Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]
Lá thư mong đợi 

Quý Thể

Trao cho Hải cây bút bi xong, Hà rất tự tin nhủ thầm: Thôi nhé, bây giờ thì đủ cả phong bì, tem, bút. Chỉ còn đợi một buổi chiều đẹp trời nào đó, chàng ngồi xuống ghế, châm thuốc, nhả những vòng khói tròn, thả hồn vào mộng mị, viêt bức thư tình mùa xuân là xong!"

Hà là nhân viên bưu điện, ba mươi hai tuổi, có nhan sắc, có duyên, có học và có nghề nghiệp. Tóm lại nàng có những điều kiện mà một người con gái cần để kiếm tấm chồng ra hồn. Thế nhưng không hiểu sao con đừơng nhân duyên của nàng lại chậm, không ít những lận đận trắc trở. Mẹ nàng lúc đầu đổ thừa tại chồng:" Con gái nhờ đức cha. Nó mà muộn màng cũng tại ông hồi còn trẻ ăn chơi phá tán...". Cha Hà bực tức nói:" Chớ bộ xưa nay tôi ăn ở thất đức lắm hay sao bà nói thế?". Thời gian sau mẹ Hà lại đổ lỗi cho trời. Thầy Sáu Đậu có sách Thọ Mai gia lễ, là sách gối đầu giường của những ông thầy cúng. Thầy phán :" Con gái tuổi Bính Dần cao số. Nhưng phải muộn đừơng chồng con mới tốt!". Cái vế sau hình như chỉ để an ủi những cô gái Bính Dần. Ông thầy này cũng tâm lí đáo để. Ông dùng kế hoãn binh để làm yên lòng gia chủ. Nhưng thời gian là dòng sông, Hà là con thuyền. Dòng nước đẩy nàng qua cái tuổi ba mươi. Bố mẹ nàng bắt đầu mất niềm tin. Riêng Hà rất vững tâm, nhất là khi Hà gặp anh chàng Hải, một khách hàng thường xuyên của quầy báo chí bưu điện tỉnh,

Hà đứng trông coi quầy báo chí. Nơi đây bán cả dụng cụ văn phòng. Chỗ này lúc nào cũng đông khách. Làm việc mấy năm Hà biết được rất nhiều điều thú vị. Nàng chỉ tiếc mình không có văn tài để viết về cái nghiệp mới trông qua thì đơn giản bên trong cũng lắm điều hay. Mấy cậu bé tóc đen nhánh, hay chạy chơi phơi nắng tóc vàng cháy như đuôi ngựa, đứng cao mới ngang tầm quầy hàng, cố nhón gót lên vớ cho được mấy chú mèo Doremon hay anh khỉ Tề Thiên Đại Thánh. Mấy cụ hưu trí đầu bạc răng long rỗi rãi lại có cái thú tiêu khiển là đọc báo để chiều kéo nhau ra biển, ngồi ghế đá công viên, bàn tán chuyện sách báo thế sự thăng trầm, như Mao Tôn Cương bàn Tam Quốc chí. Tội nghiệp cụ nào cụ nấy trước đây đều làm lớn, cờ đến tay không chịu phất. Nay cờ đã qua tay kẻ khác, thấy họ phất theo kiểu khôn hơn nên bực, cụ nào cụ nấy đều mang cái bầu tâm sự bất mãn to lum lúp, giống như mấy chị có chửa con so sáu tháng. Còn mấy chị sồn sồn mua bán ở chợ, buổi trưa cũng kéo tơi tìm cho được tờ công an mới nhất xem chuyện vợ anh này bồ bịch với chồng bà kia, chiều lại đánh cầu lông, sau đi uống nước xẩm tối hai người kéo nhau vào khách sạn làm gì trong đó mà báo chí chơi ác dừng đột ngột chờ số sau để câu khách. Những người đi kiện tụng được báo đăng việc của mình thì cố mua cho được mấy chục tờ về đưa cho bà con xem chơi, coi như là chiến lợi phẩm. Cơ quan nhà nước cũng thường cho người đi mua báo. Cơ quan nào được khen thì thủ trưởng cho nhân viên đi quơ hết báo về phân phát coi như là thành tích để sau này còn báo cáo. Cơ quan bị chê cũng hốt báo về để thủ tiêu. Tội nghiệp nhất là mấy anh chàng, cô nàng tập tò làm thơ văn, sáng chiều, không sót một ngày nào, tới tìm đứa con tinh thần của mình đã chào đời hay chưa và mặt mũi nó xuất hiện trước bàn dân thiên hạ thế nào? Lại còn một hạng độc giả đặc biệt, rất hâm mộ món ăn tinh thần nhưng túi tiền thường trống không, chuyên đi xem báo cọp. Tóm lại, độc giả thực thụ rất ít. Chỉ có anh Hải là một người rất đặc biệt. Chàng là độc giả trung thành của báo chí và của Hà.

