Khẩu Truyền Sao Phần 1: Lời Nói Đầu Quảng Minh Khẩu Truyền Sao (口傳鈔), tác phẩm gồm 3 quyển, do vị Tăng người Nhật là Giác Như Thượng nhân (覺如上人, 1270-1351), trụ trì Bản Nguyện Tự (本願寺), Tông chủ đời thứ ba Tịnh độ Chân tông, biên soạn vào năm Nguyên Hoằng thứ nhất (元弘, 1331), lúc 62 tuổi, được thu vào Đại Chánh Tạng, tập 83, No. 2663. Sách này được viết bằng tiếng Nhật, nội dung gồm 21 điều mục về Pháp ngữ và hành trạng của Tổ sư Thân Loan (親鸞, 1173-1262), người khai sáng Tịnh độ Chân tông của Nhật Bản, có phụ thêm những ghi chép của Như Tín Thượng nhân.

Tựa đề của cuốn sách này là Khẩu Truyền Sao, nghĩa là “Sư khẩu trần tư bút ký” (師口陳資筆記, Thầy miệng nói, trò bút ghi), đồng nghĩa với “Khẩu Thọ Truyền Trì” (口授傳持) hay “Diện Thọ Khẩu Quyết” (面授口決). Theo đó, cuốn sách này chứa đựng những điều trọng yếu của Tha lực Chân tông mà Thân Loan Thánh nhân đã nói với Như Tín Thượng nhân, trụ trì thứ hai của Bản Nguyện Tự. Và Như Tín Thượng nhân đã truyền đạt nó cho Giác Như Thượng nhân. Thân Loan Thánh nhân trực tiếp chỉ giáo (Diện thọ khẩu quyết) cho Như Tín Thượng nhân, người đã đưa ra lời chứng của mình, và được Giác Như sao chép dưới dạng một bài viết gồm 21 điều mục.

Chấp Trì Sao (執持抄)1 được Giác Như soạn thuật ở tuổi 57, trước Khẩu Truyền Sao 5 năm, nó đã không đề cập đến sự kế thừa lời dạy của Như Tín Thượng nhân. Nhưng ở sách này, lần đầu tiên Giác Như khẳng định ba thế hệ huyết mạch truyền trì là Pháp Nhiên – Thân Loan – Như Tín, và lập luận rằng, giáo nghĩa chánh thống của Pháp Nhiên đã truyền thừa cho Thân Loan Thánh nhân, và tiếp tục truyền thừa cho Giác Như thông qua Như Tín Thượng nhân, qua đó nhằm minh xác mối quan hệ “sư tư tương thừa” (師資相承, Thầy trò nối nhau).

Qua sách này, Giác Như Thượng nhân muốn nói: Thứ nhất, ông cho rằng phái Trấn Tây (鎮西派) của Thánh Quang (聖光) và phái Tây Sơn (西山派) của Chứng Không (證空) là các dòng truyền thừa khác nhau của Pháp Nhiên Thượng nhân, nhưng chỉ có phái Chân tông của Thân Loan là truyền thừa thực sự của Pháp Nhiên. Thứ hai, đối với các đệ tử của Thân Loan Thánh nhân, chủ yếu là đệ tử trực tiếp và giáo đoàn môn đệ kế thừa, thì Bản Nguyện Tự ở vùng Đại Cốc do Giác Như Thượng nhân khai sơn là trung tâm chính của Tịnh độ Chân tông. Thứ ba, cốt lõi của giáo nghĩa Chân tông là “Tín tâm chánh nhân”, “Tha lực tuyệt đối” và “Xưng danh báo ân”; đối tượng cứu độ của Bản nguyện là “Ác nhân chánh cơ” và “Vốn vì phàm phu, chẳng vì Thánh nhân.”

Khẩu Truyền Sao bản Nhật ngữ có 21 điều mục: (1) An Cư Viện tham hướng; (2) Nhân duyên của Quang minh và Danh hiệu; (3) Mặt trời Vô ngại quang và bóng tối Vô minh; (4) Hai nghiệp thiện ác; (5) Tự lực tu thiện, Tha lực Phật trí và Hộ niệm lợi ích; (6) Đệ tử đồng hành và Bổn tôn Thánh giáo; (7) Phàm phu vãng sanh; (8) Hiệu đính tất cả kinh và công đức cà sa; (9) Ba loại búi tóc; (10) Thủ ý của nguyện thứ 18; (11) Trợ nghiệp là phụ; (12) Thánh nhân bản địa Quán Âm; (13) Giấc mơ của Liên Vị Phòng; (14) Thể thất vãng sanh và Bất thể thất vãng sanh; (15) Khai xuất tam thân; (16) Đức tin về Xưng danh; (17) Cơ Giáo của Tịnh độ Chân tông; (18) Giáo huấn về Ái biệt ly khổ; (19) Giáo thuyết về Ác nhân chánh cơ; (20) Ức chỉ và Nhiếp thủ; (21) Nhất niệm và Đa niệm.

