít lâu nữa. Mặc dù không đến nỗi quá quắt như anh".
-"Suy nghĩ thế thì phải nói là lành mạnh đấy". Tôi nói.
-"Nhưng mà, anh ấy là người tốt, vả lại em cũng muốn kết hôn, nên cũng phân vân lắm".
Tôi lại cầm bức ảnh trên bàn lên xem một lần nữa. Và tôi cũng phân vân.
Lúc ấy là trước lễ Giáng Sinh.
Vài ngày sau Tết tây, mẹ tôi điện thoại đến, khoảng 9 giờ sáng. Tôi đang đánh răng, vừa nghe Bruce Springteen hát "Born In America". Mẹ tôi hỏi có biết anh chàng mà em tôi quen không. Tôi đáp không.
Theo lời mẹ tôi thì em tôi viết thư bảo là hai tuần nữa, muốn cùng anh ta về thăm nhà.
-"Chắc là muốn cưới nhau rồi". Tôi nói.
-"Thì vậy mẹ mới hỏi là có biết người ta là người như thế nào chứ". Mẹ tôi nói. -"Mẹ muốn biết đôi điều về người ta trước khi gặp mặt đấy mà".
-"Cái đó thì chịu. Con đã gặp anh ta lần nào đâu mà biết. Nghe nói là kỹ sư máy tính, lớn hơn em con 1 tuổi, làm việc ở hãng IBM, hay gì gì đấy. Tên hãng có 3 chữ, có khi là NEC, hay TNT cũng không chừng. Nhìn trong ảnh thì mặt mũi cũng chẳng có gì đặc biệt. Không phải là mẫu người con thích, nhưng mà có phải là con cưới đâu".
-"Cậu ấy học đại học nào, con cái nhà ai thế?"
-"Con có biết đâu".
-"Gặp người ta một lần, tìm hiểu mọi chuyện hộ mẹ nhé". Mẹ tôi nói.
-"Không được đâu. Con bận lắm. Hai tuần sau, mẹ gặp mà hỏi ngay anh ta cũng được chứ".
Nhưng rồi, kết cuộc tôi cũng đã gặp anh chàng kỹ sư máy tính ấy. Em tôi muốn tôi cùng đi chính thức thăm viếng gia đình anh ta vào chủ nhật tuần sau đó. Không sao từ chối được nên tôi đành đóng bộ, áo sơ-mi trắng thắt cà-vạt, khoác chiếc áo vét đứng đắn nhất, đi cùng với cô em đến nhà anh ta ở Meguro. Một căn nhà rất bề thế, ở ngay giữa khu nhà ở cổ kính. Chiếc xe gắn máy Honda 500 phân khối trong bức ảnh ấy đậu ngay trước nhà xe.
-"Cá tuna trông oai quá nhỉ". Tôi nói.
-"Lạy ông, xin ông bỏ giùm cho lối đùa vô duyên ấy đi. Một ngày hôm nay thôi cũng được". Em tôi nói.
-"ƯØ, thì thôi". Tôi nói.
Song thân của anh chàng là những người đáng vị nể, rất là nghiêm chỉnh, mặc dù trong mắt tôi thì có phần nghiêm chỉnh thái quá. Ông bố có chức lớn trong hãng dầu hoả. Bố tôi kinh doanh một dãy tiệm xăng ở Shizuoka, nên về mặt ấy thì cũng không đến nỗi xa cách nhau lắm. Bà mẹ mang ra cho chúng tôi những cốc trà đặt trên khay sang trọng.
Tôi ngỏ lời chào hỏi trang trọng và trao danh thiếp, rồi nhận danh thiếp từ ông bố. Tôi thưa rằng theo lẽ thì bố mẹ chúng tôi xin đến thăm ông bà, thế nhưng hôm nay cả hai người đều không rời công việc được, cho nên tôi xin được thay mặt gia đình đến viếng ông bà. Rồi một ngày khác thuận tiện hơn, bố mẹ chúng tôi sẽ xin ông bà cho phép đến hầu chuyện ông bà.
Ông bố đáp chúng tôi nghe con nói nhiều lần về cô đây, hôm nay được gặp mặt thì quả là một trang giai nhân mà con chúng tôi rất may mắn được làm bạn, mà gia đình cô cũng rất là nề nếp, nên về chuyện hai cháu thì phía chúng tôi không thấy có trở ngại gì cả.
Tôi đoán là ông bà đã điều tra cẩn thận mọi điều rồi. Tuy đến chuyện chậm trễ 16 tuổi vẫn chưa có kinh, và hay bị táo bón, thì có lẽ là họ không biết.
Khi xong được phần nghi thức mà không vấp váp gì lớn, ông bố rót rượu mạnh brandy mời tôi. Rượu ngon thật. Ông và tôi vừa uống rượu vừa trao đổi chuyện việc làm. Em tôi thúc mũi giày vào chân tôi, nhắc chừng đừng uống rượu quá chén.
Trong khi ấy, cậu con là chàng kỹ sư máy tính ấy thì chẳng nói năng gì, chỉ ngồi nghiêm trọng hầu chuyện bên ông bố. Chỉ nhìn thoáng qua cũng biết ở dưới mái nhà này, cậu ta phải chịu phép ông bố rồi. Mất mặt anh hùng, tôi nghĩ thầm. Cậu mặc chiếc áo len có mẫu đan gì lạ kiểu tôi chưa từng thấy bao giờ, mà lại chẳng hợp màu với áo sơ-mi bên trong. Sao em tôi lại không chọn anh chàng nào chịu khó chăm sóc chuyện ăn mặc hơn một tí nhỉ.
Chuyện vãn hồi lâu, đến 4 giờ chiều thì chúng tôi xin phép về. Chàng kỹ sư máy tính đưa hai anh em ra tận ga.
-"Chúng ta vào quán cà-phê nào đấy nói chuyện được không ạ?". Cậu ta rủ.
Tôi lúc ấy chẳng muốn uống cà-phê, mà cũng không thích ngồi cùng bàn với người mặc chiếc áo len có mẫu đan gì lạ kiểu ấy, nhưng từ chối thì không hợp tình hợp cảnh, nên đành đồng ý cả ba cùng vào quán cà-phê gần đấy. Cậu ta và em tôi gọi cà-phê, còn tôi gọi bia, nhưng không có bia nên đành gọi cà-phê vậy.
-"Hôm nay, cảm ơn anh đã giúp chúng em". Cậu ta nói.
-"Không có chi. Chỉ là chuyện đương nhiên thôi". Tôi nói, hiền lành thôi, vì chẳng còn sức đâu mà giễu với cậu ta.
