Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]

Phấn Trắng Bảng Đen Và Lòng Biết Ơn

Dương Hà


 
"Nhất tự vi sư bán tự vi sư
Phi sư phụ bất thành nhân
Dù chỉ học thầy một chữ
Hay nửa chữ cũng ghi ơn"
Chuyện cổ tích ngày xưa kể rằng khi nước Nam chưa có chữ quốc ngữ theo hệ thống mẫu tự  ABC mà còn dùng Hán tự viết nét bằng cọ: Có một anh học trò thấy một đàn kiến khi kéo nhau bắc cầu qua sông, cả lũ kiến đó sắp bị dòng nước lũ cuốn đi, anh động lòng từ tâm liền bẻ một cành cây bắc cầu cho kiến di chuyển. Kỳ thi Hương năm đó anh làm bài thi, rủi ro một chữ anh viết thiếu một nét nên nếu đọc thì khác nghĩa nên giám khảo có thể đánh rớt, nhưng chữ thiếu nét đó có những con kiến bám chặt vào nét chữ thiếu đó nên trở thành đủ, giám khảo đã cho anh đậu khoa thi năm đó. Người đời cho rằng kiến đã trả ơn cưu mang của anh học trò từ tâm ấy nên công danh anh được hanh thông. Mặc dù câu chuyện trên đây chỉ là dụ ngôn, mà đã là dụ ngôn thì không có thật, nhưng điểm tối hậu nó cũng đem đến cho ta một ý nghĩ "biết ơn" nào đó trong đời.
 

Trên sân khấu của nhà hàng Hoàng Sa, tôi nhìn người nam ca sĩ có gương mặt quen thuộc, có cái nhân dáng quen thuộc và lời ca tiếng hát đó cũng quen thuộc nốt.  Xin thưa đó chính là giáo sư trước đây cách hơn phần tư thế kỷ đã là thầy tôi. Tôi vui lắm khi nghe tiếng ca ngọt ngào, du dương mang một ước mơ về tình yêu mà người thi sĩ gửi gấm trong thơ, người nhạc sĩ ký thác nỗi cảm tác trong từng nốt nhạc, cũng như người ca sĩ cố gắng lột tả trọn vẹn nỗi bâng khuâng khi là tình nhân, hay nỗi dịu dàng khi gần người yêu nhớ đến ánh trăng khuya của một thuở hẹn họ tình tự có Sài Gòn trong ký ức dấu yêu. Trong nỗi cảm nhận miên man của cử tọa đang lắng nghe, tôi cho là cả bộ ba Du Tử Lê, Phạm Đình Chương và thầy cũ của tôi đang đứng hát thật là một sự kết hợp tuyệt diệu. Bài "Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn", hình như nó là một trong những nhạc phẩm mà ông thích thú khi hát, nên ông thường ca bài này. Ca sĩ tài tử này bắt nhịp ca trong nỗi say đắm, ông ngân dài như đưa chúng tôi về với Sài Gòn trong quyến luyến, y như cái tâm trạng mà lúc chúng tôi rời nơi này:

"Đêm về trên bánh xe lăn
Tôi trăng viễn xứ, hồn thanh niên vàng
Tìm tôi đèn thắp hai hàng
Lạc nhau cuối phố, sương quàng cổ cây
Ngỡ hồn tu xứ mưa bay
Tôi chiêng trống gọi, mỗi ngày mỗi xa

Đời tan, tan nát chiêm bao
Tôi trăng viễn xứ, sầu em bến nào ..."

