Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ]
Từ " chạy nhảy tung tăng "...
đến " chạy nhảy tứ tung "
Nguyễn Dư
Chạy và nhảy... Biết rồi ! Khổ lắm ! Nói mãi !Dạ ! Chỉ xin được trình bày vài kiểu chạy và nhảy đặc biệt thôi ạ.
Trẻ con Việt Nam ngày nay, từ thành thị đến thôn quê, đứa nào chả biết trò chơi lò cò. Vừa giản dị, vừa dễ chơi. Chỉ có tên gọi, hơi khó hiểu, mới đáng được mang ra bàn.
Tên lò cò có gì mà khó hiểu ?
Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, 1988) định nghĩa Lò cò là " Co một chân lên và nhảy bằng chân còn lại từng quãng ngắn một. Thí dụ : Đau một chân phải nhảy lò cò. Vịn thành giường lò cò tập đi ".
Theo Từ điển tiếng Việt thì lò cò là một động từ, thể hiện một cách nhảy.Nếu vậy thì chưa chắc cả hai thí dụ đã đúng với định nghĩa.
Người lớn bị đau chân, phải co chân đau lên, nhảy bằng chân còn lại từng quãng ngắn một, là điều vừa đúng vừa thường thấy.
Một đứa bé vịn thành giường tập đi mà lại co một chân lên và nhảy bằng chân còn lại thì quả là chuyện hiếm có và khó làm.
Có ai nói là một đứa bé đâu ? Người lớn bị đau chân thì sao? Người lớn bị đau chân thì chả cần phải vịn thành giường, chỉ việc nhảy lò cò (như thí dụ thứ nhất) là xong !
Phan Kế Bính (Việt Nam phong tục, Tổng Hợp Đồng Tháp, 1990, tr. 8) cho biết xưa kia (khoảng 1915) " con nhà nàoba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng biết lò cò chạy chơi, là hợp vào ca thì dễ nuôi mà mai sau làm nên người ".
Chả lẽ một đứa bé mới được chín tháng đang tập đi mà đã có thể vừa co một chân vừa nhảy được rồi ?
Rõ ràng là nhận xét của Phan Kế Bính cũng như thí dụ thứ nhì kể trên, đều không đúng với định nghĩa của Từ Điển Việt Nam.Phan Kế Bính viết sai hay Từ Điển Việt Nam thiếu sót ?
Bắt buộc phải lùi lại thời Phan Kế Bính hay xa hơn nữa để tìm hiểu.
Tự điển xưa định nghĩa:
- Cò rò, lò cò : Bộ chậm lụt, dở dang (Huỳnh Tịnh Của, 1895). Lò cò là tính từ.
- Cò rò : marcher avec lenteur, nonchalance (đi chậm chạp, uể oải).
- Đi lò cò : Chanceler en marchant (đi lảo đảo). Tituber (đi chập chững, lắc lư).
- Nhắc cò cò : aller à cloche-pied (đi bằng một chân) , clopin-clopant (đi khập khiễng).
- Lò cò (tính từ) : idiot, sot (ngu xuẩn) (Génibrel, 1898) .
- Cò, cò rò, lò cò : marcher pas à pas (đi từng bước một, đi chậm chạp). Đi cò rò từng bước (Gustave Hue, 1937).
Mấy định nghĩa trên cho thấy rằng Lò cò vừa là tính từ vừa là động từ.
Cuối thế kỉ 19, tính từ lò cò có nghĩa là chậm chạp, dở dang, ngu xuẩn. Động từ đi lò cò, nhắc cò cò là đi bằng một chân, đi khập khiễng (Huỳnh Tịnh Của, Génibrel).
Phan Kế Bính hiểu nghĩa tính từ lò cò giống Huỳnh Tịnh Của và Génibrel. Đứa bé chín tháng còn tập đi, tức là còn đi chậm chạp, vụng về.
" Vịn thành giường lò cò tập đi " nên được hiểu là tập đi một cách chậm chạp, vụng về. Ngày nay thường nói trẻ con " ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi ".