-"Cô ấy cũng thường kể chuyện về huynh trưởng cho em nghe". Cậu ta nói.
Huynh trưởng à?
Tôi lấy cán muỗng cà-phê gãi lên dái tai, rồi để lại trên đĩa. Em tôi lại đá vào chân tôi dưới bàn, nhưng cậu kỹ sư máy tính có vẻ hoàn toàn không để ý đến ý nghĩa của động tác ấy. Có lẽ chuyện đùa bỡn cơ-số-nhị-phân kiểu máy tính quen thuộc với cậu ta thì chưa phát triển mấy.
-"Hai anh em thân nhau thế, đến em cũng phải ganh tỵ đấy". Cậu ta nói.
-"Anh em nhà tôi khi nào vui mừng thì lại đá vào chân nhau đấy". Tôi nói.
Cậu kỹ sư máy tính có vẻ không hiểu.
-"Anh ấy định nói đùa đấy". Cô em tôi nói, có vẻ chán ngán ông anh. -"Anh ấy ưa nói đùa như thế".
-"Đùa tí thôi". Tôi nói. -"Anh em tôi chia việc nhà cho nhau. Cô ấy lo việc giặt giũ, còn tôi thì chuyên việc nói đùa".
Cậu kỹ sư máy tính, tên chính xác là Watanabe Noboru, nghe thế thì an tâm được phần nào nên cười nói:
-"Vui vẻ được thế thì còn gì bằng. Em cũng muốn có gia đình như thế. Vui vẻ được là nhất rồi".
-"Thấy chưa". Tôi bảo cô em. -"Vui vẻ được là nhất. Em có hơi chú ý chuyện này chuyện kia quá trớn đấy".
-"Phải chi mấy câu đùa của anh thú vị một tí cũng đỡ". Em tôi nói.
-"Nếu được thì tụi em định kết hôn vào mùa thu này đấy". Watanabe Noboru nói.
-"ƯØ, đám cưới mùa thu là tốt nhất". Tôi nói. -"Sóc, và gấu còn mời đến được".
Cậu kỹ sư máy tính cười lớn, nhưng em tôi làm thinh. Có vẻ cô bắt đầu giận thật sự rồi.
Tôi nói là có chút việc nên phải đi trước.
Về đến phòng trọ, tôi gọi điện thoại báo cáo tổng quát cho mẹ tôi.
-"Cậu ta cũng không tệ lắm". Tôi vừa nói vừa gãi tai.
-"Không tệ lắm nghĩa là thế nào?". Mẹ tôi hỏi.
-"Nghĩa là cậu ta là người đàng hoàng. Ít nhất cũng đàng hoàng hơn con".
-"Chứ con có gì mà không đàng hoàng nào?". Mẹ tôi nói.
-"Mẹ nói làm con mừng quá. Cảm ơn mẹ". Tôi nói, mắt ngước nhìn trần nhà.
-"Thế cậu ta học ở đại học nào?".
-"Đại học à?".
-"Thì cậu ta học ở đại học nào chứ?".
-"Điều ấy thì mẹ phải hỏi thẳng cậu ta chứ". Tôi nói, rồi cắt điện thoại. Xong mở tủ lạnh lấy bia ra uống một mình. Chán ngán mọi chuyện.
*
Hôm sau ngày cãi nhau với em tôi về chuyện mì YÙ, tôi mở mắt dậy lúc 8 giờ rưỡi sáng. Cũng như ngày hôm trước, trời đẹp, không một gợn mây. Có vẻ như tiếp nối ngày hôm qua. Cuộc đời lại tiếp nối sau nhịp nghỉ tạm thời buổi tối.
Tôi thồn quần áo lót và áo ngủ đẫm mồ hôi vào giỏ áo quần giặt, xong tắm vòi sen và cạo râu. Vừa cạo râu vừa nghĩ đến cô gái thiếu chút nữa là đã chiếm được hôm qua. Cũng chẳng sao. Thất bại vì những chướng ngại bất khả kháng đó thôi, chứ mình đã vận dụng toàn lực rồi. Cơ hội thì vẫn không thiếu. Chủ nhật tới thế nào cũng thành công.
Tôi vào bếp nướng hai miếng bánh mì, và hâm cà-phê. Rồi định mở đài FM nghe nhưng nhớ ra là bộ stereo bị hư nên đành vừa đọc mục điểm sách trên nhật báo vừa gặm bánh mì. Mục điểm sách chẳng giới thiệu cuốn nào thuộc loại sách tôi muốn đọc cả, chỉ viết về các cuốn "Sinh hoạt tính dục trộn lẫn hiện thực và ảo tưởng của người Do Thái về già" hay là "Khảo sát lịch sử trị liệu của chứng tinh thần phân liệt" hay là "Toàn bộ tin tức về sự kiện trúng độc ở Ashio", ..., toàn những thứ như thế thôi. Đọc những cuốn sách ấy thì thà ngủ với thủ-quân đội-con-gái đánh bóng-chày-mềm còn vui thú hơn. Nhà báo hẳn là đã chọn mấy cuốn sách như thế để chọc tức người đọc đấy thôi.
Aên xong một miếng bánh mì nướng giòn, vừa đặt tờ báo xuống bàn ăn, tôi mới để ý thấy có mảnh giấy nhỏ dằn dưới lọ mứt. Chữ viết nhỏ quen thuộc của cô em tôi bảo là đã mời Watanabe Noboru đến ăn tối vào chủ nhật này, hãy ở nhà cùng với cô ấy. Tôi xong bữa sáng, phủi những vụn bánh mì bám trên áo, thu bát đĩa cho vào bồn rửa chén, xong điện thoại đến đại lý du lịch, nơi em tôi làm việc. Cô ấy bảo: -"Bây giờ em đang bận, 10 phút nữa, em gọi lại cho anh". 20 phút sau, chuông điện thoại reo. Trong khoảng 20 phút ấy, tôi đã hít đất được 43 cái, cắt móng tay móng chân tổng cộng được 20 cái, và ngáp 2 lần.
-"Anh đã đọc mảnh giấy em ghi lại chưa?" Em tôi hỏi.
-"Đọc rồi". Tôi đáp. -"Rất tiếc là chủ nhật này anh đã có hẹn trước rồi. Phải chi em cho biết sớm hơn thì anh đã để trống ngày ấy. Tiếc quá".