Thầy tôi, người mang bản tính năng động, ông luôn luôn vui vẻ và thích dí dỏm khi làm MC, ông trẻ trung trong giọng nói, và ông cũng trẻ trung trong tâm hồn. Ban nãy ông ông đã tâm tình về những kỷ niệm quê hương như:

"Các anh chị em thân mến, ngày xưa tôi đứng trước các anh chị em và đằng sau là bảng đen và phấn trắng, ngày hôm nay phía trước tôi đây cũng là các anh chị em, nhưng đằng sau tôi không còn phấn và bảng nữa, thay vào đó là ban nhạc đệm cho chúng ta những giây phút ân tình của tình đồng hương, của tình hoài hương, của dĩ vãng còn rong ruổi trong vùng ký ức cũ của chúng ta. Chỉ tiếc rằng những ngày cũ đó không dược kéo dài lâu hơn mà phải đợi hơn một phần tư thế kỷ sau mới được nối tiếp. Thú thực rằng ngày nào tôi còn gặp lại các anh chị là ngày đó sẽ là hạnh phúc cho tôi. Cái hạnh phúc kế tiếp là tôi được ca những ca khúc mà anh chị em thích. Như thế thì chúng ta có những hạnh phúc chung vì sở thích chung hay văn hóa chung phải không các bạn?"

Có bao giờ quý vị nhớ đến cái bảng đen đầy phấn trắng có lần đã rơi trên tóc thầy cô giáo của chúng ta? Tôi không được may mắn như vậy vì học ở trường đời nhiều hơn trường lớp, và tôi cũng học được lòng biết ơn các nhà mô phạm từ những câu chuyện nhỏ, như câu chuyện của Fred Bauer kể sau đây:

"Một hôm, tôi nhận thức rằng dường như tôi ít khi bày tỏ lòng biết ơn đối với những người thân sống quanh tôi, dành cho tôi nhiều điều ưu ái. Tất nhiên là chúng ta không nên đợi đến những ngày lễ lộc, kỷ niệm… để nói lời cảm ơn đối với những người thân mà mình đã từng mang ơn. Giá như tôi học được điều gì đó về nghệ thuật cám ơn thì đó chính là: Hãy cám ơn ngay tức thì. Nói lên lời cám ơn không chỉ làm rạng rỡ, làm mát lòng ân nhân mà còn thể hiện tính văn minh lịch sự của người thọ ơn. Nếu bạn cảm thấy bị hắt hủi, xua đuổi, bạn đừng vội bi quan, yếm thế mà hãy ra tay cứu vớt người khác. Rất có thể đó là phương thuốc giúp bạn tìm lại niềm lạc quan, yêu đời.

Trước khi trở thành nhà văn nổi tiếng, A.J. Cronin từng là một bác sĩ. Hồi ấy, có nhiều bệnh nhân đến yêu cầu Cronin điều trị cho họ chứng bệnh lo âu, hồi hộp, sợ sệt, mất niềm tin và luôn nghi ngờ. Cronin ghi cho họ toa thuốc thật lạ thường: "Toa thuốc cám ơn" rồi căn dặn bệnh nhân: ‘Trong vòng sáu tuần, quí vị phải nói lời cám ơn mỗi khi nhận được sự giúp đỡ của bất cứ ai dù đó chỉ là việc mọn. Và để tỏ ra rằng lời cám ơn kia xuất phát từ tấm lòng thành, quí vị hãy mỉm cười với ân nhân khi thốt lên hai tiếng "cám ơn". Sau 6 tuần điều trị, hầu hết bệnh nhân của Cronin đều cảm thấy thuyên giảm rõ rệt. Trong nhiều trường hợp, chúng ta không thể bày tỏ ngay lòng biết ơn của mình. Nếu rơi vào tình cảnh ấy, bạn không nên thụ động và giữ im lặng mãi mà hãy mạnh dạn nói lời cám ơn ân nhân ngay khi gặp lại họ sau đó.
Vừa mới đây, tôi có dịp về thăm lại quê nhà trong một thời gian ngắn. Trong khi tôi đếm bước dọc theo đường làng quen thuộc, kỷ niệm thời thơ ấu bỗng ùn kéo đến lấp đầy dòng suy nghĩ của tôi. Trên đường, tôi gặp lại cô giáo Violet Bible. Cô đã gợi trong tôi thời tôi còn mài đũng quần trên ghế trường trung học. Năm ấy, tôi ngồi lớp chín. Tôi mê chơi thể thao hơn là chú tâm vào việc học. Hậu quả là tôi bị tụt hậu môn tiếng La Tinh. Khi phát giác ra môn yếu kém của tôi, cô giáo Bible nói: "Ồ, học tiếng La Tinh có khó khăn gì đâu, rất thú vị nữa là đằng khác. Sau bữa cơm chiều nay, em sang nhà cô, cô sẽ chứng minh cho em điều đó".

