Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ]
Thời gian và cái đồng hồ Nguyễn Dư
Thời gian, thì giờ là một đề tài xưa như trái đất và to như cái đình !
Không có thời gian thì có lẽ con người cứ trơ trơ như đá. Sướng, khổ chẳng còn bận tâm. Biết đâu cuộc đời lại chẳng còn là cuộc đời...
Bàn về thời gian thì có thể bàn...hết năm này sang năm khác, bàn cho đến khi " Trai trẻ bao lâu mà đầu bạc "...cũng chưa chắc đã đi tới đâu. Nhưng vẫn thích bàn. Triết gia, nhà khoa học, văn nghệ sĩ ngày ngày thi nhau bàn.
Thời gian là cái gì mà làm cho người ta say mê bàn như vậy?
Chả là cái gì cả ! Chưa ai thấy mặt mũi thời gian ngang dọc ra sao.
Nhưng phải nhắm mắt thừa nhận rằng thời gian rất hấp dẫn, rất quan trọng.
Chả thế mà khắp đông tây nam bắc, từ thời thượng cổ đến tận bây giờ, người ta thi nhau sáng chế máy này máy nọ để đo thời gian. Người ta rủ nhau đi đo cái vô hình vô ảnh. Đo cái mà mắt trần không thấy được.
Các thứ máy đo thời gian, thô sơ hay tinh xảo, to hay nhỏ, ta đều gọi chung là đồng hồ.
Theo truyền thuyết thì người Trung Quốc đã biết dùng đồng hồ nước từ đời Hoàng Đế (khoảng 2500 năm trước tây lịch). Một nghìn năm sau (1500 năm trước tây lịch), người Ai Cập mới sáng chế đồng hồ cát(clepsydre). Phải chờ thêm hơn 2000 năm nữa, vào khoảng năm 1300 tây lịch, người Âu mới có đồng hồ có bánh xe. Năm 1904 xuất hiện đồng hồ đeo tay, và mới từ vài chục năm nay lại có thêm đồng hồ quartz, đồng hồ điện tử, đồng hồ nguyên tử.
Đồng hồ nước, đồng hồ cát mỗi giờ sai một hai phút đã được gọi là tốt, là chính xác. Đồng hồ đeo tay, đồng hồ quartz một ngày sai vài giây đã bị chê là tồi. Nghe nói đồng hồ nguyên tử có tệ lắm thì một năm cũng chỉ sai chưa tới một giây.
Có lẽ chả bao giờ các ông các bà ngồi bàn giấy phải dùng tới đồng hồ nước để tiếp khách. Các cô các cậu chẳng cần đồng hồ nguyên tử để hẹn hò !
Chuyện ngày giờ, năm tháng, lịch ta lịch tây mênh mông bát ngát quá (Hoàng Xuân Hãn, Lịch và lịch Việt Nam, Tập san Khoa Học Xã Hội, Paris, tháng 2/1982), không dám nói leo. Chỉ xin dựa cột, ngắm cái đồng hồ được dùng tại nước ta.
Vậy xin hỏi nước ta biết dùng đồng hồ từ bao giờ ?
Dạ, không biết !
Vô duyên !
Chỉ biết rằng xưa kia ta dùng đồng hồ nước của Tàu. Nguồn gốc cái đồng hồ này được Lê Quý Đôn kể như sau :
" Cái đồng hồ gồm có 3 từng, tròn và đều có bề kính 1 thước đặt trên cái thùng hứng nước có góc vuông, có cái vòi rồng phun nước vào cái thùng hứng nước, nước chảy xuống dưới một cái cừ đặt ngang, trên nắp có đặt một hình người đầy đủ áo mão đúc bằng vàng gọi quan Tư Thì (coi về giờ khắc), hai tay cầm một cây tên. Đó là phép lậu khắc của Ân Quỳ.
Lấy đồng làm một cái ống hút nước (khát ô, con quạ khát nước) hình trạng giống như một cái móc uốn cong dẫn nước chứa đựng cho chảy vào một cái vòi rồng bằng bạc, phun vào cái đồ tưới (quán khí), nước rỉ chảy xuống 1 thang cân nặng 2 cân thì trải qua một khắc. Đó là phép lậu khắc của Lý Lan ". (Lê Quý Đôn, Vân Đài loại ngữ, tập 1, bản dịch của Tạ Quang Phát, Văn Hóa-Thông Tin, 1995, tr. 98-100).
