Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ]
Những ông Tây "rau muống" Kỳ cuối: Dạy dạo mưu sinh
__________Thế Anh 14/10/2007
Source : Tuổi Trẻ Online
Sáng sáng, cô Michiko đón xe buýt đi dạy
Ảnh: T.ANHTT - Người nước ngoài đến VN mưu sinh đủ màu da, lứa tuổi. Bên cạnh những ông Tây còn có nhiều phụ nữ châu Á đến VN sinh sống. Họ cũng giống nhiều người Việt, lam lũ mưu sinh qua ngày. Ở VN, họ tìm được niềm vui và hạnh phúc.
Cô Michiko bắt đầu một ngày làm việc của mình từ 5g sáng. Sau khi vội vàng ăn tô mì gói và chuẩn bị một ít thức ăn mang theo cho bữa trưa, cô đón xe buýt đến Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM khi sân trường chỉ mới lác đác một vài sinh viên. "Phải đi sớm mới có chỗ để ngồi dạy, đi trễ thì phải ra quán cà phê ngồi tốn tiền lắm", cô Michiko nói vậy.
"Bám trụ" lâu dài
Tính đến nay cô Michiko đã ở VN được hơn 10 năm. Mỗi lần nhớ lại "cái duyên" của mình với VN, cô chỉ cười: "Lần đầu tiên tôi đến VN là năm 1995, khi đó tôi đi du lịch cùng với mấy người bạn. Nói thật, lần đầu tiên đến VN ấn tượng trong tôi thật xấu. Chuyện bắt đầu từ một cuốc xích lô, chúng tôi đã ngã giá một giờ là 5 USD, nhưng đến khi đi về thì bị "chặt" tới 40 USD". Sau đó, Michiko quyết một mình trở lại VN để chứng minh mình không thể bị lừa lần thứ hai. Trong thời gian du lịch ở Mỹ Tho, cô đã kịp làm quen và kết thân với một gia đình ở miền sông nước. "Được sống với những con người chân chất ở nông thôn, những suy nghĩ trước đó về VN trong tôi dần xóa nhòa. Sau lần đó, mỗi khi nghĩ về VN, tôi có một cảm giác thật lạ. Trở lại Nhật vừa được hai tháng tôi đã thấy nhớ VN đến da diết", cô Michiko tâm sự.
Khi tình yêu đối với VN đã lớn và không thể cưỡng lại được, năm 2001 cô Michiko quyết định gói ghém đồ đạc qua VN để sống. "VN là nơi tôi cảm thấy dễ sống nhất đối với một người khuyết tật như tôi", cô nói. Với một cái chân bị tật và số tiền ít ỏi sau bao năm dành dụm, cô Michiko phải hết sức tằn tiện để có thể "bám trụ" được lâu dài. Cô mướn một căn phòng trọ rộng 10m2 với giá 500.000 đồng mỗi tháng ở quận 7 (TP.HCM) và tính toán chuyện sinh nhai. Nhờ bạn bè giới thiệu, cô bắt đầu có một vài học viên đến học tiếng Nhật, cô trở thành cô giáo dạy tiếng Nhật dạo từ đó.
Cô kể: "Lúc đầu tôi và học viên thường hẹn nhau ở quán cà phê để học, nhưng sau thấy tốn kém quá nên mới dẫn nhau về ngồi ở hành lang Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Người này chỉ người kia, dần rồi học viên ngày một đông. Mỗi học viên tôi dạy mỗi ngày một tiếng, mỗi tuần ba buổi, kể cả thứ bảy và chủ nhật. Học phí thì tùy theo khả năng của từng người, ai đi làm rồi đóng 150.000đ/tháng, ai chưa đi làm thì 100.000đ/tháng. Nhiều em cũng tội lắm, không đủ tiền để đóng thì tôi cũng chỉ nhận vài ba chục ngàn đồng lấy lệ".
