Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]

Vài kỷ niệm với điêu khắc gia 
LÊ THÀNH NHƠN

Võ Kỳ Điền

Tôi và Lê Thành Nhơn là bạn từ thưở ấu thơ, chúng tôi lớn lên ở xóm chợ Thủ Dầu Một thuộc thị xã Phú Cường. Hai đứa học trường Trung Học Tư Thục Nguyễn Trãi tọa lạc trên đường Võ Tánh. Cũng trên con đường nầy cách trường năm chục thước có con hẽm nhiều cây xanh, đầu hẽm là tiệm hủ tiếu Cây Dừa, đi sâu tuốt vô hẽm là nhà Nhơn, căn nhà bằng cây lá đơn sơ, cạnh con rạch nhỏ, bên kia là cầu đúc phía nhà thuốc Võ Văn Vân.

Thưở đó mỗi ngày có buổi học tôi thường la cà, lang thang từ nhà, băng ngang qua khu phố chợ, đến nhà Nhơn để rủ đi học chung. Hồi nhỏ, tôi cũng có nhiều bạn nhưng không biết tại sao tôi lại thích cùng Nhơn đi chung hơn là các bạn khác. Có lẽ tánh tình Nhơn hiền lành và ưa chiều chuộng bạn bè. Tôi là thằng nhỏ dễ buồn dễ vui, lại ưa hờn mát, giận lẫy, khó có bạn nào chơi lâu cho được ngoài Nhơn.... Bây giờ nhớ lại từ thời con nít đó cho đến bây giờ, hình như hai đứa chưa hề gây lộn hay đáùnh lộn lần nào.

Đến chơi nhà Nhơn có nhiều thú vị lắm. Nhà tuy nghèo nhỏ và đơn sơ, nhưng tôi đâu để ý mấy thứ đó làm chi. Cái tôi thích nhứt là mỗi lần đến, là Nhơn thường bày ra nhiều trò chơi ngộ nghĩnh. Những ngày nghỉ học tôi cùng Nhơn lội xuống rạch bên hông nhà để móc đất sét xám đen dẽo quánh lên phơi khô để nắn tượng. Tôi và Nhơn tha hồ mà nắn trâu, bò, gà, vịt, chó, heo, ông già, con nít... Trò chơi thiệt là vui và kỳ lạ. Tôi vốn làm biếng và thích ở dơ, nên việc vọc bùn vọc đất tay chưn mặt mũi tèm lem tuốt luốt thiệt là hạp.

Con người Nhơn toát ra một vẻ gì đặc biệt kỳ lạ lắm, tôi không giải nghiã được. Nhơn có thân hình lực lưỡng, xương to và lộ, da đen mun, mắt lộ, kiểu mắt ốc bươu, ánh mắt sáng quắt và mạnh. Đầu to, tóc quăn xoắn đuôi rùa và xương quay hàm bạnh hẳn ra, mặt vuông hình chữ điền, răng Nhơn trong sáng và đẹp. Không biết vì cạp mía hay cắn vật gì cứng rắn, răng cửa của Nhơn bị mẻ một miếng to, tôi thường nhìn cái răng mẻ như một thói quen khi nói chuyện với bạn. Mỗi lần nhớ tới Nhơn là tôi nhớ cái răng cửa mẻ đó. Thoạt trông Nhơn rất gồ ghề, bậm trợn và gân guốc, vóc dáng bề ngoài dễ sợ như vậy nhưng tánh tình bên trong lại hiền khô.

Tuy chơi thân và đến nhà Nhơn mỗi ngày, tôi chỉ biết mẹ Nhơn là một bà già tóc bạc với dáng vẻ phúc hậu. Bà ít nói và sống trầm lặng, tôi hoàn toàn không gặp cha Nhơn lần nào, nghe nói là ông đi làm xa, làm gì tôi không biết, thỉnh thoảng mới đem tiền về để gia đình chi dụng. Nhà có ba anh em trai, hao hao giống nhau, cũng to lớn, mập mập và đen đen. Tên của cả ba thiệt là lạ và hay. Anh Lê Chơn Thành, rồi Lê Thành Nhơn và cậu em út tên Lê Nhơn Thiện. Tên của người nầy lấy làm chữ lót của người kia, tên người kia lấy làm chữ lót cho người nọ... Tôi thích cách đặt tên của ba anh em nhà nầy lắm, rõ là cha mẹ muốn con cái liên kết nhau, ràng buộc gắn bó mà thương yêu nhau hoài hoài. Cũng do cách đặt tên nầy, tôi đoán ba má Nhơn tuy nghèo nhưng chắc chắn phải là người có học thức và có đời sống nội tâm cao.

