Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]


 
Nén hương nhớ mẹ

Tâm Thanh

Mẹ tôi mất vào ngày 17 tháng 7 Âm lịch, sau vía Vu Lan hai ngày, trong một đêm mưa gió ở một nơi rất xa mà tôi không được nhìn mặt mẹ lần cuối cùng, cho nên mỗi lần đến mùa Báo hiếu tôi không khỏi nhớ mẹ đến tê tái người, những hoài niệm về người mẹ hiền yêu dấu lại trở về trong tâm thức và càng làm tôi ray rứt ân hận.

Cuộc đời của mẹ tôi không lấy gì làm hạnh phúc từ thuở thiếu thời cho đến lúc nhắm mắt ra đi. Khi mẹ còn tại thế tôi chưa làm được một điều gì gọi là đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục, thế nhưng nước mắt bao giờ cũng chảy xuống, mẹ đã cho chị em chúng tôi tất cả những gì mẹ có thể và nhận lấy những điều cay đắng cho riêng mình.

Mẹ tôi sinh trưởng ở một vùng quê nghèo trong một gia đình trung nông. Ông ngoại tôi làm hương trưởng lo việc làng. Khi mẹ lên tám thì bà ngoại tôi mất, đó là bất hạnh đầu tiên mà mẹ tôi phải hứng chịu, bởi tuy được mẹ kế thương yêu nhưng mất tình mẫu tử là mất một thứ tình thiêng liêng quý giá nhất trên đời khó có gì bù đắp được, hơn nữa lại ở tuổi ấu thơ. Là chị cả của một đàn em trai, gia đình không lấy gì làm khá giả, mẹ phải phụ giúp mẹ kế lo toan mọi công việc nhà từ sáng tinh mơ đến lúc chiều tối, nào là thái rau băm bèo nấu cám cho lợn, nào là dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, chăm sóc các em...khi mẹ kế ra đồng cày cấy. Mẹ chịu thiệt thòi nhiều để các cậu của tôi được học hành tử tế.

Năm mười sáu tuổi mẹ trở thành dâu trưởng của ông bà nội tôi, một cuộc hôn nhân mẹ không hề được quyền lựa chọn. Gia đình nội tôi rất giàu có, giàu nhất vùng vì bà nội tôi rất giỏi buôn bán. Bà đã từng vào Nam ra Bắc, buôn bán đủ mặt hàng mà chợ Sãi lúc bấy giờ lại nằm ở ngả ba sông đã trở thành cảnh trên bến dưới thuyền sầm uất nhộn nhịp nên nhà nội tôi của ăn của để không thiếu, vàng chất từng lu. Mẹ được nội tôi chọn làm dâu trưởng bởi đức tính hiền lành và đảm đang, khi về nhà chồng đã quán xuyến việc nội trợ. Cha tôi lúc bấy giờ đang học tại Huế, cưới vợ xong cha lại vào Huế tiếp tục việc học và sau đó ở lại Huế làm việc. Việc hôn nhân đối với cha tôi chỉ như một bổn phận, cha không yêu mẹ vì cha theo tây học mà mẹ tôi chỉ là một cô gái quê mộc mạc chân chất, Huế lúc đó là nơi phồn hoa đô hội, có biết bao nhiêu bóng hồng để cha đeo đuổi, thêm một bất hạnh nữa đến với mẹ khi vừa tròn trăng.

