Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]

 
Phóng sự : Tết Hà Nội - Tết Sài Gòn
Trẩy hội 36 phố phường
Thứ Ba, 20/01/2004
TTO - Đường phố Hà Nội vào những ngày giáp Tết đông đúc hơn bao giờ hết. Mặc cho cái rét mùa đông bây giờ mới thực sự thổi về, nhiệt độ trung bình chỉ nhỉnh hơn 10 độ C, người dân vẫn nườm nượp ra đường đi sắm Tết.

Đông đúc nhất vẫn là các trung tâm thương mại sầm uất của Hà Nội như khu phố cổ, hệ thống siêu thị Fivimart, Intimex, chợ Hôm, chợ Đồng Xuân...

Khách du lịch nước ngoài cũng tỏ ra rất háo hức với không khí nhộn nhịp của Hà Nội trong những ngày này. Đa phần khách du lịch đi bộ trong những con phố nhỏ, ngồi trên xích lô lượn quanh bờ Hồ hoặc ghé vào nhà hàng Thuỷ Tạ ngồi sát mặt hồ để hứng gió đông. Những hàng giữ xe xung quanh hồ được dịp bắt chẹt những vị khách thiếu kinh nghiệm, tiền dịch vụ trông xe cho loại xe trên 100 phân khối lên tới 10.000đ.

Khu vực chợ hoa hàng Lược trong những ngày này không đông đúc như mọi năm do màu đỏ của hoa đào Nhật Tân không còn tươi như những năm trước vì thiếu tay người chăm sóc (năm sau đào Nhật Tân sẽ không còn, thay vào đó, khu vực trồng hoa sẽ biến thành các khu nhà cao tầng). Chính vì thế, những cây quất được ưu ái hơn với giá mua trung bình một cây cỡ vừa (cao chừng 1,2m  cả chậu) vào khoảng 100.000 - 150.000 tùy nguồn gốc quất được trồng ở Tứ Liên hay Hưng Yên.

Tại khu chợ hoa Yên Phụ, những cành đào núi được chở về từ  Hoà Bình được chào bán với giá khá cao mà vẫn đông người mua: 200.000đ - 300.000đ cho một cành đào cao cỡ 2,5m.

Bên cạnh các loại thực phẩm bán chạy vào dịp tết là bánh kẹo, rượu bia còn có bưởi vùng Canh Diễn, loại đặc sản Hà Nội chỉ có vào dịp đầu năm mới. Loại quả này tăng giá hơn năm ngoái do thời tiết không thuận lợi, cụ thể: 15000đ/quả (giá siêu thị), 16000đ/quả (giá quầy), có nơi hét giá đến 18.000đ/quả (trong khi năm ngoái giá chỉ 12000đ - 13000đ/quả).

Trên phố, người ta kháo nhau 30 Tết năm nay, Hà Nội sẽ tổ chức bắn pháo hoa và sân khấu ca nhạc nhiều hơn mọi năm. Chị chủ cửa hàng nộm bò khô Lương Vĩ ốn- loại quà vặt đặc trưng của phố ngắn nhất Hà Nội - phố Hồ Hoàn Kiếm hứa sẽ mở cửa hàng 24/24 trong những ngày Tết để chiều lòng người Hà Nội.

U.LY - Ảnh: T.T.D
(trích Tuổi trẻ Online)
Lễ hội đường phố
Thứ Ba, 20/01/2004
TTO -  Chiều nay, 29 tết, phố hoa Nguyễn Huệ đã thật náo nhiệt với rất nhiều hoạt động văn hóa giải trí đầy màu sắc và hương vị tết cổ truyền. Các nghệ nhân của làng du lịch Bình Quới đã thể hiện những nét văn hóa truyền thống thật độc đáo ngay trên hè phố.
Nếu như buổi sáng, những ý tưởng về ao sen, thuyền hoa và những chuyến xe thổ mộ thu hút khách tham quan thì chiều tối nay, những sạp hàng rong lại "đắt hàng" hơn nhiều.
Lâu lắm rồi, mà cũng có thể là lần đầu tiên, người ta mới thấy cảnh ngồi thắt cào cào bằng lá dừa. Món đồ chơi dân dã quê mùa này bỗng đẹp lạ lùng trong những ngày giáp tết. 2.000 đồng một con cào cào, quá rẻ cho một niềm hạnh phúc trẻ thơ.
Không chỉ có cào cào lá dừa, hè phố còn tấp nập người đến viết câu đối ngày xuân. Gian hàng "Cắt hình bóng" cũng tạo được sự thích thú cho người đến xem. Với chiếc kéo và một mảnh giấy đen, chỉ trong loáng mắt, một bức chân dung nghiêng của bạn đã hoàn thành.
Điểm nhấn của chương trình là sự xuất hiện của chiếc xe thổ mộ mang phong cách thế kỷ 19. Ban giám đốc khu du lịch Bình Quới cho biết: "Ngoài chiếc xe thổ mộ, chúng tôi còn có hai nhân vật với trang phục ngày xưa, như một hoài niệm đẹp. Còn có nhiều tiết mục xiếc dân gian như múa kiếm, múa trăn... Gần toàn bộ 50 nhân viên của Bình Quới đã được tập trung để phục vụ tốt nhất cho lễ hội này...".