-"Đừng xạo thế chứ, ông anh. Chỉ là cái hẹn với cô nào đấy đến tên người ta cũng không nhớ, để đi đâu làm chuyện gì đấy chứ gì. Hẹn cô ta lại thứ bảy có được không?".
-"Thứ bảy anh phải ở suốt ngày trong phòng chụp hình, làm quảng cáo cho mền điện đấy. Dạo này anh bận lắm".
-"Vậy thì bỏ cái hẹn ấy đi nhé".
-"Bỏ thì tổn hại lắm. Lúc này là giai đoạn mong manh lắm đây".
-"Còn tương lai em ruột của anh thì không mong manh bằng đấy nhỉ?"
-"Không phải thế". Tôi ngồi xuống ghế, vừa sửa cà-vạt vừa nói. -"Chỉ vì hai anh em đã giao ước là không can thiệp vào đời sống của nhau rồi mà. Em cứ ăn tối với vị-hôn-phu của em, còn anh đi chơi với bạn gái của anh. Như thế là được chứ gì".
-"Đâu có được. Đã lâu anh có gặp mặt anh ấy đâu? Từ trước đến nay, anh chỉ gặp anh ấy có mỗi một lần, mà đã 4 tháng trước rồi. Thế thì đâu có được. Đã có nhiều cơ hội gặp nhau, mà anh cứ trốn chui trốn nhủi, anh không nghĩ là thất lễ với người ta sao? Người ta là vị-hôn-phu của em ruột anh đấy chứ. Aên tối với người ta một lần cũng không được sao?"
Em tôi nói cũng có lý nên tôi im lặng. Quả thật, tự nhiên mà tôi đã hướng về phía lẩn trốn khỏi những dịp ngồi chung với Watanabe Noboru. Nghĩ gì đi nữa, giữa Watanabe Noboru và tôi cũng chẳng có bao nhiêu chuyện chung để nói với nhau. Và nói đùa mà phải có thông dịch đồng thời thì mệt cho tôi quá.
-"Em van anh. Gặp anh ấy một ngày thôi cũng được. Được thế thì cho đến hết hè, em không cản trở gì sinh hoạt tình ái của anh đâu". Em tôi nói.
-"Sinh hoạt tình ái của anh cũng mong manh lắm đấy. Biết có qua được hết hè không?"
-"Thế nào đi nữa, chủ nhật này anh cũng ở nhà hộ em nhé anh?"
-"Chẳng làm sao hơn". Tôi chịu thua.
-"Có thể anh ấy sẽ chữa được bộ stereo cho anh đấy. Anh ấy rành những chuyện như thế lắm".
-"Mấy ngón tay anh ta hẳn là khéo léo lắm nhỉ?"
-"Đừng nghĩ bậy chứ". Em tôi nói rồi cắt điện thoại.
Tôi thắt cà-vạt, đi làm.
Suốt tuần ấy, trời quang. Ngày nào cũng như ngày nào. Tối thứ tư, tôi gọi điện thoại cho cô bồ, bảo là bận rộn việc làm nên có lẽ cuối tuần không gặp nhau được. Đã ba tuần nay không gặp nhau, nên tất nhiên là cô ấy cũng bực mình. Tôi gọi luôn đến nhà cô gái đã đi chơi với tôi hôm chủ nhật trước nhưng cô ấy đi vắng. Thứ năm, thứ sáu, cô ấy lại cũng đi vắng.
8 giờ sáng chủ nhật, em tôi dựng tôi dậy.
-"Em phải giặt chăn trải giường đấy, đừng có ngủ mãi thế". Cô nói, rồi lột chăn trải giường, áo gối, và bảo tôi bỏ quần áo ngủ ra giặt. Tôi đành vào phòng tắm cạo râu. Nghĩ thầm: con nhỏ này càng ngày càng giống bà cụ nhà mình. Đàn bà thật không khác gì cá hồi. Làm gì đi nữa, cuối cùng rồi cũng quay về chốn cũ.
Tắm vòi sen xong, tôi mặc quần đùi, tròng lên chiếc áo thun phai màu đến hầu như không còn nhìn ra chữ gì, rồi vừa toác miệng ngáp dài thật là dài, vừa cầm ly nước cam uống. Trong người vẫn còn một ít rượu đã uống tối hôm qua. Chẳng muốn đọc báo sáng. Trên bàn để sẵn hộp bánh khô nên tôi bốc vài miếng, nhai, coi như bữa sáng vậy.
Em tôi nhét chăn trải giường vào máy giặt, cho máy chạy rồi dọn dẹp trong phòng tôi và phòng cô ấy. Xong nhúng khăn lau vào thuốc giặt, lau sàn phòng khách, sàn phòng ăn, và các bức tường. Trong lúc ấy, tôi nằm trên ghế dài phòng khách, xem hình khoả thân trong tờ Hustler-không-cạo-sửa bạn bên Mỹ mới gửi cho. Chỉ gọi chung là cơ quan sinh dục phái nữ, thật ra đủ các cỡ, các hình thù khác nhau. Cũng như chiều cao hay chỉ-số trí-tuệ vậy.
-"Đừng có nằm ưỡn ẹo mãi đấy, đi mua thức ăn hộ em tí đi". Cô em nói, trao cho tôi mảnh giấy chi chít những chữ. -"Còn mấy cuốn sách kiểu ấy thì giấu vào những chỗ không ai thấy hộ đi. Anh ấy là người đứng đắn đấy".
Tôi đặt tờ Hustler lên bàn, nhìn chòng chọc vào mảnh giấy. Rau xà-lách, cà chua, cải tần, dầu trộn kiểu Pháp, cá hồi xông khói, mù-tạc, hành tây, nước cốt xúp, khoai tây, thịt bò bíp-tếch 3 miếng, ...
-"Thịt bò bíp-tếch 3 miếng à?". Tôi nói. -"Anh mới ăn thịt bò bíp-tếch hôm qua đây mà. Ớn quá rồi. Bột chiên thịt cua tốt hơn chứ".
-"Có thể anh đã ăn thịt bò bíp-tếch hôm qua. Chứ anh ấy và em đã ăn đâu. Đừng có ngang ngạnh thế chứ. Thông thường, mời khách đặc biệt đến ăn, ai lại đưa bột chiên thịt cua ra chứ."
-"Anh đến nhà cô nào chơi mà được mời ăn bột chiên thịt cua thì cảm kích lắm nhé. Lại có thêm nhiều bắp cải xắt sợi và canh tương có hến nữa thì thấy đời thật là tuyệt".
