Chim Việt Cành Nam         Trở Về   ]            [ Trang chủ ]          [ Tác giả

Bông hoa Thanh Tiên 
rực sắc xuân

Phanxipăng

Dịp Xuân sang, hoa tràn ngập khắp nơi, từ hoa thật đến hoa giả với rất nhiều chủng loại, 
thế nhưng khá đông người dân xứ Huế vẫn tìm mua hoa Thanh Tiên nhằm đơm cúng. 
Hoa Thanh Tiên xuất hiện tại tỉnh Thừa Thiên, tạo nên nét riêng biệt cho xứ Hương Bình. 
Đó là 3 loại hoa nhân tạo, được gọi tên: bông giấy, bông lùng, bông đũa. 
Gần đây, hoạ sĩ Thân Văn Huy không chỉ tìm cách tăng cường công dụng cho bông giấy Thanh Tiên, mà còn...
Thanh Tiên hiện là một thôn của xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Thuở xưa, đó là làng Tân Lang thuộc huyện Tư Vinh. Tới thời Lê trung hưng, vua Lê Kính Tông có họ tên thật Lê Duy Tân lên ngôi năm Kỷ Hợi 1599 nên làng Tân Lang phải chuyển cách gọi thành Thanh Tiên. Sách Phủ biên tạp lục do Lê Quý Đôn biên soạn năm Bính Thân 1776 ghi nhận rằng bấy giờ, Thanh Tiên là một xã của tổng Mậu Tài, huyện Phú Vang, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hoá (Tập I Lê Quý Đôn toàn tập, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1977, trang 78-79).

Làng Thanh Tiên giáp làng Mậu Tài ở phía bắc, giáp làng Vọng Trì ở phía đông, giáp làng Thế Vinh ở phía nam, còn phía tây giáp dòng sông Hương đoạn hạ lưu. Theo một bản gia phả họ Trần tại địa phương đã phụng tu vào niên hiệu Tự Đức XXXIII tức năm Canh Thìn 1880, làng này được khai canh bởi Võ Đình Tiên, người gốc Sơn Tây ở miền Bắc vào Thuận Hoá phò chúa Nguyễn. Dân làng Thanh Tiên chuyên làm nông nghiệp, và đến tháng 10 âm lịch hằng năm thì nhiều gia đình thực hiện thêm nghề thủ công truyền thống: làm hoa nhân tạo.

Chưa tìm thấy văn bản xa xưa nào cho biết thời điểm xuất hiện nghề làm hoa tại làng Thanh Tiên. Tuy nhiên, vài tài liệu ấn hành gần đây phỏng đoán rằng nghề này vốn được dân Thanh Tiên làm từ thế kỷ XVI. Quý bô lão ở địa phương cho rằng hoa Thanh Tiên có nguồn gốc phối hợp từ hai nơi: kỹ thuật làm hoa quỳ (hướng dương) của làng Tiên Nộn và quy cách pha màu của làng Sình. Đó là bông giấy. Ngoài ra, làng Thanh Tiên còn sản xuất bông đũa và bông lùng.

 

Bông giấy, bông lùng, bông đũa
Bông giấy là hoa bằng giấy. Tính đến giữa thế kỷ XX, nguồn giấy chủ yếu để làng Thanh Tiên làm bông là giấy được dân làng Đốc Sơ (1) sản xuất thủ công và cung ứng. Sau khi mua giấy Đốc Sơ, dân Thanh Tiên phải nhuộm màu bằng vật liệu cùng cách thức cổ truyền. Màu nền được quét bằng hỗn hợp "3 điệp, 1 hồ". Điệp là động vật thân mềm thuộc họ trai sò sống trong khu vực đầm phá nước lợ. Người ta bóc lấy vỏ điệp, đem nung rồi giã mịn. Hồ được khuấy bằng bột nếp. Người Thanh Tiên dùng nhiều động vật, thực vật và khoáng vật nhằm tạo hàng loạt màu sắc khác nhau. Xử lý lá đung, búp hoa hoè, lá chè, quả giành để tạo màu vàng. Gỗ vang, lá bàng, vỏ cây dương liễu (phi lao) cho màu đỏ. Rau bù ngót (rau ngọt) và lá lốt cho màu lục. Lá tràm cho màu xanh chàm. Lá mồng tơi với hoa hoè cho màu xanh dương. Hạt mồng tơi chín với phèn chua cho màu tím. Hệ thống "ngũ sắc Huế" (2) thể hiện rõ qua màu hoa Thanh Tiên: đỏ, vàng, trắng, xanh, tím. Bảng màu ấy còn thấy qua tranh khắc gỗ của làng Sình và làng Chuồn tức làng An Truyền. Tất nhiên, đó là những màu chủ đạo.

