Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ]
Thủ Xú 取丑
TchyA Đái Đức Tuấn
Lời dẫn:
Tựa Bài viết là Thủ Xú, có lẽ viết theo Hán Việt là 取丑 , qŭ chǒu, giản thể viết (取丑), nghĩa đơn giản là làm xấu cũng như khi viết thủ xảo 取巧 , làm khéo. Chuyện Thủ Xú lần đầu đăng Báo Phổ Thông Bán Nguyệt San tháng 7 năm 1936. Chuyện đáng để ý đây là TchyA, theo Tây học, viết một chuyện ngắn về đồng tình luyến ái 同性恋爱tòng xìng liàn ài , lesbian, mà thời đó đã đi vào phong tục nước Việt, và Thủ Xú đã đưa đến một án mạng; nạn nhân là chàng trai trẻ nhiều phonng độ, nhưng quá tò mò và chủ quan, Nguyễn Khai Hoa. Hai thủ phạm, có lẽ vì muốn không ai biết đến Thủ xú, cho nên chị ruột và tình nhân của Khai Hoa đã chủ mưu ám toán chàng, để rồi sau đó, hai vị phu nhân, rất danh giá, rất giầu sang, vẫn thường đi lại đánh tổ tôm với nhau trong một tòa nhà tây lớn hai từng ở đường Quan Thánh, và tất nhiên tha hồ tự do đi lại Thủ xú...Nguyễn Quốc Bảo,
tháng hai 2007.Tôi không muốn nói chỗ xảy ra câu chuyện này, nó là chỗ nào. Nhưng muốn không cho các bạn phải vẩn vơ tìm kiếm, ta tạm cho chỗ ấy là thành Hà-Nội, để gọi là có một hình ảnh rõ ràng.
Vậy thì, mùa xuân năm ấy, vào khoảng cuối tháng ba, trên con đường sầm uất chạy vòng quanh hồ Hoàn Kiếm, từ ga xe điện đến nhà Gôđa, người ta thấy tấp nập những người qua lại. Công tôn, vương tử, thiếu gì yến lả, oanh lơi. Chỉ bởi trong gian nhà Philharmonique trước ngã ba, một cuộc chợ phiên tưng bừng đương đón rước muôn ngàn hồng tía.
Cảnh xuân rực rỡ, lại đúng ngày nắng ráo êm đềm, nên thú vị chơi xuân càng lắm vẻ tốt tươi, đằm thắm. Những lớp sóng người dào dạt, những hàng xe pháo nghênh ngang, những gánh quà bôn ba giữa chốn náo nhiệt, đua tranh, tất cả các thứ ấy chen nhau, xô nhau, dồn dập lại chật đường như nêm cối. Trước cửa nhà Philharmonique, cờ bay phấp phới, vải căng ngang đường, biển vẽ hoa giấy, dán và treo lủng lẳng phía trên cửa ra vào, như muốn giục lòng khách chẩy hội vào góp vui cho thỏa chí. Lại những nhịp kèn tây hùng tráng, đè tiếng ồn ào của thiên hạ để bắn vào tai những khách qua đường. Vui, thực là vui; sao mà ngày hội hôm nay được dịp tưng bừng như vậy ? Có lẽ cũng bởi tại hôm đó đúng tuần lễ bái trong đền Ngọc Sơn, nên đang náo nhiệt một phần thì lại hóa hai, vì thêm cả những phụ nữ thành tâm đi lễ Thánh.
Trên vệ đường đông nghịt những kẻ đi xem ngớ ngẩn, bỗng dưng người ta nhận thấy hai cậu học sinh, ăn mặc cực kỳ sang trọng, vừa đi vừa nói chuyện rất ung dung. Hai cậu đó hình như không để ý xem hội hè gì, chỉ bàn nhau những lý thuyết cao siêu trong triết học. Cậu lớn tuổi nhất nói :
- Mày không rõ. Phật học không tin ở sự thiên tạo, bởi thế nên Đức Phật mới cắt nghĩa sự sinh tồn bằng thập nhị nhân duyên. Đạo Phật muốn tìm ra một nguyên nhân rõ rệt, không muốn dùng một câu cắt nghĩa dễ dàng mà các đạo khác thường vin vào khi lý luận : "Trời sinh ra muôn vật".
- Đành vậy. Nhưng ta phải nhận rằng, ngoài mọi sự liên tiếp nhau theo những luật định sẵn, người ta có thể đào tạo ra được những cái mới. Ví như ta làm câu văn ấy tuy là kết quả của nhiều sự ở ngoài vòng định ý của ta, nhưng một phần câu văn ấy là của ta, sự tạo ra nó là bởi ta có thể tạo ra được. Cái sức đào tạo ấy, đối với Hóa công, cũng thế. Sao lại bảo Trời không sinh ra thế gian này ? Cái nguyên nhân của thế gian, của vũ trụ, tức là Trời. Chỉ có Trời.
- Mày lại ngụy biện rồi.
- Ngụy biện thế nào ?Chàng trẻ tuổi nói đến đây, thì nét mặt lộ ra vẻ ngao ngán, không muốn nói chuyện nữa. Chàng chỉ muốn chạy vào vui phiên chợ, đùa bỡn cùng những hiện trạng trước mắt, để mặc Trời, Phật, cùng thuyết thiên tạo trong gầm tư tưởng viển vông. Một hàng phở đi trở lên bỗng chia rẽ hai cậu học sinh ra hai ngả. Cậu nhớn tránh ra vài bước, rồi lại túm lấy tay cậu bé để bàn xong câu chuyện bỏ quên. Về phần cậu bé, thì hình như cậu đãng trí, thờ ơ; được tránh cậu lớn một giây, cậu lấy làm đắc chí lắm. Câu chuyện Phật và thiên tạo, bắt đầu từ buổi tan học chiều hôm qua, không thỏa nguyện linh hồn cậu nữa. Bây giờ cậu chỉ muốn kiếm cớ từ giã bạn, rồi đi ngay vào đám vui đùa. Đối với cậu, ngày xuân vui sướng là đủ thích rồi, cậu không cần Trời, Phật nữa. Sự phồn hoa náo nhiệt, vẻ tấp nập của thị thành, thay cho nền triết lý chứa đầy óc ngây thơ của cậu.