-"Nhưng em đã định hôm nay ăn thịt bò bíp-tếch rồi. Bột chiên thịt cua thì sau này em cho tha hồ mà ăn đến nghẹn luôn, còn hôm nay thì đừng có ngang ngạnh thế, chịu khó ăn thịt bò bíp-tếch đi nhé".
-"Thôi cũng được". Tôi đấu dịu. Chê bai đủ điều thế chứ, cuối cùng thì tôi bao giờ cũng là người tử tế, biết nghe người khác.
Tôi đến siêu thị gần nhà, mua tất cả những thứ ghi trong mảnh giấy ấy. Rồi tạt vào tiệm rượu, mua một chai rượu vang hảo hạng 4500 Yen[1] , định làm quà cho hai người trẻ tuổi đính ước với nhau. Nhã ý đến như thế thì chỉ người tử tế mới nghĩ ra được thôi.
Về đến nhà, thấy trên giường mình có sẵn một áo polo hiệu Ralph Lauren màu xanh và một quần vải màu vàng sạch bong không một dấu vết gì, xếp ngay ngắn, chờ đợi.
-"Anh mặc bộ ấy vào đi". Em tôi bảo.
Ôi chao. Tôi nghĩ thầm, nhưng cũng mặc bộ ấy vào, không hó hé một lời nào. Có nói gì đi nữa, cũng chẳng làm sao mà đòi lại được một ngày nghỉ thanh bình, ấm áp, tuy có phần dơ bẩn nhưng quen thuộc của mình.
*
Watanabe Noboru đến vào lúc 3 giờ chiều. Tất nhiên là gác chân hai bên chiếc xe gắn máy, nương theo gió mà đến. Tiếng xịt khói xình xịch hăm doạ từ chiếc Honda 500 phân khối của cậu ta vọng đến rõ ràng từ 500 thước trước. Từ bao lơn, ló đầu nhìn xuống, thấy cậu ta ngừng xe bên cổng chung cư, cởi nón an toàn. Cũng may là hôm nay, ngoài nón an toàn gắn chữ STP ấy ra, cậu ta ăn mặc gần như người bình thường. Áo sơ-mi ca-rô cứng vì hồ nhiều quá, quần trắng rộng rãi, giày đế phẳng màu nâu. Chỉ phải cái giày và thắt lưng không hợp màu nhau mà thôi.
-"Em này, người quen ở Fisherman's Wharf đến rồi đấy". Tôi gọi vọng vào bếp cho em tôi đang gọt khoai ở bồn nước.
-"Vậy thì anh tiếp anh ấy một lúc hộ em. Tiện tay em chuẩn bị cơm tối luôn". Em tôi nói.
-"Anh chịu thôi. Biết nói chuyện gì với cậu ấy đây? Để anh chuẩn bị cơm tối cho. Em ra mà tiếp chuyện cậu ấy đi".
-"Anh nói hay nhỉ. Làm thế coi sao được. Anh tiếp chuyện anh ấy mới phải chứ".
Chuông cửa reo. Mở cửa ra thì thấy Watanabe Noboru đứng đấy. Tôi mời cậu ta vào phòng khách, ngồi vào ghế dài. Cậu ta mang quà đến: một hộp kem lạnh 31 thứ. Tủ lạnh nhà tôi thì nhỏ mà thức ăn đông lạnh đã chất đầy rồi, nên sắp xếp quà này vào nữa thì thật là cực nhọc. Anh chàng này chỉ gây thêm việc là giỏi. Quà gì không chọn, lại chọn quà kem lạnh 31 thứ!
Tôi mời uống bia, nhưng cậu ta thoái thác, bảo là không uống bia.
-"Bia không hợp với thể chất em". Cậu ta nói. -"Chỉ uống một ly bia thôi là đã thấy khó chịu trong người rồi".
-"Tôi thì thời đi học, đã có lần cá nhau bằng tiền xem ai uống bia nhiều nhất đấy". Tôi nói.
-"Rồi kết quả ra sao, thưa anh?"
-"Trọn hai ngày tiểu ra mùi bia. Thêm vào đấy, lại còn ợ chua nữa".
-"Này anh, trong lúc chờ đợi, nhờ anh ấy xem hộ bộ stereo đi". Có vẻ cô em tôi cảm thấy sắp có chuyện không hay nên vội vã mang đến hai ly nước cam đặt lên bàn, nói chen vào.
-"Vâng, được chứ". Cậu ấy nói.
-"Nghe nói cậu khéo tay?". Tôi hỏi.
-"Đúng đấy anh". Cậu ấy thành thực đáp. -"Từ nhỏ, em đã thích lắp ráp mô hình nhựa hay là máy thu thanh. Và vật dụng trong nhà hư thì em mày mò sửa được cả. Bộ stereo hư như thế nào vậy anh?"
-"Không ra tiếng". Tôi nói, rồi bật máy khuếch âm lên, lắp đĩa nhạc vào, cho cậu ta thấy là máy không phát ra tiếng.
Cậu ta ngồi bệt xuống trước bộ stereo, bật thử từng nút khoá điện trên máy.
-"Hư ở bộ khuếch âm đây. Nhưng không phải ở mạch điện bên trong".
-"Làm sao cậu biết được thế?"
-"Quy-nạp-pháp đấy anh". Cậu ta đáp.
Ghê nhỉ, quy-nạp-pháp đấy!
Thế rồi, cậu ta lôi máy tiền-khuếch-âm và máy khuếch-âm-điện-lực ra, tháo hết các dây nối, xem xét tỉ mỉ từng máy một. Trong lúc ấy, tôi lôi bia lon budweiser trong tủ lạnh ra uống một mình.
-"Uống được rượu chắc là vui lắm anh nhỉ?". Cậu ta vừa lấy đầu bút chì chạm vào đầu dây nối vừa hỏi.
-"Không biết đúng thế không". Tôi nói. -"Đã uống từ ngày xưa rồi nên không biết. Không so sánh được".
-"Em cũng đang tập uống một tí đấy anh".
-"Tập uống rượu ấy à?"
-"Vâng. Có kỳ quái không anh?". Cậu ta hỏi.
-"Cũng chẳng có gì là kỳ quái. Bắt đầu từ rượu vang trắng thì tốt. Lấy một cái ly lớn, cho rượu vang trắng và nước đá vào, rót thêm nước suối, vắt thêm chanh vào mà uống. Tôi uống thế thay cho nước ngọt đấy".
-"Em sẽ thử như anh nói". Cậu ta đáp. -"Aø, đúng là đây rồi".
-"Gì thế?"
