Chim Việt Cành Nam           [  Trở Về   ] 

GỬI THƯƠNG VỀ HUẾ

Tập III : Huế từ phương xa 

Võ Quang Yến

***

19- NGÔI CHÙA NGÀY CƯỚI

Trời mấy hôm nay mưa mãi, thế mà hôm thứ bảy 15.6.1991 lại tạnh hẳn, hửng nắng nữa là khác. Chùa Trúc Lâm ở Villebon, ngoại ô nam Paris, nhờ vậy hết còn âm thầm ủ rũ như những ngày vừa qua trong một mùa xuân ướt át rét lạnh. Trái lại, cảnh tượng tươi sáng lên, tưng bừng náo nhiệt như một ngày hội, nhất là khi đoàn xe bóp còi inh ỏi từ nhà thờ Bures-sur-Yvette đổ về. Những người quen biết trong chùa vội chạy ra làm dấu đừng làm ồn vì đây là khu yên tĩnh, dù là có lễ mừng. Giờ đây, ngồi trong chánh điện, khói hương nghi ngút, tiếng chuông, tiếng mõ theo nhịp điệu trầm tĩnh đưa người dự lễ vào một thế giới xa xăm, có thể nói là mới lạ cho những ai mới bước chân lần đầu tiên vào chùa. Vào cuối buổi lễ, giọng tụng kinh bằng tiếng Việt ngân nga trong chánh điện cao vút lại làm tăng thêm vẻ huyền bí cho các bà con, bạn bè người Pháp ít biết về Phật giáo. Cách đây hơn nửa giờ, họ đang còn ngồi trong nhà thờ Thiên chúa giáo, quen thuộc với cổ phong bản xứ. Bây giờ, mặc dầu chương trình bằng tiếng Pháp đã được phân phát cho mọi người, họ đang tham dự một nghi lễ khích động mà chỉ ai đã từng ngao du qua châu Á xa cách mới mong có được một ý niệm mơ hồ. Chính ngay kiến trúc, trang trí ngôi chùa, các pho tượng sáng chói, những bàn thờ nguy nga đã làm rung động lòng hơn một người. Sau nầy, khi buổi lễ vừa xong, bạn bè bà con đã xoắn xít lại bày tỏ cảm tưởng và hỏi han chi tiết. Phần lớn đều rất xúc cảm trước cảnh tượng trang nghiêm mà biết bao chân thành của lễ tục. Nhiều người đã tỏ ý muốn trở lại chùa để tìm hiểu sâu rộng hơn. Rất tiếc là cả sư thầy Thiện Châu lẫn sư cô Mạn Đà La đã không có mặt trong tiệc trà để làm thỏa mãn tính hiếu kỳ của khách khứa. Nói cho đúng, tôi cũng chẳng biết gì nhiều về đạo giáo mà cũng chẳng phải là một phật tử nên không đi sâu vào được học thuyết Phật giáo, giải thích tường tận được những thắc mắc về Phật học cũng như về tâm hồn Phật đạo của người Việt Nam...

