玄 沙 師 備 ; C: xuánshā shībèi; J: gensha shibi; 835-908;
Thiền sư Trung Quốc, một trong những môn đệ danh tiếng nhất của Tuyết Phong Nghĩa Tồn. Nối pháp của Sư có 13 vị – với La Hán Quế Sâm hàng đầu. Vị này lại là sư phụ của Thiền sư Pháp Nhãn Văn Ích, người sáng lập tông Pháp Nhãn. Cảnh Ðức truyền đăng lục ghi tên tông này là Huyền Sa tông. Bích nham lục (công án 22, 56, 88) và Vô môn quan (41) có ghi lại pháp ngữ của Sư.
Sư họ Tạ, quê ở huyện Mân, Phúc Châu. Sư chẳng biết chữ, không đọc được chữ khắc trên những đồng tiền thời đó. Sư rất thích câu cá, thường cắm một chiếc thuyền nhỏ trên sông Nam Ðài để câu. Bỗng một hôm, Sư phát tâm cầu giải thoát, dẹp bỏ thuyền câu, lên núi Phù Dung theo Thiền sư Linh Huấn xuất gia, sau đến chùa Khai Nguyên ở Dự Chương thụ giới cụ túc với Luật sư Ðạo Huyền. Sư tu theo hạnh Ðầu-đà, chỉ mặc áo gai đi giày cỏ, ăn vừa đủ sống, suốt ngày ngồi im lặng, tăng chúng thấy vậy đều kính phục. Nơi đây, Sư gặp Tuyết Phong. Mặc dù chỉ nhỏ hơn 13 tuổi và theo lí thì như huynh đệ trong đạo, nhưng Sư gần gũi kính thờ Tuyết Phong như thầy trò. Tuyết Phong lên núi Tượng Cốt hoằng hóa, Sư cùng theo góp sức đắc lực. Học giả bốn phương đến tấp nập. Trong một cuộc Hành cước xuất phát từ đây, Sư vấp chân vào đá đau điếng người, bỗng nhiên đại ngộ.
Sư ứng đối nhanh nhẹn phù hợp kinh điển. Những người huyền học các nơi chưa thông đều đến cầu Sư chỉ dạy. Tuyết Phong thường bảo: »Ðầu-đà Bị là người tái sinh!«
Sau, Sư từ giã Tuyết Phong xuống núi, thu nhận môn đệ tại Huyền Sa. Từ đây học chúng đến rất đông. Công án sau đây trong Bích nham lục ghi lại cách dạy thần tốc của Sư và Thiền sư Vân Môn Văn Yển, hai môn đệ kế thừa xuất sắc của Tuyết Phong:
Một hôm, Sư thượng đường dạy chúng: »Những bậc lão túc ở các nơi trọn nói tiếp vật lợi sinh, chợt gặp người ba thứ bệnh đến làm sao mà tiếp? Người bệnh mù thì đưa chùy, dựng Phất tử, họ lại chẳng thấy. Người bệnh điếc thì ngữ ngôn tam-muội, họ lại chẳng nghe. Người bị bệnh câm dạy y nói, lại nói chẳng được. Phải làm sao tiếp? Nếu tiếp không được người này thì Phật pháp chẳng linh nghiệm.«
Tăng đến hỏi Vân Môn. Vân Môn bảo: »Ông lễ bái đi« Tăng lễ bái xong đứng dậy. Vân Môn lấy cây gậy chận, tăng thối lui. Vân Môn bảo: »Ông không phải bệnh mù.« Lại bảo: »Ông đến gần đây.« Vị tăng đến gần. Vân Môn bảo: »Ông không phải bệnh điếc.« Vân Môn hỏi tiếp: »Hội chăng?« Tăng đáp: »Chẳng hội« Vân Môn bảo: »Ông không phải bệnh câm.« Tăng nhân đây có tỉnh.
Sư ứng cơ tiếp người 30 năm, người có mặt nghe giảng không dưới 800. Ðến đời Lương, niên hiệu Khai Bình năm thứ hai, ngày 27 tháng 11 năm Mậu Thìn, Sư thị tịch, thọ 74 tuổi, được 40 tuổi hạ.