Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang Chủ ]          [ Tác giả ]

 
Gặp gỡ toán học:
sân chơi thú vị bổ ích
Phanxipăng
Chương trình Gặp gỡ toán học tạo điều kiện thuận lợi
giúp học sinh chuyên toán từ nhiều tỉnh thành đến với nhau để
"học mà chơi, chơi mà học" trong tinh thần đoàn kết tương
thân tương ái. Đó cũng là nơi giáo viên cùng phụ huynh học sinh
thoải mái trao đổi ý kiến liên quan giáo dục. Nên phát
triển sân chơi thú vị bổ ích này với các khối học sinh chuyên
khác và đội tuyển học sinh giỏi các bộ môn khác trên toàn quốc:
văn, sử, địa, lý, hoá, sinh, tin, ngoại ngữ.
Làm sao tổ chức được những cuộc tập huấn chung vào mỗi niên khoá nhằm giúp các học sinh chuyên từ tất cả tỉnh thành của cả nước có cơ hội giao lưu, cọ xát, được nhiều nhà giáo nổi tiếng giảng dạy, lại được thăm viếng bao danh lam thắng cảnh của quê hương? Cuộc tập huấn chung ấy tất cộng sức mạnh của nhiều đơn vị về nhân lực lẫn vật lực, chắc chắn nhân rộng hiệu quả tích cực. Thế nhưng, điều hay ho kia chẳng dễ thực hiện vào thời gian trước đây vì hàng loạt lý do - trong đó có sự khó khăn về tài chính, phương tiện giao thông vận tải, nơi ngủ nghỉ và sinh hoạt, v.v.

Các năm 1995 - 1996, có 3 cuộc Gặp gỡ hữu nghị giữa đội tuyển toán của trường Phổ thông Năng khiếu (trực thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM) với đội tuyển toán của trường Lê Hồng Phong tại TP.HCM. Hoạt động đó đã giúp ý tưởng trên manh nha trong lòng một số giáo viên giàu tâm huyết. Giai đoạn 1996 - 2001, đội tuyển toán của trường Phổ thông Năng khiếu mỗi năm đều tập trung 10 ngày nơi trang trại của gia đình TS. Lê Bá Khánh Trình ở huyện Hóc Môn, càng khiến những người gắn bó với sự nghiệp giáo dục suy nghĩ phương án thực hiện cuộc tập huấn chung.

TS. Trần Nam Dũng - từng là học sinh chuyên toán trường Trung học Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng đã đoạt huy chương bạc Olympic toán quốc tế (International Mathematical Olympiad: IMO) năm 1983 tại Paris, thủ đô nước Pháp, rồi sang Nga làm sinh viên và nghiên cứu sinh tại Đại học Tổng hợp Matxkva mang tên Lomonosov (Moskovskij Gosudarstvennyj Universitet: MGU), nay giảng dạy tại khoa Toán trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM và trường Phổ thông năng khiếu - trao tặng tôi bộ sách Tài liệu giáo khoa chuyên toán 10 gồm 4 quyển mà anh góp công biên soạn (NXB Giáo Dục Việt Nam, 2009), đoạn nói:

- Lường trước rằng không dễ dàng gì khi thực hiện cuộc tập huấn chung nên chúng tôi chuẩn bị dần từng bước. Từ năm 2008, được các tỉnh thành gần xa mời giảng dạy, chúng tôi đều tuyên truyền về chương trình Gặp gỡ toán học. Khi đã nhận được khá nhiều sự ủng hộ, chúng tôi mạnh dạn tổ chức Gặp gỡ toán học lần I vào tháng 1-2010.

Cuộc Gặp gỡ toán học lần đầu diễn ra từ ngày 25 đến ngày 31-1-2010, thu hút 45 học sinh chuyên toán từ 8 trường Phổ thông Năng khiếu, Trung học Thực hành (trực thuộc Đại học Sư phạm TP.HCM), Lê Hồng Phong (TP.HCM), Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), Lương Thế Vinh (Đồng Nai), Lương Văn Chánh (Phú Yên), Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long), Lý Tự Trọng (Cần Thơ) tập trung ở Nhà khách công vụ Đại học Quốc gia TP.HCM. Lực lượng giảng dạy Gặp gỡ toán học lần I gồm GS.TSKH. Ngô Việt Trung (Viện trưởng Viện Toán học), GS.TSKH. Nguyễn Văn Mậu (Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội), TS. Lê Bá Khánh Trình (Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM), TS. Trần Nam Dũng, ThS. Nguyễn Thanh Dũng (Phổ thông năng khiếu), ThS. Nguyễn Trọng Tuấn (Phổ thông năng khiếu). Không chỉ hăng say rèn luyện đại số, số học, hình học, giải tích, tổ hợp, các học sinh Gặp gỡ toán học lần I còn cùng nhau vui vẻ viếng thăm Đại học Quốc gia TP.HCM và tham quan khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến ở thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Thật vui mừng là trong số 45 thành viên tham dự Gặp gỡ toán học lần đầu, có những người sau đó thi đạt giải học sinh giỏi môn toán cấp quốc gia và quốc tế. Chẳng hạn Nguyễn Thị Thanh Hoà (Đồng Nai), Nguyễn Thế Kỷ Cương, Đào Mạnh Khang, Nguyễn Mạnh Tiến, Nguyễn Tiến Trình (TP.HCM) đạt giải ba; Phạm Yofi (Cần Thơ), Phạm Minh Khoa (Đồng Nai), Phạm Trung Hiếu, Từ Nguyễn Thái Sơn (TP.HCM) đạt giải khuyến khích. Đặc biệt, Trần Thái Hưng (lớp 11 trường Trung học Thực hành của Đại học Sư phạm TP.HCM) đạt giải nhì học sinh giỏi toán quốc gia, rồi đạt huy chương bạc IMO được tổ chức ở Kazakhstan.

