Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ]
- Thích Chơn Thiện - |
Tôn
Ngộ Không là biểu tượng cho Chánh kiến và Chánh tư duy (Thánh
tuệ uẩn) của mỗi hành giả, là trí tuệ vô ngã thấy rõ
mọi hiện hữu là vô ngã, vô thường và dẫn đến tan rã,
khổ đau. Trí tuệ ấy khác với trí tuệ sinh diệt. Nó là
vô sinh nên tác giả Ngô Thừa Ân giới thiệu Mỹ hầu vương
được sinh ra từ trứng đá, kết tinh của tú khí trời đất.
Trí tuệ ấy tự biết tìm đường đi ra khỏi sinh tử như
Mỹ hầu vương biết tìm đường đến với đại đệ tử
của Đức Phật (Tôn giả Tu Bồ Đề) để học đạo bất
sinh bất diệt.
Tôn giả Tu Bồ Đề là vị đệ nhất ly dục, ly ái (còn có nghĩa là đệ nhất rời chấp thủ hết thảy các ngã tướng) trong hàng đệ tử của Đức Phật - theo kinh Kim Cang Bát Nhã. Đạo mà Mỹ hầu vương được truyền dạy là thấy rõ vô ngã tướng (hay không tướng) của vạn hữu và tự tâm rời xa mọi tham ái. Nắm được sở đắc ấy thì liền tự tại, ở ngoài mọi khổ đau. Sự kiện tự tại này đã được Ngô Thừa Ân biểu hiện qua 72 phép thần thông biến hóa của pháp môn Địa sát. Trí tuệ này là cao nhất để đi đến trí tuệ giải thoát sau cùng, không còn trí tuệ nào khác cao hơn, nên được gọi là Vô sư trí. Vì thế, Tôn giả Tu Bồ Đề cấm Tôn Ngộ Không tiết lộ danh tánh của Thầy dạy bảo cho Tôn Ngộ Không. Đạt được trí tuệ xa lìa khổ đau ấy, Mỹ hầu vương nhận được pháp danh là Tôn Ngộ Không. Chữ Tôn, theo lời cắt nghĩa của Tôn giả Tu Bồ Đề, nếu xóa bộ khuyển bên cạnh thì thành chữ Tử (con) và chữ Hệ (trẻ con). Như thế trí tuệ của Tôn Ngộ Không đang ở thời kỳ của mầm nhân giải thoát sau cùng, mà chưa là trí tuệ giải thoát sau cùng, trí tuệ này cần được tu tập thêm Giới và Định. Trí tuệ, tự thân nó là động, tháo động, vì thế Tôn Ngộ Không mang thân tướng giống khỉ. Cái động của trí tuệ cần được thuần hóa và nuôi dưỡng bằng định tâm và sự thực hành giới hạnh. Định tâm sẽ rửa sạch cái động của ý, giới đức sẽ rửa sạch cái động của thân, khẩu. Chưa đủ, có những thời điểm manh động của trí cần phải nhờ đến đại định để chế ngự như là Tôn Ngộ Không cần phải đội trên đầu chiếc vòng "Khẩn cô nhi" (còn gọi là vòng "kim cô", hay vòng "định tâm") và cần được chế ngự bởi "định tâm chú" (hay chú Khẩn cô nhi) của Bồ tát Quán Thế Âm. Khi mà trí tuệ ấy chưa được Giới, Định chế ngự và nuôi dưỡng thì nó sẽ bị Năm uẩn (hay vũ trụ, cuộc đời) khống chế với vô lượng phiền não. Đây là hình ảnh Ngũ Hành Sơn chụp lên mình năm trăm năm mà không trở được. Đó là cái họa đại náo Thiên cung của Tề Thiên Đại Thánh, do vì Đại Thánh thấy rõ cái hư, cái rởm của trời và dưới thế, không chịu được mà đại náo, đập phá, đạp đổ. Sau khi thấy rõ hậu quả của tâm tháo động, Tôn Ngộ Không sẵn sàng hướng về bi tâm, giải thoát tâm như đã sẵn sàng chờ Đường Tăng, để theo phò tá, ròng rã suốt 500 năm. Nếu bi tâm khởi, tâm giải thoát (đại định khởi) khởi thì Tôn Ngộ Không thoát ly được sự trói chặt của Năm uẩn như sau khi phá đổ Ngũ Hành Sơn và lên đường Tây du. Đường giải thoát chưa dừng lại ở đây. Ngộ Không (hay trí tuệ) cần tiếp tục vào đại định và lòng đại bi cần phải tu tập nhiều lần nữa. Nghĩa là Ngộ Không phải tinh tấn lên đường thực hành giải thoát. Bấy giờ Ngộ Không có thêm một pháp hiệu nữa là Hành Giả. Trí tuệ của Tôn Hành Giả (nặng phần tự độ) cần phải được tu tập cùng với bi tâm độ sinh (phần độ tha của Đường Tăng) thì mới thiện xảo, mới tiến gần giải thoát tối hậu . Cũng thế, bi tâm cần được trí tuệ vô ngã dẫn đường, nếu không thì dễ lạc đạo. Tác giả Ngô Thừa Ân diễn đạt điểm giáo lý này qua sự xây dựng hai nhân vật Đường Tăng và Tôn Hành Giả. Khi nào mà Đường Tăng không nghe Tôn Hành Giả thì phái đoàn Tây du mắc nạn lớn. Khi nào mà vắng bóng Ngộ Không thì ma quái hiện ra hành hung, phái đoàn Tây du trở nên buồn bã ảm đạm như một phái đoàn đưa đám tang (như cảnh quỷ Hoàng Bào hãm hại Đường Tăng sau khi Ngộ Không bị đuổi về núi Hoa Quả). Người tu giải thoát rời xa trí tuệ một bước thì bị họa liền một bước. Cần phải thường xuyên giữ chánh niệm hay "như lý tác ý" để tránh các nạn như nạn ở am Mộc Tiên (hồi thứ 64): Đường Tăng mắc vào cảnh mê thơ, rượu và tình. Bấy giờ, Tôn Hành Giải xuất hiện kịp thời và ma cảnh liền tan biến, Đường Tăng ra khỏi sự đắm trước nội thọ và ngoại thọ . (Trích Bàn
về Tây du ký của Ngô Thừa Ân)
|
[ Trở Về ] |