Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]            [ Tác giả ]
Người Việt-Nam 
Ở Nước Ngoài 
"Tập họp tuổi trẻ lên đường"


*****

LTG. - Kể từ ngày lễ Lao-Động quốc tế 1-5-2014 nầy, đất nước ta bắt đầu phải đối phó với nguy cơ bị ngoại bang xâm lấn chủ quyền của dân tộc. Hàng hàng, lớp lớp đồng bào ở trong và ngoài nước đã cùng nhau chung sức, chung lòng nhất tề đứng lên thể hiện tấm lòng yêu nước của mình.
An-Tiêm MAI-LÝ-CANG
(Paris 10-05-2014)
Chim Việt đậu cành Nam

...Còn bây giờ thì người ta có thể nói, thời đại sao Hỏa hôm nay là thời đại của hầu hết mọi lứa tuổi trẻ hăng say có đầu óc mạo hiểm phiêu lưu, và sớm có ý thức tinh thần xông pha dấn thân nhập cuộc.

Nói chung về mọi mặt, tuổi trẻ bồng bột hiên ngang dồi dào sinh lực sẽ sẵn sàng hi sinh để đứng lên bảo vệ mọi phúc lợi đem về cho xã hội con người. Và nếu cần, tuổi trẻ sẽ biết tận dụng hết tất cả mọi khả năng hầu để dấy lên được ngọn sóng thần với mưu toan vượt qua chướng ngại, chuyển xoay tình huống. Bên cạnh đó, là trong bối cảnh thời đại văn minh tiến bộ vượt bực của khoa học không gian đã có đạt được những bước tiến bộ ngoạn mục, thì thêm một lần nữa, người ta cũng đã hiểu ra rằng bây giờ là thời kỳ mà con người biết tự mình có thể chấp cánh bay xa chớ không còn chạy bộ dính liền giữa đôi chân và mặt đất.

Trong tinh thần đó, người ta cần nên theo dõi mọi sự khám phá của các nhà thiên văn thưòng cho biết trong mỗi ngày trên dãy ngân hà nầy, nếu có một ngôi sao tắt thì cũng đã có nhiều ngôi sao mới vừa xuất hiện sáng chói ở bầu trời vũ trụ. Trên thế gian của loài người cũng vậy, con số người được sinh ra càng ngày càng nhiều hơn là con số tử vong. Kể cả trường hợp của các loài cỏ cây hoa lá, nếu không bị sức tiến của con người tàn phá, thì cõi hành tinh từ hằng triệu năm qua cũng đã bị tình trạng rừng rậm xâm thực phủ dầy. Và trái đất to bự ngày xưa, thì nay cũng đã lần hồi bị thu hẹp lại do tình trạng nhân mãn quá tải của con người tranh nhau tìm đất sống! Chính vì vậy mà thực tế bây giờ không ai còn có thể nói một cách chắc nịt, là cuộc sống tương lai của mình sẽ vĩnh viễn định cư ở trong một ngõ hẹp nào.

Như trường hợp của dân ta mới ngày nào từ ở Động-Đình-Hồ, vì bị nạn ngoại xâm phương Bắc mà phải đành lùi dần về phía phương Nam để bảo vệ sự sinh tồn, thay vì vô phước phải chịu cảnh đồng hóa như các lân bang quanh vùng ảnh hưởng của bá quyền Hán tộc. Do vậy, ngày xưa khi xa quê huơng thì tổ tiên ta đã phải cam chịu bao cảnh xót xa đau khổ biết bao lần, y hệt như là tâm trạng hoàn cảnh của cộng đồng Người Việt-Nam Ở Nước Ngoài của chúng ta hôm nay cũng vậy. Tuy nhiên, nếu nói thực tế về sự khác biệt giữa hai khoảng cách không gian quá xa xôi, thì thời đại văn minh bây giờ giúp cho người ta thấy mình có nhiều cơ hội lợi thế hơn về mọi mặt, để nếu muốn mưu toan dự phóng hành động vào trong bất cứ lãnh vực nào. Do vậy, uớc mơ trước hết của bất cứ người Việt-Nam nào bây giờ đang ở nước ngoài mà không muốn cho cộng đồng mình có được một hình ảnh tốt đẹp, khởi sắc, hầu để cùng nhau gắn bó nghĩa tình dân tộc một cách thủy chung khi tất cả cùng chung sống bên nhau ở đất khách quê người.