Cuộc Gặp gỡ toán học lần thứ nhì diễn ra từ ngày 16 đến ngày 22-8-2010, thu hút 54 học sinh chuyên toán từ 8 trường Phổ thông Năng khiếu, Trung học Thực hành, Lê Hồng Phong (TP.HCM), Lương Thế Vinh (Đồng Nai), Lý Tự Trọng (Cần Thơ), Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam), Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) và THPT chuyên Quảng Bình tập trung ở trường THCS & THPT Âu Lạc tại quận Gò Vấp, TP.HCM. Lực lượng giảng dạy Gặp gỡ toán học lần II gồm TS. Nguyễn Chu Gia Vượng (Viện Toán học), TS. Nguyễn Thành Nam (Tổng Giám đốc Công ty FPT), TS. Lê Bá Khánh Trình, TS. Trần Nam Dũng, ThS. Nguyễn Trọng Tuấn, ThS. Trần Vĩnh Hưng (Nghiên cứu sinh tiến sĩ toán tại Đại học Berkeley, Hoa Kỳ). Viện sĩ lão thành Yuri Vladimirnovic Egorov từ Nga sang Việt Nam đã dành thời gian nói chuyện với các thành viên Gặp gỡ toán học lần II. Ông tươi tắn truyền "bí quyết":

- Muốn giỏi toán, rất cần thường xuyên thực hành tốt ngoại ngữ và thể dục thể thao.

Các học sinh Gặp gỡ toán học lần II đã dành 2 buổi chiều chơi thể thao tuỳ thích, và trọn ngày sinh hoạt tập thể đầy hứng thú trong khu du lịch sinh thái được tạo lập xinh xắn quanh thác Giang Điền ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Ngày thứ sáu 20-8-2010 ấy, mọi người hào hứng bàn thảo về đôi tin mừng. Tin mừng 1: Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010 - 2020 được Chính phủ phê duyệt với tổng kinh phí đầu tư 651 tỉ đồng với mục tiêu phát triển nền toán học Việt Nam mạnh mẽ về nghiên cứu, ứng dụng và giảng dạy. Tin mừng 2: GS.TSKH. Ngô Bảo Châu là nhà toán học đầu tiên của Việt Nam vừa đoạt giải Fields.

TS. Trần Nam Dũng kể:
- Chiều qua, 19-8-2010, các thành viên Gặp gỡ toán học lần II đang học thì tạm dừng. Tivi trong hội trường bật sáng: lễ trao giải Fields tại tại Trung tâm hội nghị quốc tế TP. Hyderabad, Ấn Độ. Lúc cái tên Ngô Bảo Châu được xướng lên, rồi anh ấy nhận huy chương vàng từ tay nữ tổng thống Ấn là bà Shrimati Pratibha Patil, tất cả học sinh đều cảm động lắm.

TS. Lê Bá Khánh Trình nhận xét:
- TS. Trần Nam Dũng suốt thời gian dài suy nghĩ, vận động, liên hệ, nay năng nổ thực hiện được 2 cuộc Gặp gỡ toán học không dựa vào kinh phí Nhà nước, rất đáng khích lệ. Với phương châm "học mà chơi, chơi mà học", Gặp gỡ toán học là hoạt động vui vẻ và hữu ích với học sinh chuyên toán, cần tiếp tục phát huy.

Cần thêm rằng "hành lang" Gặp gỡ toán học còn là chỗ mà giáo viên phụ trách các lớp chuyên toán tay bắt mặt mừng để trao đổi kinh nghiệm giảng huấn, cũng là nơi phụ huynh học sinh hội ngộ nhằm đúc rút hàng loạt "tuyệt chiêu" liên quan vấn đề nuôi dạy con và phối kết hợp giữa gia đình với nhà trường.

Theo tôi, bên cạnh Gặp gỡ toán học, chúng ta còn cần Gặp gỡ văn học, Gặp gỡ tin học, Gặp gỡ lịch sử, Gặp gỡ địa lý, Gặp gỡ vật lý, Gặp gỡ hoá học, Gặp gỡ sinh vật, Gặp gỡ ngoại ngữ mỗi niên khoá nhằm giúp học sinh giỏi (cùng phụ huynh lẫn giáo viên) các bộ môn khác có điều kiện du lịch, giao lưu, rèn luyện chuyên môn với các giảng viên uy tín. Ban tổ chức Gặp gỡ nên sớm kiện toàn lực lượng, chu đáo vạch kế hoạch chung cũng như từng bộ môn. Chương trình Gặp gỡ rất cần sự hưởng ứng của các trường THPT chuyên hoặc có lớp chuyên và đội tuyển học sinh giỏi ở mọi tỉnh thành khắp cả nước.

Phanxipăng
Đã đăng Thế Giới Mới 899 (30-8-2010)



- Gặp gỡ toán học lần I vào tháng 1-2010

- Gặp gỡ toán học lần II vào tháng 8-2010. Đây là chuyến dạo chơi thác Giang Điền ở Đồng Nai.

Ảnh: Phanxipăng