 
T.V.NGUYÊN - Ảnh: N.C.THÀNH
(trích Tuổi trẻ Online)
 
Bừng sắc hoa
Thứ Ba, 20/01/2004
TTO -  16 giờ hôm nay, 29 tết, phố hoa Nguyễn Huệ chính thức khai mạc. Bắt đầu bằng 50 chậu mai trước UBND Thành phố và kéo dài bằng 100.000 giỏ hoa đến cuối đường Nguyễn Huệ. Đặc biệt, phố hoa năm nay là một bản giao hưởng đậm chất đồng quê với những xe thổ mộ, với ao sen, thuyền hoa và gánh hàng hoa...
Phố hoa năm nay lạ. Chính vì thế trong nhiều ngày trước, đặc biệt là đêm qua và sáng nay, rất nhiều người dân thành phố đã đến phố hoa để tham quan, chụp ảnh và cả quay phim.
100.000 giỏ hoa được huy động từ nhiều đơn vị trong thành phố do công ty kiến trúc T.T.T chịu trách nhiệm phần ý tưởng. Lễ hội hoa là một bức tranh đẹp trải dài từ những dấu ấn hoang sơ, mộc mạc của những bình gốm giả cổ của nghệ nhân Lê Triều Điển, đến những chuyến xe thổ mộ... Phố hoa còn huy động toàn bộ những chiếc thuyền, những đôi gánh của khu du lịch Bình Quới mang đến tham gia.