Và dẫu cho trong thế hệ vài đời người tuy ngắn thật, song theo với tốc độ vận hành khoa học của thời gian thì người ta cũng đã sưu tầm thấy có xảy ra biết bao nhiêu chuyện biến thiên như nào là vật đổi sao dời, nào là phế tích của những nền văn minh hủy hoại. Và nếu người ta biết sáng suốt hơn để gạt bỏ ra ngoài những quan niệm trừu tượng, phi lý thì cuộc đời nầy sẽ không bao giờ có giá trị vĩnh hằng. Còn lại, chỉ có tinh anh của con người mới đáng thực là trân trọng. Do vậy, cho nên nếu từ lâu có người nói rằng sắc thái của dân tộc ta không bén nhạy vì vốn không có đầu óc phiêu lưu, mạo hiểm như các dân tộc văn minh khác nhờ có yếu tố đại dương, thì quả thật là khe khắt! Tại sao người ta không thực tế để dựng lên những tấm gương của các quốc gia cũng có hoàn cảnh địa dư ven biển khác, cũng ở gần đường xích đạo, để nhìn thấy và phân tích quá trình mở mang tiến hóa của loài người phát triển tùy vùng và tùy thời đại.

Chính nền văn minh ở Địa-Trung-Hải, ở Trung-Đông đã có tác dụng ảnh hưởng vào văn minh Âu-Mỹ. Cũng như trước khi Nhật-Bản vươn mình cất cánh, tiếp cận với kỹ thuật khoa học hiện đại phương Tây, thì ở tại Á-Châu cũng đã có những nền văn minh lớn như Ấn-Độ, Trung-Quốc. Còn Việt-Nam của chúng ta tuy có yếu tố địa dư bể cả, nhưng lại bị định mệnh quá phũ phàng vì phải lo chinh chiến triền miên với nạn ngoại xâm. Ở đây, chúng ta không có tinh thần tự ti mặc cảm để khẳng định lại, là một tập thể trí não của người Việt không thể là một tập thể trí não của người Hà-Lan, Thụy-Sĩ, lại càng không phải là một tập thể trí não của người Nhật-Bản, Do-Thái v.v. Nói cho công bằng, thực tế trước mắt là chúng ta hãy thử đem ra các nguyên nhân hậu quả về những yếu tố chủng tử di truyền ở trên nước Mỹ. Và sau đó, thử nhìn vào mà so sánh giữa bộ óc của tập thể da đen với da trắng, để đánh giá sự sai biệt của thiên nhiên khi vô tình cấu tạo nên hình hài cơ thể của từng chủng tộc loài người.

Dẫu sao, sự kiện có lắm kẻ phiền muộn tự vấn trong hàng ngũ của cộng đồng từ lâu cho là đã từng có nhiều bước tiến thành công ngoạn mục. Nhưng cho đến hôm nay, vẫn chưa thấy xuất hiện ra bóng dáng của những con người hiền khả kính để quy tụ tình người ly hương về cùng một mối?

Nếu những ai còn nhiệt tình phân vân điều đó, thì tại sao không chịu thành tâm mà suy nghĩ lại. Là cả đất nước của chúng ta từ thuở bắt đầu dựng nên sự tích "Hùng Vương" tới lúc hưng thịnh, hùng cường với bản tuyên ngôn độc lập "Nam quốc sơn hà Nam đế cư", tới lúc trống kèn thúc quân, hò hét vang trời đằng đằng sát khí của "Hịch Tướng Sĩ", tới lúc đánh thức tinh thần quật khởi với lời hiệu triệu oai phong, lẫm liệt của "Bình Ngô Đại Cáo". Và cho đến thời kỳ chính thức khai sinh ra quốc hiệu "Việt-Nam"muôn thuở, thì cũng chỉ mới đếm được trên đầu ngón tay có những vị minh chủ vẹn toàn đức độ, trí dũng song toàn đã từng làm cho ngoại bang phải kinh hồn vỡ mật. Và những chứng tích của trụ đồng Đông-Hán nào ai còn tìm thấy ngoài hình ảnh oanh liệt phi thường của những vị anh hùng tài giỏi binh thư, câu thơ yên ngựa tuốt gươm thiêng đánh đuổi giặc xâm lăng v.v.