Lúc đó, học sinh Việt Nam còn phải học chương trình thuộc địa, giáo sư dạy môn Sử Địa của chúng tôi là nhạc sĩ Lê Thương (Ngô Đình Hộ) với các bài giảng về cuộc Chiến tranh Thập Tự Giá Một Trăm Năm, Thời Trung Cổ, Thời Phục Hưng...bên Âu Châu, cuộc Cách Mạng Tự Do Dân Chủ 1789, thầy giảng say mê bằng tiếng Pháp giọng Bắc nghe ngộ lắm và chúng tôi học cũng say mê. Tôi cố gắng học bài để được điểm tốt, thi cho đậu cao mà không chịu khó hiểu cho tường tận và ứng dụng được điều gì trong các bài học ở mấy cái xứ gì lạ hoắc đó.

Trái lại Lê Thành Nhơn khác tôi. Sau thời gian vọc đất nắn tượng, không biết do đâu và đọc thêm sách nào, Nhơn lại đâm ra say mê môn hội hoạ. Nhà bạn bây giờ lại đầy giấy trắng, thuốc màu và cọ. Tôi lại thấy Nhơn say mê với cọ với màu, và câu chuyện giửa tôi và Nhơn không còn là chuyện đá cá lia thia, đá gà, câu cá, lội sông như thưở trước nữa mà là nghe Nhơn miên man nói về mấy ông hoạ sĩ lạ hoắc như Renoir, Gaugin, Matisse, Van Gogh... gì đó. Mỗi lần nói về trường phái Tượng Trưng, trường phái Siêu Thực, Dã Thú, Lập Thể, Án Tượng... Nhơn nói say sưa, tôi lắng nghe bạn nói, mà không hiểu gì hết trơn. Tôi cũng tin rằng Nhơn biết tôi không hiểu, nhưng mà Nhơn vẫn nói, hình như Nhơn nói cho chính Nhơn nghe. Nói ra được điều mình yêu thích cũng là một thứ hạnh phúc, cần gì người hiểu hay không hiểu. Đến bây giờ thì tôi hiểu được một chút, nói là một nhu cầu và bộc bạch, thố lộ tâm sự là một nhu cầu cần thiết. Bên trong con người Nhơn chất chứa từ đời nào, có thể từ kiếp trước, một thứ đam mê nghệ thuật, rất to, thiệt là to, khó mà hiểu được...

Quả tình tôi có chịu khó lắng nghe... mà không cần phải hiểu và quả tình Nhơn có một sở thích mà tôi chưa từng thích bao giờ. Lúc đó cái tôi thích khác hẳn bạn mình. Tôi ngâm nga, ư ử suốt ngày các bài thơ có trong tay, Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính... Tôi âm thầm nắn nót chép tay các bài thơ tình trong tập giấy trắng nõn, để lén tặng cho con nhỏ có cặëp mắt thiệt to, học lớp đệ nhị niên (deuxième année) mà tim đập thình thịch. Làm quen với con gái thiệt là khó và run muốn chết, tôi mắc cở mà thú thật với Nhơn như vậy..

Nhơn biết được chuyện riêng tư đó và cười cho tôi tầm thường. Nhơn đôi khi nói với tôi, đời người ngắn ngủi và vô thường, được sống làm người thì phải làm cái gì hữu ích cho xã hội, nhưng đã làm thì phải làm cho vĩ đại, đừng chấp nhận sự tầm thường, hèn mọn... rồi sau đó những mẫu người vĩ đại của Nhơn là Van Gogh, Matisse....lại ào ào tuôn ra. Bạn thường tâm sự với tôi những mơ ước cao xa, những thành công rực rỡ, những viễn ảnh kỳ thú, những sung sướng khi thực hiện được hoài bảo. Nhơn thường nói xa nói gần cho tôi hiểu những kẻ sống không lý tưởng, chỉ cố học cho cao dùng bằng cấp kiếm tiền cho nhiều, sống giàu sang sung sướng bên vợ đẹp, con khôn, sống đời ích kỷ là đáng chê trách.

