Từ điển Thiều Chửu
丘 - khâu/khiêu
① Cái gò, tức là đống đất nhỏ. ||② Phép tỉnh điền ngày xưa chia bốn tỉnh là ấp, bốn ấp là khâu. ||③ Hợp, ngày xưa gọi sách địa dư là cửu khâu 九丘 nghĩa là các thứ trong chín châu đều hợp cả ở đấy. ||④ Lớn, ngày xưa gọi chị dâu trưởng là khâu tẩu 丘嫂. ||⑤ Tên đức Khổng tử, vì thế sách nhà Hán đổi chữ 丘 làm 邱. ||⑥ Một âm là khiêu. Như tỉ khiêu 比丘 dịch âm tiếng Phạn, người tu hành đạo Phật đã chịu đủ 250 giới luật, lần lượt đến các nhà xin ăn, trên cầu tu cho thành Phật, dưới hoá độ cho chúng sinh.
Từ điển Trần Văn Chánh
丘 - khâu
① Gò, đống, đồi: 土丘 Gò đất; 沙丘 Đồi cát; ② Mộ, mồ mả: 填丘子 Nấm mồ, mồ mả; 晉代衣冠成古丘 Những nhân vật phong lưu đời Đông Tấn đều trở thành những ngôi mộ cổ (Lí Bạch); ③ Khoảnh, thửa, miếng (phép chia ruộng thời xưa, cứ 4 tỉnh là một ấp, bốn ấp là một khâu): 四井爲邑,四邑爲丘 Bốn tỉnh là ấp, bốn ấp là khưu (Chu lễ); 丘田 Thửa ruộng; ④ Đống gạch vụn, bãi hoang tàn, thành cũ hoang phế: 曾不知夏之爲丘兮 Lại không biết rằng đô thành cung điện đã trở thành nơi hoang phế (Khuất Nguyên: Cửu chương); ⑤ Lớn, niên trưởng: 高祖微時,常避事,時時與賓客過其丘嫂食 Vua Cao tổ lúc còn hàn vi, thường tránh né công việc, luôn cùng các tân khách đến nhà chị dâu lớn xin ăn (Hán thư: Sở Nguyên vương truyện); ⑥ Trống không: 躬歸國,未有第宅,寄居丘亭 Cung trở về nước, không có nhà ở, phải ở trong một chòi trống (Hán thư); ⑦ [Qiu] (Họ) Khưu.