Cái đồng hồ nước được Lê Quý Đôn miêu tả chữ Hán gọi là khắc lậu.
Lậu nghĩa là nước rỉ ra, khắc là vệt khắc trên cái que.
Nước từ bình trên rỉ thành giọt rơi xuống bình dưới. Dùng một cái que có khắc vạch để đo mực nước và theo đó mà tính giờ.
Một ngày được chia thành 12 giờ (tí, sửu...tuất, hợi). Giờ được chia thành khắc (một khắc gần bằng 15 phút của đồng hồ ngày nay). Đêm được chia thành 5 canh (canh một, canh hai...). Làng xã ngày xưa tổ chức việc canh gác, đổi phiên theo canh.
Trong lĩnh vực văn chương, có lẽ Nguyễn Trãi (1380-1442) là người đầu tiên tại nước ta, nói tới cái khắc lậu (gọi tắt là lậu) :
Vi sảnh thoái qui hoa ảnh chuyểnSau Nguyễn Trãi, vua Lê Thánh Tông cũng có nói tới cái khắc lậu:
Kim môn mộng giác lậu thanh tàn
(Khi ở Vi sảnh lui về thì bóng hoa đã chuyển
Ở Kim môn mộng tỉnh thì tiếng lậu đã tàn)
(Nguyễn Trãi toàn tập, KHXH, 1976, tr. 301-302).Kế lậu canh mấy khắc dưSang thế kỉ 18, khắc lậu vẫn còn được dùng :
Đêm dài đằng đẵng mới sang tư ...
Canh chầy đèn hạnh lâm dâm
Xao xác lậu canh trống điểm năm...
(Hồng Đức quốc âm thi tập, Văn Học,1982, tr. 61-62)Đêm thâu khắc lậu canh tànTaberd giải thích khắc là cái mặt đồng hồ ngày xưa; Khắc lậu là mặt của chiếc đồng hồ bằng nước. (Đào Duy Anh, Từ điển truyện Kiều, KHXH, 1989).
Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm gương (Nguyễn Du, Kiều)Người Tàu gọi cái đồng hồ nước là khắc lậu trong khi Taberd lại cho rằng khắc lậu chỉ là cái mặt của đồng hồ. Tây đúng, Tàu sai hay Tây nhầm, Tàu có lí? Phải nhờ đến Ta chuyện mới xong!
Tấm tranh dân gian Đồng hồ nước cho thấy hai cái bình, hay cái bình và cái chậu hứng, cả hai đều tròn xoay, đứng phía nào cũng thấy giống nhau. Như vậy thì đâu là mặt, đâu là lưng?
Các tác giả đều dùng chữ lậu hay khắc lậu để chỉ toàn bộ cái đồng hồ, cái máy đo thời gian, chứ không chỉ riêng cái mặt đồng hồ.
Định nghĩa của Taberd thiếu chính xác. Hú vía cho Tàu ! Suýt bị Tây sửa Hán văn. Lục tìm trong một số thơ văn xưa của ta thì thấy rằng tên khắc lậu được dùng trong cả thơ văn chữ Hán và chữ Nôm, còn tên đồng hồ thì chỉ thấy dùng trong văn thơ Nôm và quốc ngữ.
Từ đó có thể suy đoán rằng tên đồng hồ là do người Việt đặt ra.
Đồng hồ nghĩa là cái bình bằng đồng. Từ ngày cái khắc lậu Việt Nam được làm bằng đồng thì ta gọi nó là cái đồng hồ. Tên đồng hồ có trễ nhất cũng là từ đời Hồng Đức (1470-1497).
Cường điệu một chút thì có thể nói rằng cái đồng hồ muốn chứng tỏ tinh thần độc lập đối với cái khắc lậu.
Nước cạn đồng hồ canh chuyển hai
Đêm dài đằng đẵng tựa năm dài
(Hồng Đức quốc âm thi tập, sđd, tr.64)Mắt chưa nhắm đồng hồ đã cạn
Cảnh tiêu điều ngao ngán dường bao
(Nguyễn Gia Thiều, Cung oán)Con kì đà len lỏi giếng khơi
Sơn lâm rầu rĩ, giọt đồng hồ sang canh
(Dân ca Quan họ Bắc Ninh)Cá buồn cá lội thung thăng
Người buồn, người biết đãi đằng cùng ai?