Trái lại, còn về phần cộng đồng của chúng ta thì đại đa số đã xa xứ chỉ có mấy thập niên qua mà lại phải đa đoan nhiều công việc quá nhọc nhằn. Và cũng từ do ở sự kiện hoàn cảnh nầy, mà khiến cho chúng ta phải bùi ngùi hồi tưởng lại thương cho hình ảnh thân phận của tổ tiên dân tộc mình bé nhỏ khi xưa, đã phải lùi dần gót chân trước đường tiến quân hung hăng của kẻ địch, để mong sao bảo vệ được sự sinh tồn cho nòi giống.

Cộng đồng Người Việt-Nam Ở Nước Ngoài của chúng ta hôm nay cũng vậy. Đứng trước chân trời mở rộng tương lai quá ngỡ ngàng, sau cơn giông tố bão bùng lo sợ, chúng ta đã khẳng định lại được hướng đi gập ghềnh trên sỏi đá, có lắm khi mỏi mệt mà không tìm được một phút nghỉ ngơi. Chướng ngại vật được nhìn thấy rõ đó là lòng ích kỷ, đứng trước ranh giới chấp mê mà không tìm được lối thoát ra, đôi khi, còn ỷ lại trông chờ vào yếu tố cứu trợ của thời gian chín muồi. Hi vọng rằng thế hệ cộng đồng kiều bào hải ngoại mai sau sẽ phất cao hơn ngọn cờ dân tộc, làm nên được những cái gì xứng đáng hơn là thế hệ của cha anh, chỉ có khả năng làm thân phận lót đường cho tương lai tuổi trẻ.

Mến yêu cộng đồng chân thành, chúng ta nên cùng nhau thực thà tâm niệm nghĩ suy như vậy để đừng ngủ quên trên vật chất giả tạo, xa hoa có sức hút muôn ngàn cám dỗ. Hãy tìm cách hiến dâng cho cộng đồng có thêm nhiều danh dự hương thơm, để tự chuộc lại mọi thiếu sót về nghĩa vụ cũng như lỗi lầm nếu có của những đứa con dân tộc. Những đứa con bất hạnh nầy ngày nay không có nhiều may mắn sống trong lòng đất quê hương, để cùng với đồng bào ruột thịt chia sẻ những nỗi vui buồn xứ sở. Và cũng để còn được bao năm mấy thuở, hướng mắt về quê cũ nhìn lại hình ảnh thân thương của người mẹ hiền ôm ru con bên tiếng võng trưa kẽo kẹt giữa mùa hè:

À ơi!...

Gió Động-Đình mẹ ru con ngủ

Trăng Tiền-Đường ấp ủ năm canh

Tiết trời Thu lạnh lành lanh

Cỏ cây khóc Hạ , hoa cành thương Đông

Bống bồng bông, bống bồng bông

Võng đào mẹ bế con Rồng cháu Tiên…

Niềm kiêu hãnh hoành tráng đó đã được đặt vào trong tương lai, mà hôm nay, tất cả bộ phận thành viên trong cộng đồng của chúng ta đều thành người. Tuy sống ở phương xa, mà tâm hồn lúc nào cũng có ý thức trở về nguồn với tấm lòng thành tâm vọng quốc. Trong cơn mê, chúng ta nhìn thấy dạng bóng quê hương bên làng xưa phố cũ. Ôi! Thương biết mấy khi nhớ lạì hình ảnh người mẹ gầy đau khổ bệnh hoạn, chiếc áo rách vai màu mốc của người cha vất vả ướt đẫm mồ hôi v.v. Đất nước của chúng ta tuy có núi cao, đồng rộng, sông dài, bể cả mênh mông song định mệnh của dân tộc thì thật là oái oăm, khắc nghiệt. Nhưng cổ nhân ta thường nói: - Gia bần tri hiếu tử (Nhà nghèo mới biết con hiếu thảo). Vậy thì có lẽ nào chúng ta lại toại nguyện với cuộc đời trong nệm ấm, chăn êm nơi đất khách, mà sớm vội quên đi hậu quả rỉ máu của những vết thương chiến tranh xứ sở hãy còn tồn tại gieo nhiều đau khổ cho dân lành?