Định nghĩa của Từ điển tiếng Việt chỉ đúng cho động từ chạy lò cò hay nhảy lò cò, nhưng không đúng cho tính từ lò cò(tập đi).
Tên lò cò từ đâu đến ?
Tự điển Huỳnh Tịnh Của có một số từ nghe lạ tai, có vẻ như là không phải tiếng Việt.
Cờ lờ, cờ rờ : bộ chậm chạp, bộ ngu ngơ.
Cờ lơ: bộ bơ vơ. Đi cờ lơ thất thơ(ngày nay nói đi cà lơ thất thểu).
Cờ lờ, cờ rờ, cờ lơ,cò rò, lò cò đều có nghĩa là chậm chạp, dở dang, ngu ngơ, bơ vơ.
Từ điển Larousse của Pháp định nghĩa :
- Cloche (tính từ) : maladresse (vụng về), stupide (ngu xuẩn, ngu ngơ), incapable (không có khả năng), ridicule (lố bịch).
- Clocher (động từ) : présenter un défaut (có khuyết tật), aller de travers (đi lảo đảo, đi quàng xiên).
Định nghĩa của Huỳnh Tịnh Của tương đương hoặc trùng hợp với Larousse. Điều này cho thấy rằng Cờ lờ, cờ rờ, cờ lơ, cò rò có thể đã được Huỳnh Tịnh Của dùng để diễn tả âm " clo " của cloche hay clopin-clopant.
Từ đơn Cò (Gustave Hue) cũng là âm rút gọn của " clo ". Lò cò, cò cò là từ láy. Chữ lò của lò cò, cũng như chữ lò của các từ lò dò, lò mò, chỉ là láy âm.Nói tóm lại, lò cò ( tính từ) nghĩa là chậm chạp, dở dang, ngu xuẩn. Động từ lò cò nghĩa là đi bằng một chân, đi khập khiễng. Các tác giả xưa thường nói rõ là đi, chạy hay nhắc lò cò.
Ngày nay, tính từ lò cò bị bỏ quên, chỉ còn lại động từ lò cò. Vì thế mà đôi khi xảy ra nhầm lẫn ngữ nghĩa.
Trẻ con chín tháng lò cò tập đi là đúng. Lớn lên độ năm, sáu tuổi mới bắt đầu chơi chạy lò còhay nhảy lò cò.
Tìm hiểu nguồn gốc từ lò cò còn dẫn đến kết luận là trò chơi chạy lò cò là của người Pháp, được đưa vào miền Nam nước ta từ cuối thế kỉ 19.Về sau, trẻ con bắt chước trò chơi marelle của Pháp, vẽ ô trên sân chơi nhảy lò cò.
Người lớn không chơi chạy lò cò.Bị bắt chạy thì có. Chạy thục mạng, chạy long tóc gáy, chạy bở hơi tai, chạy ba chân bốn cẳng. Chạy vì miếng cơm manh áo.
Đó là những người lính chạy trạm (hay chạy ống) ngày xưa.
Trước khi bị người Pháp bảo hộ, công việc thông tin, liên lạc ở nước ta (ngày nay gọi là ngành bưu điện) được tổ chức qua hệ thống trạm. Người lính trạm mang văn thư chạy từ trạm này đến trạm kia. Mỗi địa phương phải tổ chức người, bảo quản công cụ, để đảm bảo việc vận chuyển giấy tờ, đồ vật trên một đoạn đường.
Các nhà trạm được dựng cách nhau độ 15-20 cây số, trên khắp các trục giao thông lớn. Lính trạm do các địa phương tuyển trong số những người chạy giỏi. Thư từ, công văn, đồ vật của nhà nước được lính trạm chuyển liên tục ngày đêm. Các giấy tờ khẩn cấp được chuyển bằng ngựa. Miền biển thì dùng thuyền. Mỗi lần chạy, người lính trạm thường đeo sau lưng vài chiếc ống đựng văn thư. Ống được dán giấy, niêm phong để đảm bảo bí mật của các giấy tờ.
