Chim Việt Cành Nam           [  Trở Về   ] 

GỬI THƯƠNG VỀ HUẾ

Tập IV : Huế một thời xưa 

Võ Quang Yến

***

34- CHIẾC ÁO DÀI HUẾ

Áo trắng hỡi, thuở tìm em không đến
Nắng mênh mang mấy nhịp Tràng Tiền
Thu Bồn
Thành phố áo dài trắng là tên một cuốn phim phóng sự về Huế chiếu cách đây mấy năm trên đài truyền hình ở Pháp. Hai năm trước đây, chị Xuân Phượng, một cựu nữ sinh Đồng Khánh, cũng lấy hai chữ Áo dài bằng tiếng Việt để đặt tên thiên bút ký-tiểu sử bằng tiếng Pháp của mình. Thì ra, dù là người Việt hay người nước ngoài, chiếc áo dài ngày nay là một biểu tượng đẹp đẽ, thật ra không chỉ cho xứ Huế, cho miền Trung, mà cho cả đất nước. Không có ai đi du lịch bên Việt Nam về mà trong lô ảnh không có một vài bức chụp một cô gái với chiếc áo dài tha thướt hoặc ngồi thẳng trên xe đạp hoặc lang thang trong cung điện.

Chuyện chiếc áo dài Huế dính liền với sự tích chiếc áo dài Việt Nam. Ngày trước bên ta, đàn ông đóng khố, đàn bà quấn màn (tên cái váy hồi xưa) bằng vỏ cây tapa ( ?) (Huard, Durand, Connaissances du Vietnam, 1954) sau được gọi là váy (làm bằng vỏ cây váy ?). Sau nhiều năm đô hộ Trung Quốc, đàn ông chịu mặc quần nhưng đàn bà vẫn giữ cái váy, nhất là sắc chỉ vua Lê Huyền Tông năm 1663, thời Trịnh Tạc, cấm đàn bà mặc quần như đàn ông. Thời Lê mạt Nguyễn sơ, nữ sĩ Hồ Xuân Hương có bài thơ Đánh đu :

... Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới,
Hai hàng chân ngọc duỗi song song...
đọc xem như một cặp trai gái đánh đu. Thật ra, theo Phượng Linh Đỗ Quang Tri, đàn ông không mặc quần hồng, bốn mảnh quần hồng đây chỉ bốn khổ vải hẹp may lại thành váy, thành ra hai cô gái đánh đu mới có hai hàng chân ngọc, hợp với giọng thơ lẳng lơ của Hồ Xuân Hương.

Năm Giáp Tý 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát, hay Nguyễn Phúc Hoạt (Trần Đình Sơn, Hoàng Anh, Tản mạn Phú Xuân, 2002), ông nội Nguyễn Ánh, dựa lên câu sấm " bát thế hoàn trung đô " nghĩa là tám đời trở lại kinh đô, dời thủ phủ về Phú Xuân, tự xưng Võ Vương, cải tổ cơ quan hành chánh, đúc quốc tỷ, dựng tông miếu, truy tôn tước hiệu, xác định triều phục : " Đổi may y phục thì theo tục nước mà thông dụng vải lụa, duy có quan chức thì mới cho dùng xen the và trừu đoạn, còn gấm vóc thì nhất thiết không được theo thói cũ dùng càn . Thường phục thì đàn ông, đàn bà dùng áo cổ đứng ngắn tay, cửa ống tay hoặc rộng hoặc hẹp tùy tiện. Áo thì từ hai bên nách trở xuống phải khâu kín liền không cho xé mở..." (Lê Quý Đôn, Phủ Biên tạp lục). Đặc biệt về phụ nữ thì cấm đàn bà mặc váy. Sau nầy, vua Minh Mạng có tiếng là nghiêm ngặt, nhất định thi hành nghiêm chỉnh pháp luật làm khổ những vợ chồng nghèo ngoài Bắc còn quen mặc váy :