 
T.V.N.
Những ngả đường Tết đến
Thứ Ba, 13/01/2004
TT - Tết đến... Những con đường rộn rã hơn, những cửa hàng, cửa hiệu sáng đẹp, tấp nập hơn, gương mặt người người rạng rỡ hơn. Tết tưởng chừng đến bằng gió xuân, hoa nở, nhưng sâu trong nhiều con hẻm, nhiều khu xóm, tết đến bằng những bước rất nhọc nhằn...
Đi sớm hơn, về trễ hơn...
Chúng tôi đi theo mấy chị đạp xe, đằng sau chở rất nhiều bao ve chai, giấy vụn vào những con hẻm quanh co trong xóm Bến Cát (khu căn cứ 26, Gò Vấp, TP.HCM). Ngang qua chợ, chị ngó quanh rồi tạt vào mua một đôi dép nhựa nhỏ, một đôi giày simili cũng số nhỏ, rồi lại đi. Vào xóm, không khí thật nhộn nhịp.
Vẫn những chiếc xe đạp với bao, bọc, giấy vụn, vỏ hộp bề bộn của mấy chị đi nhặt ve chai; vẫn những thùng hộp, xoong nồi của những anh làm nghề tẩm quất hay bán bánh giò, nhưng trong những căn phòng trọ sơ sài của họ đã có bóng dáng của Tết. Đó là cái áo, cái váy, đôi giày "đúng kiểu Sài Gòn" mua về cho con; gói kẹo, gói bánh dành để bày bàn thờ tổ tiên, những đồ dùng nhựa lặt vặt đủ màu mà "chỉ Sài Gòn mới có" mua về cho gia đình.
Tôi vào một căn phòng có vẻ tấp nập, nhộn nhịp nhất. Ba chị phụ nữ vừa nấu cơm vừa mặc thử cái áo sơmi màu vàng, màu hồng và cái quần jeans vẫn còn đính toòng teng nhãn mác. "Đẹp rồi, giống y gái Sài Gòn nhé", mấy anh chàng đang ngồi bên cạnh xuýt xoa. Thấy người lạ, mấy chị cười ngượng nghịu: "Đi cả năm, về làng phải ăn mặc tươm tất chút cho bà con mừng".
Chị Lan bảo hai năm rồi ở Sài Gòn nhặt lượm ve chai, giấy vụn, lúc nào trên mình cũng là cái áo kaki sửa từ áo bộ đội cũ của chồng, "Tiện dụng ra phết, ngày thì bớt nắng, đêm thì bớt sương". Chiều nay, trong năm người ở cùng phòng trọ thì bốn người sẽ về quê.
Để có được chuyến về Tết lần này, từ mấy tháng nay chị Lan đã âm thầm chuẩn bị: dong xe đi sớm hơn từ 1-2 giờ sáng, về muộn tận quá giờ ngọ, bánh xe lăn qua nhiều con đường hơn, những thứ phế thải chất sau xe chị cũng mỗi ngày mỗi nặng, cồng kềnh hơn.
"Gần tết, nhiều nhà thay đổi nồi niêu xoong chảo, thay đổi cả bàn ghế, ăngten... Mình mua lại, cân cho vựa được thêm ít đồng, cũng có người thương mà gọi cho... Về lần này chắc hai đứa nhỏ mừng lắm".
Lá thư của cô con gái nhỏ viết: "Học kỳ này con được học sinh giỏi, mẹ nhớ về, nhớ mang búp bê về cho con...". Xóm trọ nhỏ này có tới hơn 30 người đã chắt chiu và rạng rỡ lau mồ hôi đón tết như chị Lan vậy.
Hầu hết người trong "xóm ve chai" này đều là người Vĩnh Phúc, "xóm bánh giò" ở sâu trong nữa là người Sơn Tây, mấy anh đàn ông "sức dài vai rộng, nhặt lượm ve chai có vẻ khó coi quá" thì hành nghề tẩm quất.
Đội quân những người cùng làng, cùng xã kéo nhau vào, học nhau để hình thành những "làng nghề" như thế này ngày một đông thêm. Tết đến, nhiều người nô nức về quê, cũng không ít người ở lại. Lập, người duy nhất trong phòng trọ mà tôi ghé vào sẽ ở lại tết này, bảo: "Không về quê được thì buồn vì không gặp vợ con, nhưng bù lại số tiền gửi về nhà có nhỉnh thêm một chút. Còn tết ở đây vẫn có đủ...".
Nghe họ kể mới biết những người sống kiếp "tha phương cầu thực" ở đây đã mang theo rất nhiều phong vị của quê hương bản quán. Bánh chưng vuông, bánh chưng dài, bánh gai, bánh rợm... thứ gì mà nhà nhà ở Vĩnh Phúc đang nhộn nhịp chuẩn bị làm thì xóm nhỏ ở Gò Vấp cũng đang lên kế hoạch. Những người ở lại, người này góp gạo, người kia góp đậu, góp lá để cùng nhau ăn tết xa nhà. "Ở đây chỉ thua Vĩnh Phúc, Sơn Tây mấy trò đấu vật, thi đi xe đạp, hát quan họ... thôi. Tết ghé chơi nhé".
