Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ]
Rabindranath Tagore Trần Công Tử
"Tâm Tình Hiến Dâng"Nếu nhà văn người Anh Rudyard Kipling (1865-1936) quan niệm là Đông là Đông, Tây là Tây, hai miền không thể nào kết hợp được với nhau. Rabindranath Tagore, nhà thơ đã cố gắng kết hợp giữa Đông và Tây, những năm 1916 đến 1934 ông du hành nhiều nơi Á, Âu và Mỹ châu cổ võ hô hào cho quan niệm Đông Tây hòa hợp, nổ lực của ông được nhiều người kính trọng. Ông là người bạn thân của nhà bác học danh tiếng Albert Einstein, Tagore đã góp ý với Einstein trong diễn trình phát triển lý thuyết khoa học về sự thật. Thủ tướng Anh Winston Churchchill gọi ông là một vĩ nhân.Mặc dù Mohamed Gandhi và ông có những bất đồng về quan niệm giành Độc Lập từ tay người Anh cho cho Ấn Độ, nhưng Gandhi đồng ý với ông Ấn Độ cần học hỏi để canh tân xứ sở từ những xứ Tây phương tiền tiến để đất nước thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc lậu. Trong lãnh vực thơ văn, Rabindranath Tagore được trao giải thưởng Nobel cao quý cũng vì những vần thơ tuyệt diệu, mang những cảm nhận sâu sắc, độc đáo, thể hiện một tài năng thi ca đặc biệt khác thường. Thơ của Tagore giàu tinh thần nhân loại, là chiếc gạch nối giữa những truyền thống văn hóa Ấn Độ và văn hóa hiện đại của phương Tây. Thi phẩm nổi tiếng nhất của ông là Lời dâng (Gitanjali). Thơ của Tagore giàu tinh thần nhân loại, là chiếc gạch nối giữa những truyền thống văn hóa Ấn Độ và văn hóa hiện đại Phương Tây. Bài viết này sẽ điểm qua con người Tagore và những tác phẩm thơ văn tiêu biểu của ông.
Rabindranath Tagore (hay Rabindranath Thakur), sinh ngày 6 tháng 5, 1861, mất ngày 7 tháng 8, 1941. Ông là một nhà thơ, một triết gia và là nhà ái quốc đấu tranh giành độc lập cho nước Ấn. Năm 1913 ông được trao tặng giải Nobel văn chương năm 1913, là người Á châu dầu tiên được giả Nobel. Tagore sinh tại thành phố Calcutta trong một gia đình trí thức truyền thống và khá giả, và cha ông là Debendranath Tagore, một nhà triết học hoạt động xã hội nổi tiếng, một lãnh tụ tôn giáo chủ trương canh tân Ấn Độ giáo.Debendranath là người sáng lập ra giáo phái Brahmo Samaj, tức Bà La Môn, giai cấp cao nhất trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ, thân phụ Tagore chủ trương loại bỏ các phong tục truyền thông mang tính chất dã man và hủ lậu được cổ xúy trong chủ trương Ấn Độ giáo chính thống ngày xưa như tạp tục suttee hy sinh người đàn bà khi chồng chết buộc người đàn bà phải chết theo chồng, tạp tục giết chết nữ nhi sinh mới sinh ra đời vì thiên kiến trọng nam khinh nữ. Debendranath Tagore được người Ấn Độ đương thời tôn sùng gọi là Maharishi, như một vĩ nhân.
Xuất thân trong gia đình được cha rèn luyện về lòng nhân ái và tranh đấu cho con người, nâng cao phẩm giá nhân bản trong xã hội, Rabindranath trải dài sự nghiệp văn chương và cuộc đời theo tình nhân ái. Mặc dù thơ ông chiếm khá nhiều trong sự nghiệp văn chương to tát của Tagore với hơn 1000 bài, ông cũng để lại 14 tiểu thuyết loại chuyện dài, 12 tác phẩm văn xuôi loại nhiều truyện ngắn, 42 vở kịch, nhiều họa phẩm vì tranh vẽ cũng là năng khiếu của ông,... Có lẽ điều đáng ghi nhận là ông để lại hơn 2000 bài hát, ngày nay được gọi là Rabindraa Sangeet và được xem là kho tàng văn hoá Bengal ở cả hai khu vực bờ Tây là Ấn Độ và Đông là Bangladesh. Như đã nói vì ông quan tâm đến những vấn đề khó khăn của Ấn Độ đương thời, nên trong văn xuôi của Tagore đề cập đến các vấn đề xã hội, chính trị, giáo dục và cho thấy quan điểm của ông về một xã hội gắn bó bởi con người. Trong thơ ông sáng tác ẩn chứa một nỗi niềm sâu sắc của ước muốn và tình yêu thương hiến dâng cho thiên nhiên và cuộc sống. Trong cái nhìn của với ông thì đích điểm của cuộc sống là nguồn vui bất tận mang ý niệm chia sẻ. Tôi đọc và tìm hiểu thơ văn của Rabindranath Tagore qua những tác phẩm tiêu biểu ra sao. Trong khía cạnh tình thương nhân bản thì đích điểm là động cơ đem đến một giá trị hoàn thiện của con người. Điều này được tìm thấy bàng bạc trong nhiều các tác phẩm văn chương của ông, ví dụ danh tác "Tâm Tình Hiến Dâng", (The Gardener), đã đọat giải Nobel văn chương năm 1913, qua bản dịch Đỗ Khánh Hoan là:"Bạn đọc, bạn là ai, người trăm năm về sau, đang đọc thơ tôi ?
Tôi chẳng thể gửi đến bạn bông hoa duy nhất trong sắc Xuân đầy,
ánh vàng độc nhất từ lớp mây đàng kia.