-"Hư ở chỗ cáp nối máy tiền-khuếch-âm và máy khuếch-âm-điện-lực đấy anh. Cả hai đầu cáp đều bị hở ống cắm. Cấu tạo của loại ống này yếu quá không chịu nổi sức kéo mạnh. Mà chế tạo cũng thô sơ quá. Các máy này gần đây có bị xê dịch mạnh tay không vậy anh?"
-"Thế thì em nhớ có lúc quét dọn phía sau, đã dời các máy ấy đi đấy". Em tôi nói.
-"Chắc vì thế mà hở ra đấy".
-"Bộ máy này là của hãng anh chế đấy chứ gì?". Em tôi nói với tôi. -"Chế ra ống nối yếu quá thế mới hỏng chứ".
-"Có phải tự tay anh chế ra đâu. Anh chỉ làm chuyện quảng cáo thôi mà". Tôi phân trần với giọng yếu ớt.
-"Có mũi hàn chì thì sửa xong ngay ấy mà". Watanabe Noboru nói. -"Nhà có không anh?"
-"Không có". Tôi nói. Các thứ ấy thì tôi làm sao có được!
-"Vậy em chạy mua ngay đây. Có mũi hàn chì trong nhà cũng tiện lắm đấy anh".
-"Có lẽ thế thật". Tôi nói, không mạnh dạn gì mấy. -"Mà không nhớ tiệm bán đồ máy móc ở khoảng nào".
-"Em biết. Lúc nãy đã chạy ngang qua". Watanabe Noboru nói.
Tôi lại ra bao lơn, nhìn xuống xem Watanabe Noboru đội nón an toàn, gác chân qua xe gắn máy, chạy đi.
-"Anh ấy là người tốt bụng đấy chứ". Cô em nói.
-"Tôi mềm lòng rồi đấy cô ạ". Tôi nói.
*
Sửa chữa cáp nối xong khoảng gần 5 giờ chiều. Cậu ấy nói muốn nghe những bài ca êm dịu nên em tôi để đĩa nhạc Julio Iglesias. Tôi than thầm. Ôi, Julio Iglesias à? Làm sao mà cái thứ nhạc nhão nhẹt này lại có trong nhà tôi vậy kìa?
-"Huynh trưởng thì thích loại nhạc nào?". Cậu ta hỏi.
-"Thích loại nhạc này lắm". Tôi nói mỉa. -"Và Bruce Springteen, Jeff Beck, ..."
-"Em chưa nghe các ca sĩ ấy. Chắc là cũng tương tự loại nhạc này?"
-"Đại khái cũng giống". Tôi nói.
Rồi cậu ta nói chuyện về hệ thống máy tính mới mà nhóm của cậu đang khai phát. Một khi xảy ra tai nạn đường sắt, hệ thống ấy sẽ tức thì tính toán ra lịch trình mới, chuyển đổi các chuyến tàu điện, đối phó với hiệu quả tối ưu. Nghe cậu ta nói thì biết là tiện lợi đấy, nhưng tôi nghe cứ như là chia động từ trong tiếng Phần Lan, chẳng hiểu gì cả. Trong lúc cậu ta nhiệt tâm giải thích, tôi gật gù cho phải phép, chứ thật ra, chỉ nghĩ đến bạn gái. Lần nghỉ tới sẽ đi uống với ai, đi ăn ở đâu, vào khách sạn nào, ..., những chuyện như thế. Hẳn là bản tính tôi chỉ thích những chuyện này thôi. Có người thích lắp ráp mô hình nhựa, lập lịch trình tàu điện, còn tôi thì thích đi uống rượu và ngủ với bạn gái. Khác biệt ấy là định mệnh, vượt lên trên sức hiểu biết của con người.
Lúc tôi uống xong lon bia thứ tư thì thức ăn tối đã chuẩn bị xong. Thực đơn gồm có cá hồi xông khói, món xúp, thịt bò bíp-tếch, rau xà-lách, khoai tây chiên. Thức ăn em tôi nấu bao giờ cũng ngon. Tôi mở chai rượu vang hảo hạng, uống một mình.
-"Huynh trưởng vì sao mà chọn làm cho hãng máy móc điện thế? Em nghe nói là anh không thích điện gì lắm mà". Watanabe Noboru vừa cầm dao cắt thịt bò vừa hỏi tôi.
-"Người này thì thứ gì có ích cho xã hội lại không thích gì mấy". Em tôi nói. -"Việc làm thì đâu cũng được, tình cờ có người quen lo cho, nên vào làm trong hãng này đấy thôi".
-"Đúng thế đấy". Tôi đồng ý hoàn toàn.
-"Anh ấy chỉ nghĩ đến chuyện chơi bời thôi. Nghiêm túc, tận lực vào việc gì khác, hay cải thiện, hướng thượng, ... thì hoàn toàn chả bao giờ nghĩ đến".
-"Ve sầu kêu ve ve suốt mùa hè". Tôi nói.
-"Hễ thấy người khác sống nghiêm chỉnh thì lại cười mà cho là quê mùa nữa". Em tôi nói.
-"Cái đó thì không đúng đâu". Tôi nói. -"Người khác và anh là hai chuyện riêng biệt. Anh chỉ tiêu phí lượng nhiệt năng nhất định theo ý mình thôi, chuyện người khác thì không lý đến. Mà cũng không xem ai là quê mùa. Quả thật anh có thể là người bê bối, nhưng ít nhất, anh không làm phiền lụy người nào khác".
-"Anh có gì bê bối đâu". Watanabe Noboru nói ngay, gần như phản xạ. Hẳn là giáo dục gia đình tốt.
-"Cảm ơn". Tôi nói, nâng ly rượu lên. -"Và chúc mừng đính hôn. Xin lỗi uống một mình không mời ai".
-"Em định tháng Mười này thì cưới đấy anh". Watanabe Noboru nói. -"Tuy không mời được sóc và gấu như anh đã nói".
-"Ôi, chuyện ấy mà để tâm làm gì". Trời đất ơi, anh chàng này lại còn nói đùa nữa. -"Thế, trăng mật thì định đi đâu? Công ty du lịch bớt vé cho em đấy chứ?"
-"Hawaii". Em tôi đáp.
Rồi cả ba nói chuyện máy bay. Tôi vừa đọc xong mấy cuốn sách về tai nạn máy bay trong dãy Andes, nên đem chuyện ấy ra nói.
-"Khi họ ăn thịt người thì đặt lên mảnh nhôm vỡ từ thân máy bay rồi nướng bằng ánh sáng mặt trời đấy". Tôi nói.