Trong nhiều tuần lễ kế tiếp, cô dạy kèm tôi học tiếng La Tinh cho đến khi tôi theo kịp chúng bạn. Năm ấy tôi tròn 14 tuổi. Lần đầu tiên trong đời, tôi nhận ra rằng cô giáo Violet Bible khả kính, vừa tích cực giảng dạy ở trường vừa làm tròn nhiệm vụ trong gia đình, lại còn dành riêng mỗi ngày một giờ để dạy kèm tôi học tiếng La Tinh. Sự cố gắng giúp đỡ tôi của cô Bible lúc ấy, tôi xem như là chuyện hoàn toàn bình thường. Nhưng giờ đây, khi gặp lại cô, tôi bỗng nhận thức một cách sâu sắc rằng cố gắng của cô dành riêng để dạy tôi học tiếng La Tinh trước đây quả là sự hy sinh vô bờ bến mà hàng năm dài tôi hầu như quên lãng. Tôi chạy đến ôm choàng lấy cô, giọng thổn thức: "Những điều mà cô dành cho em trước đây đã vượt xa nhiệm vụ bình thường của một cô giáo. Xin cô nhận lòng biết ơn chân thành của người học trò cũ, dù cho lời cám ơn được thốt lên muộn màng." Cô đáp lời tôi bằng nụ cười ấm áp, mãn nguyện và đôi mắt rạng rỡ niềm tin.

Nếu nhà văn lớn A. J. Cronin viết ra những cám ơn ân nhân đã dạy dỗ mình nên người thì tôi lại sực nhớ câu chuyện của người bạn Ba Tư mà tôi quen. Anh ta kể sau khi Shah hoàng bị lật đổ, chính quyền mới hồi giáo lên thay thế, người lôi thầy giáo ra tra tấn, mà trong đó anh là nạn nhân. Người thầy cố dạy những đứa trẻ tinh nghịch, ông xử phạt chúng của kỷ luật nghiêm túc của nhà trường. Khi đất nước thay đổi thì người bạn tôi, người thầy giáo của đám học trò tinh nghịch đã là nạn nhân của sự trả thù thất nhân tâm, họ gây cho người thầy cũ cái cảm giác chán chường, khi thoát ra xứ ngoài ông về sống ẩn dật ở vùng băng tuyết phía bắc Gia Nã Đại. Người Việt chúng ta có những câu nói mà người học trò nhỏ đều được giáo huấn như "Không thầy đố mày làm nên", lên cao hơn người học sinh lại tìm hiểu ý nghĩa của câu nói tôi cho là chí lý: "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư".

Thật ra mọi việc trong cuộc sống con người cũng tùy thuộc khung cảnh của đứa trẻ vốn tinh nghịch khi lớn lên như tình trạng gia cảnh, xóm giềng. Có đứa thay đổi tâm trạng hiểu thầy cũ, thì cũng có đứa ương ngạnh, vẫn cố chấp những chuyện cũ trong vùng ký ức. Làm con người đã khó rồi, mà làm đám học trò tinh nghịch, lêu lổng lại càng khó hơn, chỉ vì sự hẹp hòi, ích kỷ đã in hằn sâu trong tâm thức.

