Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]             [  Tác giả ]

BẠC TẦN HOÀI 
của Đỗ Mục 

Thu Tứ

Nguyên văn
Dịch nghĩa
Dịch ra thơ Đường luật
- Khương Hữu Dụng
- Mai Lộc
Dịch ra thơ song thất lục bát
- Trần Trọng Kim
Dịch ra thơ lục bát
- Thu Tứ
*
Trần Hậu Chủ (582-589) làm vua không lo việc nước mà lo quấn gái, hát hỏng, rượu chè. Tất nhiên nước mất gấp! Hậu đình hoa có thể xem là những khúc ca làm mất nước.

Những khúc ấy có truyền từ trong cung ra ngoài, nên mới ban đêm bên kia sông con hát vô tư "xướng" khiến bên này sông chạnh lòng...

Đỗ Mục "bạc Tần Hoài", cảm khái, rồi tưởng tượng mà làm thơ? Vì khi ông sinh ra (năm 803) thì sự kiện lịch sử nói trên đã thành chuyện đời xưa rồi cơ mà.

Nguyên văn

Bạc Tần Hoài

Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa
Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia
Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu đình hoa.

Dịch nghĩa

Bến Tần Hoài

Khói lồng sông lạnh, ánh trăng lồng bãi cát
Đêm đậu thuyền ở bến Tần Hoài, gần quán rượu
Con hát không biết hờn mất nước
Bên kia sông còn hát khúc Hậu đình hoa.

Dịch ra thơ Đường luật

Khương Hữu Dụng:

Nước lồng khói tỏa, cát trăng pha,
Thuyền đỗ sông Hoài cạnh tửu gia.
Con hát biết chi hờn mất nước,
Cách sông còn hát Hậu đình hoa.

Mai Lộc:

Khói lồng sông lạnh, cát trăng pha,
Đêm bến Tần Hoài, quán chẳng xa.
Ca nữ nào hay sầu mất nước,
Bên sông say hát Hậu Đình Hoa.

Dịch ra thơ song thất lục bát

Trần Trọng Kim:

Khói lồng nước, bóng trăng lồng cát,
Bến Tần Hoài, thuyền sát tửu gia.
Gái ca đâu nghĩ nước nhà,
Cách sông vẫn hát khúc hoa Hậu đình.

Dịch ra thơ lục bát

Thu Tứ:

Chập chờn sông khói bờ trăng
Tối nay thuyền đỗ bến Tần tìm say
Kìa ai nước mất mặc ai
Kéo co khách mới vẫn bài ca xưa.