Xin mở toang cửa, nhìn bốn phương trời.
Và thu nhặt ngay trong vườn nhà mình hoa nở rộ
những kỷ niệm ngát hương của bông hoa trăm năm về trước đã tàn phai.
Tim dạt dào nguồn vui, có thể bạn sẽ cảm thấy hân hoan,
niềm hân hoan sinh thú ca vang một sớm mùa Xuân
gửi qua trăm năm tiếng nói yêu đời..."
Thơ ông chất chứa tình yêu về thiên nhiên của trời đất, trong đó có bông hoa, hoa tỏa ra hương vị của cuộc sống, vì bản chất của thiên nhiên là sự nối tiếp của sự sống. Thơ ông cho chúng ta một thứ cảm giác nhẹ nhàng, dễ cảm nhận và không hung hãn; Thật vậy, thơ chính nó trao cho ta thông điệp là trong cái vĩnh cửu của vũ trụ do hóa công tạo lập thì kiếp nhân sinh vốn phù vân, vô thường, một ý niệm cơ bản trong triết lý phật giáo:
"Chẳng ai sống đời đời kiếp kiếp,
chẳng cái gì vĩnh viễn không phai.
Này, người anh em, nhớ kỹ điều đó và vui lên mà sống.
Đời ta sống đâu phải gánh nặng duy nhất từ xưa để lại;
đường ta đi đâu phải cuộc hành trình đơn độc dài vô tận, vô cùng.
Một thi nhân riêng mình chẳng phải viết bài ca trường cửu.
Hoa nở rồi tàn, nhưng ai đó đã cài hoa lên áo
cũng chẳng cần khóc thương hoa mãi mãi.
Này, người anh em, nhớ kỹ điều đó và vui lên mà sống.
Một ngưng nghỉ trọn vẹn tất nhiên phải tới để dệt tuyệt hảo thành âm giai.
Cuộc đời rủ xuống lúc hoàng hôn rủ xuống để chìm sâu vào bóng chiều vàng ửng.
Phải gọi tình yêu đang đi lang thang trở lại
để uống cạn sầu bi và phải đưa tình yêu lên trời ngập đầy nước mắt.
Này, người anh em, nhớ kỹ điều đó và vui lên mà sống.
Ta vội vã hái hoa vì sợ gió lướt qua tàn phá.
Máu ta rạo rực, mắt ta sáng ngời khi đón nhận
những nụ hôn âu yếm, những nụ hôn sẽ tàn phai nếu ta chậm trễ.
Đời ta hăm hở, ước vọng thiết tha,
vì thời gian sẽ điểm giờ vĩnh biệt.
Này, người anh em, nhớ kỹ điều đó và vui lên mà sống..."
Theo Tiến sĩ Mohammad Omar Farooq dạy tại đại học Iowa, ông cũng là nhà thơ gốc Bangladesh, trong bài khảo luận về Rabindranath Tagore, Giáo sư Garooq cho biết trong thời gian theo học luật bên Luân Đôn, ông thương những kiều nữ người Anh, cha ông không đồng ý nên triệu hồi ông về xứ bỏ ngang việc học xong văn bằng luật khoa. Trong một khía cạnh nào đó Rabindranath là nhà thơ của thi ca lãng mạn:
Tagore và vợ Mrinalini Devi, 1883 "Nếu em muốn, tôi sẽ ngừng tiếng hát. Nếu lời tôi ca làm tim em rung động, tôi sẽ thôi không nhìn em nữa đâu. Nếu lời tôi ca bỗng dưng làm em sửng sốt trong lúc đang đi, tôi sẽ rẽ sang một bên và bước theo ngả khác. Nếu lời tôi ca làm em bối rối trong lúc kết hoa, tôi sẽ tráánh không vào vườn em vắng lặng. Nếu lời tôi ca làm nước sông rợn sóng, dại ngây, tôi sẽ thôi không chèo thuyền lại gần bờ phiá bên em..."
(Rabindranath. Tagore, Tâm Tình Hiến Dâng)Đó là khái niệm về thơ. Còn các bài hát của ông, trong số đó được chọn làm quốc ca cho cả hai xứ Ấn Độ và Bangladesh. Vào năm 1913, ông vinh dự như người gốc Á đầu tiên đoạt được giải Nobel về văn chương cho bản dịch Anh ngữ của tác phẩm Gitanjali (Thơ Dâng), với lời thơ mượt mà, nhân ái. Những tập thơ khác tiêu biểu cho khuynh hướng thơ ông là Người Làm Vườn, Mùa Hái Quả, Thơ Dâng, Balaca, Ngày Sinh Nhật, Bài Thơ Ngắn...Tagore cũng viết một số tác phẩm để khích lệ phong trào giải phóng Ấn Dộ khỏi sự đô hộ của người Anh. Với sự đóng góp văn chương cho nhân loại, nước Anh đã phong tước hiệu cao quý cho ông là Hiệp Sĩ (Knight). Nhưng năm 1919 nhân vụ Jaliyaanwala Bagh khi lính Anh đã nã súng thảm sát vào những thường dân tụ tập không vũ trang, đã giết chết hơn 500 người đàn ông, phụ nữ và trẻ em vô tội, ông trả lại tước hiệu Hiệp Sĩ cho nước Anh để phản đối. Trong tâm tình của tình người ông nói với người dân Ấn là người dân Anh khác với chính sách thuộc địa của nhà cầm quyền Đại Anh Quốc (The Great Britain) khi ông diễn tả qua lời thơ mà tôi xin phỏng dịch như sau:
"Khi bạn hại người thì chính bạn cũng là nạn nhân gánh chịu,
như loài cỏ cây khi bạn tiêu hủy cuốn theo những nặng lời.tố khổ và hận thù"Lời thơ tiếng Phạn viết theo âm:
"Onnay je kore ar onnay je shohe,
tobo ghrina jeno tare trinoshomo dohe"được Giáo sư Farooq chuyển dịch sang Anh ngữ:
"He who wrongs others, and he who does so tolerate,
like weeds may he burn in His condemnation and hate."