Ngày nay, dân Thanh Tiên không còn mua giấy thủ công của làng Đốc Sơ nữa, mà thay vào đó bằng giấy công nghiệp. Thú vị nhất là hiện thời có những loại giấy trang kim (giấy bạc, giấy vàng, giấy xanh, giấy đỏ lóng lánh, v.v.) rất tiện cho việc thực hiện nhuỵ hoa. Lại một tất nhiên khác: ngày nay, hệ thống "ngũ sắc Huế" chóng bị phá vỡ! Bên cạnh giấy, người dân Thanh Tiên còn sử dụng những nguồn vật liệu khác để sản xuất hoa: keo (hồ dán), dây quấn, xốp cây, và tre nứa. Nhiều thứ dần được "công nghiệp hoá và hiện đại hoá": chẳng hạn dây quấn xưa dùng bẹ lá chuối sứ, nay dùng sợi nilon.

Xốp cây là trường hợp khá thú vị. Người ta lấy những thân cây lùng, sắn / khoai mì, điên điển, rồi tách phần ruột trắng xốp để giữ riêng, gọi là phao. Loại phao này thường được dân Thanh Tiên nhuộm màu và gia công thành búp hoa. Tương lai, liệu có thể lấy xốp công nghiệp thay phao thiên nhiên chăng? Cùng với búp hoa, phao còn được uốn thành đường xoáy trôn ốc, cắm thêm cành, dán thêm lá, tạo bông lùng để cúng trang bổn mạng.

Dân Thanh Tiên còn chẻ tước nhỏ các thanh tre, tạo nên những cánh hoa xoắn chằng chịt thành búi, rồi nhuộm màu. Ấy là bông đũa, dùng để cúng trang sư thờ thổ công.

Ba tháng cuối năm âm lịch thuộc thời kỳ nông nhàn, dân Thanh Tiên chuyển sang chế tác bông hoa với lịch sản xuất được truyền tụng như sau:

Tháng mười, mần tre;
Tháng một, mần giấy;
Tháng chạp, lên cây.

Nghĩa là tháng 10 thì thực hiện các công đoạn: làm cành nhánh, dây cuốn, phao. Tháng 11, nhuộm màu giấy, đục giấy theo các mẫu đã trù tính, đoạn dán các miếng giấy thành từng đoá hoa. Tháng 12, hoàn thiện sản phẩm.

Ghé thăm làng Thanh Tiên, vào các hộ sản xuất bông hoa thủ công truyền thống, khách phương xa sẽ biết thêm loạt từ nghề nghiệp. Ví dụ: táng chần nghĩa là nhuỵ hoa, trái ớt là búp hoa, tăm là cành, chông là thân. Một nhánh bông giấy thường gồm nhiều loài hoa kết hợp: hướng dương, tường vi, hồng, sứ, cúc, huệ, lan. Người Thanh Tiên quen gọi mỗi nhánh vậy là một cây.

Thực trạng đáng ưu tư
Trải qua bao cuộc bể dâu, vì lắm lý do khách quan lẫn chủ quan, nhiều làng nghề và ngành nghề thủ công truyền thống của Việt Nam bị tàn phai. Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, các nghề dệt gấm, dệt thao, làm pha lê, nắn khắc cật tre, chỉ Chợ Cống, kim Mậu Tài, giấy Đốc Sơ, tranh mộc bản Tây Hồ (nay thuộc xã Phú Hồ, huyện Phú Vang), v.v., đã biến mất; các nghề khác còn duy trì hoặc mới phục hồi song suy yếu nhiều phương diện như pháp lam Huế, gốm Phước Tích, tranh khắc gỗ làng Sình, bông hoa thủ công Thanh Tiên.