-"Anh hay nhỉ. Đang ăn mà sao lại phải nói đến chuyện ghê gớm thế không biết". Cô em ngưng đũa, trừng mắt nhìn tôi. -"Khi tán các cô, đang ăn mà anh cũng nói những chuyện như thế hay sao?".
-"Chắc là huynh trưởng chưa định cưới vợ?". Watanabe Noboru chen vào. Chẳng khác nào vợ chồng đang hục hặc nhau mà lại mời khách đến chơi.
-"Vì chẳng có cơ hội nào cả đấy thôi". Tôi vừa nói vừa cho miếng khoai chiên vào miệng. -"Em tôi còn thơ ấu phải lo liệu, mà lại gặp lúc chiến tranh kéo dài...".
-"Chiến tranh à?" Watanabe Noboru ngạc nhiên hỏi. -"Chiến tranh nào thế anh?"
-"Anh ấy giễu dở đấy mà". Cô em tôi nói, vừa cho dầu trộn vào xà-lách.
-"Giễu dở đấy thôi". Tôi nói. -"Nhưng mà, không có cơ hội là nói thật đấy. Tôi là người có tính hẹp hòi, thêm vào đấy, vớ tất ít khi giặt, nên không may mắn gặp được người con gái xinh đẹp nào chịu sống chung cả. Không được như cậu".
-"Vớ tất bị gì thế anh?" Watanabe Noboru hỏi.
-"Anh ấy lại nói đùa nữa". Em tôi giải thích, giọng chán chường. -"Chứ vớ tất thì em giặt cho anh ấy mỗi ngày đấy".
Watanabe Noboru gật đầu, cười khoảng 1 giây rưỡi. Tôi hẹn thầm sẽ cười lại cậu ta khoảng 3 giây.
-"Thế không phải cô ấy sống chung được với anh suốt từ ấy đến nay sao?". Cậu ta chỉ em tôi và hỏi.
-"À, chỉ vì cô ấy là em ruột tôi". Tôi đáp.
-"Anh tha hồ muốn làm gì thì làm, em nhất thiết không đả động gì đến, nên mới sống chung được đấy". Em tôi nói. -"Nhưng mà, đời sống thật sự không thể là như thế được. Đời sống người lớn thật sự thì người ta thẳng thắn mà nói với nhau. Dĩ nhiên là 5 năm trời sống chung với anh thì cũng có phần vui thích đấy. Tự do, sao cũng xong. Thế nhưng dạo này dần dần em nghĩ, như thế không phải là đời sống thật sự. Nói thế nào nhỉ? Em không cảm thấy được thực chất của đời sống. Anh như hoàn toàn chỉ nghĩ đến anh thôi. Dù em có định nói chuyện đàng hoàng, cũng bị anh lái sang chuyện đùa bỡn".
-"Chỉ vì anh nhút nhát đấy thôi". Tôi nói.
-"Ngạo mạn đấy chứ". Em tôi nói.
-"Nhút nhát mà ngạo mạn đấy thôi". Tôi vừa rót rượu vang vào ly vừa giải thích cho Watanabe Noboru. -"Như lái xe một cách nhút nhát, có lúc lại ngạo mạn đấy mà".
-"Em nghĩ có thể hiểu được điều ấy". Watanabe Noboru gật đầu. -"Nhưng mà, sau khi tụi em kết hôn, chỉ còn một mình, hẳn là anh dần dần sẽ muốn cưới vợ hơn chứ?"
-"Có lẽ thế". Tôi nói.
-"Thật không đấy?". Em tôi hỏi. -"Nếu quả thật anh muốn thế thì em sẵn sàng giới thiệu cho anh một cô bạn em rất là được người ..."
-"Đến lúc ấy hẵng hay". Tôi nói. -"Bây giờ thì vẫn còn nguy hiểm quá".
*
Aên tối xong, chúng tôi chuyển sang phòng khách, uống cà-phê. Em tôi lần này cho chạy đĩa nhạc Willie Nelson. Rất may là còn nghe được hơn Julio Iglesias một tí.
-"Thật ra, em cũng muốn sống độc thân như anh, cho đến khoảng 30 tuổi". Watanabe Noboru nói, như thổ lộ với tôi khi em tôi đang rửa chén bát trong bếp. -"Thế nhưng gặp cô ấy, em lại muốn kết hôn ngay".
-"Con gái được thế là tốt lắm đấy. Có hơi ương ngạnh một tí, thỉnh thoảng táo bón, nhưng cậu chọn đúng người đấy".
-"Nhưng mà, kết hôn có vẻ đáng sợ thế nào ấy".
-"Quen nghĩ đến mặt tốt đẹp, điều tốt đẹp mà thôi, thì chẳng có gì phải sợ cả. Chuyện gì không tốt đẹp, nếu có xảy ra, thì đến lúc ấy hẵng hay".
-"Có lẽ đúng như anh nói".
-"Chuyện người khác thì tôi chỉ nói được thế". Tôi nói, rồi đến chỗ em tôi, bảo cô ấy rằng tôi sẽ đi tản bộ quanh đây một lúc.
-"Anh sẽ không về trước 10 giờ đêm đâu, hai cô cậu tha hồ nói chuyện với nhau. Chăn trải giường cũng đã thay mới rồi đấy".
-"Anh thì chỉ để ý ba cái chuyện kỳ quái ấy thôi". Em tôi nói, ra vẻ chán ngán. Chẳng phản đối gì chuyện tôi đi.
Tôi đến nói với Watanabe Noboru là có chuyện cần phải đi trong xóm, có thể về trễ.
-"Em rất vui được nói chuyện với anh hôm nay". Watanabe Noboru nói. -"Sau khi tụi em kết hôn rồi, cũng xin anh đến chơi nhiều với tụi em".
-"Cảm ơn". Tôi nói, không sốt sắng gì mấy.
-"Anh đừng có lái xe đấy nhé. Hôm nay đã uống rượu nhiều quá rồi". Em tôi nói vọng theo bước chân tôi.
-"Anh đi bộ mà". Tôi đáp.
Tôi vào quán rượu gần nhà lúc gần 8 giờ tối. Ngồi ở quầy rượu, gọi rượu IW Harper với đá. TV ở quầy đang truyền hình trực tiếp trận bóng-chày giữa đội Giants và đội Yakult. Mà âm thanh lại tắt mất, thay vào đó, chơi nhạc đĩa Cindy Lauper. Người ném bóng là Nishimoto và Obana, Yakult đang dẫn trước 3 - 2. TV không có âm thanh mà xem cũng không đến nỗi chán.