Ông kêu gọi người dân ông hãy tha thứ cho kẻ thù, vì chính khi quân Anh tàn sát người dân Ấn bằng súng dạn, thì chính lương tâm họ cũng hổ thẹn và ray rứt rồi. Quan điểm về giáo dục dẫn đưa ông thành lập trường giảng dạy triết lý Bà La Môn, gọi là Brahmacharyashram tại Trung tâm thực hành Bà La Môn, (Brahmacharya), tại vùng Santiniketan ở phía Tây Ấn tức Bangladesh vào năm 1901, nơi mà gia đình có tài sản đất đai nhiều. Sau 1921, trường này trở thành đại học Vishwa-Bharti và đến năm 1951 được đặt dưới quyền quản trị của chính phủ Ấn Độ từ đó. Với quan điểm của Tagore, tâm thức của ông là sự chán nản hận thù và chiến tranh, vì khi đó nước Anh xâm lăng nước ông, chiến tranh thuộc địa kéo dài, và chính tình hình nội tại của xã hội của Ấ Độ cũng chia rẻ vì nhiều nguồn gốc các sắc dân. Văn chương ông kêu gọi hòa bình và đề cao tình thương nhân loại, Ông luôn cho thấy niềm khao khát nền hoà bình cho thế giới.
Ông luôn cho thấy niềm khao khát nền hoà bình cho thế giới. Ông đi du hành diễn thuyết nhiều nước Âu, Á, và Mỹ châu. Những chuyến đi như vậy ông đã cổ võ cho sự cảm thông giữa các nền văn minh Tây phương và Á Đông giữa các dân tộc trên thế giới. Ông được người Tây phương trọng nể, và xem là gương tiêu biểu cho tiếng nói kết hợp nhân loại, nhất là những dị biệt của phương Đông và phương Tây trong lãnh vực văn chương cũng như tâm linh. Ngày nay Tagore vẫn là nguồn hãnh diện cho hàng trăm triệu người Bengal sống ở Tây Bengal của Ấn Độ và Bangladesh cũng như rất nhiều người trên khắp thế giới thích văn chương và triết thuyết nhân ái của ông.
Rabindranath Tagore - Con Người Đa Tài
Khi 13 tuổi, Tagore cho thấy sự thông minh tài nghệ có thể sáng tác thơ, nhạc, họa, đọc sách cổ bằng tiếng Phạn (Pahli) và dịch kịch bản của Shakespeare. Năm 17 tuổi du học bên Anh. Rồi năm 1880, trở về Ấn Độ viết vở nhạc kịch đầu tiên. Từ giữa những năm 1880, Tagore sáng tác nhiều tập thơ, truyện ngắn, và kịch bản.
Là người yêu nước nhiệt thành, nhưng Tagore không muốn dấn thân vào lãnh vực chính trị, và đã không ủng hộ Mohamed Gandhi của ông đã làm thất vọng nhiều người hâm mộ ông ở Ấn Độ. Hơn nữa, Tagore quan tâm hơn cả không phải là thay đổi chính thể, mà là phục hưng dân tộc, ông lại cho rằng có thể tổng hợp những tinh hoa từ các nền văn hóa Đông và Tây. Vì mục đích đó, năm 1901 ông thành lập trường tư thục Santiniketan dành cho học sinh nam tại thái ấp cùng tên của gia đình ở ngoại ô Calcutta; năm 1921 nơi đây trở thành trường Đại học Tổng hợp Quốc tế Visvabkharati dành cho các nhà khoa học có nguyện vọng tìm hiểu các nền văn minh Phương Đông. Rabindradath Tagore dành phần lớn thời gian trong những năm cuối đời cho việc phát triển trường đại học này và cho nhiệm vụ đoàn kết thế giới trong nền văn hóa quốc tế. 50 năm sau Visvabkharati trở thành một trường Đại học Tổng hợp danh tiếng thế giới.
