HomeIndex

Niệt-gu-na-pa (57)

S: nirguṇapa; »Kẻ vô dụng giác ngộ«;

Một trong 84 vị Tất-đạt (siddha) Ấn Ðộ, có lẽ là đệ tử của Kan-ha-pa (s: kāṇhapa), sống trong thế kỉ thứ 10.

Niệt-gu-na-pa sinh trong một gia đình thuộc giai cấp thấp kém tại Pu-va-đê-sa (s: pūrvadeśa). Khi ông sinh ra cha mẹ rất vui mừng, nhưng chẳng bao lâu gia đình rất thất vọng vì ông là người ngớ ngẩn, không làm được gì cả. Ngày nọ, buồn quá, ông kiếm chỗ vắng vẻ ngoài chơi và tình cờ có một Du-già sư đi qua.Vị này khuyên ông tu tập, nhưng ông chỉ chịu thực hiện nếu phép tu này cho phép ông vừa nằm vừa tu! Thế mà vị Du-già sư vui lòng cho ông nhập môn và dạy phép quán Sắc với Không không hề rời nhau:

Người biết, vật được biết,

cả hai đều hư vọng.

Kẻ không biết điều này,

chỉ chuốc lấy khổ đau,

đáng thương thay cho họ.

Thế nhưng ngay khổ đau,

lại cũng chẳng có thật.

Khi tâm thức trở thành,

nguồn ánh sáng thanh tịnh.

Khi hiện tượng, tính Không,

không bao giờ lìa tách,

thì ngươi đạt tự tại,

vào xóm chợ thị thành,

như thánh nhân điên khùng.

Niệt-gu-na-pa nghe lời khai thị, lên đường khất thực, tu tập quán tưởng đến khi ông nhận thấy nhất thể của Sắc và Không chỉ là ánh sáng và đạt thánh quả. Mọi người hỏi ông là ai, ông nhìn thẳng vào mắt họ và khóc vì thương xót, họ nhìn thấy lòng từ bi trong mắt ông và cũng khóc theo. Còn những kẻ có căn cơ được ông nhận làm đệ tử. Thành đạo ca của ông như sau:

Lời dạy của Ðạo sư,

chỉ thẳng vào Trung đạo.

Lời dạy của Ðạo sư,

làm yên lành cảm thụ,

đang vùng vẫy trong tâm,

làm yên lành tư tưởng,

đang chồng chéo lẫn nhau.

Phép quán tưởng thiền định,

làm dịu mọi mâu thuẫn,

ta trở nên tỉnh giác,

hóa giải chúng dễ dàng.