HomeIndex

Kô-ki-li-pa (80)

S: kokilipa; »Thẩm mĩ gia tự phụ«;

Một trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, không rõ sống trong thế kỉ nào.

Ông là vua của nước Cham-bạt-na (s: campārṇa), sống xa hoa trong cung điện. Ngày nọ, lúc ông đang vui chơi thì một Du-già sư (yogin) đến xin khất thực. Ông cho vào và hỏi với giọng tự hào là đời sống ai có giá trị hơn. Vị Du-già sư liền bảo rằng, trẻ con mới cho rằng vua sướng, nhưng đối với bậc hiền nhân thì đời sống của vua là độc dược. Sau khi nghe vị này giáo hóa, nhà vua xin qui y, truyền ngôi cho con và xin được theo học. Vị này truyền cho ông năng lực của Cha-kra sam-va-ra tan-tra và dạy phép quán tưởng. Biết vua hay ngắm trời mây, lưu luyến tiếng chim Kô-ki-la (s: kokilā) và vườn xồi trong cung điện, Du-già sư nói:

Mây đen kéo đầy trời,

mưa tưới nuôi cây cối.

Tai ham mê tiếng hót,

tâm chạy theo khái niệm.

Thụ tưởng đầy chất độc,

sẽ kéo theo tức thì.

Ðó là đạo người điên.

Từ Tự tính của Tâm,

trống rỗng tựa không gian,

vang lên Âm và Không,

hai thứ không hề lìa.

Tâm dấy lên lạc thụ,

như mây kéo vô tận,

mây đó biến thành mưa,

tưới Tự tính sáng rực.

Rồi Năm trí kết thành,

chỉ đợi ngày hái quả.

Ðó là đạo người trí.

Nhà vua nghe lời giáo hóa và quán tưởng thiền định. Chỉ sáu tháng sau, ông đạt thánh quả. Người đời gọi ông là Kô-ki-li-pa, tên của loài chim mà ông dùng tiếng chim để quán tưởng. Bài kệ chứng đạo của ông như sau:

Không làm: lời khai thị,

Không dính: chứng thật đó.

Không trụ: phép thiền định

Không chứng: đích cao cả.