Lúc chạy trạm, người lính được đeo một chiếc nhạc đồng, hoặc cầm một lá cờ nhỏ để làm hiệu. Nghe tiếng nhạc hay thấy lá cờ mọi người phải tránh để lính trạm chạy.
Chuyển đệ công văn bằng ngựa thì tuỳ theo mức độ tối khẩn hay thứ khẩn, được cầm cờ khác nhau. Nếu là tin tức quân sự, người lính trạm quấn thêm lông cánh gà lên chiếc ngù đỏ của chóp cờ để làm hiệu.
Trên đường chạy trạm, mỗi người lính trạm lại có thể mang thêm một giáo dài hoặc một đao ngắn để bảo vệ văn thư. Ngựa trạm có dẵm chết người không kịp tránh, lính trạm cũng không bị tù tội.
Ngược lại, pháp luật trừng trị rất nặng những ai cố tình làm cản trở công việc chạy trạm. Đụng đến tính mạng người lính trạm trong lúc thi hành nghĩa vụ có thể bị tội tới mức tử hình.
(theo Le service des postes dans l'ancien Empire d'Annam, Bulletin des Amis du Vieux Hué, tháng 1-3/1944, tr. 5-7. Nguyễn Đoàn, Nhà cửa, đường sá và các dụng cụ dùng cho việc thông tin liên lạc của thời Minh Mạng, Nghiên cứu lịch sử, tháng 6, 1968, tr. 61-63).
Công việc vất vả của người lính trạm đã để lại mấy thành ngữ :
- Chạy có cờ : chạy như người lính trạm cầm cờ hiệu chạy.
Nghĩa ngày nay là chạy nhanh, chạy gấp.
- Chạy hiệu : nghĩa giống như chạy có cờ.
Nghĩa ngày nay là người lính cầm cờ trên sân khấu tuồng cổ.
- Chạy như cờ lông công : chạy như người lính trạm cầm cờ quấn lông gà, chuyển đệ tin tức quân sự khẩn cấp. (Lông công là từ láy).
Nghĩa ngày nay là chạy tất tả ngược xuôi.
Chạy và nhảy thường đi đôi với nhau. Đã nói đến chạy thì xin nói luôn đến nhảy.Đấy là mấy món nhảy của phong trào thể dục, thể thao được tung ra vào những năm 1930. Trước đó, chỉ có trẻ con mới rủ nhau chơi nhảy. " Nhảy, nhảy, nhảy chúng ta cùng nhảy
Nhảy lấy dài nhảy lấy thật cao
Nhảy dây, nhảy hố, nhảy sào
Nhảy đi chớ để lúc nào ngơi chân... "Có một trò được phổ biến khắp nơi.
Tranh Oger (1909) gọi là trò chơi nhảy vô ra.
Phan Kế Bính (Việt Nam phong tục, 1915, sđd, tr. 50) cho biết thêm là trẻ con hay chơi nhảy vô vào dịp Tết Trung thu.
Ngô Quý Sơn (1944) (Jeux d'enfants du Vietnam, Sudestasie, Paris, 1985, tr. 21) nói rõ nhảy vô là trò chơi của con trai, chơi tại nhiều nơi ở miền Bắc.
Nhưng, chỉ cần nghe tên trò chơi thôi, ai cũng có thể nghĩ rằng đây là một trò chơi của trẻ con miền Nam nước ta.
Gốc gác trò chơi này ở đâu ?
Huỳnh Tịnh Của mô tả trò chơi nhảy cháng cháng là " cuộc con nít chơi, ngồi xây quanh, giăng tay làm một vòng cho đứa khác nhảy vào, nhảy ra ".
Ở một chỗ khác, Huỳnh Tịnh Của lại đưa ra thêm trò chơi nhảy chan chán là " nhảy vòng; cuộc con nít chơi, giăng tay, ngồi xây quanh, làm ra một vòng, đố đứa khác nhảy vào nhảy ra trong vòng ấy cho khỏi đụng chạm".
Xem vậy thì nhảy chan chán haynhảy cháng cháng thật ra chỉ là cùng một trò chơi của trẻ con. Tên gọi hơi khác nhau chỉ vì cách phát âm thôi.