Không bao giờ Nguyễn Khai Hoa thấy mình trai trẻ như hôm nay. Có ai được thấy Hà thành náo nhiệt hơn ngày hôm đó ? Biết bao nhiêu là ô-tô bóng nhoáng, bao nhiêu là công tử phất phơ, bao nhiêu là mỹ nhân tha thướt ? Mà, trên nét mặt các mỹ nhân ấy, có khi nào lại được thấy, như sáng nay, bao nhiêu là sáp son trên môi họ, bao nhiêu là phấn hồng trên má họ, bao nhiêu là ý nghĩ mơ màng trong đôi đồng tử họ, khuynh thành ? Một làn gió thoảng, như êm dịu, như thơm tho, đưa những mùi phấn sáp và mùi nước hoa qua mũi cậu. Những làn áo lụa, đủ các mầu óng ả, phất phơ bay như những lá cờ thêu ... Nguyễn Khai Hoa đưa hồn vào cõi mộng ...
- Mày nghĩ thế có phải không ?
Cậu nhớn Trần Chí Lâm, lại nắm tay bạn hỏi dồn về triết học.
- Tao cũng chả biết ...
Cậu bé, mơ màng, ngây ngất trả lời.Thực ra, cậu cũng không buồn nghe nữa. Một người thiếu nữ vừa thoăn thoắt tạt qua. Mùi da má nàng như đánh thức cậu ra khỏi giấc mơ tê tái.
Lâm ạ, tao xin lỗi mày. Tao đi đường này tý nhé !
Cậu Lâm buồn bã lắc đầu mấy cái, rồi để tay vào mé trái tim, cười :
- Tao hiểu rồi. Thôi mày đi.Người con gái vừa thoáng qua, đã biến rất mau chóng trong lớp sóng người tấp nập. Cậu Khai-Hoa cố tình theo đuổi kịp nàng. Len lỏi mãi trong đám hội, thích cánh chen vai mãi, cậu mới tìm được cô ả kia đang đi thẳng xuống Gô-đa. Như một thám tử đi rình, cậu Hoa không bỏ sót dáng điệu nào của thiếu nữ mà cậu đã cố theo sau từng bước.
Đã mấy ngày hôm nay, người con gái ấy đã khiến cậu phải để ý đến nàng một cách tò mò, tỷ mỷ. Nhiều cảm giác kỳ dị, khó hiểu, làm bằng tính thóc mách nhiều hơn sự thương yêu xui cậu phải rình mò xem xét cách hành vi cử động của nàng.* * *
"Chắc hẳn nàng có nhân tình, nhân ngãi gì đây !" Cậu Khai Hoa lòng tự nhủ lòng như vậy. Nhưng mà nàng yêu ai, có hẹn hò, thề ước cùng ai, cậu chỉ muốn biết rõ ràng cho thỏa nguyện. Không đi xa vào những chỗ éo le của tư tưởng, cậu nhận ngay thấy ý muốn che chở cho nàng không đủ để cắt nghĩa sự cậu cố theo riết nàng mà thực tâm cậu không muốn làm, nhưng, không hiểu rõ vì sao, cậu cứ như bị một mãnh lực gì bắt cậu phải làm cho kỳ được. Hành tung của cậu, nói cho đúng, rất là phi lý, bởi lẽ cậu kém nàng có đến hai tuổi, mà, trong tình trường, kinh nghiệm của cậu không có tý gì đáng gọi là sâu sắc, hơn người.
Bạn sẽ lấy làm lạ biết rằng thiếu nữ đó, tức là chị cậu. Tên nàng là Nguyễn An Trinh.Đi luồn qua lũ người xem hội chật đông như nêm cối, cậu Khai Hoa vừa chen vai thích cánh, vừa cố đuổi kịp cô Trinh để rình xem bạn thiếu niên nào dám cả gan cùng chị cậu chỉ non thề biển. Nhân tình của cô ắt hẳn là một người có nhiều vẻ xuất sắc, nếu không chị cậu đã không bị kẻ ấy làm cho tâm trí thẫn thờ ! Thực vậy. Từ đã nửa tháng nay, cô An Trinh cứ hoảng hốt, thay đổi hẳn tính tình, làm cho cậu không thể nhận được nét mặt tươi vui của nàng nữa.
Trước kia chị cậu bao giờ cũng vui vẻ, tính khí khoan hòa, điềm đạm, hay đùa, hay cợt, khiến cho cả gia đình, vì nàng, ngày ngày thường được hả hê. Cô Trinh, trong cửa trong nhà, tựa như một tia ánh sáng. Trên thì cha mẹ đã già, chỉ biết an nhàn dưỡng lão và làm thần coi giữ một cái gia tài. Dưới thì chỉ có cô Trinh, rồi đến cậu. Một gia đình phong phú, thuận hòa êm ấm, tịnh không bao giờ dám chen vào một sự đổi thay. Thế mà sao ngày nay, chị cậu Hoa lại bỗng hóa ra ủ rũ, buồn rầu, hay gắt gỏng, hay giận giỗi, coi chốn phòng khuê ấm áp như một nhà tù bó buộc, lại hình như muốn khát khao thèm muốn một điều gì ? Bây giờ nàng ngồi vào bàn ăn chỉ hơn giúng vào bát cơm một tý bằng đầu đũa, không bì với mấy năm về trước, nàng ăn uống bao giờ cũng khỏe khoắn , ngon lành. Chả hiểu vì sao lại có sự dị kỳ như vậy ?
Rồi, ngày lại ngày, sắc đẹp mặn mà, diễm lệ của cô Trinh có phần như phai nhạt; cô biếng soi gương, điểm phấn, ăn mặc tuy còn chải chuốt, nhưng điếm đàng, không có vẻ tự nhiên.
"Thế nào cũng biết cái đứa đã để lụy đến chị Trinh, - Cậu Hoa tự nhủ lòng như vậy. - Rồi mình sẽ được rõ biết ! Chị cứ đi đi, đi đi, tôi sẽ theo chị đến cùng trời cuối đất!"
Kẻ kia lấy mất tính vui vẻ của chị cậu tức là lấy mất hạnh phúc của gia đình cậu, và hơn nữa, ăn trộm mất tình chị cậu yêu quý cậu bấy nay, chia sẻ mảnh tình cao sạch đó. Cậu phải tìm cho ra kẻ ấy, cậu phải tìm cho ra nguồn gốc xui cô Trinh, tự nhiên thay hẳn tính tình !Cậu Hoa đi, đi mãi. Cậu len lỏi giữa đám người tụ nhau trùng trùng, điệp điệp trên Bờ Hồ. Mắt cậu không dời bỏ một khắc nào hình ảnh chị cậu đi trước cậu độ hơn mười bước. Chị cậu hình như không có vẻ đi xem ngày hội, cũng hình như không có vẻ đi chơi. Cô đi một cách rất mau, không để ý đến ai hết. Một người bán hàng thêu mời cô mua một cái mặt gối, cô lắc đầu đáp lại người ấy một cách khinh bỉ, lạnh lùng.