Tôi biết rồi, chuyện vĩ đại mà bạn mình nói là tạo nên những công trình đồ sộ cho nghệ thuật, nghệ thuật hội hoạ, nghệ thuật điêu khắc.... Tôi nghĩ thầm, Nhơn và tôi ở tỉnh nhỏ, lại còn là con nít, học hành đâu có bao nhiêu, nhà lại nghèo thì làm sao làm chuyện gì cho vĩ đại được. Những nhà danh hoạ, điêu khắc mà Nhơn thường ôm ấp trong lòng, thường nhắc tới đó, coi là thần tượng đó, nghe nói họ sống nghèo khổ lắm, không vợ, không con, và chết trong hiu quạnh cô đơn. Những tác phẩm của họ chỉ nổi tiếng sau khi đã chết. Cũng như thầy Nhan Hồi sống thiếu thốn nghèo rớt mồng tơi, vậy mà đức Khổng Tử đã từng khen ngợi -sống trong hẽm nhỏ, một giỏ cơm, một bầu nước, gấp tay gối đầu mà vui với đạo lý, quên đi cái nghèo.

Nhà tôi vốn buôn bán và khá giả, tôi không hiểu và thiệt tình không hiểu, thiếu thốn, nghèo khổ làm sao mà vui được, thầy Nhan Hồi hay mấy ông Renoir, Gauguin gì đó... có thiệt vui không, mà chết rồi, nổi tiếng sau khi chết, thì dù đạt được cái danh, họ cũng đâu có biết, sướng ích gì đâu,... Tôi nghĩ như vậy, thương cho bạn (!) và thấy bạn thuộc mẫu người không tưởng, mơ mộng, xa xôi , hão huyền...

Sau khi cả hai đậu Trung Học xong, tôi phải xuống Sài Gòn tiếp tục học các lớp cao hơn. Nhơn lại thi đậu vào trường Mỹ Nghệ Thủ Dầu Một, sau đó nhờ học giỏi thi đậu vào Cao Đẳng Mỹ Nghệ Gia Định... Rồi những nhu cầu cơm áo, những hệ lụy nhân sinh, tôi và Nhơn xa nhau biền biệt lúc nào không nhớ. Năm 1963 sau cuộc đảo chánh Ngô triều, tôi bất ngờ gặp Lê Thành Nhơn trong công viên Tao Đàn, trong phòng triển lãm rộng lớn, trình bày những hình ảnh Pháp nạn của Phật Giáo. Nhơn chỉ cho tôi bức tranh sơn dầu thật lớn, choáng đầy cả bức vách, hình ảnh những nạn nhân của chế độ đang rên siết oằn oại, vươn lên những cánh tay khẳng kheo như muốn bám víu một chút hy vọng, một chút tình thương, màu sơn đỏ bầm, màu sơn tím nâu như màu máu, màu lửa, màu đấu tranh bốc lên ngùn ngụt... tôi đọc được chữ ký tên Lê Thành Nhơn bằng sơn vàng ở góc phải. Cái sống động, cái to lớn vĩ đại của bức tranh làm tôi chú ý.

Tôi hiểu ngay, những đường nét, màu sắc, khuôn khổ bạn tôi thể hiện cho tác phẩm không bao giờ có sự tầm thường và bạn tôi, tác giả, cũng không tầm thường. Con đại bàng lúc còn non thì cũng là đại bàng, không bao giờ là chim sẻ.

Lê Thành Nhơn rời Bình Dương mà bay nhảy tận chưn trời góc biển nào. Đời sống vật chất bạn ra sao, tôi không biết, vợ con bạn ra sao, nghề nghiệp ra sao, tôi không biết. Cuộc chiến lúc đó dữ dội và tàn khốc quá mà. Thời gian trước tháng tư, 1975 chừng vài tháng, Lê Thành Nhơn lái một chiếc xe Huê Kỳ lớn màu xanh trở về Bình Dương kiếm tôi, không phải để đi rủ rê đi chơi mà bàn công chuyện. Tôi mừng cho bạn và ngạc nhiên hết sức. Bạn muốn tôi giới thiệu với ông bác, sui gia ba tôi ở Búng, thuộc quận Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương. Tôi nhìn Nhơn ngạc nhiên và hỏi -bạn muốn tôi giới thiệu với bác Đạo để làm chi. ?