Khi được 45 tuổi, ông cho ra đời tiểu thuyết được nhiều ngưỡng mộ nhất của Rabindranath Tagore - Gora - ủng hộ tính nhẫn nại tôn giáo và chính trị. Bốn năm sau đó Tagore xuất bản bằng tiếng Anh tập thơ Gitanjali (theo tiếng Bengal có nghĩa là Lời dâng). Thi phẩm này là động lực chính cho việc ông đươc đề cử trao giải Nobel Văn học năm 1913, được cả thế giới công nhận là công trình quý giá của văn học Ấn Độ. Năm 1933 ông bắt đầu vẽ tranh và cho triển lãm ở Münich, New York, Paris, Moscova và nhiều nơi khác. Đến năm 1943 ông bị mù hai mắt và mất hai năm sau đó khi thọ 80 tuổi. Ra đi Tagore để lại cho hậu thế 52 tập thơ, 42 vở kịch, 12 cuốn tiểu thuyết, hàng trăm truyện ngắn, bút ký, tiểu luận, diễn văn, hồi ức, thư tín cùng hàng ngàn ca khúc và tranh vẽ vô giá. Những tác phẩm được để ý là: Câu chuyện nhà thơ (Kabikahine, 1878), nhạc; Tiếng hát buổi chiều (Sandhya sangeet, 1882), thơ; Tiếng hát buổi sáng (Prabhat sangeet, 1883), thơ; Lễ hiến sinh (Visarjan, 1890), kịch; Một lý tưởng (Manasi, 1890), thơ "The ideal one"; Con thuyền vàng (Sonar tari, 1894), thơ "The golden boat"; Khoảnh khắc (Khanika, 1900), thơ; Tặng vật (Naivedya, 1901), thơ; Ký ức (Sharan, 1902), thơ; Hạt cát nhỏ (Cokher b?li, 1903), tiểu thuyết; Đắm thuyền (Nauk?dubi, 1906), tiểu thuyết; Trẻ thơ (Sisu, 1909; năm 1915 đổi tên thành Trăng non), thơ; Gora (1910), tiểu thuyết; Vượt biển (Kheya, 1906), thơ; Hy sinh (Naibedya, 1910), thơ; Lời dâng (Gitanjali, 1910), thơ "Song offerings"; Thân chủ của gia đình (Raja, 1910), kịch "The king of the dark chamber"; Vô cảm (Achalayatan, 1912), kịch "The immovable", Sở bưu điện (Dakghar, 1912), kịch; Hoài niệm (Jibansmriti, 1912), thơ; Bài hát tưởng niệm (Gitimalya, 1914), thơ "Wreath of song"; Tâm tình hiến dâng (The Gardener, 1914), thơ "Người làm vườn"; Vòng hoa thơ (Gitali, 1914), thơ; Ngôi nhà và thế giới (Ghare - baire, 1916), tiểu thuyết "The home and the world"; Mùa xuân trở lại (Phalguni, 1916), kịch; Mùa hái quả (Fruit - gathering, 1916), thơ; Tặng vật (Lover's gift, 1918), thơ; Kẻ lánh nạn (The fugitive, 1921), thơ; Thác nước (Muktadhara, 1922), kịch "The waterfall"; Cây trúc đào đỏ (Rakta - karabi, 1926), kịch "Red oleanders"; Dòng nước cuốn trôi (Yogayog, 1929), tiểu thuyết "Crosscurrents";..., và tập tham luận "Cuộc khủng hoảng của nền văn minh" (Sabhyatar sankat, 1941).
Rabindranath Tagore và Giải văn chương Nobel
Vinh dự cho một nhà văn học gốc Á châu được giải thưởng Nobel văn chương đầu tiên trên thế giới, nó làm cho nhiều xứ Á châu vui hơn. Nhưng riêng với nhà thơ Tagore, ông nhận tin được tuyên dương giải Nobel trong bình thản, ông không thân hành sang Stockhom nhận giải mà chỉ biên thơ cám ơn Viện Hàn lâm Thụy Điển.
Tác phẩm Thơ Dâng (1912) (Gitanjali), một tuyển tập gồm những bài thơ về triết lý tôn giáo, là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, đã gây sự chú ý của các nhà phê bình văn học của thế giới. Vì thông thạo cả hai ngôn ngữ Anh và Ấn, nên ông đã đích thân dịch tác phẩm minh từ Ấn ngữ sang Anh ngữ. Ông nghiên cứu nền văn chương của nhiều nước trên thế giới. Đặc điểm của loại thơ này, một loại thơ đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của giới văn học trên thế giới. Đồng thời tác phẩm "Tâm tình hiến dâng" như đã trình bày ở phần trước, ông diễn tả nỗi niềm của nội tầm về cuộc sống và tình ái:
"Tim dạt dào nguồn vui, có thể bạn sẽ cảm thấy hân hoan,
niềm hân hoan sinh thú ca vang một sớm mùa Xuân
gửi qua trăm năm tiếng nói yêu đời..."Tôi thích cách biểu lộ của nhà thơ Tagore khi những xúc cảm của con tim đắm say tiếng lòng:
"Cuộc đời rủ xuống lúc hoàng hôn rủ xuống
để chìm sâu vào bóng chiều vàng ửng.
Phải gọi tình yêu đang đi lang thang trở lại
để uống cạn sầu bi và phải đưa tình yêu lên trời ngập đầy nước mắt.
Này, người anh em, nhớ kỹ điều đó và vui lên mà sống.
Ta vội vã hái hoa vì sợ gió lướt qua tàn phá.
Máu ta rạo rực, mắt ta sáng ngời khi đón nhận
những nụ hôn âu yếm, những nụ hôn sẽ tàn phai nếu ta chậm trễ.
Đời ta hăm hở, ước vọng thiết tha,
vì thời gian sẽ điểm giờ vĩnh biệt. Này, người anh em, nhớ kỹ điều đó và vui lên mà sống...""Tâm tình hiến dâng" là những vần thơ tình yêu có nụ hôn hạnh phúc và cuộc sống nhiều sầu bi của tình yêu ngập nước mắt. Bài thơ này dường như biểu hiện tâm tình của tác giả, chính lời thơ phản ảnh hi khía cạnh của đời sống, có lúc đắm chìm trong những cảm xúc hạnh phúc và rồi lúc nội tâm dằn co trong tình yêu đắm đuối. Nói chung đời sống vui sướng những cảm xúc đợi chờ và hồn dâng lên trước những thăng trầm của cuộc đời. Dù sao thì hãy hy vọng trong cuộc sống, để rồi thời gian trôi qua, cuộc đời sẽ chấm dứt.
Như đã trình bày, về văn thì Rabindranath Tagore cũng viết khá nhiều, những bài văn ta đọc lên thấy tình nhân bản, giữa con người và con người, văn mang tính chất triết lý và tôn giáo, hàm ý về giá trị thánh thiện, thanh cao. Bài chuyện ngắn "Lòng Cha" thật cảm động, do sư cô Thích Nữ Trí Hải, cố giáo sư dạy tại Viện Đại Học Vạn Hạnh chuyễn ngữ. Tôi đọc trong cảm xúc vì nói lên tình cha thương con, một chuyện đầy tình người rất tiêu biểu cho dòng văn Tagore.