Đi quá hiệu Gô-đa, đến một chỗ ngã tư, cô quặt sang bên trái. Chỗ ấy vắng người qua lại nên cậu Hoa lại phải nép vào một xó kín để ẩn thân. Cậu thấy rõ chị cậu, đến đầu đường dừng gót lại. Nàng ngoảnh nhìn tứ phía có vẻ sợ sệt, xem có ai theo dõi nàng không ? Một lúc lâu, nàng mới quả quyết bước đi, đi vào một con đường vắng.Đến chỗ này mới khó nghĩ. Câu chuyện đi rình càng thêm hiểm hóc éo le. Cậu Hoa cứ phải chạy từ gốc cây này sang gốc cây kia, vừa đi, vừa nấp bóng. May thay, đến một phố ta, lại có đông người qua lại. Phố đó gần một cái chợ lớn, nên xe xe, gánh gánh dập dìu. Cậu Hoa nấp sau một cái xe bò, vừa lần từng bước một, vừa để ý đến cô Trinh đi đường trước.
Lúc ấy khoảng mười giờ sáng. Mặt trời lên đã cao chiếu vào hai dẫy hàng bên đường. Ngày xuân vui vẻ, lại đi giữa một nơi náo nhiệt, ồn ào, cậu Hoa tự cảm thấy tâm hồn phấn khởi. Chị cậu đối với cậu, thực như giọt nước xan đôi. Cũng dong dỏng cao, cũng nước da xanh lợt, cũng đôi mắt say sưa. Chắc chị cậu, như cậu, cũng đang bị ảnh hưởng ngây ngất của nắng xuân đầm ấm.Cô Trinh ngày hôm nay ăn mặc một cách dịu dàng, nhưng hơi đĩ. Trước kia có bao giờ nàng chịu mặc một màu gì lòe loẹt như các gái giang hồ ? Tuy nhiên, mầu áo nàng, dẫu có sặc sỡ thật, cũng còn mỹ miều lịch sự, hơn những mầu thiên hạ thường ưa. Dù thế nào mặc lòng, cô Trinh cũng vẫn còn hào hoa, quý phái lắm.
Chỉ tiếc rằng nàng không còn đủ vẻ đại gia như thủa trước, giá nàng cứ bận những thứ áo có mầu kín đáo, sắc đẹp nàng sẽ có một vẻ sang trọng, diễm lệ không ai so sánh cho bằng. Hôm nay tóc nàng vấn theo lối Huế, nàng đeo kiềng, cài khuy cổ, không mặc lối Bắc Kỳ, mở khuy cổ, đeo hạt vàng, như những buổi ngày xưa. Tóc nàng lòa xòa rủ xuống hai bên má, và óng ả cuộn trên đỉnh đầu thành một mái tóc lỏng lẻo, rất đẹp, và ở trên gáy trắng nuột thành một hàng lưỡi trai mềm mại, dịu dàng. Chỉ những vì tóc, nàng đã đẹp lắm rồi, lọ là cần phải đến áo. Làn áo hôm ấy bằng một thứ hàng len mầu đỏ sẫm, nhưng có những đường hoa ngang dọc nổi lên. Kể trông thì cũng hơi rợ, nhưng hàng len ấy mà bao bọc một thân hình đều đặn cao dong dỏng và tha thướt như thân hình cô Trinh, thì, áo càng sặc sỡ bao nhiêu, lại càng cho ta được thấy vẻ đẹp của tấm thân ngà ngọc phô bầy ra bấy nhiêu. Một cái lưng thon thon, õng ẹo theo dịp đế giầy thoăn thoắt, làm cho mảnh quần sa tanh trắng mịn cứ phất phơ rung động, thỉnh thoảng lại để lộ ra một tý gót nõn nà. Trông cái dáng điệu gọn gàng, nhẹ nhõm kia, dù là trông đàng sau, ai mà không phải yêu, phải mến? Nhất là cô Trinh mặc một bộ áo căng sát thân thể, khiến cho mỗi một khi hai chân bước đi thì có vẻ núng nính và dáng điệu yêu kiều càng làm tăng sắc đẹp cô gấp bội. Theo ý cậu Hoa, chị cậu tức là khuôn mẫu cho nhan sắc của thiếu nữ tân thời.Nhưng mà, này, cô Trinh đi đâu ? Chắc không phải cô đi chơi ? Vì nếu cô đi chơi, thì đã không đi vội thế, mà lại vừa đi vừa có vẻ sợ, thỉnh thoảng cứ phải liếc ngang liếc ngửa xem có ai theo gót cô không. Mỗi khi gặp một người quen, hình như cô lại có ý lảng tránh.
Mãi sau cùng, hình như mỏi chân lắm, cô thuê xe đi. Khổ cho cậu Hoa ! Cậu lại phải bẻ sụp mũ xuống mắt, lộn cổ áo lên, tháo bỏ cà-vạt, rồi thu hình trong một chiếc xe giương mui, sau khi đeo thêm lên mắt một cập kính râm, và dặn dò phu xe bảo phải theo xe cô Trinh cho kỳ được.
Hai cái xe nuốt đường trong độ một khắc. "Lần này ta sẽ biết rõ mặt thực của chuyện đó", cậu Hoa vừa bước xuống xe, vừa tự nói một mình.Sau khi đi qua mấy con đường vắng vẻ, cô Trinh cho đỗ xe xuống nơi một biệt thự nguy nga. Nhìn trước nhìn sau, cô có ý như muốn biết rõ mình không bị ai theo; lúc bấy giờ mới thoắt như một cái bóng, lẩn vào trong biệt thự ấy.* * *
Nấp sau một cây gạo lớn, cậu Hoa trông được rõ ràng. Cậu thấy cô đỗ xe thì vội vàng cho xe quặt lại vào một con đường rẽ khuất, rồi cậu đi lủi vào sau một thân cây gạo lớn ở đầu đường.Biệt thự ấy của ai ? Võ vẽ dăm chữ nho còn sót lại, cậu Hoa nhận thấy trên phía cổng, một tấm biển gỗ lớn, thiếp vàng ba chữ "Tuấn Khanh Viên". Sau vẻ náo nhiệt của chợ phiên, giờ đây, tiếp đến một cảnh tiêu điều, lặng lẽ. Bốn bề tịch mịch, âm thầm hình như không có người sinh hoạt; cách tỉnh thành chỉ có độ vài cây số, mà nơi biệt thự này rõ ràng ra cảnh chốn thôn quê. Bên ngoài, một bức tường cao không cho kẻ tò mò nhìn vào trong tư thất, hình như chủ nhân nhà ấy muốn giữ nhà cửa mình riêng hẳn ra một vùng, không cho dính dáng với các cửa nhà lân cận.