Điểm đặc biệt nhất của anh là mua báo thực đúng giờ. Gần tới giờ đóng cửa ngày thứ sáu thì anh đến và lần nào anh cũng chỉ mua một tờ báo "văn nghệ" gọi là văn nghệ già để phân biệt văn nghệ trẻ. Anh đến, dừng lại, lấy tờ báo, đưa tiền, rồi anh đi. Anh chính xác như một chiếc đồng hồ. Ác hại thay cái "Anh chàng đồng hồ" này lại vô tình tạo ra cho Hà một thứ phản xạ có điều kiện. Hễ đến gần giờ chàng tới Hà thấy trong người nôn nao xốn xang ngồi đứng không yên.

Hồi tưởng lại, Hà thấy phải mất một thời gian rất lâu Hà mới chú ý đến sự xuất hiện đều đặn của Hải. Hải không phải là người đàn ông có sức hấp dẫn, gây ấn tượng ngay lúc ban đầu. Chàng không bảnh trai. Xưa nay Hà cũng không mấy cảm tình đối với những anh chàng đẹp trai, trắng trẻo, sạch sẽ, diêm dúa, ẻo lả. Hải cũng trầm lặng, ít nói. Điều này lại rất hợp với Hà, nàng cũng chẳng ưa bọn mồm mép. Cử chỉ Hải chừng mực, nói năng từ tốn, trang phục nhã nhặn. Hải không có vẻ săn đón đàn bà quá lố, nịnh hót quá lời hay đùa cợt sàm sỡ như mấy tay sồn sồn ở cơ quan, phát huy quyền làm chủ quá trớn, vỗ vai vỗ mông đàn bà con gái vô tư và vô tội vạ! Theo Hà thì Hải có một nhân cách tuyệt vời, đáng yêu và đáng kính. Nàng tin rằng Hải chính là món quà muộn màng của vị thần ái tình trao cho nàng ở tuổi sắp hoàng hôn của người con gái...

Tình yêu lớn dần trong Hà, nó nở ra thầm lặng như một bông hoa toả ngát hương trong khu vườn tâm hồn còn hoang sơ của cô gái. Cùng với tình yêu, Hà ngày càng thấy Hải đẹp hơn lên, tốt hơn, cao quí là lấp lánh một thứ nam tính tuyệt vời. Ông Phật nói thật đúng"Thế giới duy tâm tạo" Cả cái thế gian này đều do cái " tâm" của ta tạo ra cả. Anh Hải vẫn là anh Hải ngày nọ nhưng đối với Hà anh ta đã hoá vàng trong tâm tư của nàng từ lúc nào nàng không hay. Mỗi khi anh ta đến Hà chú ý từng cử chỉ nhỏ nhặt của chàng. Hình như càng về sau, anh ta càng dừng lại với nàng lâu hơn, nói chuyện nhiều hơn, nhìn nàng kỹ hơn, đôi mắt đắm say hơn...Ở chỗ đông người, anh nói những câu, mà Hà nghĩ chỉ có Hà hiểu được sự thâm thuý, cũng như thâm ý của chàng. Qua bộ "vi xử lý" trong con tim động đậy bên dưới cái nịt vú màu hồng xinh xinh thì đó đúng là những lời tỏ tình kín đáo rất thắm thiết. Hà tin, nếu không nói có chút khiêm tốn thì 98% là Hải Yêu mình. Thực tế có thể cao hơn. Mặc dù ở cái thành phố biển này vàng 96% đã được coi là vàng ròng, vàng mười !

Cuối cùng Hà nghĩ. Thôi thì ta giúp cho chàng đầy đủ phương tiện để viết bức thư nói lên lời tỏ tình mùa xuân. Từ đó, mỗi khi bán báo cho Hải nàng không thối lại tiền. Nàng thối lại chàng khi thì chiếc phong thư, khi thì con tem và cuối cùng mới đây là cây bút bi. Như thế phương tiện cho một lá thư, "văn phòng tứ bửu " đã đủ, bây giờ tới phiên chàng. Hà tin chắc người thông minh như Hải, chàng thừa hiểu phải làm công việc gì khi đã nhận đầy đủ những thứ cho một lá thư tình.

