HomeIndex

Tịch Thiên (41)

寂 天; S: śāntideva; »Kẻ lười biếng«;

Tịch Thiên theo truyền thống 84 vị Tất-đạt của Ấn Ðộ và cũng là người viết Nhập bồ-đề hành luận.

Tịch Thiên là một vương tử được thụ giới Tỉ-kheo tại Ðại học Phật giáo Na-lan-đà. Trong lúc các bạn đồng học tập trung học tập thì Sư chỉ thích ngủ nghỉ, vì thế bạn bè khinh khi, đặt tên là »lười biếng« (s: bhusuku), có nghĩa người chỉ biết thực hiện ba việc: ăn, ngủ và bài tiết. Thời đó tại Na-lan-đà, các học viên thường phải đọc thuộc lòng Kinh điển trước đại chúng, lần đó đến lượt Tịch Thiên. Vị giáo thụ xem chừng Sư không thuộc bài, khuyên Sư nên ra khỏi Tăng-già, nhưng Sư không chịu. Tới ngày phải tụng đọc, Sư thành tâm cầu khẩn Bồ Tát Văn-thù giúp đỡ, quả nhiên Văn-thù hiện ra hứa giúp. Lúc Sư lên giảng đường tụng đọc, mọi người tề tựu đông đủ, kể cả nhà vua Thiên Hộ (s: devapāla), ai cũng nghĩ Sư sẽ bị một vố ê chề. Thế nhưng Sư đọc một bài kinh hoàn toàn mới, gồm có 10 chương, đó là tập Nhập bồ-đề hành luận (s: bodhicāryāvatāra) vô song, còn truyền đến ngày nay. Ðến chương thứ chín thì người Sư lơ lửng trên không, mọi người đều ngạc nhiên kinh hoàng. Sau đó không ai gọi Sư là »lười biếng« nữa mà đặt tên là »Pháp sư« Tịch Thiên, mời Sư làm Viện trưởng của Na-lan-đà.

Sau đó Sư rời Na-lan-đà ra đi không lời từ giã, lấy một thanh gỗ biến thành gươm và đi làm kiếm sĩ cho nhà vua xứ Ðô-ri-ki (s: dhokiri). Sau, Sư vào rừng ẩn cư và làm thợ săn. Bị nhiều người chê trách là đã tu mà còn giết hại sinh vật, Sư dùng thần thông làm chúng sống lại cả và bảo:

Con nai trên bàn ăn,

chưa hề sống, hề chết,

chẳng bao giờ vắng bóng.

Ðã không gì là Ngã,

sao lại có thợ săn

hay thịt của thú rừng?

Ôi, người đời đáng thương,

mà các ngươi lại gọi,

ta là người »lười biếng«!

Sư sống trên trăm năm và đưa nhiều người trở về chính pháp. Phật giáo Tây Tạng rất coi trọng Tịch Thiên, bộ Nhập bồ-đề hành luận là sách giáo khoa tại đó. Chứng đạo ca của Sư có những lời sau:

Trước ngày thật chứng ngộ,

ta biết nhiều hương vị,

trong khắp cõi luân hồi,

ta xa lánh đức Phật.

Tới lúc thật chứng rồi,

Sinh tử và Niết-bàn

hợp nhất thành Ðại lạc,

ta trở thành viên ngọc

sáng trong biển vô tận.