Một chiếc cassette cũ bỏ túi, vài cuốn sách ngữ pháp tiếng Nhật, một cuốn từ điển tiếng Việt đã nhàu và vài lát bánh mì ăn trưa... Đó là hành trang mưu sinh hằng ngày của Michiko. Cô nói về cuộc sống hiện tại: "Mỗi tháng tôi cũng kiếm được 2-3 triệu đồng từ nghề dạy dạo này, cũng đủ để trang trải cuộc sống hằng ngày. Tuy không nhiều tiền nhưng thật sự tôi rất hạnh phúc khi được sống và làm việc ở VN".
Cứ vài năm cô lại về thăm Nhật Bản một lần. Để tiết kiệm, Michiko đi xe đò ra Hà Nội, từ Hà Nội lại đi xe lửa qua Trung Quốc, từ Trung Quốc đi tàu thủy về Nhật. "Mỗi chuyến đi như vậy phải mất cả tuần mới về đến Nhật, nhưng được cái rẻ lắm. Nếu đi máy bay tốn khoảng 15 triệu đồng thì đi đường bộ chỉ tốn khoảng 4 triệu đồng thôi. Vậy là đỡ tốn hơn 10 triệu, đủ để sống ở VN ba tháng rồi còn gì", cô Michiko tính toán.
Duyên phận với VN
Cô Michiko: "Chỉ khi đến VN, tôi mới tìm thấy hạnh phúc"
Ảnh: T.ANHTrong câu chuyện đời mình, cô Michiko luôn nhắc về quê hương mình với những kỷ niệm buồn. "Tôi đã không có duyên với Nhật Bản, chỉ khi đến VN tôi mới tìm thấy hạnh phúc", cô nói. Đưa ra những ngón tay bị cong quắp của mình, cô kể: "Lúc tôi sinh ra thì gia đình tôi nghèo lắm, đến cái ăn mà bố mẹ tôi cũng không lo nổi cho tôi. Do đói quá nên tôi cứ đưa tay lên gặm, riết rồi ngón nào cũng cong lại như bị tật vậy".
Bố Michiko vốn là một kiến trúc sư, công ty riêng của bố cô đang ăn nên làm ra thì bị bạn bè phản trắc. Sau khi công ty phá sản, cả bố mẹ cô đều rơi vào cảnh thất nghiệp, phải làm thuê làm mướn để sống qua ngày. Cô nhớ lại: "Đến năm tôi học lớp 3 thì mẹ tôi qua đời, còn bố thì ngày càng lún sâu vào nợ nần.
Để có tiền đi học, hằng ngày tôi phải dậy thật sớm để đi giao báo quanh vùng trong cái rét cắt da cắt thịt rồi mới tới trường". Khi mới vào cấp II, để có tiền tiếp tục ăn học, Michiko đã phải khai gian tuổi để được nhận vào làm một chân đóng gói tại công ty sản xuất ly chén, rồi đi phụ hồ, vác mướn.. Trước món nợ của bố ngày một lớn dần, tốt nghiệp phổ thông, Michiko không thể làm ngơ để vào đại học mà phải đi làm để kiếm tiền trả nợ. Đang trong cơn khốn khó thì tai nạn ập đến làm một chân của Michiko phải mang thương tật. Vốn đã gầy yếu nay lại mang thương tật, nhiều lúc Michiko nghĩ rằng đời mình đã đi vào ngõ cụt. Cha cô qua đời khi cô vừa bước qua tuổi 29. Và rồi cô đến VN, ở lại với nơi này.
"Tôi đã đi nhiều nước từ Âu qua Mỹ để tìm một nơi làm việc, nhưng VN lại là nơi tôi dừng lại, dù trước đó chưa bao giờ tôi nghĩ tới. Có lẽ là duyên phận! Dù VN còn nghèo nhưng là nơi thanh bình và nhiều tình thương mà một người khuyết tật như tôi cũng kiếm được hai bữa ăn một ngày và tìm thấy niềm vui", cô Michiko tâm sự.
THẾ ANH
Trở Về