Các bậc bô lão tại địa phương kể rằng xưa kia, dịp nông nhàn cuối năm, làng Thanh Tiên có 80 - 90% tổng số hộ dân tỉ mẩn làm bông giấy, bông lùng, bông đũa. Dẫu không cúng trang bà, trang ông, trang sư, các gia đình Công giáo ở Thanh Tiên cũng làm thêm nghề thủ công truyền thống này nhằm kiếm tiền tiêu Tết. Tập 1 Lược sử các giáo xứ của Tổng Giáo phận Huế (2001) ghi nhận về họ đạo Thanh Tiên: "Hiện tại, những người Công giáo thuộc họ Phạm, bà con với nhau. Nghề chủ yếu của họ là nông, như mọi gia đình. Theo tập quán, cứ tới gần thời kỳ Tết Nguyên đán, làng Thanh Tiên bất kể lương hay giáo, các gia đình có thói quen dùng thời giờ rãnh rỗi tập trung làm hoa giấy để bán cho người bên lương. Công việc này tuy bên ngoài có vẻ nhẹ nhàng, thong thả, nhưng người dân cặm cụi, vất vả. Có người thức thâu đêm để làm việc đó, mà đồng tiền bán ra chẳng được là bao."

Sự mai một nghề làm hoa thủ công ở Thanh Tiên biểu hiện rất rõ thông qua số hộ hành nghề này giảm thiểu quá mạnh theo thời gian. Sách Huế và làng nghề thủ công truyền thống của Nguyễn Hữu Thông (NXB Thuận Hoá, Huế, 1994) ước tính: "Trên một trăm gia đình hiện sinh sống ở Thanh Tiên có đến 60 nhà sản xuất hoa giấy vào dịp Tết. Trung bình mỗi hộ sản xuất 1.000 cây". 15 năm sau, tức trước Tết Kỷ Sửu 2009, Trần Vãn - phó chủ tịch UBND xã Phú Mậu - cung cấp con số xót lòng:

- Toàn xã hiện có 20 hộ làm bông giấy, trong đó thôn Thanh Tiên có 10 hộ, giảm quá bán so với năm ngoái!

Đã 25 năm gắn bó với nghề bông hoa thủ công truyền thống ở Thanh Tiên, nghệ nhân Nguyễn An Lai sũng buồn:

- Ai giỏi thì mần mỗi ngày đêm được 20 cặp. Mỗi cặp là 2 cây bông giấy, năm ngoái giá 2.300 đồng, trừ toàn bộ chi phí xong, chao ôi, thu nhập quá kém!

Tình hình đón Tết Canh Dần 2010 ra sao? Nguyễn Hoá - trưởng thôn Thanh Tiên - cho biết:

- Thanh Tiên nay chỉ còn 7 hộ làm bông giấy!

Thêm điều nữa: Thanh Tiên chỉ còn sản xuất ít bông đũa, chứ bông lùng "biệt tích giang hồ" đã 4 thập niên!

Vực dậy một nghề thủ công truyền thống
Hoạ sĩ kiêm nhà giáo Thân Văn Huy chào đời năm Mậu Tý 1948 tại làng Thanh Tân, tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Huế năm 1972, thiết kế đồ gỗ và giảng dạy hội hoạ từ năm 1974 đến năm 1982. Bấy lâu nay, anh Huy thắc thỏm âu lo bởi nghề làm bông giấy của quê hương quá lao đao. Thân Văn Huy tâm sự:

- Quả thật, nghề bông giấy ở Thanh Tiên đang bước vào giai đoạn ngắc ngoải, ngất ngư! Mình từng vẽ tranh sơn dầu Hoa giấy mùa xuân, đã được bà đại sứ Philippines tại Việt Nam sưu tập. Chừng đó chưa đủ. Cần làm chi nữa để những sản phẩm xinh xắn mà cha ông lưu truyền tránh khỏi diệt vong?

Từ năm 2002, hoạ sĩ Thân Văn Huy phối hợp với bạn đời Trần Thị Quỳnh Anh, nhà giáo Thân Đình Hoài, cùng các nghệ nhân Nguyễn Hoá, Nguyễn Lược, Nguyễn Chí Lợi thi công bông giấy rồi thử tổ hợp nhiều kiểu theo nghệ thuật xếp đặt (installation art) và nghệ thuật trình diễn (performance art). Festival Huế 2006, mọi người thực sự ngạc nhiên và vui mừng khi ghé vườn nhà Thân Văn Huy dự triển lãm Sắc màu Thanh Tiên. Vạt cỏ giữa sân bỗng lung linh dưới nắng nhờ cắm bông giấy dày đặc. Nhiều cây bông giấy xiên vào chông rơm, được che bởi chiếc dù / ô đan kết bằng tranh tre, tạo nên lọng hoa. Rồi bông giấy được găm vào nõn chuối, sau đó đặt vào bình lọ hoặc chén bát, thế là chưng bàn khách hay bàn làm việc. Bông giấy Thanh Tiên còn được kết thành lẵng, tạo tặng phẩm đặc trưng để chúc mừng các cuộc triển lãm, biểu diễn, khai trương, khánh thành, hội thảo, hội nghị; cũng là quà duyên dáng biếu người thân dịp sinh nhật hoặc Tết nhất.

