S: sarvabhakṣa; »Kẻ háo ăn«;
Một trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, có lẽ là đệ tử của Sa-ra-ha, sống trong khoảng cuối thế kỉ thứ 8, đầu thứ 9.
Ông là thần dân của vua Siṅgha-can-dra nước A-bi-ra (ābhira). Ông tham ăn, có cái bụng to như cái trống, cái gì cũng ăn được cả. Ngày nọ không kiếm ra gì để ăn, ông bị vào trong một hang động ngồi thở dốc. Ðạo sư Sa-ra-ha gặp ông hỏi han. Ông thú nhận nếu không ăn thì bụng như bị lửa đốt, cồn cào chịu không nổi. Sa-ra-ha nói nếu chút đói bụng mà không chịu được thì mai sau thành Ngạ quỉ sẽ như thế nào. Nghe xong, ông toát mồ hôi, cầu xin tu tập để thoát khổ đó. Sa-ra-ha cho ông nhập môn và dạy ông phép tu của »Kẻ lười biếng« (s: bhusuku) Tịch Thiên (s: śāntideva) như sau:
Hãy tưởng tượng ra rằng,
bụng: bầu trời trống rỗng,
lửa: hỏa tai kiếp nạn;
mọi hiện tượng trên đời,
là thức ăn thức uống,
và ăn hết vũ trụ.
Ông tinh cần tu tập, ăn mặt trời mặt trăng, nuốt luôn núi Tu-di. Lúc đó loài người bị mất ánh sáng mặt trời mặt trăng, họ kêu gào sợ hãi. Các vị Không hành nữ (s: ḍākinī) phải đến cầu cứu Sa-ra-ha. Sa-ra-ha dạy tiếp cho ông, hãy quán tưởng những gì nhai nuốt vào bụng là tính Không. Ông lại đạt tri kiến hiện tượng và tính Không là một, lúc đó mặt trời mặt trăng lại hiện, mọi người hò reo. Sau 15 năm, ông đạt Ðại thủ ấn tất-địa. Chứng đạo ca của ông như sau:
Vô minh, nhiều mùi vị,
Ðắc đạo, chỉ một thứ.
Ðối với kẻ phàm phu:
còn Niết-bàn, Sinh tử.
Khi đã chứng đắc rồi,
Một thanh tịnh duy nhất.