Génibrel gọi là nhảy chang cháng hoặc nhảy chang cháng bông.
Trò chơi được tranh Oger và Ngô Quý Sơn diễn tả đều giống trò chơi này.
Vào khoảng 1902, trẻ con ở Nguồn Sơn chơi Nhảy năm tiền một quan(Le jeu du saut à cinq sous et à une ligature).
Luật chơi quy định mỗi lần nhảy vào mà không đụng chạm thì được năm tiền. Nhảy ra cũng không chạm thì được thêm năm tiền. Ngược lại, nhảy ra không được thì mất năm tiền thắng lúc nhảy vào. Cả vào và ra cùng trót lọt mới được một quan. Đứa nào hay phe nào được hai quan là thắng. Mấy đứa thua phải cõng đứa thắng chạy một vòng.
(Léopold Cadière, Croyances et pratiques religieuses des Vietnamiens, tập 2, EFEO, Paris, 1992, tr. 278).
Trò chơi Nhảy năm tiền một quan cũng giống trò nhảy chang cháng.
Có thể nói rằng nhảy chan chán, hay nhảy chang cháng, là một trò chơi của trẻ con miền Nam (1895), dần dần được phổ biến ra miền Trung thành Nhảy năm tiền một quan (1902), ra tới miền Bắc được gọi là nhảy vô ra (1909) , và cuối cùng là nhảy vô (1915).
Tên gọi chan chán, hay chang cháng từ đâu đến ?
Chan chán, chang cháng là từ láy. Chữ chan, chữ chang có thể được đến từ chữ tranh (bộ tẩu) nghĩa là nhảy choi choi (Thiều Chửu).
Người Pháp đưa nhiều trò nhảy vào nước ta. Nhảy chơi, nhảy thật, nhảy chết người.Trò chơi cho trẻ con thì có nhảy bị (saut à sac, người chơi đứng vào trong một cái bị, tay cầm túm miệng bị, rồi nhảy tới đích), nhảy cừu (saute-mouton, nhảy qua lưng người cúi khom làm cừu)...
Cho người lớn thì có Nhảy đầm, nhảy dù.
Nhảy đầm lúc đầu là ông tây ôm bà đầm (dame) nhảy theo điệu nhạc. Du dương, hấp dẫn, gợi cảm...Đừng nói nữa, tao thèm ! (xin lỗi, nhầm với lời nói của Diêm Vương thèm...cờ tây).
Nhảy đầm quay cuồng như cơn lốc, lôi cuốn được khá nhiều người Việt trong giới trưởng giả thành thị. Họ rủ nhau đi khiêu vũ, đi đăng-xê (danser).
Kẹt một cái là nhảy đầm phải có đầm để ôm. Không có đầm thật thì ôm đầm lô-can (local) cũng được.
Lải nhải mãi, ngứa phát điên lên rồi đây này !
Đứng trước nạn trai thừa gái thiếu của các vũ trường, đăng-xinh (dancing), một lớp người mới phải nhảy ra gánh vác trách nhiệm. Đó là các cô gái nhảy, các em ca-ve (cavalière).
Nhất cử lưỡng tiện. Nhảy đầm vừa là giải trí, giải thoát của một số các ông, vừa nuôi sống một số các cô. Hợp tác đôi bên cùng có lợi ! Chỉ thiệt cho mấy bà có chồng ham mê nhảy đầm. Nhảy với bất cứ ai, trừ vợ !
Nhảy đầm gây ra nhiều tranh luận. Ông khen nghệ thuật...đầy tính con người, bà chê đú đởn...đầy tính dửng mỡ !
Dầu sao thì nhảy đầm cũng chưa đáng ngại bằng nhảy dù .
Dù là âm nôm của chữ hán du (miếng vải che mưa nắng).
Tuy cùng là một miếng vải nhưng cái dù duyên dáng, dễ thương của các cô, các bà lại khác hẳn cái dù oai hùng của các ông lính tráng.
Dù nhà binh là một miếng vải rất to, dùng để cản bớt đà rơi của người lính lúc nhảy từ máy bay xuống mặt đất.