Vậy thì sao lại làm đám cưới cho con ở chùa sau khi thủ tục hành chánh đã xong xuôi ở tòa đốc lý và nhẫn cưới cũng đã được trao tặng tại nhà thờ Công giáo? Con trai tôi sinh ra ở đất Pháp, sống lên trong một nền văn hoá Âu châu, không nói được tiếng Việt, con dâu tôi hoàn toàn Pháp thì cái gì đã thúc giục chúng chịu lại quỳ trước bàn thờ Phật, vái trước bàn thờ tổ tiên? Nói cho thật, vợ chồng chúng tôi rất vui mừng và hãnh diện khi chúng xin làm làm lễ ở chùa chứ chúng tôi không hề nêu ý cũng như ép uổng. Bên phần con trai chúng tôi thì thấy đời sống gia đình, dù ở đất Pháp, đã giữ nó lại một phần nào trong khung cảnh Á Đông, chùa chiền đối với nó không phải nơi xa lạ, cúng lễ không phải là một nghi thức của một dân tộc ít văn minh. Trong nhà chúng tôi không có bàn thờ tổ tiên nhưng nó rất ý thức công lao của ông bà cha mẹ. Đi lại với nhà chùa phải chăng là để tỏ ý định hướng về quê cha, trở về lại cội nguồn dòng họ mà nó mang tên. Bên phía con dâu thì tuy chưa trực tiếp tiếp xúc với đất Việt, nó đã từng đọc sách Phật học, biết sử Phật giáo và được làm lễ cưới ở chùa là một phần thưởng mà nó hằng ước mong. Nhờ có buổi lễ ở chùa do sư thầy Thiện Châu chủ tọa và sư cô Mạn Đà La hướng dẫn, cặp vợ chồng trẻ trẻ nầy đã ngước mắt, hướng tâm trí ít nhiều về nước Việt Nam xa xăm, về một nền văn hóa phát triển từ lâu đời ngày nay đang lan rộng ra năm châu. Chúng ngạc nhiên khi phải vái trước bàn thờ tổ tiên, vái cha mẹ để cám ơn, vái nhau để tỏ ý kính nể nhau, nhưng không cần phải giải thích chúng cũng hiểu đó là một thủ tục sâu xa, một ý tưởng cần thiết làm nền tảng cho đời sống gia đình.

Tất tưởi chạy vạy tổ chức lễ cưới ở chùa cho con, nhà tôi, một người đàn bà Pháp chỉ biết quê chồng qua môt chuyến về thăm độc nhất, và tôi đã nói lên mối giây liên lạc mật thiết, chặt chẽ của gia đình mà một phần người Việt ta qua sống ở Âu Mỹ thì như tuồng lần lần sao lãng. Ở bên ta thường được nghe dạy : sinh con ra phải nuôi nấng nó, chăm lo cho nó học hành thành người, lớn lên phải tính chuyện cưới vợ gả chồng cho nó làm sao được hài hoà, có phẩm cách... Thấy chúng tôi lo lắng, soạn sửa từng chi tiết, các con tôi chắc đã hiểu , ngoài tình thương của cha mẹ đối với con, còn có bổn phận của người cha, người mẹ trong xã hội. Người ta cũng thường nói nên làm gương bằng hành động hơn là bằng lời nói. Chúng tôi không biết đã làm đủ bổn phận của mình chưa nhưng tôi biết đã cố gắng làm tất cả những gì trong tầm mức của mình.

Tối hôm đó, trong bữa tiệc theo thủ tục phương Tây, rất vui vẻ nhưng cũng rất ồn ào, tôi đã sống với hai gia đình bên trai và bên gái đông đủ, tươi cười với tất cả bà con, nhưng tâm trí tôi luôn còn lởn vởn ở chùa, trong bầu hương thơm khói tỏa, giữa các khóm hoa rực rỡ sau vườn, cạnh những bụi trúc xanh tươi lấp lánh trong ánh nắng ban chiều, với tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng tụng kinh êm đềm đằm thắm trong buổi lễ. Tôi thoạt nghĩ : cái may của người Pháp là có được một ngôi chùa Phật giáo dựng lên đất nước mình để có dịp đi lại tìm hiểu một đạo giáo xa xăm; cái may của người Việt xa xứ là có được một ngôi chùa như chùa Trúc Lâm xinh đẹp để tiếp tục sống mãi trong bầu không khí quê nhà.

Hương khói tỏa trầm viện Trúc Lâm,
Mõ chuông khua dội động nhân tâm,
Say sưa chánh điện hồn siêu thoát,
Ngây ngất hồng sen khẽ nẩy mầm.
Khấn vái cầu mong đôi lứa trẻ
Ái ân sum họp suốt trăm năm.
Hồng Vân Sơn nắng chiều vàng nhạt,
Hàng trúc lao xao chốn lặng trầm.
Hắc Ký Ni Sơn một ngày sinh nhật 1991
Hương Sen 47 1992

  [ trang trước ]  /  [ trang sau ]