" Chuyện kể rằng có một nhà văn trưởng giả của xứ Ấn Độ mỗi ngày ông thường ngồi yên lặng viết bài. Cô con gái nhỏ 5 tuổi của ông, bé tên Mini, thường ra vào chuyện trò với cha, cô bé cô đơn chỉ quanh quẩn trong gia đình với cha mẹ. Bà mẹ tính vốn bảo thủ hơn, không muốn con bà chạy ra ngoài nhà, vì ngoài kia có những phần tử xấu, như người bệnh hoạn, phong cùi, ăn xin, ăn cướp giật, bán hàng rong,... Do vậy cô bé chỉ quanh quẩn bên bàn làm việc của người cha. Cô bé rất lanh miệng, mồm nói chuyện liên hồi, hỏi ông đủ điều, khiến những ý tưởng văn chương của ông bị gián đoạn, những lúc ấy ông đuổi cô bé ra ngoài phòng.
Rồi một hôm có người bán hàng rong, người miền thượng du vùng Cabul, ông tên Rahman, xách theo bị hàng vào nhà ông nhà văn ngỏ lời xin bán hàng, cô bé Mini thấy ông Rahman đầu tóc bù xù, y phục dơ dáy như ông kẹ, Mini nép sát vào người cha lén nhìn ông già hàng rong người Cabul trong sợ sệt. Mini thượng gọi Rahman là ông Bộc, vì dáng ông như kẻ ăn xin. Ông nhà văn mua tượng trưng ít đồ để tống khứ lão Cabul ra khỏi nhà.Hãy nghe ông nhà văn kể về chuyện con gái của ông:
"Tôi nghĩ suốt đời cô bé đã không phí một phút giây nào im lặng. Mẹ nó thường không hài lòng về điều ấy, và thường ngăn cô lại, nhưng tôi thì không. Với Mini, im lặng là chuyện bất thường, và tôi không thể chịu đựng lâu. Bởi thế, câu chuyện giữa tôi và cô bé luôn luôn sinh động. Chẳng hạn một buổi sáng, khi tôi đang viết dở một chương tiểu thuyết thì cô bé lẻn vào, cầm lấy tay tôi mà nói:
- Cha ! Lão bộc gọi con con chó là con muông. Lão không biết gì cả, phải không cha ?
Tôi chưa kịp giảng giải, thì cô bé đã chuyển sang một vấn đề khác.
- Cha nghĩ sao, cha ? Bộc nói có con voi trong những đám mây, vòi nó phun nước, và thế là trời mưa. Có phải vậy không cha ?
Trong khi tôi đang tìm cách trả lời câu này, bé đã hỏi một câu khác:
- Cha ! Mẹ và cha bà con ra sao nhỉ ?
Tôi cố lập nghiêm bảo:
- Ra chơi với Bộc đi, Mini. Cha đang bận.
Cửa sổ phòng tôi trông ra đường. Cô bé đã ngồi xuống dưới chân tôi, cạnh bàn viết và đang chơi một mình. Tôi đang suy nghĩ rất lung để viết. Bỗng cô bé Mini vùng chạy lại cửa và reo lên:
- Ông Cabul, ông Cabul !
Và quả thế, ngoài đường dưới kia, một người đàn ông miền Cabul đang tiến bước. Y mặc bộ quần áo trông có vẻ nghèo nàn và dơ dáy, buộc một thắt lưng dài, lưng mang chiếc bị, tay cầm những hộp nho khô. Không biết cô bé nghĩ gì khi thấy người này, nhưng cô bắt đầu gọi ông thật lớn. Ngay lúc ấy lão ta quay lại và nhìn lên cô bé.
Cô bé thấy vậy thất kinh hồn vía, chạy bay đến nấp bên mẹ. Cô tin chắc thế nào trong chiếc bị mà lão đang mang cũng có hai ba đứa trẻ con như cô. Người hàng rong ấy đã vào đến cửa và mỉm cười chào tôi. Phản ứng đầu tiên của tôi là mua một món gì đó, vì Mini đã gọi y vào nhà. Tôi mua ít vật dụng, và chúng tôi khởi sự nói chút đỉnh chuyện chính trị. Khi sắp từ giã, bỗng hắn hỏi:
- Còn cô bé đâu rồi, thưa ông ?
Nghĩ rằng nên làm cho Mini hết sợ hão huyền, tôi cho đem cô bé ra. Cô đứng bên ghế tôi, nhìn chòng chọc vào người Cabul cùng chiếc bị. Y biếu cô cả đậu phụng và nho khô, nhưng cô nhất định không để bị dụ dỗ. Cô càng bám riết lấy tôi và càng nghi ngờ lão thêm.Đấy là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa lão Cabul và cô bé. Tuy nhiên, vài hôm sau, khi đi ra có tí việc, tôi giật mình thấy Mini ngồi trên chiếc ghế nhỏ cạnh cửa ra vào, đang cười nói với lão Cabul ngồi dưới chân. Suốt đời, cô chưa bao giờ được ai ngoài cha cô, đã nghe cô một cách chăm chú như vậy. Cái túi áo của cô đã đầy ắp đậu phụng và nho khô của người khách lạ. "Sao ông cho nó làm gì thế?", tôi nói, vừa rút tiền trả cho lão. Ông thản nhiên nhận tiền cho vào túi.
Một giờ sau trở về, tôi mới thấy tai hại của đồng bạc tôi đưa ra. Người Cabul đã đưa cho Mini, và khi mẹ nó thấy đồng bạc, bèn vồ lấy cô bé:
- Con lấy đồng bạc ở đâu, bé ?