Nhà nội tôi là một loại nhà phố cổ với hai dãy lầu trước và sau được nối với nhau bằng một cái lậm dài (dùng đựng lúa khi thu hoạch mùa màng) và một khu vườn trồng nhiều loại hoa kiểng có hòn non bộ rất đẹp do chính tay ông nội tôi tạo nên. Tầng trệt của lầu trước dùng làm nơi buôn bán, trên lầu thờ tự, lầu sau là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi....Ở trong ngôi nhà rộng lớn đó công việc của một nàng dâu trưởng mới mười sáu tuổi thật quá nặng nề cho dù có kẻ ăn người ở phụ giúp. Từ sáng sớm mẹ phải dậy để lo bữa ăn sáng cho cả đại gia đình, dọn hàng cho bà nội bán rồi tất tả chợ búa, cơm nước...Những ngày mùa mẹ phải về tận các miền quê xa xôi để trông coi việc gặt hái, thu hoạch lúa rồi thuê xe chở về nhà, đấy là chưa kể những ngày giỗ chạp tết nhất...Mẹ làm việc quần quật suốt ngày để đổi lấy một tình yêu hờ hững của cha tôi, mãi đến mười năm sau mới có được đứa con đầu lòng. Nhưng mẹ hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ chỉ được mấy tháng thì chị cả qua đời vì bệnh, bất hạnh lại đến trong cuộc đời của mẹ mà phải đến ba năm sau khi chị thứ hai của tôi chào đời mẹ mới nguôi ngoai. Cha tôi lúc bấy giờ đã chán ngán cuộc sống thị thành đầy lọc lừa dối trá, đã trở về quê đi dạy học ở trường huyện. Cảm thấy có lỗi với vợ, cha hết lòng thương yêu chăm sóc mẹ để bù đắp lại những năm tháng mà mẹ tôi phải sống lạnh lùng. Chị thứ ba và hai anh tôi lần lượt ra đời, tôi là con út, một chút hạnh phúc le lói đến với mẹ trong khoảng thời gian đó. Nhưng khi mẹ sinh tôi cũng là lúc chiến tranh khốc liệt, ông bà nội tôi lần lượt qua đời, gia đình tôi tản cư khắp nơi, đến khi trở về thì gia tài đã mất mát nhiều.

Mẹ kế nghiệp bà nội tôi tiếp tục buôn bán, lúc này dân làng đã phiêu tán nhiều, cuộc chiến tranh Việt-Pháp lại bùng nổ, chợ Sãi không còn tấp nập như xưa, việc sinh nhai của gia đình tôi không còn được như trước. Thế nhưng tôi vẫn còn nhớ như in những ngày tháng êm đềm sống ở quê nhà, vẫn nhớ mãi tiếng mẹ ru ngọt ngào đằm thắm mỗi lần dỗ tôi vào giấc ngủ. Sáng sáng khi bừng mắt dậy tôi lại chạy ra cửa hàng nơi mẹ ngồi bán để vòi vĩnh một dĩa bánh ướt tôm chấy tuyệt ngon hay chén đậu hủ thơm phức còn nóng hổi. Tôi vẫn nhớ những chuyến theo mẹ lên chợ tỉnh mua hàng, đến bãi cát bên bờ Thạch Hãn đôi chân nhỏ bé của tôi không tài nào nhấc nổi khi gió lên cuốn bay những đám cát tạt vào người, thế là tôi đòi mẹ một cuốc xe kéo để được ngồi vào cổ xe êm ái mà bác phu phải còng lưng khó nhọc mới kéo nổi qua quảng đường đầy cát gió này. Tôi nhớ mãi những chuyến đò dọc theo mẹ vào Huế lúc chỉ mới lên ba. Tiếng nước róc rách bên mạn thuyền, tiếng sóng vỗ êm ái và làn gió thổi mơn man đã đưa tôi vào giấc ngủ thần tiên, đến khi tôi choàng mở mắt thì mặt trời đã lên cao, thuyền đến Bao Vinh tự lúc nào tôi không biết. Mẹ tôi đã lên bờ mua sắm các vật dụng chài lưới cho dân biển, mấy thùng nước mắm, mấy thùng ruốc..., khi trở về mẹ mua cho tôi đủ thứ đồ ăn, cả mấy miếng chả lụa trắng hồng thơm ngon. Rồi mẹ lại cho tôi ngồi xe kéo lên phố mua các loại hàng tạp hoá khác, nào kim chỉ vải vóc, gương lược, phấn nụ phấn hồng...nhiều vô kể. Cho đến trưa hàng đã chất đầy, thuyền chúng tôi lại xuôi về Cửa Thuận An ra biển để làm chuyến trở về trên sông nước. Chao ôi, những ngày tháng ấy tôi mới hạnh phúc làm sao nhưng lại càng không hiểu được sự vất vả khó nhọc nhường nào của mẹ khi vừa phải chăm sóc gia đình con cái vừa phải bôn ba khắp chốn để mưu cầu miếng ăn tấm áo cho chúng tôi.