Lệnh từ trong Huế ban ra,
Cấm quần không đáy đàn bà phải tuân.
Đi chợ mượn đỡ cái quần,
Chồng đành mặc váy che thân ngồi nhà.
Bổng nghe mõ gọi đằng xa,
Vội vàng đóng khố chạy ra ngoài đình.
làm phiền toái biết bao người :
Tháng tám có chiếu vua ra,
Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng.
Không đi thì chợ không đông,
Ra đi lột lấy quần chồng sao đang ?
Có quần ngồi bán quán hàng,
Không quần ra đứng đầu làng trông quan.
Thật ra, đến thời cách mạng, váy vẫn còn dùng ngoài Bắc, tuy áo tứ thân, quần lĩnh thâm đã rất được thông dụng. Trong Nam và nhất là ở miền Trung, Ngũ Quãng thì từ lâu đã được thịnh hành thói mặc quần và áo dài, một phần nào kết hợp hài hòa y phục rực rỡ các sắc tộc hay chiếc áo tứ thân duyên dáng ngoài Bắc với những tà áo dài tha thướt phụ nữ Chiêm Thành. Nhà biên khảo J.L. Dutreuil de Rhins, năm 1889, đã đưa ra hình ảnh chiếc áo dài xưa gọi là áo lá sen hơi giống như loại áo Thanh cát của các quan văn, quan võ thời nhà Lê, chỉ khác là ở các quan nầy miếng vải hình lá sen kết ở phía sau vai. Dân thường và học trò cũng được mặc áo Thanh cát mỗi khi tham dự việc công, dĩ nhiên là kiểu dáng không giống áo của quan lại, nhưng màu thì giống. Đó là màu xanh lam. Bình thường mặc áo Chuy y là áo màu đen. Màu áo Thanh cát cũng gồm hai màu khác nhau, xanh thẩm gọi là màu hòa minh, xanh nhạt gọi là màu vi minh....Một đặc tính tiêu biểu của y phục xưa, nhất là y phục Huế, đó là đặc tính kín đáo. Áo quần thường dài, rộng phủ trùm thân thể trừ mặt mũi và bàn tay, bàn chân ra, nơi nào cũng phải che kín bất kể thời tiết nóng lạnh. Truớc đây phụ nữ Huế, dầu thuộc giới bình dân, bán chè, bán cháo, buôn gánh bán bưng đều phải mặc áo dài... Khi các cô ra đường phải nhớ lời mẹ dặn : ra đuờng cúi mặt xuống đất, về nhà mới cất mặt lên trời, luôn luôn họ phải một tay giữ nón, một tay sẵn sàng ghép hai tà áo lại để bảo đảm tính kín đáo... Cái lối dùng nút thắt của Huế cũng là đáng cho ta khâm phục thái độ đề cao cảnh giác của các bà mẹ Huế. Nút thắt bằng vải là một loại cúc áo rất khó mở. Với các loại cúc bấm, Huế gọi là nút bóp, rất dễ tuột. Để tránh sự cố, các cô về sau xài nút bóp phải dùng thêm cái khuy cài bằng thép ở nơi eo. Chính vì đề cao sự kín đáo mà vua Minh Mạng mới cấm cái váy tức là cái quần không đáy.
Cái gì tồng bộng hai đầu
Bên ta thì có bên Tàu thì không ?
Đó là câu đố về cái váy. Đã tồng bộng hai đầu thì còn làm sao mà kín đáo ? (Tiêu Lang, Áo dài Huế, 1999).

