Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]


 
Con cà con kê

Nguyễn Dư

Người Việt chúng ta có thể còn thua kém người khác về mặt này mặt nọ, nhưng về mặt ăn nói thì có lẽ chả thua ai. Được như vậy là nhờ dân ta hiếu học.

Học ăn, học nói.

Mới chập chững biết đi, mới bập bẹ biết nói đã phải học. Học cho đến lúc thành người, thậm chí đến lúc sắp chết vẫn chưa thôi.

" Dĩ thực vi tiên ".

Nói chung, dân ta trọng ăn uống, đặt ăn uống lên hàng đầu. Ăn cái đã, mọi chuyện khác tính sau.

Trong cả trăm, cả ngàn (?) cách ăn, cách nói, có vài kiểu đặc biệt ngoạn mục...

Ở cái tuổi còn " tiên học lễ hậu học văn ", đám lau nhau được dặn dò cẩn thận :

Ăn trông nồi, ngồi trông hướng.

Lớn lên...

Không ăn mẻ cũng chết.
Có thực mới vực được đạo.

Người nước ngoài nhận xét dân ta có đầu óc thông minh, chân tay khéo léo.

Riêng về mặt ăn uống, không ai bảo ai thế mà ai cũng biết

Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau.

Người đi sau học người đi trước. Người đi trước ngoảnh lại học đám " hậu sinh khả uý ". Chả bao lâu ai cũng khôn sàn sàn như nhau.

Phè phỡn ăn cho sướng miệng. Cùng lắm là bị bia miệng chê cười thôi.

Bia gì ? Chúng mày làm ông hết hồn ! Tưởng là bia hơi nó chê thì... bỏ mẹ. Bia miệng cười thì... kệ cha nó. Hơi đâu mà lo !

Trời đánh còn tránh miếng ăn.

Pháp luật cũng chả bao giờ phạt người ăn, có khi còn khuyến khích là đằng khác. Không tin thì hỏi ông quan toà háu ăn kia kìa.

Nghề viết lách phải ăn để có hứng vặn chuyển ngòi bút. Quan chức khoái ăn để tỉnh táo họp hành phê chuẩn. Dân lao động vất vả ăn để lấy sức lao động tiếp.

Cả nước ăn, chỗ nào cũng ăn thì người đâu, của đâu cho đủ để phục vụ ? Tưởng là ăn để mà sống chứ đời nhà ai lại như là sống để mà ăn vậy ?

Bà chị nói như vậy chưa toàn diện. Bọn tôi ăn để sống. Nhưng sống để làm gì ? Sống mà không ăn thì sống làm quái gì. Mình không ăn thì đứa khác nó cũng đớp mất. Rừng vàng biển bạc, của trời vô tận, không ăn cũng uổng. Cờ đến tay ai người ấy phất !

Bọn tôi ăn để sống và sống để ăn. Cái gì ăn được là không tha.

Ở đời muôn sự của chung
Hơn nhau một tiếng ăn hùng mà thôi

Chỉ có ăn bậy, ăn bẩn, ăn cướp, ăn đồ của người khác như bọn vua chúa phong kiến ăn đồ tiến dâng, quan lại phong kiến ăn đồ bòn rút từ khố dân đen, mới đáng bị phê bình, bị kỉ luật.

Bị cái gì ? Ăn nói văn hoa như các bác nhà em chả hiểu gì cả.

Dân Việt Nam tiến hoá như bất cứ dân tộc nào.

Từ Ăn lông ở lỗ đường đường tiến lên Ăn trên ngồi trốc. Tiến từ Ăn xó mó niêu lên Ngồi mát ăn bát vàng.

Ăn ngập mặt ngập mũi. Ăn nhiều nuốt không trôi. Ăn thủng nồi trôi rế.

Ăn đến độ luân lí, đạo đức cũng phải lúng túng, khó ăn khó nói :

Miếng ăn là miếng tồi tàn
Mất đi một miếng lộn gan lên đầu

Ăn như tằm ăn rỗi. Ăn lấy ăn để. Ăn sống nuốt tươi. Ăn cháo đái bát.

Mới ngày nào còn ăn dấm ăn dúi, bây giờ thì ăn đàng hoàng giữa ban ngày ban mặt.

Phải xây một viện bảo tàng cỡ lớn thì mới trưng bày hết được các kiểu ăn ngoạn mục, tiêu biểu của nền văn hoá ẩm thực có bề dày lịch sử đáng nể của ta.

Song song với học ăn phải học nói.

Tiếng Việt giàu âm thanh, giai điệu. Líu lo, tỉ tê, thì thầm, hét ra lửa mửa ra khói.