Cuộc sống của gia đình tôi cứ lặng lờ trôi cho đến ngày tai ương đổ ập xuống. Một đêm tối chúng tôi thức giấc bởi những tiếng súng, tiếng đại bác gầm trời, một quả moọc chê rơi vào vườn làm sập mái lầu sau. Cả nhà tôi hoảng loạn run rẩy khi có toán người xông vào nhà, chạy lên lầu bắn xối xả vào phủ Triệu Phong rồi dùng cửa sau nhà để tẩu thoát ra cánh đồng. Sáng hôm sau nhà tôi bị lục soát, bao nhiêu tiền của vàng bạc đều bị lấy sạch, cha tôi bị bắt vì bị tình nghi dính líu đến vụ tấn công đêm hôm đó. Mấy chị em chúng tôi bơ phờ ngơ ngác, mẹ xanh xao tiều tụy chạy đôn chạy đáo để tìm cách cứu cha. Khi cha trở về nhà thì không còn được đi dạy nữa, cha quyết định đưa gia đình chúng tôi vào Huế. Chị hai tôi được gả chồng vội vàng khi mới mười sáu tuổi.

Chúng tôi bắt đầu những ngày tháng bấp bênh bởi công việc của cha không ổn định, khi có khi không. Còn mẹ tôi không quen với hoàn cảnh mới, vốn liếng không còn, lại chất phác thật thà nên đành xoay xở sang nghề làm tương cà mắm muối để bỏ mối cho các quán chợ. Mắt mẹ đã thâm quầng vì thức khuya dậy sớm, tóc mẹ đã lốm đốm bạc dù chỉ mới trên bốn mươi, ít khi nào tôi thấy mẹ cười dù rằng tôi rất thích mẹ cười để được ngắm hàm răng đều đặn đen nhánh.

Những ngày mùa đông ở Huế thật lạnh lùng ướt át, khi tôi còn ngủ vùi trong tấm mền bông thì mẹ và chị ba tôi đã dậy từ rất sớm để lo bữa ăn sáng cho cả nhà. Bữa ăn thường là xôi đậu đen thật dẽo mềm ăn với muối mè thơm phức hoặc là cháu đậu huyết nóng ăn với cá bống kho khô ngon tuyệt vời. Mấy anh em tôi vừa thổi vừa xì xụp ăn bên bếp lửa hồng ấm áp, mẹ âu yếm nhìn chúng tôi, mắt hoen đỏ, rồi lại giục giã chúng tôi nhanh chóng chuẩn bị đi học. Những ngày hè, bạn bè rủ tôi đi picnic, khi thì lên lăng Tự Đức khi thì xuống cửa Thuận An, những đòn cơm bới được mẹ tôi nhồi rất dẽo rất khéo khi cơm vừa mới chín còn nóng hổi và những con tôm kho rim thơm lựng được các bạn tôi thưởng thức một cách khoái khẩu làm tôi rất tự hào về tài nấu nướng của mẹ. Những đêm thức khuya học bài thi, mẹ nấu cho tôi một tô cháu cá thu hoặc cá chẻm bỏ tiêu hành ngò thơm ngào ngạt. Tôi bệnh sốt mê man, hình ảnh đầu tiên khi tôi mở bừng mắt cũng vẫn là nét mặt đầy lo lắng của mẹ.

Tôi cố gắng học giỏi để làm vui lòng cha mẹ, tháng nào cũng có bảng danh dự mang về, không những thế còn được học bổng của trường, cứ ba tháng một lần tôi lên văn phòng nhận tiền đem về cho mẹ và tôi lại được nhìn thấy nụ cười tươi của mẹ. Nhưng mẹ vẫn thường buồn nhiều hơn vui, nhất là khi cha tôi bị mất việc. Những món đồ cổ quý giá mà cha mẹ tôi đem từ quê vào cứ vơi dần khi người đàn ông buôn đồ cổ xuất hiện. Hồi đó tôi còn quá bé để hiểu những điều khổ tâm của mẹ nên vẫn hồn nhiên vô tư sống trong sự cưng chìu của cả nhà, nhất là của mẹ.

Ngày tháng cứ trôi đi, chị ba tôi đi lấy chồng, mẹ như bị hụt hẫng dù chưa bao giờ tôi thấy mẹ khóc. Hình như mẹ luôn dấu nỗi đau trong lòng không muốn cho chúng tôi biết. Rồi đến lượt anh tư tôi bị bắt đi lính trong cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn sau nhiều lần trốn tránh không thoát. Tôi nhớ anh đã trốn lên trần nhà khi người ta vào khám xét, cha tôi tỏ ra bình thản nhưng mẹ thì mặt tái ngắt, tay chân run rẩy, cuối cùng cả nhà đành ngậm ngùi tiễn anh lên đường. Hai năm sau đến lượt anh năm của tôi phải đi quân dịch, nhà vắng vẻ chỉ còn mình tôi ở với cha mẹ, tôi cứ nghe mẹ thở dài mỗi khi chiều xuống, mẹ nhớ và lo cho các anh của tôi. Chiến tranh có bao giờ hứa hẹn ngày trở về của những người thân !!! Đến khi chị ba sinh con, mẹ lại phải lặn lội vào tận Quảng Ngãi nuôi cháu ngoại mấy tháng trời, giao cho tôi việc chăm sóc cha, những lúc đó tôi mong ngóng mẹ về như những ngày còn bé biết bao!