Mé trên tường cao, cổng kín, trổ ra những cành cây cổ thụ rườm rà. Những con chim nấp trong rừng lá âm u, hót gọi nhau vui vẻ. Cậu Hoa nhìn qua khe cửa, thấy mé trong có một vườn cây lớn, hai dẫy thông cao vút mọc hai bên con đường gạch rộng chạy từ cổng đến thềm nhà. Cậu tưởng tượng chốn ấy như một chỗ Bồng Lai tiên cảnh.
Cô Trinh đã lẻn vào trong tòa nhà bí mật ấy tự bao giờ. Hai cánh cổng hình như hé mở. Cậu Hoa trèo ngay lên một cây sấu lớn mọc ở ven tường, ngõ hầu nhìn vào phía trong nhà cho rõ rệt. Quả nhiên cậu được thấy chị cậu đứng ở trên thềm ngoài, nói chuyện cùng một người nữa.Người ấy, quái lạ, lại là một người con gái bé nhỏ, rất xinh! Mà phải ai đâu xa lạ! Chính là cô Trần Bạch Yến, con quan Tuần Cao Viễn đấy mà ! Ồ, ngỡ là ai ! Làm cho cậu phải mất công toi mãi!
Nhưng mà lạ! Cớ làm sao cô Trinh lại hẹn hò cô Yến đến nơi này? Nhà quan Tuần ở mãi phố Đường Thành, sao chị Trinh không đến đấy, lại vào đây làm gì nhỉ? Mà nếu đi thăm cô Yến, thì sao lại ngại ngùng, lo sợ, không tự nhiên? Lạ thật!
Cậu đã trót đi rình từ mấy bữa, thì thử xem có chuyện gì bí hiểm hay không. Có nhẽ nào vì cô Yến mà chị Trinh thay đổi tính tình đến thế ? Hẳn có sự gì cậu chưa hiểu, cậu phải tìm cho ra manh mối rõ ràng. Đành rằng chị Trinh hẳn không có ý tứ gì, song có lẽ chị và cô Yến đang mưu với nhau một việc gì bí mật. Vả lại Hoa yêu Yến. Yến kém Trinh hai tuổi, nghĩa là cùng tuổi với Hoa. Yến và Trinh cùng học năm thứ tư ở một trường trung học con gái. Còn Hoa thì học mau hơn một chút, mới mười chín tuổi đã đỗ phần thứ nhất tú tài tây.Yến là bạn thân của Trinh, thường đến nhà Trinh vui chơi, và nhiều khi ăn uống. Trinh tuy đẹp thật, đẹp một vẻ đẹp tự nhiên và sắc sảo, song nhiều khi nàng vui vẻ và bạo dạn quá, hóa nên dáng điệu nàng có phần cứng cỏi, không nhu mì. Trái lại, Yến đẹp một sắc đẹp thùy mị, dịu dàng, đầy thi vị. Hai con mắt ngây thơ sáng sủa. Một cặp môi đỏ chói, hơi dầy, mơn mởn như một trái cây thơm ngọt. Sinh trưởng trong một chốn phong lưu, đài các, chịu ảnh hưởng của một nền giáo dục nghiêm khắc, cổ hủ, Bạch Yến có nhiều bộ điệu và dáng dấp của một thiên kim tiểu thư rất lịch sự, hào sảng, khiến cho mỗi vẻ của nàng có một nét rất khuynh thành diễm lệ, bắt cậu Khai Hoa phải chết mê chết mệt vì tình.
Cậu, ngày hôm qua, còn tưởng tượng bắt được chị cậu trong tay một thiếu niên nào khôi ngô, anh tuấn; cậu có ngờ đâu những ý nghĩ ấy lại thành ra sai cả, mà cô Trinh bây giờ niềm nở vui đùa cùng một nàng thiếu nữ cậu yêu !
Làm sao lại có sự dị kỳ như vây ? Những bí mật càng ngày càng tăng mãi. Cái biệt thự này, không phải của quan Tuần Cao Viễn , nó vốn là nhà riêng của ông Hàn Lê Văn Tỷ mà ! Từ khi ông Hàn bất hạnh mất đi, thì tòa nhà ấy bỏ hoang đã đến hai năm có lẻ. Vợ con ông Hàn cho nhà đó có hung thần ám ảnh, không dám ở, mà cùng dắt nhau lên ở tỉnh thành. Từ lúc ấy, cũng không có ai thuê, thành ra nơi biệt thự nguy nga kia vẫn chịu để rêu phong, cỏ phủ.Nếu vậy, chắc không có ai ở trong nhà này cả, trừ ra hai ả táo gan kia. Cậu có thể lẻn vào xem xét cử động của hai nàng, sẽ không có ai ngăn cản cậu cả. Cậu bèn trụt xuống gốc cây, tìm lối vào trong biệt thự.
Đi vào chính môn thì hơi thất sách, vì thế nào nghe tiếng giầy gõ trên đường gạch, hai cô cũng sẽ biết ngay. Vả trong chốn thanh u tẻ vắng này, một tiếng động cũng vang lừng tứ phía. Tốt hơn là cậu tìm vào lối sau cho tiện; cậu bèn lần theo tường đá, quặt ra mé vườn sau. Tới nơi cậu tìm mãi không có cổng. Túng thế, cậu phải trèo lên một cây nhãn, đánh đu truyền sang một cây ổi lớn mọc trong vườn. Rồi cậu trụt xuống.
Vài con chim thấy động vỗ cánh bay lên một lượt. Một khắc, cảnh vật lại nhuộm mầu lặng lẽ như xưa. Một vẻ hiu quạnh nặng nề bao bọc lấy Khai Hoa, cậu bỗng thấy rùng mình, ghê sợ. Chung quanh người cậu, cỏ mọc cao non một thước; các cây cối um tùm, rậm rạp làm cho vườn sau nhà hóa thành một nơi rừng cấm âm thầm.
