Từ điển Thiều Chửu
化 - hoá
① Biến hoá. Biến đổi vô hình. Như hoá thân 化身, hoá trang 化粧 nghĩa là biến đổi hình tướng không cho ai biết. Phật vì muốn cứu chúng sinh, phải hoá xuống làm thân người gọi là hoá thân. Phàm vật này mất mà vật kia sinh ra gọi là hoá. Như hủ thảo hoá vi huỳnh 腐草化為螢 cỏ thối hoá làm đom đóm. Thoát xác bay lên tiên gọi là vũ hoá 羽化. Dần dần ít đi, có rồi lại không cũng gọi là hoá. Như tiêu hoá 消化 tiêu tan vật chất hoá ra chất khác, phần hoá 焚化 lấy lửa đốt cho tan mất, dung hoá 溶化 cho vào nước cho tan ra. Khoa học về vật chất chia ghẽ các vật ra từng chất, hay pha lẫn mấy chất làm thành một chất gọi là hoá học 化學. ||② Hoá sinh. Như ta gọi trời đất là tạo hoá 造化, là hoá công 化工 nghĩa là sinh diệt được muôn vật. ||③ Cảm hoá. Chuyển di tính chất, cải lương dân tục gọi là hoá. Như giáo hoá 教化 nghĩa là dẫn bảo chúng, cấm ngăn chúng, khiến cho chúng thuận tòng vậy. Lấy ân nghĩa mà cảm gọi là đức hoá 德化, lấy chánh trị mà cảm gọi là phong hoá 風化, lấy lễ giáo mà cảm gọi là văn hoá 文化. Cho nên kẻ ở cõi ngoài, không theo sự giáo hoá của mình gọi là hoá ngoại 化外, bị mình cảm hoá cũng như theo mình gọi là đồng hoá 同化. ||④ Cầu xin, như hoá mộ 化募, hoá duyên 化緣 nghĩa là lấy lời đạo nghĩa mà cảm hoá, khiến cho người sinh lòng từ thiện mà cho mà giúp.
Từ điển Trần Văn Chánh
化 - hoá
① (Biến) hoá, đổi: 變化 Biến hoá, biến đổi, thay đổi; 感化 Cảm hoá; ② Sinh hoá, sinh thành (vạn vật); ③ Dạy dỗ, sửa đổi phong tục cho tốt lên, cảm hoá: 教化 Giáo hoá; 德化 Cảm hoá bằng ân nghĩa; ④ Tan: 雪化了 Tuyết tan rồi; ⑤ Hoá học: 理化 Vật lí và hoá học; ⑥ Chảy: 鐵燒化了 Sắt nung đã chảy; ⑦ Hoá, làm cho biến thành: 農業機械化 Cơ giới (khí) hoá nông nghiệp; ⑧ 【化募】hoá mộ [huàmù]; 【化緣】 hoá duyên [huàyuán] (tôn) Đi quyên, đi khất thực (của nhà chùa).
Từ điển Nguyễn Quốc Hùng
化 - hoá
Thay đổi — Làm cho thay đổi — Chỉ sự sống — Cũng chỉ sự chết.