慧 忠 上 士 ; 1230-1291
Một nhân vật lỗi lạc trong Phật giáo Việt Nam. Thượng sĩ tên thật là Trần Quốc Tung (1230-1291), con trai trưởng của An Sinh Vương Trần Liễu. Ông là anh ruột của Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn, anh của hoàng hậu Thiên Cảm. Thiên Cảm là vợ của vua Trần Thánh Tông và là mẹ của Trần Nhân Tông.
Thượng Sĩ có chí khí cao siêu, khí lượng thâm trầm, dung thần nhàn nhã. Từ nhỏ ông đã sùng mộ đạo Phật, lớn lên được cử trấn đất Hồng Lộ. Năm 1251, Trần Thái Tông phong ông tước hiệu Hưng Ninh Vương. Ông cùng em là Trần Hưng Ðạo tham gia kháng chiến ba lần chống quân Nguyên Mông. Ðó là lần thứ nhất 1257-1258, lần thứ hai năm 1258 và lần thứ ba 1287-1288. Qua những lần tham gia giữ nước, ông được thăng chức Tiết Ðộ sứ, nhưng từ quan về quê sống, xưng hiệu là Huệ Trung. Dù chỉ là Cư sĩ có gia đình, nhưng ông đã theo học Phật pháp với Thiền sư Tiêu Diêu, học trò của Thiền sư Ðại Ðăng và cư sĩ Ứng Thuận Vương. Nhờ thế ông trở thành một nhà Thiền học. Trần Thánh Tông tôn ông là sư huynh và ông cũng là thầy của Trần Nhân Tông.
Thượng Sĩ là người có bản lĩnh, không câu nệ giáo điều. Lần nọ, em gái là Thiên Cảm mời ông dùng cơm, có mặt của Trần Nhân Tông. Ông gắp thịt cá tự nhiên làm Thiên Cảm ngạc nhiên hỏi: »Anh tu thiền, ăn thịt cá sao thành Phật được?« Ông cười đáp: »Phật là Phật, anh là anh.« Trần Nhân Tông lần đó cũng thắc mắc, nhưng ngày sau có dịp, ông trả lời như sau (bản dịch của Nguyễn Lang):
無常諸法行。心疑罪便生
本來無一物。非種亦非萌
日日對境時。景景從心出
心境本來無。處處巴羅密
喫草亦喫肉。種生各所食
春來百草生。何處見罪福
Vô thường chư pháp hành
Tâm nghi tội tiện sinh
Bản lai vô nhất vật
Phi chủng diệc phi manh
Nhật nhật đối cảnh thời
Cảnh cảnh tòng tâm xuất
Tâm cảnh bản lai vô
Xứ xứ ba-la-mật
*Vạn pháp vô thường cả,
Tâm ngờ tội liền sinh.
Xưa nay không một vật,
Chẳng hạt chẳng mầm xanh.
Hằng ngày khi đối cảnh,
Cảnh đều do tâm sinh.
Tâm cảnh đều không tịch,
Khắp chốn tự viên thành.
Trần Nhân Tông nghe xong nhưng vẫn thắc mắc về chuyện tội phúc, hỏi »thế thì công phu giữ giới để làm gì«, Thượng Sĩ đọc tiếp các câu kệ (bản dịch của Nguyễn Lang):
持戒兼忍辱。招罪不招福
欲智無罪福。非持戒忍辱
如人上樹時。安中茲求危
如人不上樹。風月何所爲
Trì giới kiêm nhẫn nhục
Chiêu tội bất chiêu phúc
Dục tri vô tội phúc
Phi trì giới nhẫn nhục
Như nhân thượng thụ thời
An trung tư cầu nguy
Như nhân bất thượng thụ
Phong huyệt hà sở vi?
*Trì giới và nhẫn nhục,
Thêm tội chẳng được phúc.
Muốn siêu việt tội phúc,
Ðừng trì giới nhẫn nhục.
Như người khi leo cây,
Ðương yên tự chuốc nguy.
Nếu đừng leo cây nữa,
Trăng gió làm được gì?
Sau đó ông căn dặn Nhân Tông dừng nói những lời này ra cho kẻ sơ cơ biết.
Ngày 1 tháng 4 năm 1291, Thượng Sĩ cho kê giường ở Thiền đường tại Dưỡng Chân Trang, nằm xuôi nhắm mắt. Hầu cận khóc lóc, Thượng Sĩ mở mắt ngồi dậy quở »Sống chết là lẽ thường, sao lại luyến tiếc khóc than, làm náo động chân tính ta.« Nói xong, Thượng Sĩ tịch, thọ 62 tuổi.
Ông để lại rất nhiều thơ văn chỉ rõ kiến giải của một Thiền giả đắc đạo. Một trong những tác phẩm quan trọng là Huệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục do Thiền sư Pháp Loa biên soạn.