Tôi vừa xem bóng chày vừa uống 3 ly whisky đá. Đến 9 giờ thì đồng điểm 3 - 3, hết chương trình truyền bóng chày, TV cũng bị tắt mất. Ngồi cách tôi một ghế là một cô gái trên dưới 20 tuổi thỉnh thoảng thấy ở quán này, cũng ngồi xem TV như tôi, nên khi TV tắt, tôi quay sang nói chuyện bóng chày với cô. Cô ấy bảo thích đội Giants, hỏi tôi thích đội nào. Tôi đáp đội nào cũng được, tôi thích xem bóng chày chung chung thế thôi.
-"Như thế thì vui thích ở chỗ nào nhỉ?". Cô hỏi. -"Không theo một đội nào thì làm sao mà nhiệt tâm, hào hứng được?"
-"Không nhiệt tâm cũng đâu có sao". Tôi nói. -"Dù gì đi nữa, cũng chỉ là chuyện người khác làm, có phải tự mình chơi đâu".
Tôi gọi thêm 2 ly whisky đá, và đãi cô 2 ly rượu-pha rum-chanh "daiquiri". Cô cho biết đã học về tạo mẫu thương mại ở đại học mỹ thuật, nên chúng tôi nói chuyện về mỹ thuật trong ngành quảng cáo. Đến 10 giờ tối thì tôi và cô ra khỏi quán ấy, dời qua một quán rượu khác có ghế ngồi thoải mái hơn. Tôi lại uống whisky, cô ấy uống rượu-pha kem bạc-hà "grass-hopper". Cô đã say lắm, mà chính tôi cũng đã say. Đến 11 giờ tối, tôi đưa cô ta về nhà trọ của cô, và tất nhiên là đã ngủ với cô. Như khách đến thì mời ngồi và đãi trà vậy.
-"Tắt đèn đi". Cô nói.
Tôi tắt đèn. Từ cửa sổ nhìn thấy tháp quảng cáo to tướng của hãng Nikon. Từ phòng bên vẳng sang tiếng TV truyền hình bóng-chày-chuyên-nghiệp nghe thật ồn. Tối thui, mà lại say nữa, nên làm gì thì chính mình cũng chẳng biết nữa. Chẳng gọi là tình dục gì được. Chỉ là động đậy củ giống và phóng xuất tinh dịch, thế thôi. Một chuỗi hành vi giản-lược-hoá đến cực kỳ ấy vừa xong, thì cô gái đã ngủ say ngay, như chỉ chờ được như thế. Tôi cũng chẳng buồn lau rửa, cứ thế sờ soạng tìm quần áo mặc vào. Trong tăm tối, tìm cho ra áo polo và quần lót, quần dài lẫn lộn vào đống áo quần của cô ấy, quả là vất vả.
Ra đến bên ngoài, cơn say như một chuyến tàu lửa chở hàng đêm, đã chạy xuyên suốt thân người tôi thật kịch liệt. Cảm giác tơi bời. Như anh chàng người thiếc trong phim "The Wizard of Oz - Phù thủy xứ Oz" thiếu dầu nhớt. Uống một lon nước ngọt từ máy bán hàng tự động, nhưng vừa uống cạn lon, là nôn thốc mọi thứ trong dạ dày ra. Những bã bíp-tếch, cá hồi xông khói, rau xà-lách, cà chua, ...
Thật chán. Uống rượu vào rồi nôn cả ra thế này thì mấy năm rồi mới có lại nhỉ? Không biết dạo này mình làm cái trò gì mà bết thế này? Cũng chừng ấy chuyện làm đi làm lại, mà càng làm, càng tệ hại thêm ra. Rồi, chẳng mạch lạc gì cả, tôi nghĩ sang cái mũi hàn chì Watanabe Noboru đã mua cho hôm nay. "Có mũi hàn chì trong nhà cũng tiện lắm đấy anh". Watanabe Noboru đã nói thế. YÙ nghĩ lành mạnh thật. Tôi vừa lấy khăn tay lau miệng vừa nghĩ. Nhờ cậu mà nhà tôi nay đã có được một mũi hàn chì. Nhưng cũng vì có thêm mũi hàn chì ấy mà tôi có cảm giác nơi ấy không còn là nhà của tôi nữa. Có lẽ suy nghĩ như thế cũng chỉ vì tôi là người có tính hẹp hòi.
*
Tôi trở về phòng trọ thì đã quá nửa đêm. Tất nhiên bên cạnh cổng trước không còn bóng dáng chiếc xe gắn máy nữa. Tôi lấy thang máy lên tầng 4, mở khoá bước vào phòng. Chỉ có đèn ống nhỏ trên bồn rửa chén bát trong bếp còn sáng, còn lại thì tối om. Em tôi hẳn đã hết kiên nhẫn chờ anh nên đã đi ngủ từ lúc nào rồi. Cảm giác lúc bấy giờ thật là thơ thới.
Tôi rót nước cam, uống một hơi cạn ly, rồi vào phòng tắm, dưới vòi sen, thoa xà-phòng rửa hết mồ hôi nặng mùi, và đánh răng kỹ lưỡng. Ra khỏi vòi sen, nhìn vào tấm gương trên bồn rửa mặt, tự mình cũng phải ngán sợ đến rùng mình vì khuôn mặt phản chiếu trong gương. Khuôn mặt bẩn thỉu của một gã sồn sồn say rượu thỉnh thoảng tôi vẫn thấy, khi ngồi trên những chuyến tàu điện cuối cùng trong ngày. Da sần sùi, mắt phồng lên, tóc khô, xơ xác.
Tôi lắc đầu, tắt đèn trong phòng tắm, chỉ một mảnh khăn quấn quanh hông, trở lại phòng bếp, mở vòi uống nước. Sáng mai thế nào cũng sẽ khá hơn. Mà dù có tệ hơn thì ngày mai hẵng hay. "Ộp-la-đi, Ộp-la-đa, đời trôi xuôi, hế". Như câu nhạc của Beatles ấy.
-"Về trễ dữ nhỉ". Tiếng cô em vang lên trong bóng tối mù mịt. Cô đang ngồi trên ghế dài phòng khách, uống bia một mình.
-"Đi uống rượu đấy mà".
-"Anh uống rượu nhiều quá đấy".
-"Biết rồi". Tôi nói, mở tủ lạnh lấy lon bia cầm tay, đến ngồi đối diện với em tôi. Cả hai không nói gì một hồi lâu, thỉnh thoảng lại đưa lon bia lên uống. Gió thổi lay động lá cây trong chậu ngoài bao lơn, phía xa thấy mảnh trăng bán nguyệt.