Nói thánh nói thần. Nói chày nói cối. Nói dối thò đuôi. Nói một tấc đến trời.

Nói không cần người nghe.

Nói như chim hót. Nói như vẹt.

Nói đến nỗi con rắn trong bụi phải bò ra, người ta mò vào, há hốc mồm ngồi nghe. Nói như thuyết khách đắc đạo Ba hoa chích choè.

Ai không đủ kiên nhẫn nghe chích choè tán hươu tán vượn thì cứ việc liệng cho mảnh sành là xong. Nói như trẻ con thì dễ nhưng thực tế thì hỡi ôi. Mấy ai liệng trúng. Chích choè lại bay đi ba hoa đám khác !

Lơ thơ tơ liễu buông mành
Con oanh học nói trên cành mỉa mai (Kiều)

Không muốn nghe con oanh mỉa mai, chửi bới, thì bịt tai, ngoảnh mặt làm ngơ như bù nhìn, phỗng đá là huề cả làng.

Tuy vậy, nghe con chích chòe ba hoa hay con oanh thỏ thẻ cũng đừng vội khó chịu. Chưa ăn thua gì đâu !

Bị Con cà con kê kể lể, quấy rầy mới thật là gay.

Nhiều người muốn đánh, muốn đuổi Con cà con kê cũng đành bó tay vì... chưa thấy hai con này bao giờ !

Ờ nhỉ, Con cà con kê là con gì vậy ?

Thành ngữ Con cà con kê được dùng trong bài Kinh nghĩa Mẹ khuyên con lúc về nhà chồng.

(...) Kính lấy đấy ! Răn lấy đấy ! Liệu học ăn học nói, học gói học mở ; khi anh nó hoặc ra xô xát chi lời, cũng tươi, cũng đẹp, cũng vui cười, chớ như ai học thói nhà ma, mà hoặc con cà con kê chi kể lể (...).

Tác giả bài Mẹ khuyên con lúc về nhà chồng và bài Lấy chồng cho đáng tấm chồng được Trần Trung Viên (Văn đàn bảo giám, Mặc Lâm, 1968), Nghiêm Toản (Việt Nam văn học sử trích yếu, Khai Trí, 1968) và Tạ Quang Phát (Vân đài loại ngữ, Văn Hoá Thông Tin, 1995) gán cho Lê Quý Đôn (1726-1784). Dương Quảng Hàm (Việt Nam văn học sử yếu, Bộ Quốc Gia Giáo Dục, 1960) thì cho rằng giả thuyết này " không được chắc lắm ", nhưng ông không đưa ra bằng chứng gì để bác bỏ nó.

Kể lể con cà con kê  có nghĩa là :

- Kể chuyện tấm mẳn (nói những điều nhỏ mọn, không đáng nói). Kể lể nhiều chuyện (Huỳnh Tịnh Của, 1895).

- Lan man, dông dài, lôi thôi trong khi nói chuyện (Từ điển tiếng Việt, nhóm Văn Tân, 1977).

- Dài dòng hết chuyện này sang chuyện khác (Từ điển tiếng Việt, nhóm Hoàng Phê, 1988).

- Nói, kể dài dòng, lan man ít giá trị (Nguyễn Lực, Lương Văn Đang, Thành ngữ tiếng Việt, Khoa Học Xã Hội, 1978) .

- (Cà là do từ cổ Ca nghĩa là gà). Chê người nói dài dòng, hết chuyện này sang chuyện khác (Nguyễn Lân, Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Văn Hoá, 1989).

Kể lể con cà con kê, nói gọn lại là Cà kê, hoặc kéo dài ra là Cà kê dê ngỗng, đều có nghĩa là nói dông dài, nói những chuyện lôi thôi, vụn vặt.

Tất cả các từ điển của ta đều thống nhất như vậy.

Ngữ nghĩa của Con cà con kê không còn gì để bàn.

Nhưng tại sao Con cà con kê lại có nghĩa như vậy ? Câu hỏi chính xác hơn là Con cà con kê là con gì ? Là đặc sản Việt Nam hay là hàng ngoại được nhập cảng ?

Cà kê, là chữ Hán hay Việt, hay không phải Việt cũng chẳng phải Hán ?

Trước hết, Con là một từ thuần Việt dùng để chỉ con bò, con người, con thuyền, con Tạo...

là chữ Hán, nghĩa là con gà.

Con kê là con gà... nửa Việt nửa Hán ! Còn Con cà ? Chữ Hán không có con cà.

Thành ngữ Con cà con kê dứt khoát không phải là chữ Hán.

Tiếng Việt không có con kê, không có con cà. Chỉ có vài con có tên kép như cà đúi, cà tong, cà cuống, cà kếu, cà niễng...