Hôm Hà trao cho Hải cây bút bi cũng là khởi điểm của một cuộc thử thách ghê gớm về sức nặng của ái tình. Ai có yêu mới thấy trong tình yêu không có sự an nhàn. Tình yêu là một thứ lao động nặng nề hao tổn tâm và lực, nói không ngoa thì đó là một thứ lao động khổ sai. Nếu không đủ bản lĩnh bị tình yêu quật ngã như chơi ! Bởi thế chẳng trách những tiểu thư con nhà khuê các, yểu điệu thục nữ, yêu đến phát ốm phải tới thầy lang bắt mạch hốt thuốc, tới đốc tờ khám trong khám ngoài vẫn chẳng đoán ra bệnh gì? Tình yêu còn là thứ công việc không đâu ra đâu song bận rộn suốt ngày. Mười ngày nữa mới tới cuộc hẹn hò mà cô gái đã phải nghĩ ngợi phân vân, không biết chọn áo màu xanh hay màu đỏ, guốc cao hay guốc thấp, son môi đỏ hay hồng...? Trường hợp của Hà cũng thế, trong bảy ngày chờ mong đó đầu óc nàng không một phút yên tĩnh. Nàng biếng ăn, mất ngủ, người lao đao như sống ở trên sóng. Nhưng tất cả những triệu chứng ấy lại là một thứ đau đớn dịu dàng dễ chịu. Đó chính là triệu chứng lâm sàng của bệnh tình ái.

Thế rồi cái buổi chiều, có thể gọi là "chiều định mệnh" đó cũng đến. Hà như ngồi trên lửa. Nàng thắc thỏm trông chờ. Bỗng có tiếng chuông điện thoại. Hà kêu thầm: Thật đúng là " Chuông gọi hồn ai?" Người bạn cầm lên nghe, xong quay lại nói: "Hà, giám đốc gọi !" Hà nghĩ thầm: Xui thật, cả tuần không chịu kêu, lại nhằm lúc người ta đang chờ đợi con quay số phận ngã ra ở cái mặt đỏ đen nào lại gọi? Hà bước lên cầu thang, nhón gót đi một đoạn, nàng đứng trước hai cánh của gỗ đồ sộ có treo tấm bảng đồng đề hai chữ " Giám đốc "

Nàng rụt rè chưa dám gõ cửa. Hà mong công việc chóng xong để còn trở lại với chàng. Hình như giám đốc bận tiếp khách. Hà đứng chờ. Trong khi chờ đợi Hà mở cửa lồng thả cho cánh chim tưởng tượng bay lên chín tầng trời. Có thể chàng không trao bức thư tận tay. Chàng ngại chốn đông người. Chàng sẽ đặt bức thư vào giữa một cuốn sách trao cho nàng. Còn nàng cần làm gì nhỉ ? Phải có động tác nào cho chàng biết nàng đã hiểu trong sách có lá thư quan trọng. Mình sẽ mỉm cười gật nhẹ đầu cho chàng hiểu. Mình cất vào ngăn kéo hay lôi ra đọc ngay, nói vài ba câu cho chàng yên lòng? Phải suy nghĩ cẩn thận, hành động thật linh hoạt, hợp lý cho công việc vô cùng tế nhị này. Dòng tư tưởng của Hà đang bay bỗng, có tiếng gọi:

- Vào đi!

Nàng rụt rè bước vào. Ông giám đốc chỉ ghế cho nàng ngồi. Nàng khép nép ngồi xuống. Nhìn sắc mặt ông ta Hà biết có chuyện không hay rồi. Ông ta lục trong cặp ra một phong thư đẩy tới trước mặt nàng. Trời ơi ! Không còn nghi ngờ gì nữa, chiếc phong bì đúng là loại của nàng bán trao cho Hải, trên góc phải có dán con tem hình hoa lá cũng là thứ tem nàng trao cho chàng. Nàng than thầm: Lạy Chúa tôi ! Không lẽ anh chàng này đãng trí tới nỗi gửi lầm thư tình viết cho mình cho ông giám đốc? Thôi cũng chẳng sao. Đừng trách chàng, tội nghiệp, thường những kẻ thông minh tuyệt vời như chàng hay đãng trí, kiểu đãng trí dễ thương của những bác học. Với lại ông giám đốc có biết chuyện tình cảm này cũng chẳng sao. Chi bộ hay công đoàn cũng chẳng phê phán gì được mình . Mình không chồng, chàng chưa vợ, hai người yêu nhau có tội lỗi gì? Ông giám đốc giục:

- Đọc đi !

Ông giám đốc bưu điện thấy nàng cầm bức thư lật qua lật lại nhiều lần, cứ tần ngần không chịu mở ra đọc. Một lần nữa ông lại giục:

- Mở ra đọc đi, sao cô cứ loay hoay tần ngần mãi thế?

