Những
người bạn ở phố Hoài vẫn thường hẹn tôi về chơi vào
dịp rằm. Khi vầng nguyệt bạch sáng liền trên trời cao,
phố tắt hết đèn đường, chỉ có những ngọn đèn lồng
treo bên mái hiên mờ ảo một niềm xưa dịu dàng. Và chợt
nhận ra mùi hương trầm ở Hội An dường như thơm hơn bất
cứ nơi nào. Mùi hương trầm ấy đã hàng bao thế kỷ ngấm
vào từng viên gạch lề đường, từng thớ gỗ dáng nhà,
thấm vào trong thẳm sâu lòng phố và lặng lẽ tỏa thơm cho
phố cổ ra chiều xa xưa, không đo được bằng thời gian ngày
tháng, phải đo bằng mịt mùng hút tắp hồn phố, hút tắp
hồn người...
Tôi đã ghé qua khá nhiều phố
cổ ở đất nước mình. Hình như là kẻ yếu bóng vía khi
nhìn những cao ốc đồ sộ nên cảm thấy an lòng khi bước
trong những ngõ hẹp và nhà thấp. Phố cổ Hà Nội quá thâm
trầm, thấy ngưỡng vọng nhiều hơn là yêu mến. Phố cổ
ở Huế trang nghiêm và quí phái, thấy đẹp đài các kiêu
sa hơn là gụi gần thân mật. Những phố cổ tỉnh lẻ dọc
đường phiêu bạt lại nhuốm màu tiêu sơ, kiêu bạc. Còn
về phố Hoài cứ cảm giác như gặp lại một người bạn
cũ từ lâu trông đợi, phố như choàng vai khách trò chuyện,khách
như bá vai phố mà hàn huyên thân thiết. Phố không quá thâm
trầm, lại không quá thâm nghiêm, gặp lại một không gian
cổ và cũ, như một ngày bạc tóc trần gian, trải bao dặm
đường dâu bể bỗng được nhảy lên chiếc xe thổ mộ với
nhịp gõ bình yên của vó ngựa, với tiếng lăn khô ấm của
vòng bánh gỗ quay về cố quận. Như trong mỗi tâm hồn người
có một góc nhỏ cho ta sống cùng nhớ nhung, kỷ niệm.Phố
Hoài - Hội An là cõi nhớ giữa cõi người ta, như cái góc
nhỏ dịu dàng của hồn người vậy. Đâu phải ngẫu nhiên
mà những người yêu Hội An bằng cả tấm lòng đều thích
gọi nơi đây là phố Hoài - phố nhớ. Cả Hội An là một
nỗi nhớ, thẫm đặc giữa cội lòng như một vết khắc thiên
thu lên bao nhiêu số phận đời người đã lặng lẽ đi qua
dưới u trầm phố cổ, đi qua bao mưa nắng trần ai, đi qua
vạn mùa rêu xanh trên âm thầm gạch ngói. Hội An như một
cõi đi về không riêng cho ai mà ai cũng thấy như của riêng
mình. Thật lạ lùng !
2.
Yêu ở đâu thì yêu - Về Hội An xin chớ - Hôn một lần
ở đó - Một đời vang thuỷ triều...Mấy câu thơ của
Chế Lan Viên trong Một bài thơ tình Hội An hay vang lên
trong trí khi tôi về Hội An. Mỗi lần nhìn những con phố
cổ nơi đây, tôi vẫn nghĩ dường như nó sinh ra chỉ để
cho những đôi tình nhân thả bước hẹn hò. Mấy thế kỷ
đi qua, dòng đời cuộn bao cơn sóng phế hưng, nhưng làm sao
không cảm động khi nhìn thấy những nếp nhà dường như
vẫn thế, cất giữ cho con người những ký ức, những kỷ
niệm. Một không gian như ngưng đọng, thời gian không đến,
không đi. Lắm khi bước trên quãng phố cũ
xưa ấy cứ viễn vông rằng sau lối ngõ khuất kia hay dưới
một mái hiên rêu xanh nào đó của Hội An, mình sẽ gặp lại
một bóng hình thật quen thuộc. Hội An là thế đấy, thường
thức gọi, rủ rê, dẫn dụ con người ta đi lạc về những
miền ký ức miên man và mê đắm. Không biết bao nhiêu mối
tình đã được phố cổ Hội An làm chứng
nhân, có ai đó đã trở lại đây để tìm lại ước thề
vàng đá ? Phố vẫn nguyên xưa mà người cũ không còn ở