Thành ngữ nói trống không con cà thì khó mà đoán biết là con gì.

Nguyễn Lân cho biết là do từ cổ Ca nghĩa là gà.

Chữ Nôm được viết bằng chữ Ca (người anh) và bộ Điểu. Từ cổ Ca (nghĩa là gà) của Nguyễn Lân có liên hệ gì với từ Ca của chữ Hán không ?

Theo Nguyễn Lân thì về mặt ngữ nghĩa, thành ngữ Con cà con kê tương đương với Con gà con kê. Nôm na là... Con gà con gà.

Một thành ngữ chỉ có bốn chữ mà bị khập khiễng tới hai lần (vừa pha trộn Việt Hán, vừa lặp lại cùng một ý) thì khó đứng vững và tồn tại được.

Rốt cuộc, thành ngữ Con cà con kê cũng chẳng phải là tiếng Việt.

Không phải Hán, không phải Việt. Hay là do đọc trại, nói trại mà ra ?

Trong số những từ có âm gần giống Cà kê thì chữ Hán có từ Ca kệ nghĩa là nhà sư tụng bài kệ.

Người xưa kính trọng nhà sư. Bài kinh, bài kệ cho dù có dài thì cũng không đến nỗi bị coi là dông dài, tầm phào, làm phiền người nghe như kể lể Cà kê . Không ai nỡ nặng lời trách móc nhà sư tụng bài kệ như vậy.

Cà kê của dân gian khó có thể là biến âm của Ca kệ  .

Tiếng Việt có từ Con cả (con trưởng) và Con kế (con thứ).

Hay là Con cà con kê đến từ Con cả con kế ?

Mẹ khuyên con lúc về nhà chồng, nghĩa là cô gái...chưa có thai (kết luận hơi táo bạo nhưng cứ tạm cho là ngày xưa là như vậy !). Bà mẹ không thể khuyên con gái đừng dông dài kể chuyện con cái từ lúc chưa về nhà chồng được. Vả lại người xưa quan niệm rằng đông con là có phúc. Kể chuyện con cái là thói quen của số đông các bà mẹ, trong đó có cả bà mẹ đang dông dài khuyên con gái mình.

Giả thuyết Con cà con kê là do đọc trại từ Con cả con kế cũng không chấp nhận được.

Nói tóm lại, Con cà con kê không phải Tàu, không phải ta, không phải đọc trại âm. Con cà con kê có vẻ... không phải là hai con vật.

Thế thì Cà kê là cái gì ?

Là Phú Lang Sa chăng ?

Kể lể con cà con kê được từ điển của soạn giả người Pháp định nghĩa là :

- Raconter des histoires de taupes, histoires interminables (kể chuyện con cà đúi, chuyện dông dài) (Gustave Hue, 1936). Con cà là con cà đúi (chứ không phải cà cuống hay cà tong), còn con kê không biết là con gì nên bị bỏ quên.

- Faire des jérémiades ( than vãn dai dẳng) (Génibrel, 1898).

Kể lể con gà kế : Rappeler un à un des services rendus (kể lể, nhắc lại từng việc đã làm) (Génibrel).

Chữ kế ở đây nghĩa là continuer, perpétuer, joindre, immédiat (tiếp tục, kế tiếp).

Kế liếu, kế kèo : toujours, sans cesse (dai dẳng, không dứt).

Génibrel còn cho biết thêm mấy từ :

Cà kê cơ cầu : chercher chicane (kiếm chuyện, gây sự). Gustave Hue cũng định nghĩa Cà kê, cà khịa là chicaner ( kiếm chuyện).

Nói ca kì : parler longtemps, sans fin ; ne pas déparler (nói dai, nói không ngừng).

Làm ca kì : trainer en longueur (làm...câu giờ).

Ca kì cũng có nghĩa là dông dài, tương đương với Cà kê. Dường như hai từ này chỉ là một, được phát âm bằng hai cách khác nhau.

Kể gà, kể dê, ngỗng : Énumérer poules, chèvres, oies. Énumérer fastidieusement (kể lể nhạt nhẽo, vô duyên). Ngày nay ta thường nói Kể lể Cà kê dê ngỗng.

Mấy thành ngữ Kể gà, kể dê, ngỗng,Kể lể con gà kế, Kể lể con cà con kê đều có hình bóng con gà. Ban đầu là Cà kê ngắn gọn, về sau người ta đưa thêm dê ngỗng vào chơi cho đông vui.

Từ điển Robert Larousse của Pháp cho biết :

Caquet (đọc là ca kê, từ tượng thanh, có từ thế kỉ 15) : Gloussement de la poule au moment où elle pond (tiếng gà mái kêu lúc đẻ trứng). Nghĩa bóng của Caquet là bavardage indiscret, intempestif (Ba hoa không đúng lúc).

