Luận bàn Phật pháp Phần 1: Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm... Diệu Âm Trí Thành Khi xưa, Lục Tổ Huệ Năng nhờ vào câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” trong kinh Kim Cang mà bổng nhiên đại ngộ. “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” nghĩa là đừng sanh vọng tâm mà trụ chấp vào bất cứ một nơi hay sự vật nào cả. Do vì Bồ tát an trụ tâm như vậy nên có thể tuy độ vô lượng chúng sanh mà vẫn không thấy có một chúng sanh để độ. Kinh gọi là hành Trung Đạo! Bồ tát do an trụ tâm trong Trung Đạo Thật Tướng, nên có thể bố thí Ba-la-mật, tức là cúng dường pháp cho hết thảy chúng sanh với tâm không: không thấy mình bố thí, không thấy người nhận bố thí và cũng không thấy vật bố thí. Do bố thí như vậy, nên Bố thí như vậy, nên Bố tát thành tựu vô lượng vô biên công đức trang nghiêm; vì thế kinh mới nói: “An trụ trong hết thảy pháp công đức.” Nói cho căn kẽ hơn, Bồ-tát do hành Trung Đạo nên có thể suốt ngày độ sanh mà suốt ngày cũng chẳng độ sanh, suốt ngày tiếp xúc với vạn duyên mà vẫn luôn nhất tâm không tịch, suốt ngày thực hành rốt ráo cả sáu độ Ba-la-mật “bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ” mà vẫn luôn an trụ trong các tam muội bất sanh bất diệt, chẳng đánh mất định ý. Bồ-tát nơi cõi Cực Lạc do thực hành Lục độ vạn hạnh với trí tuệ Bát nhã như vậy, nên thường được chư Phật đồng thanh khen ngợi là: “Dù họ dù thường luôn thực hành rốt ráo Lục độ Ba-la-mật, mà lại vẫn thường an trú nơi Tam-ma-địa, không sinh không diệt, đi khắp đạo tràng, xa cảnh Nhị thừa.”

Thập-trụ Tỳ Bà Sa Luận bảo: “Nếu đắm trong địa vị Thanh văn và địa vị Bích-chi Phật thì gọi là Bồ-tát chết, là mất hết thảy cái lợi. Dù đọa vào địa ngục cũng chẳng sợ hãi đến thế. Nếu sa vào địa vị Nhị thừa thì là điều sợ hãi lớn.” Đấy đã nêu rõ ý nghĩa vì sao Bồ-tát cõi Cực Lạc dù đi khắp đạo tràng, mà vẫn xa lìa cảnh Nhị thừa, chẳng bị nhiễm trước bởi các pháp của hàng Thanh văn và Bích-chi Phật. Nói cách khác, tuy Bồ-tát hành quyền phương tiện, dạo khắp mười phương, diễn nói các pháp khác nhau thích ứng với căn cơ của từng mỗi chúng sanh, nhưng đối với những Chánh Hạnh đạo tràng, các Ngài chỉ nương theo một pháp Nhất thừa để rốt ráo đạt tới bờ kia, không có chút khuyết thiếu, cũng không lầm lạc, rơi vào các pháp của hàng Nhị thừa. Vì vậy, chư cổ đức mới thường dạy chúng ta “Nhất môn thâm nhập, trường kỳ huân tu” thì sẽ mau chóng đại ngộ, đắc quả Nhất thừa; đấy mới thật sự là “an trụ trong hết thảy pháp công đức.”

Bồ-tát cõi Cực Lạc chỉ chuyên tu pháp môn Niệm Phật Nhất thừa của A Di Đà Phật, nên thành tựu được công công đức chân thật, chẳng thể nào mà nói trọn hết cho nổi, nên được Thích Ca Mâu Ni Phật khen ngợi rằng: “Ta nay lược nói, cõi Cực Lạc kia, chỗ Bồ-tát sinh, chân thật công đức, thảy đều như thế. Nếu nói rộng ra, trăm ngàn vạn kiếp, cũng không cùng tận.” Còn những người tu xen tạp là do tâm còn nghi hoặc nơi giáo pháp mình đang tu, nên chẳng thể chân thật chuyên tu một môn niệm Phật Nhất thừa của A Di Đà Phật, tức là họ bị chìm đắm trong địa vị Thanh văn hay Bích-chi Phật, vẫn chưa thể rời xa cảnh Nhị thừa nên Thập-trụ Tỳ Bà Sa Luận gọi họ là Bồ-tát chết! Bồ tát chết thì làm sao có thể thành tựu hết thảy pháp công đức chứ?




Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có.