Chủ nhật 11-6-2006, nơi đình Nghinh Lương, tiết mục kết thúc chương trình Đêm hoa đăng khiến mọi quan khách gần xa (tại chỗ và theo dõi truyền hình trực tiếp lẫn VCD) đều thích thú: 20 bé gái, mỗi cháu mặc áo dài được may bằng quốc kỳ của các nước tham gia Festival Huế 2006, đôi tay cầm 2 bó bông giấy Thanh Tiên vẫy vẫy hẹn hò "đến hẹn lại lên".

Festival Huế 2008, triển lãm Sắc màu Thanh Tiên 2 tiếp tục trưng bày bông giấy làng quê với loạt tranh sơn dầu của Thân Văn Huy. Lần này, đáng chú ý là những bông sen giấy được phục chế. Anh Huy tường thuật:

- Sen giấy là sản phẩm do nghệ nhân làng Thanh Tiên sáng tác chưa hoàn chỉnh, thế mà đã thất truyền hơn nửa thế kỷ rồi. Chỉ còn 2 người ở địa phương nhớ mang máng cách làm. Mình bèn phục chế theo hướng cải biên, cải tiến. Trước, người ta dùng giấy bổi, giấy pelure. Nay, mình dùng giấy A4 Bãi Bằng (Phú Thọ) và Tân Mai (Đồng Nai).

Bông sen giấy gồm 2 màu trắng và hồng, có nhị vàng, lá lục. Cuống hoa và cuống lá được làm bằng cành tre hóp hoặc thép bọc giấy. Những sản phẩm dễ thương đó còn xoè nở trên sân khấu giữa quảng trường Ngọ Môn đêm khai mạc Festival Huế 2008, và chúm chím hàm tiếu trong tay các mỹ nữ múa minh hoạ cho nhóm Cỏ Lạ trình bày ca khúc Lời ru Âu Lạc của Nguyễn Minh Sơn.

Hoạ sĩ Thân Văn Huy cho biết:

- Đón Tết Canh Ngọ 2010, mình cố gắng làm bông sen giấy đẹp hơn bằng cách dùng mây làm cuống, và nhuộm màu cánh sen hồng theo kỹ thuật vẽ tranh lụa. Sắc màu Thanh Tiên 3 tổ chức dịp Festival Huế 2010 trân trọng giới thiệu sản phẩm vừa nâng cấp này.

Nhờ những đóng góp của hoạ sĩ Thân Văn Huy cùng cộng sự, bông giấy Thanh Tiên bây giờ không chỉ xuất hiện trong lĩnh vực tín ngưỡng dân gian dịp Tết Nguyên đán, mà còn trong địa hạt trang trí quanh năm. Với xu hướng mỹ thuật hoá, mong Thân Văn Huy tiếp tục bảo tồn bông lùng, phục chế bông đũa. Những vấn đề cần thiết khác - như tính toán giá thành sản phẩm hợp lý, tiếp thị sâu rộng, mở thêm địa bàn tiêu thụ, v.v. - lại là công việc của các cấp hữu quan nhằm giúp nghề sản xuất bông hoa thủ công truyền thống ở Thanh Tiên hồi sinh và phát triển.

_________________

(1) - Làng Đốc Sơ hiện thuộc phường An Hoà, thành phố Huế.

(2) - Ngũ sắc phương Đông truyền thống: xanh, vàng, đỏ, trắng, đen. Ngũ sắc Huế: xanh, vàng, đỏ, lục, tím. Bảng màu ngũ sắc Huế do hoạ sĩ Phạm Đăng Trí (1921 - 1987) đúc kết.

Đã đăng tạp chí Thế Giới Mới 873 (1-3-2010)

Vẫy chào thập phương bằng những bông hoa rất Huế.
Ảnh: Phanxipăng
Lọng hoa giấy Thanh Tiên. 
Ảnh: Phanxipăng
Lẵng hoa giấy Thanh Tiên. 
Ảnh: Phanxipăng
Bình bông giấy Thanh Tiên nơi bàn rượu. 
Ảnh: Phanxipăng
Sen giấy kiểu cũ. 
Ảnh: Phanxipăng
Sen giấy kiểu mới. 
Ảnh: Phanxipăng