Tôi ra trường và lấy chồng, buổi chiều ở nhà chồng nghe tiếng chuông chùa ngân nga tôi đã oà khóc như mưa vì nhớ nhà, cha mẹ tôi lúc này cô quạnh quá! Cuối đông năm ấy anh tư tôi mất tích trong một cuộc giao tranh ở miền núi biên giới, nghe tin tôi vội chạy về nhà và thấy cha mẹ tôi ngồi bất động, nét mặt vô cảm, tôi không thấy một giọt nước mắt nào của mẹ nhưng tôi biết lòng mẹ đau xót vô cùng. Hết ngày này sang ngày khác, hết năm này sang năm khác mẹ cứ chờ đợi và hy vọng một ngày nào đó anh tôi sẽ trở về, cho đến năm 1973 khi Hiệp định Paris được ký kết bóng hình anh tôi vẫn mịt mù. Mòn mõi trong đợi chơ, tinh thần mẹ đã suy sụp, tóc mẹ bạc trắng, thân xác hao gầy. Thế nhưng tôi chỉ nghe tiếng thở dài của mẹ mà không hề thấy mẹ khóc, có lẽ mẹ chỉ khóc thầm khi ở một mình. Anh tôi đã hy sinh mà không biết nắm xương tàn đã vùi nơi đâu, không một tấm mộ bia, không một dòng Tổ quốc ghi công, không kịp nhìn mặt đứa con đầu lòng của mình. Niềm đau của mẹ biết nói mấy cho vừa!!!

Những lần tôi sinh con, tuy ở xa nhưng thương con gái út, mẹ lại khăn gói vào chăm sóc. Mẹ dỗ tôi từng miếng ăn, giấc ngủ, nâng niu đứa cháu ngoại mới sinh để tôi được yên ổn nghỉ ngơi. Những câu hò ru em ngày xưa mẹ ru tôi ngủ bây giờ mẹ lại ru con tôi, tôi ngập chìm trong tình thương bao la của mẹ mà không hề nghĩ đến nỗi nhọc nhằn đắng cay của mẹ, tôi thật là một đứa con bất hiếu!

Chiến tranh đến hồi kết thúc, cuộc phong trần dâu bể lại bắt đầu, cha mẹ tôi mất đi đứa cháu nội - con của anh năm tôi - khi vượt biển vào Nam, tấm thân bé bỏng của cháu tôi chìm vào đại dương mênh mông. Không phải cháu tôi chết đuối mà là chết khát, trên tàu đã hết nguồn nước ngọt dự trữ khi bị cắt rời khỏi tàu lớn mà cháu tôi lại không đủ sức chịu đựng. Cha mẹ tôi thương cháu không nở rời nhưng sinh mạng của hàng trăm con người đang thoi thóp trên tàu còn quý hơn xác chết của một đứa bé lên hai...và thế là cha tôi đành gạt lệ thả cháu xuống biển khơi. Cảnh trên tàu lúc đó chỉ còn là địa ngục trần gian, người ta giành dựt nhau từng hơi thở, từng miếng cơm, từng ngụm nước để sống còn, có người không chịu nổi nhảy xuống biển tự tử, lấy đâu ra điều nhân nghĩa? Sau cái chết bi đát của cháu tôi, mẹ trở nên lặng thinh, trí nhớ lẫn lộn.

