面 壁; J: menpeki; là »quay mặt nhìn tường«.
Danh từ chỉ Bồ-đề Ðạt-ma ngồi thiền đối tường chín năm tại chùa Thiếu Lâm. Vì vậy mà danh từ Diện bích trở thành đồng nghĩa với Tọa thiền. Trong tông Tào Ðộng tại Nhật, các thiền sinh thường xoay mặt vào tường ngồi thiền trong khi các vị thuộc tông Lâm Tế lại xoay mặt vào khu chính giữa của thiền đường. Trong nhiều bức tranh trình bày Bồ-đề Ðạt-ma, người ta thường vẽ Ngài xoay mặt vào một bức tường đá tọa thiền.
«Diện bích« không chỉ là yếu tố, điều kiện bên ngoài của việc tu tập thiền định – trong một ý nghĩa thâm sâu khác thì nó mô tả tâm trạng của một hành giả tham thiền. Vị này một mặt muốn tiến bước trên con đường tu tập để đạt giác ngộ, mặt khác lại bị đoạt hết những phương pháp hỗ trợ, những khái niệm về đường đi và mục đích trong khi tu thiền và vì vậy phải đứng trước một tình trạng »tiến thoái lưỡng nan«, không thể tiến lên một bước như đứng trước một bức tường vĩ đại. Tâm trạng này và sự tuyệt vọng phát sinh từ đây có thể là một yếu tố để thiền sinh xả bỏ tất cả những ý nghĩ, nguyện vọng, khái niệm và mục đích, hoát nhiên nhảy một bước phá vỡ bức tường nhị nguyên – phá vỡ ở đây có nghĩa là sự trực nhận rằng, bức tường này xưa nay chưa hề có.