Cùng với cái tâm tình dành cho những ai đã thất bại vì nạn đổi đời để họ chịu đựng nỗi cay đắng lắm truân chuyên, thầy tôi ca bài hát mang nhiều tính chất triết lý của cuộc sống. Đó là bài "Bông Hồng Cho Người Ngã Ngựa", nhạc của Lê Uyên Phương sáng tác, lời thơ Nguyễn Hoàng Đoan. Tôi nghe trong nỗi chua xót và đắng cay, tôi cảm thấy cay đắng vì lũ học trò xưa phản thầy, họ vong ơn với vị thầy cũ, hình như tôi đã cay mắt khi nhớ về vị thầy trong khung cảnh băng giá kia vẫn chập chờn trong ý nghĩ của tôi. Giọng ca của thầy tôi bây giờ lại chuyên chở cả một kiếp nhân sinh mà hai người thi sĩ và nhạc sĩ đã đưa vào bài hát này:

"... Không phải là bông hồng
Dành cho người hạnh phúc
Những người không biết khóc
Nhũng người không biết cười
Những người tim bằng đất

Không phải là bông hồng
Dành cho những búp bê
Những búp bê biết khóc
Những búp bê biết cười
Búp bê tim bằng nhựa

Đây là một bông hồng
Gửi về người ngã ngựa."

Sống tại Hoa Kỳ hằng năm người ta có ngày lễ Tạ Ơn (Thanksgiving), mục đích của nó như tên gọi chúng ta tạ ơn đối với những ai giúp đỡ, cưu mang cho cuộc sống này được khá hơn. Nó có thể bao gồm cho tình thầy trò. Bởi vì: "Không thầy đố mày làm nên". Người bạn láng giềng nhà tôi lúc trước, nay cư ngụ trong vùng Little Saigon, nam Cali thuật cho tôi nghe chuyện cũ tại Sài Gòn là một sinh viên sư phạm kể rằng những "buồn nhiều hơn vui" trong đời dạy học của mẹ mình:

"Tôi còn nhớ rất rõ lúc tôi ngồi trầm ngâm trước lá đơn xin thi vào trường đại học, cách đây ba năm. Mẹ tôi (một nhà giáo tóc đã bạc, gần ba mươi năm trong nghề) đứng cạnh tôi, nói nhỏ nhẹ: "Con ạ, dẫu sao nghề giáo vẫn là một nghề cao quí". Mẹ tôi nói hai chữ "cao quí" thật nhỏ và mắt mẹ rưng rưng. Tôi thấu hiểu ước muốn của mẹ tôi. Không cần đắn đo, tôi ghi vào lá đơn: Trường Đại Học Sư Phạm. Tất nhiên trong chọn lựa cũng có phần của tôi.
Sau ngày 75, nhà tôi dọn về ở trong một con hẻm sâu. Có đêm, gần chín giờ, một người đàn ông tóc muối tiêu dắt chiếc xe đạp vào hẻm và hỏi tìm nhà cô giáo Hạnh. Khi mẹ tôi mở cửa, người đàn ông cúi hẳn người xuống, rụt rè: "Thưa cô, cô còn nhớ em không, em là Huân đây mà...". Mẹ tôi ngờ ngợ, có lẽ không nhớ ra. Khi vào nhà nói chuyện, chú Huân kể lại: "Hồi em học đệ tứ (tức lớp 9 sau này), ngồi đầu bàn, thường tinh nghịch để chân ra ngoài. Cô đi lên đi xuống giảng bài say sưa, đụng phải chân em, cô vấp té, đầu va vào bàn... Cô nhớ không? Hồi đó, sợ quá em không nói được một lời xin lỗi với cô. Vậy mà em ân hận mãi. Hơn 25 năm rồi, cô ạ...". Ở ngoài Trung chú Huân chạy xe ôm, có dịp vào thành phố chú quyết tìm cho được người thầy cũ là mẹ tôi. Để thăm và nói một lời... và chỉ một lời để xin lỗi. Khi trao những chiếc bánh nổ của quê hương miền Trung cho mẹ tôi, chú Huân bùi ngùi nói: "Có chút quà của miền Trung... để cô nhớ đến tụi em". Đêm đó là một trong những đêm vui của mẹ tôi.
Có một lần mẹ tôi bị bệnh nằm ở bệnh viện Gia Định, một bác sĩ khoảng 40 tuổi cứ ở bên mẹ tôi. Khi mẹ xuất viện, mỗi đêm người bác sĩ ấy lại lội vào con hẻm đến nhà theo dõi sức khỏe cho mẹ tôi. Đó là một học trò cũ của mẹ. Anh ấy cứ nhắc đi nhắc lại: "Không có cô, đời em chưa biết ra sao...". Anh ấy kể: hồi học cấp III, gia đình quá khó khăn, đã nhiều lần anh quyết định nghỉ học, nhưng mẹ tôi đã đến, giúp đỡ, động viên và anh lại tiếp tục đi học... Thỉnh thoảng mẹ tôi nhận được những lá thư, những thiệp chúc tết, thiệp báo hỉ... từ phương xa gửi đến. Tất cả đều ghi những lời trân trọng, ân tình. Mẹ tôi dành riêng một ngăn tủ gìn giữ tất cả và thỉnh thoảng mẹ tôi lại giở ra xem, và tôi thấy bà mỉm cười hạnh phúc.