Thương vợ chồng anh năm, cha mẹ tôi lại dắt díu nhau trở về Huế, bán nốt hai chiếc ché ngọc và cái tủ chè cẩn xà cừ, những món đồ cổ quý giá cuối cùng may mà không bị người ta hôi của, để đổi lấy hai lượng tám vàng định bụng đem vào cho anh chị làm vốn làm ăn. Trên chuyến tàu bão táp vào Nam năm đó, hai lượng vàng đã bị một kẻ móc túi vô lương tâm không nghĩ tình hai ông bà già khốn khổ lấy mất. Cha mẹ tôi tay trắng lại hoàn trắng tay, anh chị tôi đành về một vùng quê hẻo lánh Nam bộ bán dạo kiếm sống. Còn căn nhà mà gia đình chúng tôi đã từng có những ngày đầm ấm bên nhau cũng đành bán nốt để, hởi ôi, chỉ được hai lượng vàng! Cha tôi vào Đồng Nai mua một mảnh vườn nhỏ làm kế sinh nhai rồi giao cho anh rễ tôi cai quản cùng với vợ chồng đứa con đầu (chị hai và những đứa con khác vẫn còn ở Huế), số tiền còn lại cha mẹ tôi chia cho mỗi đứa con một ít mà không nghĩ đến bản thân mình.

Vợ chồng tôi lúc bấy giờ dạy học, đồng lương công nhân viên nhà nước không đủ nuôi bốn đứa con nheo nhóc, nghĩ đến cảnh tình cha mẹ mà ứa nước mắt. Tôi chạy vạy khắp nơi xin cho cha mẹ tôi nhập hộ khẩu để được hưởng tiêu chuẩn lương thực của gia đình công nhân viên. Hộ khẩu thì người ta cho nhập nhưng cha mẹ tôi không được hưởng tiêu chuẩn lương thực với lý do tôi là con gái chứ không phải con trai (???). Cha đành để mẹ ở lại với chúng tôi còn cha về Đồng Nai, cha muốn giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình tôi. Tôi thấy lòng không yên ổn nhưng biết làm sao trong hoàn cảnh mới khi mà mỗi một công nhân viên nhà nước chỉ có mấy lạng thịt, mấy lạng đường mỗi tháng, mua gạo thì phải chầu chực ở cửa hàng lương thực từ một hai giờ sáng... Lại còn chồng tôi nữa, liệu anh ấy có suy nghĩ gì khi phải nuôi dưỡng cả cha vợ lẫn mẹ vợ (?)

Mẹ tôi lúc này đã già yếu lắm rồi, những bất hạnh tiếp nối dồn dập khiến mẹ quẩn trí. Mẹ cứ nghĩ ngợi về những ngày xa xưa, không hiểu ý của cha nên hờn trách cha vô tình để mẹ ở một mình. Những lúc nghe mẹ trách móc cha, tôi rất đau xót vì biết rằng mẹ tôi không còn minh mẫn, lẫn lộn hiện tại với quá khứ, những nỗi đau chồng chất ấy đã giết dần giết mòn tinh thần của mẹ, ngày xưa có bao giờ mẹ trách móc cha, dù chỉ nửa lời. Tôi lại càng xót xa hiểu rằng mẹ rất yêu cha, những ngày cuối đời mẹ muốn được ở bên cạnh cha. Không nở để mẹ đau khổ, tôi đành đưa mẹ về với cha mặc dù tôi biết cuộc sống của gia đình anh rễ tôi còn quá nhiều khó khăn, bữa đói bữa no vì chỉ mới bắt đầu việc canh tác.

...Như linh tính mách bảo, sau khi chấm dứt việc chấm thi tôi vội vàng thu xếp việc nhà để về thăm cha mẹ, không ngờ đó là lần gặp mặt mẹ cuối cùng. Mẹ tôi bệnh nặng mà cha dấu không cho tôi biết, khi tôi về đến nơi thì mẹ đã quá hao gầy, hai mắt nhắm ghiền, miệng luôn mê sảng. Chỉ mới một năm mà mẹ đến nông nổi này ư? Tôi nắm tay mẹ nghẹn ngào:

- Mạ ơi, con về thăm mạ đây!

- Ai đó? Có phải cháu Thuỷ đó không? Mẹ tôi thều thào hỏi, mắt vẫn nhắm ghiền, mẹ tưởng tôi là đứa cháu ngoại vẫn thường qua lại thăm viếng.

- Không, con là út đây, út của mạ đây!

Mẹ tôi vẫn không nhận ra tiếng nói của tôi, hình như lúc bấy giờ các giác quan đã gần như tê liệt, thế nhưng tôi vẫn ảo giác mẹ tôi chỉ vì ăn uống kham khổ mà lâm bệnh thôi, nếu được điều trị và bồi bổ sẽ hồi phục.