Nhơn lấy ra một hoạ đồ kiến trúc thật lớn để lên bàn và giải thích cho tôi hiểu. Khu vực xa lộ từ Búng lên Bình Dương có những ngọn đồi cao thấp thật đẹp, tại sao lại phí phạm đem trồng củ sắn với khoai lang, khoai mì. Mình phải biến nó thành một công viên quốc gia với đầy đủ các tượng danh nhân, những người có công góp phần xây dựng đất nước Việt Nam thân yêu nầy như Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Phan Thanh Giản, Hoàng Diệu... những anh hùng, những văn nhân, nghệ sĩ tài hoa để con cháu noi gương mà yêu thương cái đất nước bốn ngàn năm văn hiến nầy.

Tôi nhìn sững Nhơn - lập một công viên quốc gia, tiền ở đâu, ai cho, và làm như vậy để được cái gì, đất nước đang chiến tranh tàn khốc, làm sao mà thực hiện. Khả năng Nhơn tới đâu và công trình nầy đâu phải là một người có thể làm. Hàng trăm câu hỏi trong đầu, chuyện nầy Nhơn nói thiệt hay nói chơi và tôi chợt hỏi- tại sao bạn lại nhờ tôi giới thiệu với bác Đạo, bác Đạo có liên hệ gì tới vụ nầy ?

Nhơn trả lời cho tôi là đã gặp ông xã Nhu làng Hưng Thạnh, cũng như đã nghiên cứu kỹ sổ địa bộ của vùng nầy, biết được những trái đồi đó thuộc sở hữu của bác Đạo, công trình nầy là tầm mức quốc gia, chớ không còn thuộc tỉnh hay địa phương nữa... Nhơn có khả năng thuyết phục các giới chức thẩm quyền tài trợ, các doanh thương, kỹ nghệ gia quyên góp, đồng thời có sự giúp đỡ của các cơ quan quốc tế...

Rồi Nhơn nói miên man những công trình đã thực hiện ở Huế, ở Đà Nẵng, ở Phan Thiết, những phù điêu trang trí dinh Độc Lập, những cuộc triển lãm quốc tế, những huy chương vàng bạc nhận được và cuối cùng những phác hoạ đẹp đẽ trong tương lai cho Bình Dương chúng tôi -thung lũng xanh bên nầy phải là công viên cây cao rủ bóng, bên kia là suối reo, bên nọ là rừng thưa nuôi những đàn nai ngơ ngác, có những con đường trải sỏi cho những cặp tình nhân yêu nhau hò hẹn, dọc theo các đường mình dựng tượng... tất cả phải to lớn, phải vĩ đại. Tôi nghe qua như nằm chiêm bao, mới có chừng mười năm xa cách mà Nhơn đã khác lạ quá mức tưởng tượng trong tôi, thiệt tình tôi không ngờ, quả là không ngờ được...

Sau đó, Nhơn gặp bác Đạo, các giới chức địa phương, trình bày, bàn cãi, thảo luận nhiều ngày về phương cách thực hiện dự án nầy. Lúc đó tôi mới bật ngửa, chuyện thiệt tình chớ không phải chuyện nói chơi, con đại bàng đã đủ lông cánh...

*

Khi nghe tin Nhơn bịnh rồi biết tin bạn mất ở Úc Đại Lợi, tận Nam Bán Cầu, tôi cảm thấy thật trống vắng và đâm nhớ miên man những ngày xưa. Chết hay sống là chuyện hiển nhiên đời người, có tụ thì phải có tan, có thành thì có hoại, Lê Thành Nhơn đã thấy rất rõ, rất rõ, bạn sẵn sàng ra đi yên vui, đời bạn đẹp quá, có gì phải tiếc nuối.

Ôm ấp những giấc mơ Renoir, Van Gogh... nhiều hay ít bạn đã thực hiện đượïc. Lê Thành Nhơn bây giờ và mãi mãi sẽ là những Renoir, Van Gogh của những người yêu mến nghệ thuật. Sống một đời trọn vẹn cho những lý tưởng của mình, như vậy chẳng thoả nguyện sao ?