- Ông Cabul cho con ! Mini hớn hở đáp.
- Ông Cabul cho con ! Mẹ nó thét lên - Mini, sao dám lấy bạc hở :
Vừa lúc ấy tôi đi vào cứu cô bé thoát nạn bị đòn. Tôi tiếp tục điều tra về đôi bạn. Tôi khám phá đấy không phải lần đầu họ gặp nhau. Người Cabul đã đánh tan sự sợ hãi của cô bé bằng cách đút lót thật nhiều đậu phụng và nho khô. Đến nay hai bên đã thành đôi bạn thiết. Họ có nhiều trò đùa mà họ rất khoái. Mini thường ngồi trước lão Cabul, nhìn xuống vóc dạng khổng lồ ấy với vẻ đường bệ của một bà chủ tí hon, khuôn mặt cười lên rạng rỡ, và cô hỏi:
- Ông Cabul, ông Cabul, ông đựng cái gì trong bị ấy ?
Và ông lão sẽ trả lời bằng giọng mũi của người thượng du:
- Một con voi !
Không có gì đáng tức cười lắm, vậy mà họ hoan hỉ làm sao. Và riêng tôi, cuộc chuyện trò giữa một đứa trẻ với người lớn luôn có vẻ gì đó rất quyến rũ.
Rồi người Cabul, để khỏi thua bạn, bắt đầu hỏi lại cô bé:
- Còn cô, này cô bé, bao giờ thì cô về nhà ông nhạc ?
Hầu hết các cô bé Ấn Độ đều sớm nghe danh từ ấy, nhưng chúng tôi thì không bao giờ nói những chuyện như thế với con gái, cho nên trước câu hỏi ấy, cô hơi bối rối. Nhưng cô không muốn để lộ sự lúng túng của mình, và đã hỏi lại:
- Còn ông có về đấy không ?
Đối với giai cấp người Cabul này, thì từ ngữ về nhà ông nhạc lại có nghĩa là nhà tù, nơi họ được ăn ở miễn phí. Người ấy bèn trả lời:
- Ô, tôi sẽ đánh vỡ mặt ông nhạc ra !
Vừa nói lão vừa nắm tay hăm doạ một viên cảnh sát vô hình. Mini nhíu mày, rồi cười lên như nắc nẻ. Lão cũng cười theo phụ hoạ.Đấy là vào những buổi sáng đầu thu, mùa các vua chúa ngày xưa lên đường viễn chinh dẹp giặc. Còn tôi không rời khỏi góc nhà quê hương, nhưng vẫn để tâm hồn phiêu du khắp chân trời góc bể. Mỗi khi nghe địa danh một nời nào, hồn tôi đã vươn tới chỗ ấy, và bóng một người xứ khác đến trên đường cũng khiến tôi dệt nên những giấc mơ xa xăm về quê hương của anh ta ở cuối chân trời, nghĩ đến những cuộc đời giang hồ lãng tử. Những xứ lạ hiện lên trong trí tôi càng sống động, có lẽ vì cuộc sống hiện tại của tôi quá giống với cỏ cây. Tiếng gọi viễn du réo rắc trong tôi, tựa hồ tiếng sóng triều gào thét. Bởi thế, trông thấy người Cabul này, trí tôi liên tưởn ngay đến những vùng núi non cằn cỗi trên cao, chen chúc với mây trời. Tôi mường tượng những đoàn lạc đà chở hàng đi trên sa mạc, những thương gia lưng đeo vũ khí hộ thân đang tiến về hướng bình nguyên. Tôi thấy và thấy trong trí tưởng ...
Nhưng giữa lúc ấy, luôn luôn mẹ Mini sẽ xen vào, tha thiết dặn tôi phải "coi chừng lão ấy". Bà rất dè dặt mỗi khi nghe tiếng huyên náo ngoài đường, hay thấy người vào nhà, và luôn đi đến kết luận, một là kẻ cướp, hai là kẻ say, hoặc rắn hổ mang, bệnh sốt rét, phong cùi. Sau bao nhiêu năm kinh nghiệm giữa trường đời, bà vẫn chưa thắng lướt được nỗi sợ hãi triền miên trong lòng bà. Bởi thế, bà luôn luôn nghi ngờ về người Cabul, và thường van nài tôi phải coi chừng lão ấy. Nếu tôi cố xua đuổi nỗi sợ hãi vô căn cứ của bà bằng cách cười lớn, thì bà nghiêm mặt hỏi với dáng điệu rất trịnh trọng:
- Thế trẻ con không bao giờ bị bắt cóc ấy à ? Thế không phải ở Cabul còn có bán nô lệ ư ? Một người đàn ông to lớn bắt một đứa trẻ xíu không được hay sao ?Tôi nói, không phải là không được, nhưng không lẽ nào có chuyện như thế. Tuy thế bà vẫn lo sợ. Nhưng vì nỗi sợ hãi ấy thật bâng quơ, nên không lý gì để cấm đoán lão vào nhà. Sự thân thiện giữa đôi bạn - một khổng lồ, một chim chích - vì thế vẫn tiếp tục không bị ngăn cản. Hàng năm vào giữa tháng giêng, Rahman - tên người Cabul ấy, thường về xứ một lần, và khi sắp về, y thường rất bận rộn đi các nhà để thâu tiền nợ. Năm nay, tuy vậy ông vẫn còn thì giờ đến thăm Mini. Một người khác rất có thể nghi ngờ lão có mưu toan gì đấy, vì khi không tới được buổi sáng, lão cũng tới vào buổi chiều.
