Văn học Phật giáo Phần 1: Quang Minh trí huệ biện tài Diệu Âm Trí Thành Quang minh của Phật là tướng đại trí huệ từ nơi Pháp thân của Phật phát ra ngoài. Quang minh này có hai thứ công dụng: một là để chiếu soi pháp giới, phá trừ tối tăm cho chúng sanh; hai là để tuyên thuyết diệu pháp Nhất thừa. Như vậy, diệu pháp Nhất thừa chính là quang minh và quang minh cũng chính là diệu pháp Nhất thừa của Phật. Do chư Phật chẳng lìa khỏi quang minh mà thuyết pháp, nên nếu ai được chạm vào quang minh Phật hoặc được nghe tiếng Phật thuyết pháp, tất cả ưu khổ, bệnh khổ thảy đều dừng dứt, thân tâm nhu nhuyến, vui sướng ví như Tỳ-kheo đắc Diệt Tận Định.

Ở cõi nước Cực Lạc, không chỉ riêng mình Phật A Di Đà có thường quang chiếu diệu, thuyết pháp mà hết thảy trời và người trong cõi ấy cũng đều có thường quang chiếu diệu, thuyết pháp. Đấy đã nêu rõ nhân dân cõi ấy đều thành tựu trí huệ vô thượng. Đấy đều là do họ được Phật lực gia hộ nên mới có đầy đủ tất cả các trí huệ biện tài, hiểu biết rõ ràng, thông suốt tất cả mà chẳng có ai sánh bằng nổi. Vì thế, kinh Vô Lượng Thọ mới bảo là họ “được sự thành tựu tất cả trí huệ. Thu hoạch vô biên biện tài vô ngại.” Kinh gọi tất cả trí huệ ấy bằng năm cái tên làm đại biểu; đó là: Trí Phật, Trí không nghĩ bàn, Trí không xưng lường, Trí rộng Đại thừa và Trí vô đẳng vô luân thù thắng tối thượng.

Do vì tất cả nhân dân trong cõi ấy đều thành tựu hết thảy trí huệ như thế, nên họ đắc vô biên các thứ biện tài vô ngại hay còn gọi là Tứ Vô Ngại Biện Tài. Các Ngài dùng Tứ Vô Ngại Biện Tài để diễn thuyết pháp nghĩa một cách khéo léo, rành rẽ, tài tình, bóng bẩy, đúng với Lý Chân như Thật tướng; đó là pháp vô vi vô tướng vượt qua hết thảy các pháp hữu vi, nhằm để giáo hóa và dẫn dắt hết thảy các loài chúng sanh thoát ra khỏi biển lớn sanh tử, vượt qua bờ kia Bỉ Ngạn. Cho nên, kinh Vô Lượng Thọ ghi: “Khéo nói các pháp thâm mật bí yếu. Thuyết kinh hành đạo, tiếng như chuông ngân.”

Chư Bồ-tát nơi cõi Cực Lạc do đắc Tứ Vô Ngại Biện Tài, bao gồm: Pháp vô ngại, Nghĩa vô ngại, Từ vô ngại và Nhạo thuyết vô ngại, nên các Ngài có thể khéo nói các pháp nghĩa một cách thâm mật bí yếu và tự tại, không có chướng ngại. Bồ-tát dùng danh từ thuật ngữ và câu văn rành rẽ, trôi chảy, mạch lạc để giảng giải Phật pháp, diễn tả sự vật một cách tài tình, linh hoạt nên gọi là “nói Pháp vô ngại.” Bồ-tát hiểu biết nghĩa lý của giáo pháp được giảng, nhưng lại không bị vướng mắc vào đó, không bị dính kẹt vào danh từ, thuật ngữ, âm thanh, sắc tướng v.v... nên gọi là “nói Nghĩa vô ngại.” Bồ-tát thông đạt rành rẽ các ngôn ngữ của từng địa phương nên gọi là “nói Từ vô ngại.” Cuối cùng, do vì chư Bồ-tát dùng ba thứ trí biện tài “Pháp vô ngại, Nghĩa vô ngại và Từ vô ngại” để giảng nói kinh giáo theo ý muốn của từng mỗi chúng sanh một cách tự tại, khiến cho họ nhập đạo, vào được nhà Như Lai, hiểu rõ tâm pháp của Như Lai, nên gọi là “Nhạo thuyết vô ngại.” Bồ-tát cõi Cực Lạc có được đầy đủ trí huệ, biện tài vô ngại để diễn giải các pháp thâm mật bí yếu như vậy đều là do lực gia trì của Nguyện “Khéo nói pháp yếu” của đấng Pháp Vương A Di Đà Phật.