Rẽ lá, vạch gai, cậu đi lần từng bước một. Khi gần vào đến tư thất, cậu nghe văng vẳng hình như hai cô đang nói chuyện ở từng gác phía trên. Cậu tìm cách trèo lên sân thượng, để nghe cho rõ hai cô nói chuyện những gì. Câu bèn leo lên một cây muỗm mọc ở góc nhà, định bụng lần theo rìa tường để tiến vào trong gác. Những cành khô bị cậu đụng, xào xạc gẫy rơi răng rắc, khiến cậu lại phải đứng yên và ngồi thụp xuống hồi lâu. Khi thấy đã yên yên, cậu nhìn tường, đắn đo bề cao mãi, rồi mới quả quyết leo lên cây muỗm.Cậu thấy trong tâm hồn phấn khởi lạ thương. Một là vì thói tò mò xui giục cậu phải đi rình, hai là vì được nhìn trộm sắc đẹp của ý trung nhân, trong một trường hợp cực kỳ thú vị. Cậu đọc sách thấy tả những cảnh mạo hiểm trèo non, vượt suối, cậu cũng tưởng tượng như mình đương mạo hiểm trong một nơi đầy đá sỏi và gai. Cậu thấy cậu sung sướng và hăng hái vô cùng, bởi lẽ cậu được nghịch ngợm một cách tự nhiên lý thú. Vài bước nữa. Cậu cố hết sức lần vào rìa gạch men sân thượng. Cái sân đó, ngày nay bìm bịp leo và hoa "antigone" đã che phủ kín, nó nhuộm một vẻ bí mật lạ lùng. Nhìn ra mặt sân, một cái cửa lớn khóa chặt và một cái cửa sổ chỉ hơi hé mở. Đứng trên cây muỗm nhìn vào nhà tư thất, cậu thấy cái mái ngói nhà đã cũ uốn theo một diềm kiểu Tầu cong lên hai đầu và ở mỗi đầu lại có xây một con rồng cuộn khúc. Tòa nhà biệt thự đó làm cho cậu mơ màng, tưởng như lạc vào một cổ viện nào nghiêm cấm đầy thi vị.
Ngắm vẻ rực rỡ và vẻ êm ả của tòa nhà, cậu bỗng nhiên cho là hai cô Trinh và Yến là hai nữ tài tử, biết tìm một chỗ rất nhã nhặn để chuyện trò to nhỏ cùng nhau. Chuyện của các cô, phải nói ở một nơi im lặng, vì hai cô cần hết sức thành tâm, tĩnh trí, để kể cho nhau những tâm sự vơi đầy, não nuột như thơ. Các cô thực quả sống trong biệt thự đó một quãng đời tiên nữ.
Câu Hoa thấy nóng lòng, sốt ruột, muốn vào ngay xem hai cô làm những việc gì. Cố vài bước nữa. Một chút, cậu bị trượt chân ngã xuống. Ngã xuống thì thật chết. Một cành khô gẫy rơi xuống vườn, thảm cỏ đỡ ngay lấy, không để có tiếng kêu vang động. Sau một buổi nhọc nhằn hết sức, cậu Hoa lần bám được một rìa gạch ở ống máng chìa ra. Cậu bám lấy rìa gạch ấy, cất mình trèo vào sân thượng. Rồi cậu dán tai vào khe cửa.Tuổi của hai cô Trinh và Yến không phải là tuổi chơi "búp bê" nữa. Các cô đã đến tuổi biết đem quả tâm vỗ đập cho Ái Tình. Thế thì các cô rủ nhau lại chỗ vắng này, để làm một trò gì không phải là Ái Tình, mà cũng không phải là sự nghịch ngợm ? Hai cô muốn nói chuyện, muốn đọc sách, thì cần chi đến chốn tẻ lạnh này ? Sự bí mật bao giờ cũng bí mật. Cậu Hoa vẩn vơ suy nghĩ. Chắc hai cô thế nào cũng kèm theo hai cậu, nhưng hai cậu kia ẩn nấp không ra mặt đấy chớ gì ! Ấy, chỉ có thế thôi, cần gì phải lý luận cho mệt. Tuổi các cô là tuổi cần yêu; vậy hai cô có hai nhân tình. Không muốn ăn mảnh lẻ loi, hai cô, vì quá thân với nhau, cùng rủ nhau lại thăm nhân tình ở cùng một chỗ. Có nhẽ là thế đấy ! Ừ, mà như thế hẳn đúng vào tâm lý hai cô.* * * Một giọng cười giòn giã vội ngắt ý nghĩ cậu Hoa trong lúc ấy. Cửa sổ nhìn ra sân thượng bỗng mở toang ra. Rồi, hình như cảnh vật bề ngoài làm cho hai cô lo sợ, hoảng hốt, bỗng nhiên thấy hai cô nói rất nhỏ, không phân biệt được những gì. Nấp vào chỗ lá cây rậm rạp, um tùm, gần chỗ cửa lớn khóa chặt, thông sân thượng cùng gác trong, cậu Hoa cứ ngồi yên lặng, thở rất sẽ, không dám cựa.
Một lúc lâu, không nghe thấy gì nữa. Ngắt hết lá non, lại vò đến hoa bìm bịp, cậu vừa ngồi chồm hỗm đợi chờ, vừa chơi nghịch hít những mùi hoa thơm đưa bát ngát vào mũi cậu, trộn lộn với mùi rêu mốc, mùi lá khô, mùi vôi gạch để lâu ngày. Bỗng chốc, cậu nghe tiếng cửa mé bên kia phòng mở rộng, rồi tiếng giầy lộp cộp đi xuống thang gác và ra hiên. Hết sức cẩn thận, đắn đo từng bước, cậu bò lại mé cửa sổ mở, lắng nghe xem còn ai ở trong phòng gác, xong ló đầu lên nhìn trộm cho kỹ càng, rồi cậu mới nhảy qua cửa sổ vào trong phòng mà lúc nẫy hai cô ngồi nói chuyện.Đứng nấp vào tường, hé mắt nhìn xuống thềm sân trước, cậu thấy cô Yến bảo cô Trinh :
- Cứ thế nhá ! Thứ bảy sau nhá !