-"Nói trước là đã không làm gì cả đấy". Em tôi nói.
-"Làm gì kia?"
-"Chẳng làm gì cả. E dè thế nào ấy, nên không làm gì được cả".
-"Ra thế". Tôi nói. Những đêm có trăng bán nguyệt, không hiểu sao tôi lại ít nói.
-"E dè chuyện gì, anh không muốn biết à?". Em tôi lại nói.
-"E dè chuyện gì thế?". Tôi hỏi.
-"Căn phòng này đấy. Căn phòng này khiến phải e dè, nên không làm được ở đây".
-"Hừm".
-"Này, anh sao thế? Có phải đang đau ốm gì đấy không?"
-"Mệt lắm". Tôi nói. -"Anh cũng có lúc mệt chứ bộ".
Em tôi im lặng, nhìn tôi đăm đăm. Tôi uống một hơi cạn lon bia, xong ngả người, gục cổ, nhắm mắt lại.
-"Này anh, tại vì tụi em mà anh mệt đấy à?". Em tôi hỏi.
-"Đâu có". Tôi đáp, mắt vẫn nhắm.
-"Mệt đến nỗi không nói chuyện được sao anh?". Em tôi nói, giọng nhỏ nhẹ.
Tôi nhỏm người lên nhìn em tôi, lắc đầu.
-"Anh này, hôm nay em đã nói gì không tốt về anh đấy nhỉ. Nghĩa là, nói gì đấy về tính tình, hay lối sống của anh ..."
-"Có sao đâu". Tôi nói.
-"Thật không?"
-"Bấy lâu nay, em chỉ nói những điều đúng thôi. Cho nên đừng bận tâm. Nhưng mà, sao thình lình em lại nghĩ thế?"
-"Sau khi anh ấy về, trong lúc ngồi chờ anh thế này, em chợt nghĩ như thế. Có thể em đã nói gì đấy hơi quá trớn đối với anh ...".
Tôi lấy từ tủ lạnh ra hai lon bia, mở máy stereo, chạy đĩa Richie Beirach Trio, âm thanh nho nhỏ. Đĩa nhạc này tôi vẫn nghe mỗi lần uống rượu say trở về nửa đêm.
-"Chắc là em bấn loạn một tí đấy mà". Tôi nói. -"Đối với sự thay đổi trong sinh hoạt ấy. Cũng như khi khí áp biến đổi. Chính anh cũng bấn loạn theo lối của anh đấy chứ".
Em tôi gật đầu.
-"Em đã kiếm chuyện với anh đấy nhỉ?".
-"Mọi người đều kiếm chuyện với người nào đấy, chẳng cứ gì em". Tôi nói. -"Nhưng mà, nếu em chọn anh là người để em kiếm chuyện, thì chọn lựa ấy không sai đâu. Cho nên chẳng có gì phải áy náy cả".
-"Đôi khi không hiểu sao em thấy sợ quá, về tương lai". Em tôi nói.
-"Gắng nhìn mặt tốt mà thôi, gắng nghĩ đến điều tốt mà thôi. Làm thế thì không còn sợ gì cả. Chuyện xấu có xảy ra đi nữa, thì lúc ấy hẵng suy nghĩ cũng được mà". Tôi lặp lại lời đã nói với Watanabe Noboru.
-"Nhưng có thật song suốt được như thế không anh?"
-"Không song suốt được thì đến lúc ấy hẵng suy nghĩ cũng được".
Em tôi cười khúc khích.
-"Từ trước đến giờ, anh vẫn là người quái kỳ như thế". Em tôi nói.
-"Này em, anh hỏi một chuyện này có được không?". Tôi nói, kéo khoen lon bia lên.
-"Được chứ".
-"Trước cậu ấy thì đã ngủ với mấy người rồi?"
Cô em hơi ngần ngừ một chút, rồi đưa hai ngón tay lên. -"Hai người".
-"Một người cùng tuổi, người kia thì lớn tuổi hơn em, có phải thế không?"
-"Làm sao anh biết được thế?"
-"Điển hình là thế mà". Tôi nói, uống một ngụm bia. -"Anh ăn chơi thế này đâu phải là vô ích. Chừng ấy thì hiểu được chứ".
-"Đúng tiêu chuẩn phải không anh?"
-"Thế là lành mạnh đấy".
-"Còn anh, đã ngủ với bao nhiêu người rồi?"
-"26 người". Tôi nói. -"Mới đếm thử đây. Nhớ lại được thì 26 người. Không nhớ lại được có thể khoảng mươi người. Có ghi vào nhật ký đâu mà nói cho chính xác được".
-"Sao anh ngủ với nhiều cô thế?"
-"Chẳng biết". Tôi thành thực đáp. -"Có lẽ phải ngưng ở khoảng nào đấy, nhưng tự mình không nắm được thời cơ đó thôi".
Cả hai lại im lặng một hồi, mỗi người suy nghĩ chuyện cần suy nghĩ của mình. Xa xa nghe có tiếng nổ của xe gắn máy, nhưng hẳn không phải là của Watanabe Noboru. Đã 1 giờ sáng rồi.
-"Này, anh nghĩ sao về anh ấy?". Em tôi hỏi.
-"Về Watanabe Noboru ấy à?"
-"Vâng".
-"À, đàn ông thế thì cũng được. Tuy chẳng phải mẫu người anh thích, và lối ăn mặc có hơi lạ kiểu". Tôi suy nghĩ một lúc rồi thành thực đáp. -"Nhưng trong gia đình, có một người lạ kiểu thì cũng chẳng sao".
-"Em cũng nghĩ thế. Em cũng thích con người như anh, tuy nếu mọi người trên đời này, ai cũng giống như anh cả thì thế giới sẽ tệ hại lắm đấy".
-"Hẳn thế". Tôi nói.
Sau đó, anh em tôi uống cạn lon bia, rồi ai về phòng nấy. Chăn trải giường mới tinh, sạch bong, không một nếp nhăn. Tôi nằm dài trên đấy, ngắm trăng qua khe màn cửa sổ. Không hiểu chúng tôi sẽ ra sao nhỉ. Nhưng tôi đã quá mệt mỏi không còn sức để suy nghĩ sâu xa về những vấn nạn như thế.
Nhắm mắt lại, giấc ngủ dần dần đến, như tấm lưới đen thẩm từ đỉnh đầu uốn éo phủ dần xuống, âm thầm.
Cước chú:
[1] 4500 Yen: khoảng 45 USD.
[ Trở Về ]