Và bây giờ, mỗi khi đứng trước bàn thờ tổ quốc hướng về hồn thiêng sông núi nước nhà, thì trước phút trang nghiêm đốt nén hương trầm cầu nguyện cho thanh bình, hạnh phúc dân tộc, thì chúng ta hãy trân trọng cùng nhau có những lời thề cao quý mang ý nghĩa giá trị thủy chung, cao thượng của tình huynh đệ kết đoàn. Và có tinh thần vô địch, hi sinh để xác định lại khả năng, tư thế của cá nhân mà tích cực đóng góp ít nhiều vào cho phúc lợi của xã hội cộng đồng dân tộc.

Hãy dọn đường cho tuổi trẻ hiên ngang chí lớn tiến lên như đoàn quân dũng mãnh, hăng hái xông pha ra trận mạc, mà chúng ta thuộc thành phần thế hệ cha anh đã đến lúc cần phải biết tránh đường cho bước Voi đi. Chỉ có thế hệ trẻ mới có thể còn đủ điều kiện yếu tố thời gian để mưu cầu nghiệp cả, và chính họ mới là người cần phải được trang bị cho những bản nhạc hành khúc để lên đường. Chối bỏ mọi sự đào thải già nua, bất lực của chính mình và xem thường khả năng của thế hệ mầm non thiếu được sự hướng dẫn đầy đủ đó, thì tức là chúng ta đã vô tình tiếp tay cho ngoại cảnh xã hội thui chột cạn mòn tiềm lực của giống nòi trên xứ lạ.

Sau cùng, tác giả ân cần gói gọn mấy lời tâm sự cùng những người bạn trẻ mến yêu! Là các bạn đừng quên, đã có rất ít nhân vật phi thường trở thành danh nhân, hào kiệt trên quê hương của chính mình. Trường hợp khi xưa như tướng quân Hàn-Tín thuở hàn vi cũng đã từng phải chịu nhục lòn trôn giữa chợ, để rồi sau đó chốn tha phương rạng mặt anh hùng. Hay bụt ở nhà không thiêng là những câu nói bao hàm nhiều ý nghĩa. Do vậy, cộng đồng hải ngoại của chúng ta sau nầy có thể tránh được những bước sẩy chân hay không là còn tùy thuộc vào mức độ nồng nàn thành khẩn phục thiện, cầu tiến học hỏi của mỗi cá nhân, để sáng suốt kịp thời khám phá nhận diện nhân tài mà tìm nhau hợp tác. Trong tinh thần đó, các bạn phải cố gắng tự chứng tỏ được sự trưởng thành của mình về tầm hiểu biết phổ thông đại chúng, để lột bỏ mọi cảm quan dị ứng mất bình tĩnh, thiếu sự suy nghĩ cân bằng dễ bị đưa vào trạng thái thụ động về phong độ. Các bạn phải thận trọng khi điều tra, nghiên cứu tài liệu lịch sử, và hãy cân nhắc, đắn đo tìm hiểu giá trị nhân cách vô tư chân chính của các tác giả, để khỏi bị vô tình lầm lạc vào trong những ý đồ cố tình giết sử của những con người viết sử. Và đó cũng chính là điều trăn trở nghĩ suy của đại đa số thành phần kiều bào từng là những chứng nhân nghiêm túc, am tường về sự hình thành cùng bối cảnh sinh hoạt tập thể trong thời kỳ cận đại, để công bằng trả lại sự thật về cho lịch sử của cộng đồng.