Caqueter (động từ) : Parler sans arrêt et de choses futiles, souvent de façon importune, gênante (nói không ngừng, nói dông dài, nói chuyện tầm phơ khiến người nghe phải khó chịu).

Thật bất ngờ ! Cà kê của tiếng Việt và Caquet của tiếng Pháp có nghĩa giống nhau là nói dông dài. Phát âm cũng giống nhau theo quy luật âm " ca " của tiếng Pháp chuyển sang tiếng Việt thành " cà " (cà rốt, cà nông, cà phê...).

Cà kê giống Caquet từ âm đến nghĩa.

Caquet xuất phát từ tiếng gà cục tác. Cà kê cũng thấp thoáng bóng dáng con gà. Cà là gà (?), kê là gà, cà kê có họ với con gà kế v.v.

Ngẫu nhiên Cà kê của ta giống Caquet của Pháp chăng ?

Xét về mặt ngôn ngữ thì Cà kê không phải là từ thuần Việt, cũng không phải là thuần Hán cho nên không thể có sự ngẫu nhiên giống nhau được.

Chỉ còn một giải thích thoả đáng là ta đã nhập cảng Caquet của Pháp và Việt hoá thành Cà kê.

Kết quả của cuộc giao lưu văn hoá là Cà kê được ra đời vào khoảng cuối thế kỉ 19.

Như vậy thì... tác giả bài Kinh nghĩa Mẹ khuyên con lúc về nhà chồng không thể là Lê Quý Đôn (1726-1784) được.

Dương Quảng Hàm có lí. Con cà con kê là một bằng chứng.

Lại thêm một vấn đề văn học ! Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa !

Nuôi được Con cà con kê, người xưa không ngần ngại mời thêm hàng xóm của gà vào chơi cho đông vui. Các bà, các ông từ nay có thể Kể lể cà kê dê ngỗng, hay Kể gà, kể dê, ngỗng . Dê thuộc tam sinh (ba con vật được dùng để tế lễ là trâu, dê, lợn), bị tụt xuống ngang hàng với gà vịt.

Thật ra thì dê được mời vào chơi chỉ vì dê...đúng vần mà thôi. Nếu không phải là dê thì là Kể lể cà kê bê ngỗng, cà kê tê ngỗng, hay cà kê trê ngỗng cũng được. Miễn là hai " con " đầu đàn phải là Cà kê.

Họ hàng của Cà kê lập nghiệp tại Việt Nam khá đông :

Cà riềng cà tỏi (nói đi nói lại có một chuyện). Cà rịch cà tang (làm việc chậm chạp). Cà kê bị rút ngắn, chỉ giữ lại từ Cà thôi.

Ca kì (longtemps, sans fin : dông dài), Cà khịa (gây sự, kiếm chuyện), Kề cà (để mất nhiều thì giờ vì những việc không quan trọng, không cần thiết) v.v...

Phân tích lối nói Cà kê đúng là...dông dài, tầm phào mất thì giờ. Hi vọng rằng không đến nỗi...làm người nghe phải khó chịu !

Cà kê là một kiểu nói của Pháp được Việt hoá.

Học ăn, học nói.

Tổng hợp của nghệ thuật ăn nói Việt Nam là Ăn như rồng cuộn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa.

Nhưng mọi người cần phải cảnh giác ! Tương lai ngành ăn nói của Việt Nam có thể bị đe doạ thiếu người kế thừa.

Bây giờ phần lớn cha mẹ đều bận bịu, chả ai còn thời gian ngồi dạy đám trẻ. Thầy cô thì vất vả ôm hết lớp ngày, lại tiếp lớp đêm...

Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi.

Năm xưa đen tối, thầy cô bị đẩy vào nghề bán cháo phổi. Ngày nay thầy cô tự nguyện bán cháo lú.

Vô tư, thoải mái.

Học ăn, học nói, không có chương trình quy định. Không có thi cử chính thức. Có tiền cũng không mua được bằng cấp.

Học hoài, học mãi vẫn chưa hết các kiểu ăn, kiểu nói.

Ăn nhiều đến bội thực mà vẫn chưa đủ, vẫn chưa biết cách... ăn năn.

Nói làu làu, nói như nước đổ lá khoai mà vẫn còn ngượng nghịu, lúng túng mỗi khi phải... nói thật.

Nhà nào có phúc thì trẻ con học được thói Ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối. Vô phúc thì con cái lại Ăn không, nói có. Ăn gian, nói phét...hơn cả cha mẹ.

Nguyễn Dư
(Lyon, 9/2004)


Trở Về  ]