- Ừ, nhưng mà ta nên đến vào buổi chiều, vì buổi sớm, tôi không thích. Cô Trinh đáp lại.
- Phải đấy. Ta nên đến vào chiều, thú hơn. Nhưng mà ta nên về đi. Mau lên !
Hai cô nói đến đây thì thoăn thoắt tiến ra mé cổng. Cậu Hoa càng ngày càng thấy lắm sự dị kỳ.
- Quái lạ ! Cậu tự hỏi lòng, hai ả này không có nhân tình, lúc nẫy chỉ có một mình họ ngồi trong phòng trên gác. Thế thì lạ thực !
Khi hai cô đi khỏi, cậu lại xục xạo bốn bề, mong rằng sẽ tìm được kẻ nấp ở trong biệt thự. Quả nhiên, nhà cửa vắng teo, không còn ai nữa. Cậu tự cho mình là rồ dại, điên cuồng.
- Hai nàng ấy dắt nhau đến chơi đây, việc gì cứ phải nghĩ vơ vẩn cho bận lòng, mệt trí ?Tuy lẩm bẩm như vậy, nhưng cậu Hoa thấy trong hồn chưa thỏa nguyện chút nào. Cái biệt thự này, từ khi ông Hàn tạ thế, bị để trơ trọi, không có đồ đặc gì bầy biện trong nhà. Sao ngày nay, trong một phòng ngủ nhìn ra gác sân sau, bỗng lại thấy có giường bàn cẩn thận ? Một cái giường tây gỗ kiểu mới, rộng độ một người nằm, cao độ ba mươi phân, bầy ngay ở giữa phòng, áp đầu vào mé tường hướng nam, nghĩa là trông ra sân thượng. Trên giường có đệm gối sẵn sàng tử tế, dưới chân giường lại có giải thảm bằng lông. Cách cái giường độ không xa, có một cái bàn viết, trên đầy những sách và các giấy má bề bộn. Trong phía tường đối diện với giường nằm, ở vào giữa hai tấm cửa lớn mở ra sân và cửa sổ, một cái tủ lim lớn khép chặt hai cánh cửa nặng nề.
Cậu Hoa nhìn thấy cái tủ, bỗng sung sướng vỗ đầu. Cậu đã tìm ra diệu kế.
- Thứ bẩy sau, thế nào ta cũng đến đây trước, rồi xem các ả làm gì !
Rồi cậu ung dung sửa lại áo quần, thắt lại cà-vạt, thong thả đi ra ngoài biệt thự.Thứ bẩy. Từ buổi sáng, cậu Hoa đã mầy mò mãi; ướm hết chìa khóa này đến chìa khóa khác mới mở được cửa tủ. Cậu lại tìm trong cánh cửa vài chỗ kín đáo để chọc thành vài lỗ thủng, ngõ hầu đứng trong tủ có thể nhìn ra ngoài mà trông thấy được tỏ tường.* * * Đến chiều thứ bẩy, quả nhiên hai cô Trinh và Yến dắt nhau đi đến. Hai cô thực thà không biết có người đã lập tâm rình mò những hành tung kín đáo của mình. Lơi lả dựa vai vào nhau, cô Yến nũng nịu bảo cô Trinh bằng một giọng nói dịu dàng, thỏ thẻ :
- Cái nhà này là của ông Hàn Tỷ; người nhà ông Hàn cho là có ma nên không dám ở, bán rẻ lại cho thầy em. Thầy em định chữa để cho thuê, nhưng chưa có thì giờ, vậy nên cứ để hoang vu như thế này mãi. Hồi một năm về trước, em có một người anh con nhà bác, anh Phấn, muốn tìm nơi tĩnh mịch để học thi tú tài. Thầy em liền cho dọn một phòng sạch sẽ để anh Phấn ở đây, rồi ngày hai buổi anh đi xe đạp về nhà em ăn cơm cho khỏi phải nấu nướng phiền phức. Bây giờ nhân vụ nghỉ hè, anh Phấn về quê, vậy nên mình mới có cái buồng này để vui chơi cho thú vị. Chị em mình thực có số gặp may, Trinh nhỉ, chả có thế sao chúng mình lại có một nơi biệt lập như chốn này ? Chị có thích không hở chị ?
- Không ! Không gọi là chị ! Gọi là "cậu" cơ ! Trinh đáp lại.
- Ừ thì cậu. Cậu vào đây đi cậu ! Lại đây ta đọc quyển Tố Tâm bỏ dở từ sáng hôm kia !
Nói đến đây, cô Yến lôi cô Trinh lại chỗ giường tây, trước mặt tủ. Hai cô giũ chăn giũ đệm, giải lại chăn giường cẩn thận rồi cởi áo ra, hí hởn nhảy lên giường như hai đứa trẻ con. Cậu Hoa đứng trong tủ lấy làm lạ rằng sao chị mình từ trước đến nay vẫn thùy mị, nhu mì mà bỗng dưng lại hóa một cô con gái táo bạo vô cùng, không hề tỏ vẻ gì thẹn thùng cả. Cô Trinh không những thế, lại nghịch ngợm như một cậu con trai, tịnh không còn điệu bộ gì ngây thơ, e lệ nữa. Cậu Hoa thấy quả tim thắt lại, nhưng cậu cũng thấy trống ngực đánh thình thình, dồn dập không sao đè nén được. Cậu rùng mình, nhắm mắt lại. Cậu không dám nhìn chị trong khi cô chị khỏa thân. Vì cậu tự ngượng, tự cho mình vô đạo, có ý tưởng loạn luân, không chính đáng. Có nhẽ cậu sẽ dằn lòng nhắm nghiền mắt lại, nếu, bên cạnh cô Trinh, không có một pho tượng khác hơ hớ làm cho cậu phải ngây ngất, thèm thuồng. Pho tượng ấy là cô Yến, cũng khỏa thân và ăn mặc như chị cậu.Cô Trinh thì trông khỏe mạnh, cứng cát như con trai, mà cô Yến thì lại nhỏ nhắn, xinh tươi, thực rõ là một cô thiếu nữ thướt tha, óng ả. Từ nét mặt ngây thơ của cô, từ làn tóc và đôi mắt đen nháy, từ nước da lờn lợt hơi xanh, cho đến tấm ngực nhỏ xíu, tròn trĩnh, tay chân mềm dẻo, cái lưng và cái bụng thon thon, chỗ nào trong người cô, cậu Hoa trông cũng thấy đẹp ghê gớm. Cậu cố đứng yên không động đậy, mồm thì nuốt nước dãi mà mắt thì đắm đuối nhìn hình hài cô Yến nằm trên đệm trắng phau phau. Cô Yến làm cho cậu xuýt nữa chết ngây trong tủ. Mỗi một nét cười của cô, mỗi một bộ điệu của cô, là một sự có ảnh hưởng rất sâu trong linh hồn cậu, là một dịp xướng lên để bắt con tâm cậu phải họa lại mấy lần. Cậu nóng bừng cả mặt. Ở mé ngoài tủ, hai cô vẫn thản nhiên, không biết có người rình. Hai cô kề vế kề vai, cùng nhau hớn hở nằm đọc sách, bình phẩm văn và cười như nắc nẻ. Bỗng cô Trinh vứt sách vào một xó, rồi đờ mắt nhìn lên trần như vẩn vơ suy nghĩ điều gì. Cô Yến thì rúc đầu vào vai cô Trinh, nằm yên không cựa. Một chốc, cô Trinh lật mặt cô Yến ngửa ra, rồi bỗng ôm choàng lấy cổ cô Yến mà hôn lấy hôn để ...