Hơn thế nữa, các bạn cần phải lưu tâm cụ thể phân biệt, là bản sắc cộng đồng Người Việt-Nam Ở Nước Ngoài hôm nay không còn là bản sắc của những con người Việt-Nam chính tông ở từ trong nước. Nó thực sự đã bị lai căng phá sản, trộn pha bởi những làn sóng bản sắc giao lưu và hợp lưu đượm ảnh hưởng của màu sắc tôn giáo, tập tục địa phương v.v và có nguy cơ mất gốc <1>. Nói gọn là bị đắm chìm vào nền văn hóa đa nguyên trong xã hội toàn cầu, có giá trị về mặt tinh thần đương đại trong xã hội duy lý của phương Tây, duy thần của Á-Rập, duy linh của Ấn-Độ và duy tâm của Trung-Quốc. Chính vì vậy mà các bạn có thể nghĩ ngay ra tới ở tương lai, dù muốn dù không, rồi đây cũng sẽ phải có một hình thức bản sắc biến thể để tạo thành nên bản sắc duy Việt cho kiều bào.

Đó cũng là điểm tựa cuối cùng, để cho bản sắc tinh thần của thiểu số cộng đồng Người Việt-Nam Ở Nước Ngoài còn có dịp được tồn tại bằng sự kết tinh do định mệnh vô tình của lịch sử.

Còn nữa, ước mong các bạn hãy xem mọi cặn bã của phú quý vinh hoa giữa đời gió bụi, vật chất phù du nầy như là những cái gì sẽ làm cho đau khổ con người, nếu không có được chen vào những tư tưởng thăng hoa giá trị của ý nghĩa tinh thần chuyển hoá tâm linh, đổi đời bằng cuộc sống an nhiên tự tại. Là những kẻ hậu sinh, mặc dù không có được diễm phúc, để vinh hạnh được chào đời trên mảnh đất tổ tiên của mẹ cha. Nhưng chắc chắn các bạn sẽ có dịp, được làm một thứ chứng nhân thời đại có giá trị hùng hồn thực tiển ở tại những xứ giàu có được coi như là văn minh lắm thế lực tiền tài, lúc nào cũng thừa khả năng để làm nên lịch sử cho các quốc gia nghèo khổ, chậm tiến. Và, hơn thế nữa, nói rộng thêm ra thì chúng ta phải thành thật cùng nhau cuối đầu đau đớn khi nhìn lại số phận hẩm hiu của những quốc gia nhược tiểu hiện nay trên thế giới, chỉ có quyền nói đến chuyện tự chủ, tự quyết dân tộc ở trên đầu môi chót lưỡi mà thôi.

Nhớ lại khi xưa lúc chiến cuộc Việt-Nam sắp tàn, thì tình hình chính trị nội bộ ở tại quốc gia bại trận Hoa-Kỳ cũng vẫn còn được hâm nóng lại bằng những tia hi vọng trong mưu đồ bá quyền kinh tế khác. Đó là hình ảnh sôi nổi trong phiên họp cuối cùng của Quốc-Hội Hoa-Kỳ quay sang bàn thảo về những quyết định về ngân sách chiến lược quân sự quốc phòng, đặc biệt có liên quan trực tiếp tới chiến tranh tại Việt-Nam đã xảy ra trước biến cố mùa Xuân lịch sử năm 1975. Và khi được các đại biểu lên diễn đàn chất vấn, tại sao cho tới giờ phút nầy mà chúng ta chưa chịu rút lui hẳn người Mỹ sau cùng ra khỏi miền Nam Việt-Nam. Ngay lập tức, thì người đứng đầu chính sách ngoại giao của họ, lúc bấy giờ, với tư cách là diễn giả điều trần đã ôn tồn giải thích trả lời công khai bằng với những ngôn từ thường xuyên tế nhị ở nghị trường: - Hãy chờ kết quả tổng hợp, công bố chính xác về các công trình thăm dò nghiên cứu khai thác giếng dầu ở ngoài khơi thềm lục địa của bán đảo Đông-Dương…

Và sau một thời gian cần thiết khá dài vừa đủ để chịu khó ra công đi tìm tòi nguồn tài nguyên quý báu ở dọc biển Đông, thì thực tế chỉ đưa đến cho họ một sự thất vọng. Lý do, vì bồn trầm tích mỏ dầu thuộc chủ quyền Việt-Nam khi đem so sánh với các khu vực khác thì quá nhỏ. Và được các chuyên gia ví như là hình ảnh của một giọt nước trong cái chậu to, cho nên không thể có đủ khả năng để khai thác ra thành tầmthương mại lớn.