Tôi ở lại chăm sóc mẹ được hơn một tuần, thấy mẹ có vẻ khá hơn, tôi trở về nhà bởi lúc này các con tôi còn nhỏ dại, mấy con lợn lại đang chờ tôi, việc học chính trị-chuyên môn cũng sắp sửa. Thời buổi cũng lạ kỳ, người có thể nhịn đói được nhưng lợn thì không, mà tôi vẫn cứ đinh ninh mẹ sẽ qua khỏi.

Tôi nhận được bức điện báo tin mẹ tôi qua đời chỉ sau hai tháng khi đang ở trên lớp, lúc tôi về đến nơi thì mẹ tôi đã ra đi trước đó một tuần. Anh rể tôi đã đánh điện cho tôi quá trễ hay do bưu điện chuyển đến trễ tôi không rõ, chỉ ân hận là tôi không được nhìn mặt mẹ lần cuối, không được tiễn đưa mẹ đến nơi an nghỉ nghìn thu. Thời cuộc hay số phận đã biến tôi thành đứa con bất hiếu? Tôi rất đau lòng, giá tôi biết trước nông nổi này thì cho dù mấy con heo ở nhà có bị bỏ đói thì tôi vẫn quyết ở lại với mẹ cho đến ngày mẹ ra đi. Mẹ được chôn cất trong một lô rừng cao su, thật cô đơn!

Hơn mười năm sau chị em chúng tôi mới có điều kiện đưa hài cốt mẹ về Huế để an táng bên cạnh cha. Cha tôi mất sau mẹ bốn năm, những năm tháng cuối đời cha đã làm nhiều bài thơ tiếc thương mẹ.

Tôi thường đứng hàng giờ lặng ngắm tấm ảnh thờ của mẹ. Đó là tấm ảnh chụp cách mười tám năm trước ngày mẹ mất được phóng to, mẹ không có tấm ảnh nào mới hơn. Tấm ảnh này do chính tay tôi chụp vào ngày anh tư tôi cưới vợ bằng chiếc máy ảnh mà anh tặng tôi nhân kỳ nghỉ phép đầu tiên. Trong ảnh mẹ cười rất tươi, tràn đầy hạnh phúc, gương mặt dịu dàng, phúc hậu. Tôi tự hỏi: vì sao mẹ tôi hiền hậu, đảm đang, luôn dạy chị em tôi những điều nhân nghĩa kính trên nhường dưới, thương yêu mọi người kể cả loài vật; luôn chịu thiệt thòi để đem hạnh phúc cho người khác lại phải chịu nhiều nghiệp chướng quá nặng nề? Tôi không nghĩ mẹ tôi trả nghiệp cho kiếp trước, kiếp trước chắc chắn mẹ tôi cũng là một người phụ nữ nhân hậu hết lòng vì chồng con. Tôi lại nghĩ đến các vị bồ tát đã xả thân cứu độ chúng sinh, phải chăng mẹ tôi là một vị bồ tát, chí ít đối với chị em chúng tôi, khi chúng tôi cần mẹ, mẹ đều có mặt (?). Thế mà tôi chưa đền đáp được công ơn vô vàn to lớn đó, giờ đây tiếc nuối ân hận thì mẹ đã quá xa vời...

Những lần về Huế tôi thích lên mộ cha mẹ một mình vào buổi chiều tà khi mặt trời vừa khuất sau chân trời. Hai ngôi mộ nằm song song ở phía trên cao của khu vực nghĩa địa Ngự Bình dưới bóng rừng thông rất thoáng mát. Cả một vùng trời đất như giao hoà với nhau trong một không gian thật tĩnh lặng bình an, một thế giới rất riêng của những linh hồn hiền hoà nhân ái. Tôi có cảm giác rất gần gủi thân thương, rất thanh thản, hình như cha mẹ tôi đang bên cạnh tôi, vỗ về tôi, tha thứ những lỗi lầm của tôi trong quá khứ. Tôi chợt hiểu ra lẽ vô thường hữu hạn của đời người và sự vĩnh cửu bất biến của vũ trụ, của thế giới tâm linh. Tôi hiểu mẹ tôi vẫn sống mãi trong tâm thức của tôi, trong hình hài của tôi và luôn bên cạnh tôi những lúc tôi hạnh phúc cũng như khi tôi qụy ngã để nâng đỡ bước đi của tôi trong cuộc đời.

Mùa Vu lan ,
Tâm Thanh


Trở Về   ]