Cái nhân ngày trước và cái quả bây giờ, không phải do một sớm một chiều mà có được. Nhơn ơi, ở một góc trời phương Bắc lạnh và xa, tôi bồi hồi nhớ thương bạn và ngay từ hồi còn nhỏ, tôi đã nhìn thấy bạn sẽ là con đại bàng và thời gian đã chứng minh đúng y như vậy, nhìn những tác phẩm của bạn để lại cho đời, rải rác ở Việt Nam, ở Pháp, ở Mỹ, ở Đức, ở Úc... khiến tôi hãnh diện và sung sướng. Bạn đã trở về được với cõi trăng sao và màu sắc.

Võ Kỳ Điền (10 Feb 2003)


Trở Về   ]
 
 
Sitting Buddha (điêu khắc) 
Phan Bội Châu (điêu khắc) 
Red cloak and haze (hội họa) 
Louise Carbines (điêu khắc) 
Four seasons in one day (điêu khắc) 
Joy (điêu khắc) 
Winter (hội họa) 
Head of the young girl (điêu khắc) 
Spiral (hội họa) 
Dr. Phillip Law (điêu khắc) 
Shell (hội họa) 
Pietà (hội họa) 
Do not abandon me, Freedom (điêu khắc) 
Kiss (hội họa) 
Sanh, Lão, Bịnh, Tử (điêu khắc) 
Birds of paradise (hội họa) 

 
Điêu khắc gia
Lê Thành Nhơn

Lê Thành Nhơn sinh ngày 17 tháng 11 năm 1940 tại Thủ Dầu Một, nằm ở phía đông Sài Gòn. Cha là Lê Văn Nguyện và mẹ Chung Thị Duyên, một người Việt gốc Chàm lai Trung Hoa.

Lê Thành Nhơn say mê nghệ thuật từ nhỏ. Ông học trung học tại trường Mỹ Nghệ Thực hành Bình Dương, một trường chuyên về trang trí, thiết kế đồ gỗ, đồ gốm và đặc biệt là sơn mài, nguồn cung cấp nghệ nhân chủ yếu cho các trung tâm sơn mài nổi tiếng tại Việt Nam như Thành Lễ và Trần Hà.

Sau đó, Lê Thành Nhơn thi đỗ vào trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn Gia Định. Năm 1963, lúc đang còn là sinh viên, tượng của ông đã được tuyển chọn để tham dự cuộc triển lãm mỹ thuật quốc tế lần thứ tư được tổ chức tại Paris. Năm sau, ông tốt nghiệp thủ khoa ngành điêu khắc, cùng khoá với Đỗ Quang Em, một trong những người bạn thân nhất của ông.

Tốt nghiệp, ông về dạy học tại trường Mỹ Nghệ Thực Hành Bình Dương. Hai năm sau, tháng 3 năm 1966, ông bị động viên. Ông ở trong quân đội cả thảy bốn năm, đến tháng 6 năm 1970 thì được giải ngũ với cấp bậc thiếu uý, sau khi bị thương nhẹ trong một cuộc hành quân. (Nhẹ, nhưng chất chì trong viên đạn bắn vào người ông, đến giữa thập niên 90, vẫn còn làm độc, khiến ông phải nằm viện mấy tuần lễ!)

Ngay khi vừa phục viên, ông được mời làm giáo sư điêu khắc tại trường Mỹ Thuật Sài Gòn Gia Định, đồng thời làm giáo sư thỉnh giảng tại trường Mỹ Thuật Huế. Mấy năm sau, từ năm 1973, ông được mời giảng dạy tại trường Đại học cộng đồng Duyên Hải tại Nha Trang. Mặc dù phải dạy học ở nhiều nơi như vậy, Lê Thành Nhơn vẫn dành nhiều thì giờ và tâm huyết cho công việc sáng tác. Các sáng tác của ông thời gian này phần nhiều có kích thước khá lớn, trong đó nổi bật nhất là bức tượng Quan Thế Âm bằng đồng tại trung tâm Liễu Quán ở Huế cũng như bức tượng Phan Bội Châu bằng đồng, cao đến 3,5 mét cũng tại Huế. Bằng cement thì có bức tượng Phật Thích Ca hiện dựng tại trung tâm Phật học Huệ Nghiêm ở Phú Lâm, Sài Gòn, cao đến 4,5 mét; bức tượng Phan Thanh Giảng cao hơn 3 mét đã bị đập phá vào năm 1975, và bức tượng Thiếu Nữ Việt Nam cao 4 mét hiện còn trong tư gia người nhà của ông tại Sài Gòn.

