Câu chuyện Giáo dục Phần 1: 10 kiểu chết của nền giáo dục Việt Nam hiện nay Nguyễn Huy Cường Chân thành cảm ơn tác giả Nguyễn Huy Cường về loạt bài này. Chúng tôi xin phép đăng tải để lan rộng nhận thức cần thiết này đến với nhiều người hơn.
BBT

I. Cơ chế

Năm 2018 tôi về Việt Trì, bố mẹ một học sinh lớp 1 nhờ tôi kèm một giờ học thêm cho một cháu.

Cháu bé này khi ăn mẹ vẫn phải bón và dỗ ngọt, cháu chưa biết tự mặc trang phục cho mình.

Khi tiếp cận với bài về nhà, giữa gần chục bài toán, văn rắc rối tôi thấy có một câu hỏi: “Hát xoan của Phú Thọ được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới ngày nào, tháng nào, năm nào?"

Tôi giật mình kinh ngạc.

Thế là tôi làm một trò chơi. Tôi biên soạn câu hỏi trên rồi gửi tin nhắn bằng Messenger cho 20 người bạn, hầu hết đã qua đại học, tuổi chưa quá 30, nhiều người là thầy cô giáo, đều thân thiện với tôi và tôi chờ câu trả lời.

Khoảng 10 giờ sau, tôi nhận được 16 câu trả lời, còn 4 người chắc không nhận tin nhắn hoặc không quan tâm.

Trong 16 câu trả lời, có 2 câu trả lời gần đúng còn 14 người chịu thua!

Có bạn trả lời: “Ông nội em cũng không biết, em còn quá nhiều việc để quan tâm chứ không hơi đâu nghĩ về cái vớ vẩn này.”

Một thầy giáo trẻ, là con thầy giáo già dạy tôi thì trả lời: "Biết hay không biết chuyện này, không làm thay đổi chất lượng công dân.”

Ngày hôm sau, tôi đến trường cháu học, đề cập chuyện này với các thầy cô giáo trong giờ giải lao.

Điều ngạc nhiên là ai cũng nhận ra điều quái gở này nhưng không ai dám lên tiếng.

Điểm nhấn của bài này chính là chỗ này.

Nếu tinh thần phản biện có trong đội ngũ này, họ sẽ kiến nghị lên “trên” ngay, cắt ngay lập tức trò khỉ này, thì thầy cũng đỡ khổ và trò không phải nhét vào đầu những điều vô bổ.

Thế nhưng “trên” cứ việc sai, cứ việc vẽ rắn thêm chân, cứ việc ra sách, cứ việc ra “chủ trương” rồi ban xuống Sở, Sở ban xuống Phòng, Phòng gửi về nhà trường, các thầy cô ở nhà trường chấp hành và dội vào đầu học sinh.

Học sinh cứ việc vò đầu bứt tai, ăn vội ăn vàng rồi kham với đống bài vở cô cho (nhiều gấp 10 câu chuyện hát xoan kia).

Học không được thì nhờ cha mẹ.

Và có hai tình huống xảy ra:

- Thứ nhất, nếu cha mẹ làm được thì từ đây quy trình dối trá bắt đầu. Cha mẹ dối thầy (cho là học sinh học được), thầy dối cấp trên, cấp trên của thầy dối trên Bộ, Bộ công nhận luôn sự dối trá đó là thật để dối trá Chính phủ, Quốc hội và để vận hành cỗ máy in tiền qua sách kia. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, ông Nhạ có thể về hưu nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi.

-Thứ hai, cha mẹ không làm được, bức xúc, quát tháo, gây sức ép cho học sinh. Học sinh một là gắng gượng “học” được đến đâu hay đến đấy, nếu quá thì… tìm một độ cao ngoài lan can hoặc đi bụi đời. Hai là giả vờ học, cha mẹ đi khỏi thì chơi games.

Và thông qua “Hội phụ huynh” hoặc nhà trường, một cây đũa thần… giả được đưa ra là: Sách học thêm, lớp học thêm, lò học thêm…

Đến đây, bài toán phá nát xã hội, phá có quy trình, phá có truyền thống, phá có kịch bản, lớp lang đã hình thành.

Nhưng, cái cao trào như thế này ổn định suốt hơn hai chục năm nay rồi, thành CƠ CHẾ rồi, không ai uốn nắn, điều chỉnh, cứ vậy mà làm.

Xin nói rõ, tôi chỉ nêu câu chuyện “di sản thế giới” như trên cho dễ thấy, chứ riêng kiến thức lớp một đến lớp bốn hiện nay, có khoảng 70% thuộc dạng quăng ngay xuống biển Đông, sẽ giúp con em chúng ta khôn ngoan hơn, trưởng thành nhanh hơn.



Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có.