羅 睺 羅 ; S: rāhula; »Kẻ cải lão hoàn đồng«;
Một trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ. Trong lịch sử nước này có nhiều vị thánh tăng mang tên La-hầu-la, nên không rõ vị này sinh ở thời đại nào, có thể trong thời đại của Sa-ra-ha, thế kỉ thứ 8, 9.
Ông thuộc giai cấp thấp kém vùng Ka-ma-ru-pa (s: kāmarūpa). Ðến lúc già cả, ông không còn kiểm soát được các chức năng thân thể và khi bị bà con chê trách, ông rút lui sống trên một bãi thiêu xác. Một vị Du-già sư (yogin) đi ngang khuyên bảo: »Ngươi đã già; ba thác nước Sinh, Bệnh, Lão đã hủy hoại ông và Tử, thác thứ tư đang chuẩn bị đón ông, vậy ông có muốn chuẩn bị cho cái chết không?« Ông bèn cầu xin giáo hóa. Vị Du-già sư bèn hướng dẫn:
Tự tính của tâm thức,
vốn không già không chết.
Lòng tin, thật sự quí,
không bao giờ thuyên giảm.
Muốn tu học diệu pháp,
hãy sẵn sàng theo ta.
Vị Du-già sư cho ông nhập môn và dạy cho ông một Nghi quĩ: quán tưởng chân âm A nằm trên đầu mình, từ đó phát ra mặt trăng. Quán tưởng mọi tư duy, khái niệm đều tan trong mặt trăng đó. Với phép quán tưởng này khái niệm về khách thể-chủ thể biến mất dần, nhường chỗ cho tâm Bất nhị chảy vào thân ông, biến thân ông già thành thiếu niên mười sáu tuổi. Ông đạt quả Ðại thủ ấn tất-địa và giáo hóa cho dân vùng này. Chứng đạo ca của ông như sau:
La-hầu, thần đầu rồng,
đã ăn hết ánh trăng.
La-hầu, phi nhị nguyên,
của mọi vô biên xứ,
ăn hết tâm phân biệt.
(La-hầu [s: rāhu] ở đây tượng trưng cho Pháp thân tỉnh giác, có hình đầu rồng, ăn mặt trăng mặt trời).