đó để rồi như chàng Thôi Hộ bên Tàu đời nhà Đường
đã tương tư : trước sân nào thấy bóng người. Hoa
đào năm trước còn cười gió đông...(Nhân diện bất tri
hà xứ khứ. Đào hoa y cựu tiểu đông phong...). Bỗng nhiên
tôi nhớ Tần, không phải yêu đương, hò hẹn gì nhau. Tần
cũng có một căn nhà nhỏ trên đường ra cửa Đại loáng
thoáng tre trúc và hương cau. Những bức tường
của gian nhà cổ nơi Tần ở cũng như bao nhiêu bức tường,
mái phố của Hội An luôn in dấu rêu xanh như một âm vọng
của thời gian mỗi mùa, mỗi thuở. Những ngày mưa buông mịt
mùng mái phố, Tần vẫn nhắn tôi về nhìn rêu lên xanh. Xanh
đến não nùng và óng ả. Hoài vọng gì chăng, rêu ơi ? Nơi
đó có những ngày với bạn bè phố Hội và những kẻ mê
đắm phố Hội như Phùng Tấn Đông, như Ngọc Tuấn, như Phạm
Xuân Hùng, Hoa Ngõ Hạnh...Một chiếc thuyền trôitrên mịt
mùng sông Hoài, dưới trăng suông và mờ ảo lập loè ánh
lửa thuyền chài phía Cẩm Kim, Câm Nam...Mỗi người yêu Hội
An theo một kiểu của riêng mình, nhưng chính Hội An gụi gần
đã làm nên cái tình người gần gũi chỉ về đây mới cảm
hết, thấm thía hết. Đôi khi vu vơ rằng sao mình không có
một mối tình gửi lại cùng Hoài phố để ký ức xuôi ngược
đi về. Đôi khi thấy may là đã không có mối tình nào ở
đó. Phố xá thân quen thế, thân thuộc thế, trái tim mỏng
manh biết có chịu nổi như chàng Thôi Hộ ngày xưa ?
3.
Phố của nhớ.
Phố của yêu. Phố Hoài còn là
phố của tình người
mãi nguyên đán với thời gian.
Một người đàn bà gánh nước thuê, khi mất đi cả thị
xã nhà nào cũng có người đi đưa tiễn ; hai bà lão bán lục
tàu xá tảo tần ở tuổi quá "
cổ lai hi ", đêm đêm
gõ guốc trên lòng phố, có người dân phố Hội chỉ nằm
nghe tiếng guốc, tiếng rao đã khàn đục mà biết sức khỏe
thế nào, chạnh thương buổi chiều tà bóng xế của người
mẹ già còn nặng gánh đời cơm áo nuôi cháu chắt.Nhiều
người đến Hội An đều chung một nhận xét : người Hội
An khoan hoà, lặng lẽ và nhân ái. Nếp cũ gia phong dưới những
mái nhà cổ kính, vây bọc bởi những hoành phi câu đối,
tràng kỷ sập gụ...hay chỉ mọn nghèo với liếp gỗ, cội
mai già góc sân, dù vật đổi sao dời đến đâu thì Hội
An chỉ mở cửa đón và giữ cái đẹp, cái hài hòa, nhân
ái ở lại với mình. Nghĩa là không thể không nghĩ đến
tương lai, nhưng hình như người Hội An vẫn cho ta cái cảm
giác ngược chiều thời gian. Và vì thế nhiều người gọi
Hội An là " di tích sống ". Vâng, chính những cư dân Hội
An hiện đại đang sống giữa một di tích cổ kính, luôn mang
tấm lòng nghiêng trĩu về quá khứ để cho ta gặp một Hội
An không nơi nào có được.
Dĩ nhiên tôi biết rằng Hội
An không chỉ là phố nhớ, phố yêu, Hội An còn là phố tranh
phường họa làm mềm lòng nhiều họa sĩ tài ba như Lưu Công
Nhân : Hội An còn có một nền văn hóa ẩm thực đặc sắc,
có những làng nghề độc đáo...Bao người đã đến, đã
yêu, đã ca ngợi. Đôi khi chỉ biết lặng im vì những gì
muốn nói người ta đã nói. Nhưng cái chữ yêu ở trên cõi
đời này cả triệu triệu người vẫn nói, lặp lại một
chữ ấy thôi mà đâu có gì là mòn cũ ? Bởi mỗi người
có một cách yêu. Và nếu tôi " phải lòng " Hội An thì việc
gì không nói, dù đấy là những điều rất cũ.
12-1998
|