Nói thì nghe vui vậy nhưng rồi những ánh mắt, nét mặt lại nhuốm vẻ ưu tư khi Huê sang gửi chị Lan "gói kẹo cho thằng bé", Hằng xách sang một tấm lụa màu tím "mình khô hoa ướt" gửi về cho mẹ. Lập đếm lại số tiền, tần ngần: "Cả năm trời dành dụm được hơn triệu, nếu mình về thì...". Nga vừa lấy chai tương trong góc nhà rót ra để chấm rau vừa bảo: "Tết về quê phải nhớ phơi mốc, mang vào ngâm tương. Nắng ở đây gắt quá khô hết mốc, tương mua sẵn vừa đắt vừa không ngon".
Trong góc bếp không chỉ có chai tương Bắc mà có cả vại dưa, cà muối.
10.000 đồng cho bữa liên hoan... Tết
Căn phòng ấy (chung cư Chu Văn An, P.12, Q.6, TP.HCM) lúc nào cũng tối. Bước vào, tôi có cảm giác đã bỏ lại phía sau ánh sáng và những niềm vui, cảm giác bất lực khi nghĩ đến cái tết sắp tới.
Thật khó mà tìm được nụ cười trong căn hộ chung cư nhỏ hẹp mà lại dung chứa tới 20 ông bà cụ tuổi từ 70 trở lên này. Từ những khung giường tầng xếp san sát, các cụ run run tuột xuống, nghễnh ngãng nghe, móm mém nói, thỉnh thoảng tay lại lần mò vào túi áo đếm vài đồng bạc lẻ...
Câu chuyện không biết bắt đầu từ đâu, một cụ bảo: "Biết nói gì cô ơi. Khổ lắm, khổ lắm mới phải tới đây". Ở đây, không gian của mỗi cụ là một khung giường tầng trống không, tài sản là vài bộ quần áo cũ và cuốn sổ dò vé số.
Vậy nhưng vẫn còn bốn cụ không có giường phải nằm dưới đất. Mỗi sáng, các cụ theo nhau ra đại lý vé số, rồi từ đó rảo khắp các ngõ chợ, bến xe... cho đến chiều. "Một ngày phải trả tiền nhà hết 5.000đ, sau đó mới tính tới chuyện ăn: 1.000đ cơm, 1.000đ canh là xong bữa. Dành tiền mua vài viên thuốc, dành tiền lúc bán ế, chân đau không đi được, lúc bị bọn nhỏ giật mất vé...".
Câu chuyện thêm phần sinh động khi cụ Phan Thị Tám, 79 tuổi, đi về, vừa leo lên giường ngồi vừa bóp chân: "Bữa nay đi tuốt lên Sài Gòn, bán được 100 vé, lọi giò lọi cẳng hết trơn...".
Bà Tám đến từ Vĩnh Long, ông Đoàn Lào 81 tuổi đến từ Quảng Ngãi, bà Tiếp 72 tuổi người Bến Tre... Mỗi người mỗi xứ, tuổi già khó ngủ và hay chuyện nhưng khi tôi hỏi, thật ngạc nhiên khi các cụ ở đây lại rất ít biết chuyện của nhau, không ai muốn nhắc đến cả một đời dằng dặc nhọc nhằn sau lưng. Các cụ thở dài: "Biết nói sao... Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng/Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày...".
Quanh quẩn rồi cũng quay đến chuyện tết. Tết là ngày những người già như các cụ được con cháu mừng tuổi, chúc phúc - lộc - thọ. Nhưng ở đây... Tết đến các cụ thêm tuổi và chồng chất thêm những nỗi lo. Cụ Đoàn Lào khào khào nói bằng giọng xứ Quảng: "Tết này tôi 82 rồi, tôi định về quê, chắc là về luôn. Chân hồi này yếu...".
Một cụ ngồi ở giường tầng trên vọng xuống: "Mấy ngày Tết mỗi người góp 10.000đ để đặt một bữa cơm tươm tất nhé...". Một cụ ngồi dưới gạt đi: "Thôi, đã không về quê được thì tết nhứt gì, cứ đi bán, có khi được khá hơn...".
Câu chuyện về "bữa liên hoan Tết" ấy chỉ được hoan hỉ nhắc lại vào hôm chúng tôi quay trở lại với những món quà nhỏ. Cầm gói đường, hộp sữa, hộp bánh, phong bao lì xì, những ngón tay già nua run run: "Vậy là có Tết rồi...". Các cụ cứ mãi nắm tay những người mang quà đến mà cảm ơn, chúng tôi nghe trong ấy có nước mắt.
Những món quà chưa chở được Tết
Đó chỉ là hai câu chuyện nhỏ mà chúng tôi thu lượm được trên đường đi trao quà Tết. Còn có đôi tay trắng bợt, nhăn nheo vì ngâm nước của một bà ngoại già (bà Năm, xóm Đình, Phú Định, P.10, Q.6, TP.HCM) phải đi giặt quần áo thuê để nuôi năm đứa cháu ngoại.
Gần Tết, không chỉ đôi tay bà phải ngâm nước nhiều hơn mà đôi chân bà cũng phải đi nhiều hơn, mong tìm người thuê giặt để các đứa cháu có được chút bánh, chút mứt trong ba ngày Tết.
Còn có những bà mẹ trào nước mắt khi nhận bịch gạo, gói lạp xưởng khiến người trao quà cũng phải đắng lòng. Những món quà chưa mang được tết đến, nhưng sự chia sẻ đã mang gió xuân đến...
PHẠM VŨ
(trích Tuổi trẻ Online)



Trở Về   ]