Phương đông chưa rạng sao mai
Đồng hồ chưa cạn, biết lấy ai bạn cùng?
(Ca dao)
Nước cạn, giọt đồng hồ...đều chỉ rõ cái đồng hồ nước.Năm 1602, người Âu Tây mang vào Trung Quốc một số máy móc như Thiên lý kính (kính xem thiên văn), Tự minh chung (đồng hồ tự động khua chuông báo từng giờ)... (Vân Đài loại ngữ, sđd, tr. 223).
Khoảng đầu thế kỉ 18, tự minh chung xuất hiện ở nước ta.
" Từ-tâm bá ở Thiên văn nội viện trước có một cái đồng hồ do họ Nguyễn giao cho sửa chữa, như dáng chùa Phật, cao chừng một thước (...).
Từ-tâm bá lần lữa đến bao năm không chịu chữa. Tháng 5 năm bính thân có người khách ở Ma Cao tên là Tài Phú nói y hiểu đồng hồ, gọi hỏi thì y nói tuổi già không thể làm được. Lại có người xưng là thợ kính của họ Nguyễn trước là thủ hợp Chiêu-tài nam Nguyễn Văn Tú có thể làm được, bèn sai theo phép mà làm, mười ngày thì xong. Văn Tú lại chế tạo một cái đồng hồ hạng trung, cũng theo thức trên, trong bớt đi 5 bánh xe và 6 quả chuông nhỏ, cùng một đường dây, cho nên không đánh khắc mà chỉ đánh giờ. Đo với bóng của mặt trời mà nghiệm thì rất đúng, không sai. Văn Tú là người xã Đại Hào, huyện Đăng Xương. Khi nhỏ học ở nước Hòa Lan, học hai năm biết được nghề, có thể chế các hạng đồng hồ và làm được kính thiên lí rất khéo. Đã 74 tuổi mà sức mắt như lúc trẻ. Em là Văn Thi, con là Văn Duy, con rể là Lương Văn Dũng, cả nhà đều biết nghề (...) ".
(Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, KHXH, 1977, tr. 326-329).Đồng hồ tây phương còn được gọi bằng nhiều tên khác như thì thần biểu (Génibrel), kế thì chung, chung biểu. Chung nghĩa là cái chuông. Kế thì chung, chung biểu là đồng hồ có chuông báo từng giờ hoặc chuông báo thức.
Năm 1884 nước ta bị Pháp đặt nền bảo hộ. Cái đồng hồ nước bắt đầu bị đồng hồ của Pháp cạnh tranh.
Sang đầu thế kỉ 20, số người dùng đồng hồ báo thức của Pháp chắc cũng đã khá nhiều. Điều này được nghệ sĩ dân gian ghi lại qua tấm tranh Chỉnh tu chung biểu (Sửa chữa đồng hồ), vẽ một cửa hàng sửa chữa đồng hồ được khai trương tại Hà Nội vào khoảng năm 1908.
Ít năm sau có thêm đồng hồ quả quýt bỏ túi, rồi đồng hồ đeo tay.
Từ đây, đêm đêm :
Ngó trên án đèn xanh hiu hắtĐêm khuya không còn nghe tiếng nước nhỏ giọt thánh thót, mà chỉ nghe tiếng kim kí cách, tiếng tích tắc đều đặn của cái đồng hồ quả lắc hay đồng hồ báo thức để đầu giường, đầu tủ.
Nghe tiếng kim...ký cách giục giờ
(Tản Đà, Đêm đông hoài cảm)Trong lúc thôn quê còn tiếp tục quan sát " gà gáy ", " gà lên chuồng ", " mặt trời cao bằng con sào ", " mặt trời xế bóng "...thì thành thị đã kháo nhau dùng đồng hồ tối tân có kim chỉ giờ, chỉ phút, chỉ giây, có cửa sổ ghi ngày, ghi thứ.
Chỉ được cái vỏ, cái mã bề ngoài !
Thực chất thì các bàn giấy, công sở vẫn còn..." câu giờ ", dùng..." giờ cao su ". Thậm chí...chẳng cần giờ giấc.
Thời gian là cái thá gì mà phải tôn trọng nó?
Khắp nơi, người ta đang đua nhau " giết thì giờ " kia kìa!
Tội nghiệp cho thời gian, rơi vào tay phường giá áo túi cơm.