Lẽ tất nhiên, những nữ tướng thời trước, những phụ nữ thao luyện võ nghệ thì phải mặc áo ngắn, quần túm gọn gàng. Đằng khác, các bà công chúa, hoàng hậu trong cung cấm cũng như các bà vợ quan, các cô gái vương giả thì áo quần không những rộng rãi mà còn phải may mặc phức tạp, tơ lụa quý giá, màu sắc rực rỡ, vừa làm vui mắt các đấng phu quân, vừa tô điểm thêm nơi cung đình, điện phủ. Ngày nay, ta chỉ thưởng ngoạn được những loại áo giới quý tộc, của nữ quan, như mạng quan, mệnh phụ, trong các viện bảo tàng, hay may mắn thì bắt gặp trong nhũng buổi diễn cổ truyền dân tộc. Trong dân gian, cái áo nói chung là để giữ kín con người, nhất là cơ thể đàn bà. Thời trước, vú phải có yếm dẹp lại, mông không đuợc phô ra, áo dài lắm là đến đầu gối. Nhưng với sự tiếp xúc người Tây phương, đặc biệt phụ nữ Pháp, làm sao chống lại một cuộc đổi mới đi đôi với một trào lưu mỹ thuật ngày càng lên. Đúng vào lúc ấy, họa sĩ Nguyễn Cát Tường, xuất thân từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội, qua hai tờ báo Phong Hóa Ngày Nay, vào những năm 1934-1935, gây một cuộc cách mạng văn hóa khi phát động kiểu áo tân thời Lơ-muya (tiếng Pháp le mur nghĩa là bức tường) bó sát cơ thể, vào bụng, vào ngực, tiền thân của chiếc áo dài ta thấy ngày nay. Có người tin là để vẽ kiểu nầy, Nguyễn Cát Tường đã hợp tác với họa sĩ Lê Phổ (Tiêu Lang, Áo dài Huế, 1999) cũng xuất thân từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội, hay họa sĩ Ch. Mau's (tức Chu Hương Mậu) du học ở Pháp về (Phan Thứ Lang, Xưa và Nay, 1997). Tranh luận là kiểu áo tân thời có phải là do Nguyễn Cát Tường đầu tiên vẻ không vì trong Nam, từ 1932-1933, nhiều kiểu áo như Hoa hường giờ Tý hay Mặc Nàng của Dương Công Nam đã được trình bày trong các báo Tân Á Khuê Phòng. Cũng dễ hiểu vì miền Nam tiếp xúc Tây phương trước hơn mọi nơi khác. Dù sao, "mốt" tân thời một khi "lăng xê" được mạnh dạn hưởng ứng, từ Bắc vào Nam, ngay cả ở Huế thường được xem là xứ bảo thủ, với những lễ giáo khắc nghiệt gia đình, tuy chậm chạp so với Hà Nội ngàn năm vạn vật và Sài Gòn viên ngọc Viễn Đông. Thật ra ở Huế, người ta lâu lắm vẫn còn nhìn chiếc áo mới với cặp mắt phê phán. Nhân cuộc trình diễn thời trang Lơ-muya ở Hội chợ Huế 1936, cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị có câu hò giã gạo giáo huấn :

Áo Lơ-muya với giày cao gót
Theo em, theo chị cái mốt tân thời
Vỏ ngoài che đậy mà thôi
Tháo ngay trong dạ để gương đòi soi chung
biến chuyển thành câu hò trào phúng :
Giày o (cô) đi là giày cao gót
Áo o mặc là áo Lơ-muya
Tôi đây khác thế trò trìa
Thấy o chúm chím o cười chê tôi thẹn thùng.
Sau nhiều năm rầm rộ, áo Lơ-muya dần dần trở thành thói quen. Thực hiện tương đối khó khăn, nhiều cô nhiều bà trở lại với cách may mặc giản dị lúc trước. Nhưng cũng có những phụ nữ tiếp tục cuộc cách tân, cắt ngắn vạt áo, kéo dài nó ra, nâng cao cổ áo, rút ngắn nó lại, khi cổ kín khi cổ hở, hết cổ tròn đến cổ trái tim, nút gài bên mặt chạy qua bên trái, rồi trở về chính giữa,...Bà Trần Lệ Xuân, phu nhân ông Ngô Đình Nhu, trong tinh thần giải phóng phụ nữ, để tránh nóng những ngày hè rực nắng, đề nghị cắt bỏ cổ áo, khoét tròn đến hai vai không khác gì áo các cô đầm. Cũng vào khoảng thập niên 60, còn một loại áo mang tên Raglan, tay dài, ráp xéo vai để tránh nhăn, có lẽ cũng do ảnh hưởng Tây phương. Các kiểu nầy không tồn tại được lâu. Thật cũng may mắn ví chính những tà áo dài giản dị trông lại đẹp mắt hơn. Thường lúc trước áo chỉ một màu, giới lao động vải thô màu xẩm, tuy ở nhà quê có lúc thấy hai màu nâu-trắng chéo nhau, hài hòa trên những cơ thể chắc cứng các cô thôn nữ còn bên giới quý tộc thì lụa gấm màu hoặc  đậm hoặc sáng nhẹ hơn, yêu kiều trên những thân hình dong dỏng, mảnh dẻ các cô bà. Tôi còn nhớ thời tiền chiến, nữ sinh nội trú trường Đồng Khánh cứ mỗi chiều chủ nhật mới được đi dạo chơi, sắp thành hai hàng, áo đồng phục màu xanh hay màu tím trên quần trắng, đầu đội nón lá, chân đi guốc gỗ, những tà áo phấp phới trong gió như hai hàng bươm bướm rộn ràng trong tiếng cười khúc khích. Lẽ tất nhiên, bắt đầu từ cửa trường, trên lề đường không thiếu những cậu thanh niên, học sinh nghịch ngợm nói to những lời chòng ghẹo vui nhộn hay kín đáo trao chuyển một lá thư tình. Cảnh tượng trẻ trung tươi đẹp đó không còn nữa sau khi thái bình lập lại vì một lẽ giản dị là không còn bao lăm áo dài trên đất nước. Năm 1986, khi trở về nước lần đầu tiên, tôi chỉ thấy toàn áo cụt và áo cụt. Cũng may là vài năm sau, dần dần những chiếc áo dài được khôi phục trên cơ thể uyển chuyển của các cô gái Việt Nam, những cơ thể mà thời trang đã đặc biệt chế tạo cho chiếc áo dài. Thật vậy, áo dài đã được xuất cảng qua phương Tây nhưng tôi ít bắt gặp những cô gái tóc vàng tha thướt yểu điệu trong chiếc áo dài nước ta dần dần đang được đổi tên thành áo đài vì người Âu không biết nói âm d.