Hai cô lúc ấy làm những sự gì không rõ, chỉ biết khách bàng quan là cậu Hoa bỗng tức lộn ruột lên, đằng hắng, giẫm chân, rồi mở toang cửa tủ nhẩy xổ ra như một con mãnh thú.
Hai cô sợ hãi không còn hồn vía nào nữa, vội kéo chăn trùm chăn kín mít cả mặt cả người.
Hai cô run lẩy bẩy, mặt tái mét không còn một giọt máu, không dám ló đầu ra, mà cũng chẳng dám nói gì.
- Hừ, chị Trinh, tôi biết chị rồi nhé ! Tôi biết rõ vì làm sao mấy tháng nay chị thay hẳn tính tình ! Thôi tôi đi.
Nói vội vàng xong mấy lới, cậu Hoa chạy vụt xuống gác, đi mất. Ra đến đường, cậu phải ngồi bên bờ cỏ, cố nén con tim cho nó đừng đập quá mạnh, quá nhiều.
Trong gian phòng trên gác, hai cô Trinh và Yến hồi lâu mới hoàn hồn, hai cô ở trong chăn chui ra, vội mặc áo cho nhanh, rồi, vừa sợ, vừa lo, ôm chặt lấy nhau, ngồi khóc. Mãi đến tối mịt, hai cô mới lững thững ra về.Cách đấy ba bốn hôm sau, cô Trinh về nhà, không dám giáp mặt em trai nữa. Cô lo ngay ngáy, chỉ sợ cậu Hoa đem tuyên bố bí mật của cô thì cô thiệt cả phẩm giá và danh dự một đời. Đến buổi ăn cơm, cô không dám xuống phòng ăn, cáo là có bệnh. Cha mẹ cô đều không biết chuyện, tưởng cô đau yếu thực. Chỉ có cậu Hoa biết rõ nguồn gốc của căn bệnh của cô, nhưng cậu khôn, không nỡ nói ra, sợ cô mất hết sĩ diện và mang tiếng xấu thì sẽ không có ai lấy nữa. Sẵn lòng thương chị hết sức và tha thứ tội lỗi cho chị, miễn là từ đây, chị sẽ sửa lại tính nết, cậu không muốn để cô Trinh bị thẹn quá, phải tránh mặt cậu trong bữa ăn. Vì thế cậu vội vàng viết cho cô một bức thư, tỏ ý rằng cậu vẫn giữ bí mật những chuyện kín của chị và vui lòng tha cho chị một lần đầu. Cậu lại khuyên chị không nên phiền lòng, không nên ngượng, cứ xuống ăn uống như thường. Cậu còn bảo cô Trinh viết thư an ủi cô Yến, cho Yến biết rằng không khi nào cậu Hoa có giã tâm làm hại và bôi nhọ danh dự của hai cô.* * * Quả nhiên, sau khi nhận được bức thư, cô Trinh tìm cậu Hoa, vừa khóc vừa xin lỗi. Cậu phải hết sức dỗ dành cô chị, và xin cô chị chớ nề hà. Cậu hiểu cho tình chị lắm, miễn là từ đây, chị nên cố gắng sửa mình. Chị rất cám ơn em, từ buổi ấy lại ra vào đi lại như thường, nhưng mỗi lần thấy em, chị cũng vẫn có chiều ngượng nghịu. Có một điều rất quan hệ, là cô Trinh tựa hồ như cấm cung, không bước chân ra ngoài nửa bước, không lồng phách lên đi chơi như trước nữa. Trong gia đình cậu Hoa lại được vui vẻ như xưa; song le cái vui này nó phảng phất giống như một cái vui miễn cưỡng, một cái vui mượn.
Cô Trinh ở nhà, không đi chơi bao nhiêu, thì cậu Hoa lại tựa hồ thay cô, ra đường lêu lổng bấy nhiêu. Từ khi cậu hãm cô được trong chốn khuê phòng, không cần phải khóa then gì cả, cậu hình như đắc chí, được tự do bay nhảy, không sợ gì cô chị lôi thôi, quở trách, giày vò. Vì cô chị nể cậu, nhường cậu; cô có lỗi sẵn nên phải chiều cậu hết sức. Cậu được thể, bôn ba ngang dọc cho phỉ chí, tịnh không còn ai ngăn trở chút nào. Thì ra cậu bị mê sắc đẹp của bạn cô Trinh, cô Yến. Từ trước đến nay, cậu hai ba lần dò la ý tứ của bạn chị, song Yến vẫn giữ một thái độ nghiêm nghị khiến cậu đành ngậm miệng, khoanh tay. Bởi lúc đó, cô đương bị Trinh "thủ xú", hóa nên không bao giờ nghĩ đến thú chung tình cùng một cậu con trai. Cũng vì thế mà Khai-Hoa thất vọng. Khi cậu tìm được dịp làm cho hai cô phải sợ, cậu không nề hà gì, cốt ý khiến cho hai cô phải lo lắng và thẹn thùng, để cậu thừa cơ bắt chị ở nhà, ngõ hầu tranh lấy người yêu của chị. Cậu lại xui chị viết thư cho Yến, cảm lòng Yến một cách trực tiếp. Quả nhiên, Yến viết thư cám ơn cậu và xin cậu nghĩ tình, giữ thể diện và danh giá cho.