Nhưng đời dạy học của mẹ tôi cũng có quá nhiều những đắng cay, ngậm ngùi thậm chí đến tủi nhục. Có một lần đi dạy về, vừa bước vào cửa mẹ ôm mặt òa khóc. Tôi hỏi mãi, mẹ mới chịu kể: "Mẹ đang dạy trong lớp thì một người sang trọng đến hành lang, gật đầu ra hiệu muốn gặp mẹ. Mẹ bước ra, người ấy trao cho mẹ một xấp vải và chiếc phong bì, nói: "Xin cô cho cháu nó vào học lại". Mẹ từ tốn trả lời: "Trường hợp cháu đã quá nhiều lần vi phạm kỷ luật, ban giám hiệu đã quyết định cho nghỉ học. Có gì xin ông gặp ban giám hiệu". Người ấy cứ dúi quà vào tay: "Cô nhận đi, không sao đâu, miễn là lo được cho cháu". Mẹ nghiêm giọng: "Xin lỗi, tôi không lo được, ông cứ mang lên ban giám hiệu". Người ấy bỏ đi và thòng theo câu nói: "Rách mà làm phách!".  Mà đúng vậy, mẹ càng đeo đuổi nghề, càng ngày càng rách thật. Rách đến mức hồi tôi còn nhỏ, mẹ đã từng phải cắt chiếc áo dài cưới của mẹ để may cho tôi một chiếc áo mới, để tôi đến trường ngày khai giảng... Lần ấy mẹ tôi xót nhưng không đau. Lần này đau vì có người xúc phạm đến danh dự của bà.
Tôi băn khoăn tự hỏi sao ngành giáo chức của mẹ tôi thê lương và bẽ bàng đến thế. Sách vở thì lại cho là nghề giáo cao quí lắm mà. Tôi tự hỏi và rồi tự hỏi.

Một lần khác, một phụ huynh tổ chức đám cưới cho con ở một nhà hàng sang trọng đã mời mẹ tôi. Xung quanh những khách khứa hào nhoáng, mẹ tôi trao chiếc phong bì mừng đám. Vị phụ huynh ấy đẩy tay mẹ tôi từ chối và nói một câu tự nhiên: "Tiền bạc đâu mà cô mừng cho cháu. Mời cô cốt là để cô bồi dưỡng cho sức khoẻ". Mẹ tôi tái mặt, xấu hổ đến chín người và mẹ đã tìm cách ra về. Đến nhà, vào buồng, mẹ kéo chiếc chăn đắp lên ngực, mắt mở lớn nhìn lên trần nhà, và nước mắt cứ trào ra...