Khẩu Truyền Sao bản Hán ngữ có thể tìm thấy trên mạng internet2, nhân duyên là một Liên Hữu thấy được “Tín tâm kim cương và nguyện tâm tha thiết đối với bản nguyện và tha lực của Ðức Phật A Di Đà” mà khẩn cầu chúng tôi chuyển ngữ sách này. Bản Hán ngữ chỉ có 19 điều mục: (1) An Cư Viện tham hướng; (2) Nhân duyên của Quang minh và Danh hiệu; (3) Quang minh phá ám; (4) Hai nghiệp thiện ác; (5) Hai lực thành hoại; (6) Tín Lạc ly môn; (7) Phàm phu nhập báo; (8) Liệu giản chữ Thế; (9) Trợ nghiệp là phụ; (10) Quán Âm thùy tích; (11) Di Đà lai hiện; (12) Tranh luận vãng sanh; (13) Di Đà bản nguyện; (14) Xưng danh báo ân; (15) Khuyên dạy hư giả; (16) Huấn dụ người sầu khổ; (17) Phàm ác là chánh cơ; (18) Phân biệt tạo ác; (19) Phân biệt một nhiều. Như vậy, bản Hán ngữ không có hai điều mục (8) và (9) của bản Nhật ngữ. Chúng tôi cố gắng chuyển ngữ hai điều mục này từ nguyên bản Nhật ngữ, và đặt chúng ở phần Phụ Lục để tham khảo.

Nói về bản Hán ngữ, chúng tôi không thấy tên người dịch. Nhưng xét văn tự cú pháp thì rất cổ xưa, cho nên ngờ rằng đây có thể là nguyên bản viết tay bằng chữ Hán của Giác Như Thượng nhân. Để củng cố cho lập luận này, chúng tôi tìm thấy bản Chánh Tượng Mạt Pháp Hòa Tán (正像末法和讃) ở trên mạng internet bằng Hán ngữ3, và khi so với kinh cùng tên ở Đại Chánh Tạng, Tập 83, No. 2652, Thân Loan soạn, hoàn toàn bằng Nhật ngữ (xen lẫn Hán ngữ) thì thấy trùng khớp chính xác. Thí dụ một kệ tụng, bản Nhật ngữ viết là: “釋迦如來カクレマシマシテ。二千餘年ニナリタマフ。正像ノ二時ハヲハリニキ。如來ノ遺弟悲泣セヨ末法五濁ノ有情ノ。” (tr. 664c05) và bản Hán ngữ ghi là: “釋迦如來涅槃後,迄今二千有餘年,正像二時皆已過,如來遺弟應悲泣.” (Thích Ca Như Lai Niết bàn hậu, Hất kim nhị thiên hữu dư niên, Chánh tượng nhị thời giai dĩ quá, Như Lai di đệ ứng bi khấp. Sau Thích Ca Như lai Niết-bàn, Đến nay hai ngàn năm có hơn, Hai thời Chánh Tượng đều đã qua, Đệ tử Như Lai nên thương khóc.)

Hán tạng có rất nhiều Phạn bản do tăng sĩ Ấn Độ mang đến và tăng sĩ Trung Quốc mang về, nhưng không hiểu tại sao ghi chép được kinh điển để đem đến hay mang về, gian nan biết bao nhiêu, và đã làm được công việc dịch thuật đồ sộ, vậy mà Phật giáo Trung Quốc không làm được cái việc bảo tồn Phạn bản, khiến cho mất hết?

Dai Nihon Bukkyō zensho (Đại Nhật Bản Phật Giáo Toàn Thư, 大日本佛教全書) gồm 953 bộ, 3396 quyển, được Hội Phật Thư San Hành (佛書刊行會) biên soạn và in ấn từ năm Minh Trị thứ 44 đến năm Đại Chánh thứ 11 (1911-1922), do các ông Nam Điều Văn Hùng, Cao Nam Thuận Thứ Lang, Đại Thôn Tây Nhai, Vọng Nguyệt Tín Hanh, v.v. chủ trương thành lập. Bộ Toàn Thư này thu tập các sách chú thích kinh, luật, luận, sách nói về tông chỉ của các tông phái, sử truyện,