“Pháp thâm mật bí yếu” là chỗ ẩn mật, bí ảo, sâu xa, huyền diệu của pháp môn, hiển bày Lý Chân Như Thật Tướng, chẳng thể dễ dàng chỉ bày hay diễn nói cho người khác nhận biết được, nên Bồ-tát phải khéo dùng các thứ ngôn từ, hình ảnh, quang minh, âm thanh, mùi vị, hương thơm v.v... để biểu hiện lý “không-tướng.” Tịnh độ Pháp môn chính là “pháp thâm mật bí yếu” dẫn thẳng đến Nhất thừa, nhiếp trọn hết thảy các pháp môn khác mà Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói trong suốt hơn bốn mươi chín năm. Trong pháp môn Tịnh độ, Phật, Bồ-tát dùng ngôn ngữ giản dị, tinh yếu, những hình ảnh linh hoạt, ánh sáng, âm thanh, hương thơm v.v… để diễn giải, nhưng lại chứa đựng trọn vẹn tất cả nghĩa lý thâm sâu, u huyền, vi diệu, nên kinh ghi là: “Khéo nói các pháp, thâm mật bí yếu.”

Kinh Vô Lượng Thọ là pháp tạng thâm mật bí yếu của chư Phật, xưa kia được giấu kính, chẳng thể đem ra ngoài lưu truyền, giảng dạy bừa bãi cho người khác, chỉ có những người có đầy đủ thiện căn, phước đức, nhân duyên mới được nghe, được truyền dạy và được thâm nhập vào tạng pháp thâm mật bí yếu này. Thế mà nay, do vì có nhóm chúng sanh đã thành thục được căn lành nên Phật mới nói ra pháp này. Vì thế, trong phẩm “Chỉ Đặc Biệt Lưu Lại Một Kinh Này” nói: Người gặp kinh này mà tin ưa thọ trì là việc khó nhất trong các điều khó, là việc hy hữu nhất trong các điều huy hữu. Vì sao? Bởi vì họ ở trong đời trước đã từng hành Phật đạo, chẳng phải người phàm tục, họ chính là đệ tử Nhất thừa bậc nhất của chưPhật.

Ngoài ra, Mật tông còn gọi “pháp thâm mật bí yếu” là Pháp Tạng Bí Yếu hay Bí Mật Tông. Do vì mật pháp Vô Lượng Thọ chính là Pháp Tạng Bí Yếu của chư Phật, chỉ người có đầy đủ thiện căn, phước đức, nhân duyên mới nghe được, hiểu được, nên pháp tạng này chẳng thể tùy tiện đem ra dạy cho người khác một cách khinh xuất được. Nhưng nay, chư vị Bồ-tát cõi Cực Lạc, do nương vào Nguyện “Khéo nói pháp yếu” của Phật A Di Đà mà có đầy đủ trí huệ, biện tài để diễn giải pháp thâm mật bí yếu này một cách khéo léo, thâm sâu về cả hai mặt “hiển liễu” và “ẩn mật,” khiến cho hết thảy các căn cơ đều được nghe, đều được hiểu chỗ thâm mật bí yếu của pháp môn này theo trình độ của riêng họ; nhưng rốt cuộc, tất cảđều cùng được ngồi trên xe trâu trắng lớn, cùng được hưởng những lợi ích Nhất thừa như nhau.

Kinh dùng câu “tiếng như chuông ngân” để sánh ví với âm thanh thuyết pháp của Bồ-tát cõi Cực Lạc. Trong mỗi một âm thanh thuyết pháp của Bồ-tát đều hàm chứa vô biên diệu nghĩa. Âm thanh thuyết pháp ấy có công đức như tiếng chuông trong trẻo, thánh thót, hùng hồn, liên tục vang vội xa khắp, khua tan đêm dài ưu não, đánh thức những kẻ đang mê mệt, khiến họ phát sanh thiện tâm, ngưng ngớt các khổ. Ngoài ra, trên thân chuông còn khắc những chân ngôn, những chủng tử và kinh kệ Ðại thừa; gióng một tiếng chuông thì cũng giống như là đọc lên hết thảy kinh pháp “hiển liễu” lẫn “ẩn mật” được ghi trên thân chuông, khiến chúng sanh nào nghe được đều bổng dưng thức tĩnh, phát tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, quyết định hết một đời này vãng sanh Cực Lạc, cứu cánh Phật quả.

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có.