Tôi không nhớ hết được bao nhiêu lần mẹ tôi đã khóc như vậy. Cứ sau mỗi lần ấy, mẹ lại kéo chiếc hộc tủ có nhiều kỷ niệm đẹp của đời dạy học của mình ra và mẹ im lặng đọc từng lá thư, ngắm từng chiếc thiệp. Hình như lòng mẹ thanh thản trở lại. Nhưng cuộc sống cứ không để yên cho lòng mẹ thanh thản. Lại muôn vàn đắng cay, muôn vàn nhức nhối. Vậy mà mẹ vẫn muốn tôi trở thành cô giáo. Một năm nữa tôi sẽ ra trường, sẽ đứng lớp. "Dẫu sao mẹ nói rằng đó vẫn là một nghề có ích nhất cho đời. Người thầy luôn mở rộng tấm lòng bao la, quảng đại để chấp nhận những thử thách khó khăn nhất xảy ra cho đời mình, và với tấm lòng vị tha, người thầy luôn để lại những dấu ấn đẹp cho mỗi cuộc đời..."

Trong những ý tưởng bâng quơ, buồn vơi, tôi ngẫm nghĩ sống mà không biết yêu thương, ơn nghĩa thì "Sanh Bất Nhược Tử" (Sống mà như chết), chết mà còn để lại cho đời những tấm gương sáng thì "Tử Bất Nhược Sanh" (Chết mà như sống). Vậy thì người ta tri ân những nhà triệu phú hay tri ân những nhà giáo nghèo? Hỏi tức là đã trả lời, nhà triệu phú cũng sẽ được tri ân như vậy nếu như họ biết làm việc từ thiện mà không khoe khoang cho mọi người biết. Riêng tôi, cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì còn được nói hai tiếng "cám ơn" chứ không phải là "rất tiếc".

Đó là đôi dòng về người thầy cũ của tôi, về vị thầy giáo oan khiên bôn ba sau thời vận Shah hoàng, về cô giáo Violet Bible và về cô giáo Hạnh, mẹ của người bạn tôi. Nếu ở đời có những đứa trẻ tinh nghịch, lớn lên bằng ý tưởng hẹp hòi và cố chấp thì xã hội cũng có người học trò cũ tinh nghịch của cô giáo Hạnh lớn lên trong ý thức biết ơn và bao dung.

Tôi nhìn về hướng vị thầy cũ mang dáng trí thức với đôi kính cận như dạo nào, ông bước xuống sân khấu sau khi trình bày hai nhạc phẩm nhắc nhớ những kỷ niệm quê hương. Thông thường ai cũng có những vị ân sư để mình nhờ về dĩ vãng và để tạ ơn. Nhân đọc sách của nhà văn A.J. Cronin viết, tôi có ngẫu hứng viết bài này kính tặng các nhà giáo Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế, Nguyễn Văn Sâm và các anh chị trong văn đàn Tạ Xuân Thạc, Trần Anh Dũng, Trần Việt Hải, Tôn Thất Phú Sĩ, Vũ Đình Trường, Vũ Tiến Thăng, Hoàng Định Nam và Hoàng Huy Giang và còn nhiều... mà tôi không kể hết tên trong nhóm Đồng Tâm tại Houston.

Lời sau cùng tôi muốn cám ơn ba mẹ sinh thành dưỡng nuôi, cám ơn các cô thầy dạy dỗ bảo ban, cám ơn quê cha đất mẹ cho tôi những tình tự văn hóa Việt Nam và cũng như cám ơn phấn trắng bảng đen cho tôi những dòng cảm nghĩ trong bài viết này.

Dương Hà,
Houston


 [  Trở Về   ]