v.v. do các tác giả Nhật Bản soạn thuật (cũng có một số trứ tác do tác giả Trung Quốc soạn thuật), trong đó chia làm 28 bộ môn: Mục lục, Tổng ký, Chư Kinh, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Thai Mật, Chân ngôn, Tất đàm, Tịnh độ, Dung thông, Niệm Phật, Thời tông, Giới luật, Tam luận, Pháp tướng, Nhân minh, Câu-xá, Khởi tín, Thiền tông, Hành sự, Tông luận, Bổ nhậm, Hệ phổ, Địa chí, Tự chí, Nhật ký, Từ tảo, Tạp loại, v.v. Đây là bộ sách Phật giáo do người Nhật soạn thuật lần đầu tiên được ấn hành với qui mô lớn như vậy. Bộ sách được đóng thành 150 tập theo kiểu đóng sách phương Tây, có riêng một tập mục lục. Nó được tái bản vào năm Chiêu Hòa thứ 5 (1930). Từ năm 1919 đến 1921 họ cũng cho xuất bản 51 tập Đại Tạng Kinh, gọi là Nhật Bản Đại Tạng Kinh (日本大藏經, Nihon Daizokyo). Năm 1953- 1941, giáo sư Takakusu Junjirō (1866–1945), người biên tập Đại Chánh Tạng, cũng cho xuất bản bộ dịch Nhật văn toàn bộ Đại Tạng Pali tên là Nanden Daizōkyō (Nam Truyền Đại Tạng Kinh, 南傳大藏經). Trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (大正新脩大藏經, Taishō Shinshū Daizōkyō ), Tập 83, từ No. 2646 đến No. 2679, là các trước thuật của chư Sư của Tịnh độ Chân tông Nhật Bản, có cả thảy 34 mà chỉ có 8 tác phẩm là hoàn toàn Hán ngữ, còn lại là Nhật ngữ. Các nguyên tác bằng chữ Hán của một số chư Sư có thể được bảo tàng trong Đại Cốc Bản Nguyện Tự sau khi chuyển dịch sang tiếng Nhật.4

Có những tác phẩm có giá trị như Duy Tín Sao Văn Ý (Thân Loan soạn), Thán Dị Sao, Chấp Trì Sao, Khẩu Truyền Sao, Duy Tín Sao (Thánh Giác soạn), Tịnh Độ Chân Yếu Sao, Nhất Niệm Đa Niệm Phân Biệt Sự, v.v. nhưng rất tiếc không được chuyển dịch sang Việt ngữ, bởi vì người am hiểu tiếng Nhật cổ xưa không có mấy ai. Vả lại, Tịnh độ Chân tông Nhật Bản cũng chưa được quan tâm nhiều ở Việt Nam, và đây là điều thiệt thòi cho người tu Tịnh độ Việt Nam. Gần đây, Hòa Thượng Thích Như Điển, Phương trượng Chùa Viên Giác Hannover Đức quốc, đã chuyển dịch những tác phẩm có giá trị vể Tịnh độ Chân tông như: “Tịnh Độ Tông Nhật Bản”5 của Kakehashi Jitsuen, “Sống với ‘Thán Dị Sao’ của Ngài Thân Loan” của Yamazaki Ryuumyou. Tuy nhiên, nếu các tác phẩm tuyệt vời kể trên mà được chuyển dịch sang Việt ngữ thì là “đại lợi vãng sanh” cho người tu Tịnh độ Việt Nam.

Cầu nguyện cho dịch phẩm Khẩu Truyền Sao này có thể giúp người tu Tịnh độ phát khởi tín tâm kiên cố và nguyện tâm thiết tha vào tha lực của Đức Bổn Tôn A Di Đà Phật.

“Khi những dòng sông phiền não chảy vào
Biển cả bản nguyện đại từ đại bi
Vô ngại quang của Phật chiếu mười phương
Chuyển thành một mùi vị nước trí tuệ.”

Đệ tử chúng con chí tâm quy mạng và đảnh lễ cùng tận không giới, khắp cả mười phương Vô Ngại Quang Như Lai. Nguyện xin Đức Như Lai dùng năng lực đại từ và năng lực đại bi mà cứu vớt mười phương chúng sanh, nhất là chúng sanh thời kỳ dữ dội đầy cả năm thứ vẩn đục, làm cho những người hiện đang chịu khổ, sống với vô minh, ác nghiệp thôi thúc, tâm trí thác loạn, không chút tự giác, không tin Tam bảo và cả nhân quả, luôn được Như Lai nhiếp thủ bất xả, khiến họ tin vào bản nguyện vĩ đại mà luôn nghĩ nhớ tới Ngài trong ánh sáng rực rỡ mà ấm áp.

San Francisco, ngày 10 tháng 5 năm 2023

Nhân Lễ húy kỵ báo tiến Đại Sư thượng Minh hạ Phát (21/3/Quý Mão)
Đệ tử Quảng Minh
kính ghi


Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có.