Đó là một trong những lý do chính yếu, để cho Hoa-Kỳ thay đổi chiến lược toàn cầu ở vùng biển Thái-Bình và rút lui ra khỏi đất nước Việt-Nam.

Rút kinh nghiệm bài học lịch sử đã trôi qua, và hiện nay, đúng vào lúc mà các quốc gia hùng mạnh trên thế giới ngày càng bành trướng thế lực của mình sang qua bằng nhiều hình thức khác ở quanh vùng Đông-Nam-Á. Do vậy, mà Việt-Nam với vị trí địa dư lãnh hải đặc biệt, thì lúc nào cũng được coi như là đầu cầu chiến thuật của các siêu cường <2>. Nhất là, đúng lúc ở vào thời điểm bén nhạy có nhiều sự tranh chấp về thềm lục địa của hầu hết tất cả các quốc gia có chủ quyền - song song theo với mưu đồ ma giáo sâu độc lộng giả thành chân, mưa dầm thấm đất của bá quyền Trung-Quốc đang sai lầm khi đem ra áp dụng binh thư của thuở thời chiến quốcvới lá chiêu bài lãnh địa hóa đại dương. hô hoán biến một vùng ốc đảo bể khơi không tranh chấp trở thành có tranh chấp, để hòng muốn chiếm trọn hết tất cả các hải đảo ở biển Đông - sau khi ngang nhiên xua quân thôn tính toàn bộ quần đảo Hoàng-Sa năm 1974 và Gạc-Ma, Cô-Lin, Len-Đao ở Trường-Sa năm 1988. Và nay, năm 2014 lại hung hăng đem giàn khoan dầu xâm chiếm tài nguyên trên thềm lục địa của nước ta. Các hải đảo và thềm lục địa nầy, từ bao đời vốn là đất đai máu thịt trực thuộc chủ quyền của nước Việt-Nam đã chính thức có đầy đủ chứng tích lịch sử và cơ sở pháp lý quốc tế không thể tranh cãi <3>.

Tuy nhiên, hơn bao giờ hết, vì Việt-Nam chúng ta từng là một quốc gia nạn nhân của sự nô lệ dưới ách thế lực ngoại xâm bạo ngược song có ý chí quật cường, và những bài học ngàn xưa dành cho quân thù còn nhớ! Đó là lòng nhân nghĩa bao dung cao thượng của dân ta, sau khi chém đầu tướng giặc thì lại dựng bia thờ khí phách tinh anh vốn là hồn thiêng trân trọng của con người. Và người dân ta luôn luôn bao giờ cũng hết sức tự hào về quốc sách hữu hiệu bảo vệ non sông đất nước của tổ tiên đã biết uyển chuyển kiên trì, động viên khai thác tính ưu việt sức mạnh mềm của toàn thể quốc dân đồng bào để làm sức bật, để phát huy nội lực dùng làm khí thế tối hậu ứng phó trong cơn nguy biến. Vì thế cho nên, dân tộc ta bây giờ có truyền thống khát vọng yêu chuộng hòa bình, tự do, công lý. Và tôn trọng tinh thần hữu nghị, giao lưu hợp tác lâu bền cùng với hầu hết tất cả các quốc gia ở khắp bốn bể năm châu. Còn nói riêng về phần lập trường tập thể của cộng đồng Người Việt-Nam Ở Nước Ngoài của chúng ta hôm nay, thì luôn luôn bao giờ cũng phải trước sau như một, là cũng phải nhất tề đứng lên thể hiện được tinh thần nước đi ra bể lại mưa về nguồn trước mọi tình huống biến động của lịch sử quốc gia. Để mà hợp sức động viên, gánh vác lấy phần nào về sứ mệnh cao quý của mình trong viễn tượng của mọi kịch bản liên quan đến vận mệnh của dân tộc nếu có hay không thể xảy ra, và cho dù trong lâu dài hay ngắn hạn.