Ngay cả tôi, đôi khi cũng thấy chột dạ chút đỉnh lúc bắt gặp bóng người to lớn ấy đứng trong góc phòng của tôi. Nhưng khi Mini hớn hở reo lên "ông Cabul, ông Cabul" và đôi bạn khởi sự những trò đùa thường lệ, thì tôi lại yên tâm ngay.Một buổi sáng vài ngày trước khi lão về nhà, tôi đang chữa lại bản thảo trong phòng viết. Trời rất lạnh. Qua song cửa, ánh mặt trời chiếu vào sưởi ấm hai chân tôi. Lúc ấy vào khoảng tám giờ, những khách bộ hành đi đường đang trùm khăn lạnh. Bỗng chốc tôi nghe ngoài đường huyên náo. Nhìn ra thì thấy Rahman đang bị còng tay dẫn đi giữa hai người cảnh sát, sau lưng là một lũ trẻ tò mò. Áo quần Rahman dính đầy máu, và một trong hai cảnh sát đang cầm một con dao. Tôi vội bước ra hỏi xem có chuyện gì. Từ mỗi người một ít, tôi được biết rằng một người lối xóm đã nợ Rahman tiền mua một cái khăn quàng, nhưng lại chối, bảo không từng mua nó. Trong lúc cãi vã, Rahman đã đánh người kia. Bấy giờ , trong cơn tức giận, phạm nhân chửi rủa đối phương đủ điều. Và điều tệ nhất đã xảy ra. Nhưng bỗng chốc từ hiên nhà tôi, Mini đã xuất hiện với tiếng reo thường lệ "Ông Cabul, ông Cabul". Gương mặt người Cabul rạng rỡ lên khi nhìn thấy cô bé. Hôm nay lão không mang chiếc bị, nên cô bé không thể nói về con voi với lão. Bởi thế cô hỏi sang câu thứ hai:
- Ông về nhà ông nhạc ấy à ?
Rahman cười lớn bảo:
- Chính thế, bé ơi !Rồi thấy câu trả lời không làm cô bé thích thú, lão đưa hai bàn tay bị còng lên:
- A ! Đáng lẽ tôi đánh cho vỡ mặt ông nhạc, nhưng tay tôi bị còng rồi.Bị kết tội cố ý giết người, Rahman ở tù nhiều năm. Thời gian trôi nhanh, Rahman đã bị quên lãng. Công việc thường ngày trong chỗ ở thường ngày vẫn tiếp diễn, nên chúng tôi không bao giờ nghĩ đến một người thượng du nghèo khó đang chịu tù tội trong ngục thất. Cả đến cô bé Mini cũng đã quên mất người bạn cũ của nàng. Càng lớn, nàng càng có nhiều mối quan hệ với bạn gái, và không còn vào phòng làm việc của tôi như trước. Bởi thế tôi rất hiếm dịp nói chuyện với con.
Nhiều năm trôi qua, lại một mùa thu trở về. Chúng tôi đang sửa soạn hôn lễ cho cô gái Mini của chúng tôi. Đám cưới sẽ cử hành trong một dịp lễ. Với Mini, về nhà chồng, có nghĩa là ánh sáng của ngôi nhà cũng sẽ đi theo, để lại cha nàng trong bóng tối.Buổi mai ấy thật tươi sáng. Sau những ngày mưa, không trung như đã được rửa sạch và ánh sáng mặt trời trông như ánh vàng ròng. Những tường gạch cũ kỹ ngoài đường phố cũng sáng lên dưới ánh nắng trong vắt. Từ rạng đông, những hồi còi đã vang lên báo hiệu hôn lễ. Mỗi hồi còi làm cho tim tôi rộn ràng muôn mối, đồng thời cũng làm tăng nỗi đau buồn của tôi trước cảnh chia ly. Mini sẽ về nhà chồng đêm ấy. Trong sân, lọng che rợp đất. Những đèn lồng và lục lạc được treo khắp các phòng và hiên nhà. Khắp nơi người ta vội vàng hối hả. Tôi đang ngồi trong phòng một mình tư lự thì bỗng một người đi vào lễ phép chào, và đứng trước mặt tôi. Đấy là Rahman, người Cabul dạo nọ. Ban đầu, tôi không nhận ra lão, vì lão không mang bị, mảng tóc dài đã được hớt cao, và vẻ cường tráng năm xưa không còn nữa. Nhưng khi lão mỉm cười, tôi lại nhận ra ngay.
- Ông về lúc nào thế, Rahman ?
Lão Rahman đáp:
- Tôi được thả tối qua.
Những lời ấy làm tôi hơi choáng. Tôi chưa bao giờ nói chuyện với một người nào từng cố ý đã thương đồng loại. Lòng tôi đau nhói khi nhớ ra điều này, vì tôi nghĩ ngày ấy sẽ tốt hơn nếu hắn ta đừng xuất hiện.
- Hôm nay nhà có việc, và tôi đang bận. Có lẽ ông có thể đến vào một dịp khác chăng ?
Lão liền quay đi, nhưng khi ra đến cửa, lão ngập ngừng bảo:
- Thưa ông, tôi có thể thăm cô bé một lát ?
Lão tin tưởng rằng Mini vẫn còn bé xíu như ngày xưa. Chắc lão mường tượng cô bé sẽ chạy ra hớn hở gọi "ông Cabul, ông Cabul" như dạo nào, và họ sẽ cười đùa với nhau như trước. Quả vậy, cũng như những ngày xưa, hôm nay lão cũng mang đến ít đậu phụng và nho khô gói kỹ trong bọc giấy. Những thứ ấy không biết làm thế nào lão kiếm được trong lúc mới ở tù về.
