HomeIndex

Vĩnh Minh Diên Thọ

永 明 延 壽 ; C: yòngmíng yánshòu; J: yōmyō enju; 904-975, cũng được gọi là Huệ Nhật Trí Giác;

Thiền sư Trung Quốc, thuộc tông Pháp Nhãn, nối pháp Quốc sư Thiên Thai Ðức Thiều. Tông Pháp Nhãn rất phồn thịnh dưới sự hoằng hóa của Sư. Học chúng đến rất đông – có lúc đến 2000 người để tham thiền. Sư có soạn bộ Tông kính lục (宗 鏡 錄) gồm một trăm quyển, được lưu truyền khá rộng trong giới thiền.

Sư họ Vương, quê ở Dư Hàng, mộ đạo từ nhỏ. Sư lúc nhỏ không ăn thịt cá, mỗi ngày chỉ ăn một bữa. Năm 28 tuổi, Sư được làm quan trấn ở Hoa Ðình và có dịp tiếp xúc với Thiền sư Thúy Nham Vĩnh Minh. Sư lễ Thúy Nham làm thầy, làm việc hằng ngày phục vụ chúng mà quên cả chức vụ quan tước của mình. Cơ duyên xuất gia của Sư cũng rất thú vị và thường được nhắc đến. Vì thương dân nên Sư trộm lấy tiền của vua mà phân phát cho người nghèo. Một vị quan khác biết được bèn tâu lại với vua. Nghe chuyện này vua rất ngạc nhiên vì ông cứ cho rằng Sư là người thuần lương, thành thật. Ðể răn chúng dân, vua ra lệnh xử trảm nhưng lại căn dặn vị quan là nếu Sư nhận lệnh mà an vui trầm tĩnh thì tha tội và đến trình vua. Quả thật như nhà vua tiên đoán, Sư không tỏ vẻ sợ hãi khi nghe tin này. Ðược vua hỏi vì sao, Sư trả lời: »Thần muốn từ quan, cống hiến cuộc đời cho tất cả chúng sinh, muốn xuất gia tu học Phật pháp với trọn tấm lòng.« Nghe như vậy, Sư được vua cho phép từ quan chức để xuất gia.

Lên núi Thiên Thai, Sư yết kiến Quốc sư Ðức Thiều và được thầm trao huyền chỉ. Quốc sư bảo: »Ngươi cùng Nguyên Soái có duyên, sau này sẽ làm hưng thịnh Phật pháp.«

Ban đầu Sư đến núi Tuyết Ðậu, Minh Châu hoằng hóa, học chúng đến rất đông. Niên hiệu Kiến Long (950), Trung Hiến Vương thỉnh Sư trụ trì ở núi Linh Ẩn. Năm sau lại thỉnh Sư về trụ trì đại đạo trường ở Vĩnh Minh. Nơi đây, học chúng tấp nập có đến hai ngàn người.

Có vị tăng ra hỏi: »Thế nào là diệu chỉ của Vĩnh Minh?« Sư đáp: »Lại thêm hương đi.« Tăng thưa: »Tạ thầy chỉ dạy.« Sư bảo: »Hãy mừng chớ giao thiệp.«

Sư làm bài kệ:

欲識永明旨。門前一湖水

日照光明生。風來波浪起

Dục thức Vĩnh Minh chỉ

Môn tiền nhất hồ thủy

Nhật chiếu quang minh sinh

Phong lai ba lãng khởi.

*Biết diệu chỉ Vĩnh Minh

Trước cửa nước một hồ

Trời soi ánh sáng dậy

Gió sang sóng mòi sinh.

Tăng hỏi: »Ðâu chẳng phải lìa thức tính riêng có chân tâm ư? Trường Sa (Cảnh Sầm) có kệ: ›Học đạo mà không hiểu lí chân, bởi tại lâu rồi nhận thức thần, gốc nguồn sinh tử vô thủy kiếp, người ngu lại gọi là chủ nhân.‹«

Sư đáp: »Như Lai Thế Tôn trên hội Thủ-lăng-nghiêm vì ngài A-nan-đà giản biệt rất rõ mà ngươi vẫn cố chẳng tin. Ngài A-nan lấy cái suy xét theo đuổi làm tâm, bị Phật quở đó. Cái suy xét theo đuổi ấy là ›Thức‹ vậy. Nếu lấy cái biết pháp, theo tướng là Phiền não thì gọi thức, chẳng gọi tâm. Ý là nhớ, nhớ tưởng cảnh trước khởi vọng đều là vọng thức, chẳng can gì về việc của tâm. Tâm chẳng phải có không, có không chẳng nhiễm. Tâm chẳng phải cấu tịnh, cấu tịnh chẳng nhơ. Cho đến mê ngộ phàm thánh đi đứng ngồi nằm đều là vọng thức, chẳng phải tâm vậy. Tâm xưa nay chẳng sinh, nay cũng chẳng diệt. Nếu biết tâm mình như thế, đối chư Phật cũng vậy. Cho nên Duy-ma-cật nói ›Trực tâm là đạo trường‹ vì không có hư giả vậy.«

Niên hiệu Khai Bảo năm thứ tám (975), tháng chạp, Sư có chút bệnh. Buổi sáng ngày 26, Sư thắp hương từ biệt chúng rồi ngồi kết già thị tịch, thọ 72 tuổi, 42 tuổi hạ.