Nàng vẫn chưa chịu mở ra. Chiếc phong bì run rẩy trong đôi tay đã ướt sũng mồ hôi của cô gái. Hà chầm chậm kéo tờ giấy màu xanh ra. Đúng là tờ giấy nàng đã trao. Nàng chưa dám đọc vội, chỉ mới đưa mắt lướt nhanh qua. Nàng có hơi thất vọng về chiều dài của bức thư tỏ tình. Theo nàng đáng lẽ chàng phải viết kín cả hai mặt tờ giấy những lời yêu đương. Sao chàng lại viết chỉ mấy dòng ngắn thế này? Hay anh chàng này tỏ tình theo kiểu tam tự kinh ( kinh ba chữ : Anh yêu em !) Như thế thì kém lãng mạn, nhưng thôi trong tình yêu, ba chữ đó là đủ. Có thể chàng quá bận. Tội nghiệp. Ông giám đốc lại giục:

- Đọc nhanh đi, còn chần chừ gì nữa?

Hà nhắm mắt lại. Trong tim nàng một trận bão nổi lên. Nàng định thần, quyết tâm tự nhủ: Can đảm lên. Đối diện với sự thực đi !

Hà đọc, không đọc, nàng đánh vần từng chữ đoạn sau đây:

Thời gian gần đây ngành bưu điện nước ta có nhiều tiến bộ trong việc phục vụ khách hàng. Tôi rất vui mừng và khâm phục. Nay tôi viết thư này chỉ có một ý kiến nhỏ xin đóng góp cho ngành để phục vụ nhân dân khách hàng một cách tốt hơn. Đề nghị ngành bưu điện tỉnh ta cho đổi một số tiền lẻ để thối lại cho khách hàng. Đừng khi thì thối lại bằng chiếc phòng bì, lúc là mấy con tem, có khi lại là cây bút bi...Khách hàng biết làm gì với những món linh tinh này...Làm thế không thể hiện tính văn minh của ngành bưu điện trong thời điểm hiện tại...

Ông giám đốc lên tiếng.

- Sao ? Người ta phản ảnh như thế có đúng không?

Hà mau mắn:

- Thưa đúng !

Ông giám đốc:

- Cô không có tiền lẻ để thối lại cho khách hàng sao? Chốc nữa xuống nhà bảo cô Liên thủ quĩ lên tôi bảo. Phải đem tiền mệnh giá lớn ra ngân hàng đổi tiền lẻ đem về dùng.

Hà:

- Thưa trong quày luôn luôn có nhiều tiền lẻ, có nhiều, đủ thứ tiền...

Giám đốc:

- Sao cô không chịu thối cho người ta để người ta phải than phiền. Sáng thứ hai họp toàn cơ quan giải quyết vụ này. Người viết thư đúng là một người có tâm huyết với công việc chung, một người có ý thức công dân tuyệt vời .

Hà rụt rè :

- Thưa tôi thấy chẳng có gì quan trọng, không cần phải họp cả cơ quan. Với lại người viết lá thư này tôi cũng quen biết, biết khá rõ...

Ông giám đốc:

- Cô biết công dân gương mẫu này ?

Hà mạnh dạn:

- Thưa biết, biết rất rõ, đó không phải là "công dân gương mẫu".

Ông giám đốc:

- Khách hàng ấy là người thế nào, mà cô cho là không phải công dân gương mẫu ?

Hà:

- Thưa khó dùng lời mô tả về con người này. Từ ngữ thời đại có rất nhiều cách nói về loại người thế này. Ví dụ như : Anh chàng đứt dây, thằng tam tam, lão té giếng, đồ chập mạch...

Ông giám đốc chận lại:

- Mấy cái từ đó cô kiếm đâu ra, tôi nghe chẳng hiểu tí gì ?

Hà:

- Thưa đó là ngôn ngữ thời đại, loại tiếng lóng quen thuộc trong cuộc đời thường, ông giám đốc ở trên cao, nhốt mình trong tháp ngà, không nắm rõ. Tôi dùng từ chính xác, quen thuộc nhé ?

Ông giám đốc

- Nói đi

Hà:

- Thưa chính danh gọi là "đồ khùng". Mấy thằng khùng sống thêm vài năm nữa bệnh nặng hơn sẽ thành "đồ điên " !

*

Cũng may Hà là người lạc quan, yêu đời, lại có dòng máu Đông Ky Sốt, AQ. Nàng nhìn việc này với cặp mắt ấy nên bao giờ cũng thấy cuối cùng phần thắng thuộc về ta. Nàng nghĩ may quá, không nhờ chuyện này mình mà vớ phải cái tên khùng ấy thì khổ cả một đời. Lại còn sinh với nó một lũ khùng con nữa!!!