Tôi lặp lại:
- Nhà có việc, ông không thể gặp ai hôm nay cả.
Lão sa sầm nét mặt, và nhìn tôi với vẻ thèm muốn số phận của tôi, đoạn nói một lời chúc tụng rồi đi ra. Tôi hơi thương hại, muốn gọi lão trở vào. Nhưng lão đã tự ý quay trở lại, đến cạnh tôi và nói:
- Thưa ông, tôi đã đem lại chút quà này biếu cô bé. Ông có thể trao lại dùm tôi ?
Tôi nhận gói quà, định trả tiền, nhưng ông ngăn lại:
- Ông thật quý hoá. Xin ông hãy nhớ đến tôi là đủ. Đừng cho tôi tiền. Ông có một cô con gái. Tôi cũng có một bé gái giống như thế ở quê nhà. Tôi nhớ con tôi, nên mang quà tới cho cô bé, chứ không phải để hòng kiếm chác gì đâu.Nói xong, lão sờ tay vào túi trong, lấy ra một mảnh giấy dơ dáy, mở ra vuốt thật thẳng bằng cả hai tay trên mặt bàn. Mảnh giấy in hình một bàn tay nhỏ xíu. Không phải một bức ảnh, hay bức hoạ, mà chỉ là dấu mực in một tay bé con trên tờ giấy nhàu nát. Hình bàn tay của con gái lão, lão đã luôn mang theo bên trái tim mình, từ khi lão đến xứ này bán hàng rong năm này qua năm khác.
Mắt tôi ướt đẫm. Tôi quên rằng lão là một người thượng du nghèo khó, còn tôi. Ồ không, tôi có gì hơn lão ? Lão cũng là một người cha.
Bàn tay in của cô bé con lão ở vùng thượng du quê nhà xa xăm của lão, nhắc tôi nhớ đến con tôi. Tôi cho gọi ngay Mini vào. Cô bé đang mặc chiếc áo cưới bằng lụa đỏ, trang sức kiểu cô dâu, rụt rè tiến đến bên tôi. Người Cabul dường như kinh ngạc trước sự xuất hiện này. Lão không thể làm sống lại tình bạn ngày trước. Cuối cùng lão mỉm cười:
- Cô bé, có phải cô sắp về nhà ông nhạc đấy không ?
Bây giờ thì Mini đã hiểu nghĩa danh từ "ông nhạc", nên không trả lời, đỏ mặt đứng trước lão, với vẻ e lệ của cô dâu mới. Tôi nhớ cái ngày họ gặp nhau lần đầu, và lòng tôi se lại. Khi con tôi trở vào nhà trong, Rahman thở dài buồn bả, ngồi phịch trên sàn nhà. Có lẽ lão bỗng nhớ rằng con gái lão cũng phải lớn lên nhiều, torng thời gian lão xa quê. Lão sẽ phải làm quen với cô bé trở lại. Chắc chắn lão không còn gặp lại một cô bé như ngày lão từ giã ra đi. Ngoài ra, biết đâu lại không có bao nhiêu chuyện xảy đến cho nàng sau mười mấy năm xa cách.
Tiếng còi lại vang lên, ánh mặt trời dịu của mùa thu lan khắp không trung, Rahman ngồi trên mảnh đất này mà tưởng như thấy trước mặt một miền núi khô cằn của quê hương. Tôi lấy ra một xấp bạc, và bảo:
- Rahman, hãy về quê với con gái ông đi. Cầu nguyện cho cuộc hạnh ngộ của cha con ông sẽ đem lại cho con gái tôi nhiều may mắn !Sau khi biếu lão món tiền, tôi đã giảm bớt nhiều lễ lạc, như không thể bắt điện, cũng không thể mướn ban nhạc giúp vui, và điều này làm nhiều bà thất vọng. Nhưng với tôi, buổi hôn lễ thật rực rỡ hơn lên, khi nghĩ rằng ở miền đất xa xăm kia, có một người cha biệt tích tha phương đang được trở về gặp lại đứa con gái dấu yêu.".(Truyện ngắn Rabindranath Tagore).oOo Tóm lại, trong bài viết này chúng ta đã duyệt qua cuộc đời cùng sự nghiệp văn chương của thi hào Rabindranath Tagore, người Á châu đoạt giải Nobel đầu tiên trên thế giới, để mở ngõ sau này cho nhiều người Á châu khác nối gót theo sau ông. Ông là người đa tài, đa diện gồm nhiều lãnh vực khác nhau như: thi, văn, kịch, nhạc, họa, triết học, giáo dục, tôn giáo, tranh đấu cho độc lập, nhân quyền, cảm thông giữa dị biệt Đông và Tây Phương... Một người làm nhiều điều như thế này được sự ngưỡng mộ khắp nơi trên thế giới, điển hình từ Albert Einstein của Mỹ Châu đến Winston Churchill của Âu Châu, và họ gọi ông là vĩ nhân. Thật quả không ngoa. Rồi chúng ta cũng xét qua những áng thơ hay từ bài thơ "Tâm Tình Hiến Dâng" đến bài văn tiêu biểu "Lòng Cha". Với ngần ấy ý tưởng cao đẹp về nhà thơ mang tình yêu thương cho nhân loại, hy vọng bài viết đã trình bày được phần nào trong cái bao la đa tài của Rabindranath Tagore, và mong rằng điều này sẽ giúp ích cho một nhãn quan đầy thiện cảm và lòng ngưỡng mộ của độc giả khi nghĩ về tên ông.
Trần Công Tử
(Xin đặc biệt gửi tặng quý anh Đào Vũ Anh Hùng, Mùi Quý Bồng và Tạ Xuân Thạc, Texas)
[ Trở Về ]