Chỉ có văn nghệ sĩ mới nâng niu, e ấp thời gian.
Me có hay chăng con về?
Chiều nay thời gian đứng im để nghe
Nghe gió trong tim tràn trề
Nụ cười nhăn nheo bỗng dưng lệ nhoè
(Phạm Duy, Người về)
Thời gian đứng im để nghe, cảm động và dễ thương biết mấy! Đâu có hãm tài như cái đồng hồ đứt giây cót, nằm ì.Cô gái thủ đô ơiNhưng...
Tôi muốn bên cô trọn kiếp người
Tôi muốn thời gian chìm đắm mãi
Để tràn âu yếm cả lòng tôi...
(Lê Minh, Nắng rơi)Thì giờ thấm thoắt thoi đưa... Ôi, cuộc vui sao chóng tàn !
Biết bao nghệ sĩ đã từng rung động, cảm nhận được hương sắc...
Màu thời gian không xanh...và cả sức nặng của thời gian :
Màu thời gian tím ngắt
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh...
(Đoàn Phú Tứ, Màu thời gian)Nghiêng nghiêng mái tóc hương nồngNhưng chưa có ai đạt thành tích nắm giữ được thời gian.
Thời gian lặng rớt một dòng buồn tênh
(Lưu Trọng Lư, Thơ sầu rụng)Đôi lúc các nhà tạo hình, hoạ sĩ " giận cá chém thớt " lôi cổ cái đồng hồ ra bóp méo, vặn cong, bẻ kim, để bày tỏ cơn giận hờn thời gian.
Sách Thần tiên kí kể chuyện Lưu Thần, Nguyễn Triệu lạc vào Thiên Thai, gặp tiên. Hai chàng sống với tiên được nửa năm thì nhớ nhà, trở về quê cũ.
Quê hương đổi thay. Tất cả đều xa lạ. Con cháu đã đến đời thứ 7.
Chẳng còn nhớ đến khúc nghê thườngMột phút cõi tiên bằng cả ngày cõi trần !
Một phút chiêm bao một phút thương...
(Tiên tử hoài (nhớ) Lưu Nguyễn,
Hồng Đức quốc âm thi tập, Văn Học, 1982, tr. 102)Tiếc rằng đời Hồng Đức ta chưa đo được phút.
Chữ phút ngày nay có nghĩa là đơn vị đo thời gian, đo góc độ. Chữ phút còn được dùng để chỉ một khoảng thời gian rất ngắn. Nghĩa này đến từ chữ Khơ Me p'ot nghĩa là đột nhiên, một giây lát rất ngắn (Đào Duy Anh, Từ điển truyện Kiều).
Chữ phút của câu thơ trong Hồng Đức quốc âm thi tập bị đọc sai hay được dùng với nghĩa gốc Khơ Me ngay từ thế kỉ 15?
Từ ít năm nay, nhiều người Việt thích tụng bài kinh cứu rỗi " Thì giờ là tiền bạc ", với niềm tin " Có tiền mua tiên cũng được ".
Cũng may, Đông và Tây chưa hoàn toàn giống nhau. Nhờ vậy mà nước ta vẫn còn dăm ba nàng tiên bằng da bằng thịt. Không phải tiên...huyền hay tiên...mĩ viện !
Thời gian có mặt khắp nơi nhưng lại tuỳ nơi, tuỳ cảm xúc chủ quan của mỗi người mà co dãn thoải mái.
Người đời thử ngẫm mà hayMột ngày vui sướng trên cõi tiên dài bằng cả một năm đầu tắt mặt tối dưới cõi trần.
Trăm năm là ngắn, một ngày dài ghê
(Tản Đà, Đời đáng chán)Nhưng chưa dài bằng thời gian trai gái nhớ nhau.
Xin đừng ra dạ Bắc NamMột ngày không thấy nhau tưởng như đã ba năm.
Nhất nhật bất kiến như tam thu hềBa năm có thấm thía gì so với cái " không có gì quý bằng ".
Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại
Một ngày mất tự do dài lê thê như hàng chục kiếp sống đọa đày.
Thời gian mờ ảo, lung linh...
Trễ rồi, đứng dậy lo cơm nước đi chớ !
Ờ nhỉ !
Rốt cuộc, bàn về thời gian chỉ...mất thì giờ!
Nguyễn Dư
(Lyon,2005)
[ Trở Về ]