Cuối tháng 4 năm 1975, gia đình Lê Thành Nhơn may mắn nằm trong danh sách những người đầu tiên thoát khỏi Việt Nam. Sau mấy tháng tạm trú ở đảo Guam, gia đình ông được định cư tại Úc vào tháng 9 cùng năm. Để mưu sinh, thoạt đầu Lê Thành Nhơn làm nghề sơn xe trong hãng xe hơi ToyOta; sau đó, ông đổi sang làm nghề bán vé xe điện trong suốt mười năm, từ 1976 đến 1986. Năm 1987, Lê Thành Nhơn được mời dạy kiến trúc tại đại học RMIT, Melbourne. Năm sau, nghỉ dạy, ông cùng một người bạn mở trung tâm Bình Dương Ceramic chuyên sản xuất các tác phẩm nghệ thuật bằng gốm. Tác phẩm thì đẹp nhưng hoạt động thương mại rất mực èo uột, không mang lại lợi tức bao nhiêu. Đến năm 1996 thì ông nghỉ hẳn, chỉ ở nhà vẽ tranh.

Mấy chục năm định cư tại Úc, Lê Thành Nhơn sáng tác khá nhiều. Về điêu khắc, ông có một số tác phẩm được đúc đồng như tượng Dr Phillip Law hiện đang bày tại đại học Monash ở Melbourne và đại học Tasmania tại tiểu bang Tasmania, Úc; tượng Joy cao khoảng 2m5 hiện dựng trước sân trường đại học Monash (Caulfield campus), tượng “Đừng bỏ rơi tôi tự do” hiện bày tại Mekong Club tại Sydney, tượng Phật Thích Ca hiện bày tại Viện Bảo Tàng Quốc Gia Úc tại thủ đô Canberra, v.v... Về hội hoạ, Lê Thành Nhơn có khoảng vài trăm bức tranh thuộc nhiều khổ khác nhau, trong đó có nhiều bức có kích thước rất lớn, như bức Yarra River dài 4 mét, bộ Tứ Đại gồm bốn bức (“Đất”, “Nước”, “Gió”, “Lửa”), mỗi bức cao 2 mét và dài 6 mét (riêng bức “Gió” dài đến 6,5 mét), v.v...

Sự nghiệp của Lê Thành Nhơn được đánh giá rất cao. Bức tượng Phan Bội Châu của ông được xem như một bộ phận trong quần thể di sản văn hoá cần được bảo tồn tại Huế dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc. Tại Úc, Lê Thành Nhơn là một trong số ít nghệ sĩ có tác phẩm được trưng bày vĩnh viễn tại Viện Bảo Tàng Quốc Gia Úc cũng như Viện Bảo Tàng Di Dân tại tiểu bang Victoria.

Vào đầu tháng 2 năm 2002, Lê Thành Nhơn bị bệnh, được chở vào bệnh viện, và được các bác sĩ cho biết là ông bị ung thư gan. Lê Thành Nhơn được chở về nhà, mỗi tuần một lần vào bệnh viện để được chữa bằng hoá liệu pháp (chemotherapy). Có lúc ông rất lạc quan, ngỡ có thể vượt qua được căn bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên đến cuối tháng 10 thì bệnh ông đột ngột trở nặng. Lê Thành Nhơn được chở vào Royal Melbourne Hospital vào trưa Thứ Sáu, 1.11.2002. Đến 4giờ30 chiều Thứ Hai, ngày 4 tháng 11, thì ông trút hơi thở cuối cùng.

Lê Thành Nhơn ra đi, để lại một vợ và bốn con. Tất cả các con ông đều đã trưởng thành, trong đó, người con trai thứ hai, Hưng Lê, là một danh hài của Úc.

(Nguyễn Hưng Quốc soạn dựa trên lời kể và một số tài liệu do Lê Thành Nhơn cung cấp)
Source : Tiền Vệ