Tò mò, tôi đã đi dự một lần một cuộc thi áo dài ở Paris, quận 13. Nhập gia tùy tục, theo nhịp điệu rộn rã, các cô cũng nhún nhảy dưới ánh đèn chớp nhoáng như những người mẫu Tây phương trong một vũ trường ồn nóng. Có lẽ là người cổ hủ, tôi không biết theo dõi trào lưu và không biết thưởng thức cách trình bày không chút Á đông nầy. Nhưng quan trọng là các kiểu áo. Suốt buổi trình diễn, nhìn cách biến tấu, màu sắc sặc sỡ, đường thêu hình vẽ rằn rện trên cả áo lẫn quần, tôi tự hỏi tương lai chiếc áo dài Việt Nam sẽ đi về đâu. Tôi bổng dưng mơ về những tà áo đơn sơ độc màu phất phơ trong gió trên cầu Trường Tiền một chiều nắng hè mát dịu... Tôi không may mắn được dự những cuộc thi hoa hậu áo dài ở trong nước, nhưng được thấy phản ảnh qua một tập san bộ sưu tập áo dài Huế của nhà tạo mẫu Minh Hạnh. "...Bóng dáng của một tâm hồn Huế và những tình cảm hướng về nguồn cội của nhà thiết kế thời trang đã từng có những năm tháng lớn lên trên bờ sông Hương.... Ở nhà thời trang nầy là mối giao hòa uyển chuyển giữa một cá tính mạnh, dữ dội với nét thâm trầm, tinh tế đầy nữ tính..." (Phan Bích Hà, Áo dài Huế, 1999). Qua một cuộc phỏng vấn Minh Hạnh, độc giả nhận ra nhà tạo mẫu quê Huế đã " thiết kế cách điệu - dựa lên loại áo dài cung đình, và sử dụng cả màu vàng hoàng tộc, màu vàng mà trước đây chỉ có vua chúa mới được dùng. Ngoài ra, gam màu chủ đạo vẫn các tông độ của sắc màu tím. Màu sắc và dáng kiểu cũng là những ẩn dụ về tính cách của người phụ nữ Huế - thanh nhã, dịu dàng, sâu lắng và rất nên thơ. Ngoài ra, màu tím vẫn được xem như là một biểu tượng của lòng thủy chung. Có thể người phụ nữ Huế đã thể hiện tâm cách của mình qua cái màu sắc trung trinh ấy ?..." (Nhớ Huế tập 3 : Áo dài Huế, 1999). Những tấm ảnh kèm theo bài phỏng vấn tăng phần thuyết phục cách hiện đại hóa chiếc áo dài của nữ sĩ Minh Hạnh, nhắc tôi những lời dạy của anh giáo sư Trần Văn Khê về âm nhạc, theo tôi hiểu : cách tân cần thiết nhưng phải dựa lên vốn cũ, cội nguồn. Tuy vậy, cảnh tượng buổi tan trường với những đoàn nữ sinh áo trắng ngày xưa khúc khích náo nhộn luôn ghi kỹ trong ký ức tôi một kỷ niệm hồn nhiên khó quên. Và ấn tượng một thời xa xôi còn đậm đà hơn qua câu thơ của nhà thi sĩ đa tình Hàn Mặc Tử :

Mơ khách đường xa, khách đường xa,
Áo em trắng quá nhìn không ra...
Xô thành trước thềm xuân Ất Dậu
Đoàn Kết 499 2005

  [ trang trước ]  /  [ trang sau ]