Chính vì vậy mà trong hoàn cảnh đó, cộng đồng Người Việt-Nam Ở Nước Ngoài cần phải sớm có ý thức mới về tinh thần trách nhiệm lịch sử liên đới của mình. Càng về lâu, về dài, thì với tất cả mọi sự đóng góp bằng tấm lòng tự nguyện của từng cá nhân về ý chí sáng tạo và tinh thần chiến đấu sẵn sàng chi viện, phục vụ, hi sinh dành cho đất nước, thì hình ảnh tốt đẹp đó luôn luôn lúc nào cũng sẽ được tổ quốc mãi mãi vinh danh. Chính vì lẽ đó mà chúng ta phải cố gắng quyết tâm chung sức cùng nhau để gieo, trồng, vun, xới lại mảnh đất khô héo của cộng đồng, để cho kịp với cơ hội thuận mùa cỏ cây đâm chồi nẩy lộc, nở hoa tươi trên xứ lạ. Bằng ngược lại, mọi sự trễ hẹn sẽ làm cho sức sống của cộng đồng bị rơi vào tình trạng dậm chân và có thể tiếp tục đi theo những bước thụt lùi. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là chúng ta đã mất đi niềm tin trọn vẹn cho tương lai tươi sáng của cộng đồng, và bị lẫn lộn với những hình ảnh của môi trường thụ động, tiêu cực. Ngược lại, chính ý thức cảnh giác đó mới lại là một thứ khí giới vô cùng lợi hại sẽ hun đúc tâm hồn cho hầu hết tất cả mọi người của chúng ta.

Và sau cùng, sẽ bật ra thành được ngọn lửa thiêng soi đường cho tập thể.

Chúng ta vừa đã trải qua những năm tháng ngày kỷ niệm hân hoan của nhân loại đang đứng trên đỉnh đầu của thiên niên kỷ thứ 3. Trên dãy ngân hà cũng vừa ló dạng những vì sao lạ. Dưới bóng thế gian thêm một thế hệ tương lai con cháu của chúng ta ở nước ngoài vừa mới ra đời bên thềm thế kỷ 21. Một trang sử mới sẽ được thành hình. Và giá trị của thời gian bây giờ, là sự tiến bộ vượt bực của con người đã góp phần cộng tác, giao lưu hữu hiệu tạo nên một nền trật tự an sinh xã hội văn minh cho cộng đồng thế giới.

Là người xa xứ sống nhờ đất khách, chúng ta cần phải hiểu được nhiều hơn thế nào là tình đồng hương, nghĩa đồng bào đang cùng chung lỡ bước sa chân trong cảnh ngộ tha phương! Vậy chúng ta nên phải quyết tâm cố gắng sớm vượt qua trở ngại mà tìm nhau kết đoàn, để thể hiện qua mối tình tương thân, tương trợ thể theo bản sắc tinh thần đùm bọc keo sơn cố hữu "nhiễu điều phủ lấy giá gương" của dân tộc.

Và cùng lúc, cũng để làm hâm nóng lại từng những hình ảnh tiêu biểu có giá trị mang ý nghĩa tinh thần hòa hợp anh em, chứa chan màu sắc sâu đậm tình người trong quá trình sinh hoạt tập thể của cộng đồng đã có từ lâu. Hơn thế nữa, mục đích đó còn để nhằm vào sự duy trì cơ hội hội tụ hàn huyên giữa kiều bào trên xứ lạ, để cho tình đồng hương trong sáng còn có thêm được dịp cận kề, để hầu cùng nhau chia sẻ cho tròn bao nỗi ân tình ngọt bùi cay đắng! Ngoài ra, tuy ở chân trời nghìn trùng xa cách nhưng tất cả chúng ta bao giờ cũng vẫn nhớ quê nhà muôn thuở. Và tâm hồn trong mỗi con người, lúc nào cũng còn nặng mang canh cánh ở trong lòng một niềm hoài vọng cố hương.