Được một dịp may hiếm có ở đời, cậu Hoa vội vàng chộp lấy. Bằng một bức hoa tiên rất đẹp, cậu tả trong năm trang mối tình cao quý bấy lâu cậu chứa trong lòng. Cậu thề với Yến rằng, nếu Yến không phụ lòng cậu yêu thương, thì dẫu chết, cậu cũng không khi nào làm hại Yến. Thế nghĩa là nếu Yến không nghe lời cậu, thì cậu sẽ trả thù cho Yến biết tay. Hiểu rằng mình không tránh khỏi được lưới sắt Hoa đã chăng khắp cả chung quanh mình, hiểu rằng nếu không chiều ý Hoa, Hoa sẽ làm cho mình và cả Trinh nữa đều mất thanh danh, phẩm giá. Yến phải nén lòng tuân theo mệnh lệnh của Hoa.
Từ đấy, Hoa yêu Yến không biết đất trời là gì nữa.
Yến có yêu Hoa không, cái đó không ai hiểu rõ, chỉ biết rằng từ khi đôi uyên ương trẻ ấy dắt nhau đi trên đường tình ái, thì không ngày nào họ không gặp nhau trong biệt thự ông Hàn Lê. Cuộc sum họp và âu yếm của đôi bên, chỉ có Yến và Hoa riêng biết mà thôi, tuyệt nhiên không còn ai rõ đôi trẻ ấy, họ đã cùng nhau luyến ái. Cả nhà quan Tuần Cao-Viễn, chả ai hay cô Yến có tri âm, cũng như cả nhà bố mẹ cô Trinh, không ai biết cậu Hoa có nhân ngãi. Hai anh chị đi lại với nhau rất là kín đáo, khiến mọi người đều nghĩ rằng đôi trẻ vẫn còn dại dột, thơ ngây. Hơn nữa, những thư từ họ viết cho nhau, đều dặn nhau khi xem xong phải đốt ngay tức khắc.Cuộc chung tình của cậu Hoa và cô Yến rất mặn mà, đằm thắm. Mặn mà đằm thắm mãi tới ngày, không hiểu vì sao, cậu Hoa phẫn chí quyên sinh. Sự ấy xảy ra vào ngày mùng tám tháng chín tây, bảy ngày trưóc khi tàn vụ hè, ở các trường bắt đầu vào học. Cậu Phấn, vừa ở nhà quê lên, thăm hai cụ Tuần xong thì bắt đầu về thư phòng xếp đồ đạc và sách vở. Khi thoạt bước chân vào cửa, Phấn bỗng giật mình kinh ngạc, chạy ra ngoài kêu la cầu cứu om xòm. Chỗ biệt thự hẻo lánh quạnh hiu, láng giềng ở tận nẻo xa nên không có ai nghe thấy gì cả. Cậu Phấn lại phải đạp xe đạp về nhà quan Tuần báo tin dữ dội; cả nhà đổ lại xem thì thấy một cậu con trai rất tuấn tú nằm cứng đờ hết thở ở trên giường. Không biết cậu kia làm sao len lỏi đến chốn này; xét kỹ thì thấy ở trên bàn một bài thơ tuyệt mệnh nằm gần một chai rượu xâm-banh uống cạn và một cốc sữa pha thuốc phiện uống hết ba phần. Vỏ một hộp thuốc phiện hai đồng, mở toang, vứt mé trên thảm lông, bên cạnh một vỏ hộp sữa con chim còn đựng nhiều sữa đặc. Cả nhà quan Tuần không ai biết người thiếu niên thiệt mạng đó là ai, và vì sao lại lẻn đến biệt thự này tự tử ? Mãi khi cô Yến vào xem tường tận, họ mới biết rằng cậu trai đó là em ruột cô Trinh, con ông Phủ Nguyễn ...
Họ Nguyễn đau đớn đem xác con về chôn cất, cô Trinh đau lòng thương em chết thảm thiết, khóc ngất đi đến bốn năm lần. Ông Phủ bà Phủ vật mình lăn lộn, trách Trời già ác nghiệt nỡ xui ra sự bất hạnh nhường này. Vì cậu Khai-Hoa là của quý trong một gia đình hiếm hoi, trông cả vào thằng con một. Hai ông bà suy nghĩ mãi không hiểu vì sao con mình đến phải quyên sinh. Đọc lại bài thơ cậu Hoa để lại trên bàn, không ai rõ cậu đau đớn thế nào mà phải quyết tình cắt đứt hẳn giây trần lụy.
Cậu Khai-Hoa ngày nay chỉ là một nắm xương nằm trong một ổ đất bùn. Sự cậu tử tử ngày xưa, không còn ai nhắc đến nữa. Vì cha mẹ cậu, buồn rầu, đã theo cậu xuống Tuyền đài, sau khi gây dựng xong cho cô chị yên bề gia thất. Cô Trinh đã lấy được một ông Quan vừa trẻ, vừa giầu.* * *
Cậu Hoa bị ám hại, hay tự cậu quyên sinh, sự đó không ai được rõ. Cha mẹ cậu già lẫn quá nên vẫn tin rằng tự cậu vong thân. Song thiên hạ đồn rằng có nhẽ cậu bị người ta đầu độc, vì giữa ngày cậu chết, về buổi sáng, có kẻ được rõ thấy, trong biệt thự ông Hàn Tỷ, đi ra hai cái bóng đàn bà. Hai cô thiếu nữ.
Nhưng đó chỉ là điều phỏng đoán. Biết rõ được duyên cớ xui cậu Hoa phải lìa đời, bây giờ may ra chỉ có hai vị phu nhân, rất danh giá, rất giầu sang, vẫn thường đi lại đánh tổ tôm với nhau trong một tòa nhà tây lớn hai từng ở đường Quan Thánh.
Hai vị phu nhân ấy vị tất đã muốn nhắc lại chuyện cũ, vì hai bà hiện thời còn bận nhiều việc cửa, việc nhà. Việc làm phúc nữa.Theo ý của kẻ viết chuyện này, thô thiển, cậu Hoa sở dĩ chết đi chỉ vì cậu quá tò mò, thóc mách, muốn hiểu đến kỳ cùng nghĩa của hai chữ "Thủ xú", nó là gì ? Nguyên nhân cái chết của cậu nó ở trong lòng hai chữ ấy.
(Juillet 1936)
TchyA
[ Trở Về ]