圓 照 ; 999-1090
Thiền sư Việt Nam, thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông đời thứ 7. Sư kế thừa Thiền sư Ðịnh Hương và là thầy của Quốc sư Thông Biện.
Sư tên Mai Trực, quê ở Phúc Ðường, Long Ðàm, là con của người anh của bà Linh Thái Hậu, vợ vua Lí Thái Tông. Thuở nhỏ, Sư rất thông minh và hiếu học. Một hôm, Sư đến chùa Mật Nghiêm nhờ một vị Trưởng lão xem số. Vị này bảo: »Ngươi có duyên với Phật pháp, nếu xuất gia sẽ là vị Bồ Tát, bằng không thì việc thọ yểu khó giữ.«
Cảm ngộ lời khuyên này, Sư đến ấp Tiêu Sơn thụ giáo với Thiền sư Ðịnh Hương và được truyền tâm ấn. Sư chuyên trì kinh Viên giác và có nhiều điềm linh ứng xảy ra.
Sau, Sư đến kinh đô Thăng Long lập một ngôi chùa để hiệu là Cát Tường. Học giả đến tham vấn rất đông. Sư có soạn một bài thích luận với tên Dược Sư thập nhị nguyện văn, vua Lí Nhân Tông truyền sứ giả mang sang Trung Quốc trình vua Tống Triết Tông. Vua Tống trao cho những vị cao tăng ở đây xem. Xem xong, các vị bảo: »Ðây là nhục thân Bồ Tát ra đời ở phương Nam, giảng giải kinh nghĩa rất tinh vi, chúng tôi đâu dám thêm bớt chữ nào«. Sứ thần về kinh đô tâu lại, vua lại càng kính nể.
Tháng 9 niên hiệu Quảng Hựu thứ 6 đời vua Lí Nhân Tông, Sư gọi môn đồ vào dạy: »Trong thân ta đây, xương lóng gân mạch, tứ đại hòa hợp, ắt phải vô thường. Ví như ngôi nhà khi hoại, nóc mái, xà ngang đều rơi rớt. Tạm biệt các ngươi. Hãy nghe ta nói kệ:
身如牆壁已頹時。舉世匆匆熟不悲
若達心空無色相。色空隱顯任推移
Thân như tường bích dĩ đồi thì
Cử thế thông thông thục bất bi
Nhược đạt tâm không vô sắc tướng
Sắc không ẩn hiển nhậm thôi di.
*Thân như tường vách đã long lay
Ðau đâu người đời luống xót thay
Nếu đạt tâm không, không tướng sắc
Sắc, không ẩn hiện mặc vần xoay.«
Nói xong, Sư ngồi ngay thẳng thị tịch, thọ 92 tuổi, 56 tuổi hạ.
Sư có để lại các tác phẩm như: 1. Tán Viên giác kinh; 2. Thập nhị Bồ Tát hạnh tu chứng đạo trường; 3. Tham đồ hiển quyết.