HomeIndex

Cách sử dụng

Từ điển này được chia làm hai phần, phần Việt ngữ và phần phụ bản ngoại ngữ, bao gồm các tiếng Phạn (sanskrit), Pā-li, Hoa, Nhật Bản, Tây Tạng, Anh. Chúng tôi đưa vào phần phụ lục ngoại ngữ vì muốn giúp người nghiên cứu Phật pháp bằng ngoại ngữ có thể nhân đây mà tìm ngược lại được tiếng Việt những thuật ngữ quan trọng, phổ biến. Mặt khác Phật tử tại Việt Nam có cơ hội làm quen với những ngôn ngữ mà hầu hết các kinh luận Phật giáo được ghi chép lại, đó là Pā-li và Phạn. Sau những chữ đầu in đen đậm, chúng tôi tìm cách giảng nghĩa những danh từ này với khả năng và tài liệu thu thập được và trong phần này, những danh từ được giảng nghĩa ở chỗ khác trong từ điển đều mang một liên kết (Hyperlink), ví dụ như Phật giáo. Những liên kết này sẽ hướng dẫn độc giả qua suốt từ điển này và chúng tôi hi vọng rằng, chúng sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn cấu trúc và nội dung được trình bày.

Những danh từ được dịch âm Hán việt được viết tiếp nối với nhau bằng gạch ngang, ví dụ như Thích-ca (śākya), Ba-la-mật-đa... Nhưng riêng những chữ dài như Prajñāpāramitā thì được viết là Bát-nhã Ba-la-mật-đa, chứ không liền nhau Bát-nhã-ba-la-mật-đa, Bồ-đề Đạt-ma (bodhidharma), thay vì Bồ-đề-đạt-ma để chúng dễ được đánh vần và cũng giữ được phần nào thẩm mĩ. Nếu đã có những danh từ dịch nghĩa thích hợp và phổ biến thì chúng tôi mạnh dạn sử dụng vì phần lớn chúng là những danh từ có một nghĩa nhất định, dễ nhớ, ví dụ như Đại Nhật Như Lai cho danh từ Phạn là (Mahā-)Vairocana-Tathāgata. Còn danh từ dịch theo âm Hán việt là Tì-lô-giá-na Như Lai thì chúng tôi thấy chẳng còn chút nào giống âm của nguyên ngữ. Giới hạn của danh từ dịch nghĩa là những từ phiên âm thông dụng, ví dụ như Trần-na (dignāga) thay vì dịch nghĩa là Vực Long, A-di-đà Phật thay vì Vô Lượng Quang hoặc Vô Lượng Thọ Phật. Nói chung, chúng tôi dựa theo cách sử dụng của các vị tiền bối trong những tác phẩm phổ biến. Cũng có nhiều danh từ chúng tôi không dịch vì không tìm ra danh từ tương ưng trong Hán việt. Trong trường hợp này chúng tôi để nguyên dạng ngoại ngữ rồi tìm cách giảng nghĩa. Nếu tìm được dạng phiên dịch (dịch nghĩa) thích hợp của các danh từ này thì chúng tôi bổ sung thêm sau. Riêng tên của chư vị Ma-ha Tất-đạt (mahāsiddha) - cũng được dịch nghĩa là Đại thành tựu giả - được viết theo lối cách âm, sửa đổi chút ít để có thể đọc được theo âm Việt, không theo Hán âm vì tên của các vị không được phổ biến rộng và vì vậy, chúng tôi không rõ cách dịch theo âm Hán việt như thế nào. Một vài tên đã được dịch ra âm Hán việt thì hoàn toàn không giống nguyên âm. Sau mỗi tên phiên âm chúng tôi đều để trong ngoặc nguyên ngữ Phạn để quí độc giả có thể tự nghiên cứu.