Con lộ hướng về phụng sự đất nước, tiến lên dưới ngọn cờ dân tộc theo tiếng gọi của hồn thiêng sông núi thể theo như nguyện vọng chính đáng ở trong lòng của mọi tầng lớp hết thảy kiều bào cần phải được chu đáo để chuẩn bị gói ghém hành trang, để sẵn sàng cất bước lên đường cùng với những bản đàn, tiếng hát. Và cũng chỉ còn chờ điểm hẹn với sự xuất hiện kịp thời của người nhạc sĩ tài hoa đến ra tay khải đúng nhịp điệu, âm thanh trong khúc nhạc dạo đầu đã được sáng tác bằng hồn quê của những trái tim thầm lặng. Và đó cũng chính phải là một bản nhạc trong sáng tâm hồn từng nặng mang ý nghĩa thủy chung về nguồn cội, dưới tựa đề từ lâu từng quen thuộc với cá tính giống nòi truyền thống của dân ta:

- Chim Việt đậu cành Nam.

Chúng ta tiếp tục khởi hành, và chúng ta cả tin vào niềm hi vọng…*

An-Tiêm MAI-LÝ-CANG

(Paris10-05-2014)

<1> - Trong bài viết bằng Pháp ngữ với tựa đề "La grande mission des jeunes expatriés Vietnamiens" đăng trên tờ DOI LUC/VIET OPPOSING CENTRES FORUM No 66 August 2003 Page 9 tại Canada. Giáo-sư Vũ-Quốc-Thúc, cựu Bộ-Trưởng Quốc-Gia Giáo-Dục miền Nam Việt-Nam đã có chính thức đề cập lại về một bài báo của tôi có tựa đề "Một thế hệ nhân chứng" (Une génération témoin). Và có những nhận xét, phân tách đề tài nầy đã có đặt lại thành nhiều vấn đề, để nêu lên về bổn phận cũng như trách nhiệm của các thế hệ trẻ VN ở hải ngoại đang đứng trước nguy cơ của nạn mất gốc.

<2> - Trong cuốn sách "TÂM-THƯ" xuất bản tại Texas (Hoa-Kỳ) năm 1995 của Thiếu-Tướng Đỗ-Mậu, cựu Phó Thủ-Tướng Đặc-Trách Văn-Hóa Xã-Hội miền Nam Việt-Nam. Trong trang 284-285, tác giả có trích in lại một đoạn về bài báo của tôi đã từng lưu ý dư luận cộng đồng Người VN Ở Nước Ngoài chớ nên đánh giá coi thường về sự hiểu biết tế nhị của Hoa-Kỳ ở vùng Đông-Nam-Á, đặc biệt là ở tại Việt-Nam. (Báo "Người Việt" xuất bản tại California số 2946 ngày 31-12-1994).

<3> - Sách "Dấu ấn Việt-Nam trên biển Đông" do nhà xuất bản Thông-Tin và Truyền-Thông cho ra mắt tại Hà-Nội vào ngày 7 tháng 8 năm 2012. Với sự đóng góp đặc biệt phong phú, trung thực của chủ biên Tiến-sĩ Trần-Công-Trục, nguyên Trưởng-Ban Biên-Giới của chính phủ Việt-Nam. Cũng như của Tiến-sĩ Nguyễn-Nhã cùng với các chuyên gia nghiên cứu về pháp luật, lịch sử, địa lý, chính trị. Và cũng liên tục từ lâu, là những lời tuyên bố chính thức trên trang web của Bộ Ngoại-Giao Việt-Nam từng cho biết là Trung-Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt-Nam đối với hai quần đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa, trái với tinh thần tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông "DOC" (Declaration On Conduct).

* - Trích đoạn trong quyển sách "Người Việt-Nam Ở Nước Ngoài " của tác giả.

**************************