Nhảy dù lợi hại ở chỗ bất ngờ, từ trên trời rơi xuống, tránh được các chướng ngại giao thông. Thời chiến, những " bông hoa nở giữa trời " được nhiều người ngưỡng mộ.
Ủa ! Hết chiến tranh từ lâu rồi mà sao hầu như ngày nào cũng nghe nói nhảy dù tưng bừng lá sen vậy kìa ? Ngây thơ thế! Nhảy xuống chiếu xôi thịt, bàn mánh mung, mà không có dù cho mà vỡ mặt, gẫy xương à ? Thời bình lắm khi còn dễ chết người hơn thời chiến đấy !
Nhảy dù thời bình nguy hiểm như vậy mà còn bị đám dân đen dè bỉu, chửi rủa. Ông có đụng đến mả nhà mày đâu mà mày chửi ông ! Cứ chửi đi, rồi có ngày ông cho biết tay!
Ngày nay, chạy và nhảy là hai môn thể thao được giảng dạy, tập luyện khắp nơi. Tuy vậy, tên tuổi các lực sĩ được năm châu bốn biển biết đến thì dường như nước ta chưa có.
Tại sao bỏ ra bao nhiêu công sức mà kết quả lại như vậy ?
Chả hiểu tại sao. Người thì đưa ra lí do vì khí hậu Việt Nam khắc nghiệt, không tốt cho thể thao, người khác lại cho rằng vì còn " chạy ăn từng bữa toát mồ hôi ", sức đâu mà tập với luyện.
Nói thế mà nghe được à ? Bài học " nước ta rừng vàng biển bạc, được thiên nhiên ưu đãi " cất đâu rồi ?
Bình tĩnh mà xét thì lực sĩ nước ta chạy, nhảy còn kém có lẽ chỉ vì các nhà dìu dắt, các huấn luyện viên chưa tìm ra được phương pháp thích nghi. Một vài chuyên gia tư vấn phê bình lực sĩ nước ta thiếu cảnh giác. Ra trước đám đông, toàn người lạ mặt ngồi xem, hay bị khớp !
Hy vọng một ngày nào đó chương trình thế vận hội (jeux olympiques) sẽ cho thi đấu hai môn thể thao đặc sản của Việt Nam là chạy làng và nhảy bàn độc.
Có nhiều khả năng ta sẽ gặt hái thắng lợi.
Trong khi chờ đợi...Số phận con người Việt Nam cứ bị chạy và nhảy quấn quýt như mớ bòng bong.
Đang còn lò cò tập đi mà cha mẹ đã sốt ruột chờ mong con sớm chạy nhảy tung tăng cho vui cửa vui nhà.
Thế rồi, quay đi quay lại... Con gái đến tuổi hay soi gương, tựa cửa nhìn trời xa xa. Con trai đến tuổi chạy nhảy lăng xăng. Nhiều đứa quá trớn chạy nhảy lăng nhăng. Trong nhà, ngoài xóm bắt đầu bối rối, lo phiền.
Một ngày kia tuổi thanh xuân nổi hứng, kháo nhau chạy nhảy đó đâycho phỉ chí. Cứ rụt rè thụ động, chỉ biết chạy kiểu " tẩu vi thượng sách " như cha ông thì bao giờ mới mở mặt !
Tuổi trẻ năng động, tháo vát. Đứa thì khoái chạy tắt, đứa thì thích nhảy rào. " Con hơn cha " chưa chắc đã là " nhà có phúc ".
Bỗng một hôm, chợt cảm thấy mình mẩy ê ẩm. Ờ nhỉ ! Mình hết chạy, hết nhảy từ bao giờ mà không hay.
Trời chiều chạng vạng.
Lẩn thẩn ngồi tính sổ cuộc đời.
Thế là sắp kết thúc một tấn tuồng !
Ngoài kia thiên hạ thi nhau chạy nhảy tứ tung, loạn xà ngầu.
Nguyễn Dư
(Lyon, 2/2004)
[ Trở Về ]