Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]           [  Tác giả ]

Pyotr Ilyich Tchaikovsky
(May 7, 1840 - November 6, 1893)

Sóng Việt Đàm Giang


Pyotr Tchaikovsky
Chân dung vẽ bởi Nikolay Kuznetsov (1893)
Lời mở đầu
Pyotr Tchaikovsky có thể được xem như là một nhà soạn nhạc cổ điển có tiếng nhất. Ông sinh ngày 25 tháng tư (theo lịch Julien) tức là 7 tháng năm 1840 tại Votkinsk và mất ngày 25 tháng mười (theo lịch Julien) tức ngày 6 tháng mười một 1893 tại St Petersburg.

Nhạc của ông luôn luôn có sự hấp dẫn đặc biệt, có tình cảm tuyệt vời và mầu sắc trong sáng của dàn nhạc hòa âm. Nhạc ông phản ảnh những tình trạng thay đổi trong chính bản thân ông lúc buồn, lúc vui lạc quan cao độ.

Suốt cuộc đời ông bị dằng xé giữa sự ham muốn được trở thành người bình thường có một cuộc sống gia đình bình thường và bản chất đồng tình luyến ái. Sự chiến đấu không ngưng nghỉ, không hạnh phúc đã phản ảnh rõ rệt trong những bản nhạc sáng tác gần cuối cuộc đời ông. Nhạc của ông mang ảnh hưởng nặng văn hóa cổ truyền Nga hòa hợp với dòng nhạc Tây Âu.

Thân thế và sự nghiệp
Tchaïkovsky sinh ngày 7 tháng năm 1840 tại Votkinsk, một thị trấn nhỏ ở Oudmurtie miền Oural (Uran), con trai thứ hai của Ilya Petrovich Tchạkovski, một kỹ sư mỏ, và Alexandra Andreïevna d'Assier gốc Pháp. Năm lên tám, gia đình dọn đến St. Petersburg và Tchaikovsky được gửi vào học ở trường Trung cấp Luật (từ năm 1850-1859). Trong thời gian này Tchaikovsky đã say mê học âm nhạc, và có thêm hai người em song sinh tên Anatoly và Modest. Khi Tchaikovsky lên 14 tuổi thì mẹ chết về bệnh tả. Cái chết của bà mẹ đã mãi mãi ám ảnh suốt cuộc đời ông. Sau khi ra trường Luật vào năm 1859 ông làm việc trong ngành luật nhưng không mấy hứng thú. Cho đến năm 1862, khi St Petersburg có mở một trường âm nhạc mới thì ông ghi danh theo học và theo đuổi học nhạc đến năm 1866 thì ra trường rồi làm việc day nhạc với Nhạc viện thành phố Moscow do Nhạc sĩ dương cầm và hoà âm Nikolai Rubinstein điều hành. Ông bắt đầu soạn nhạc giao hưởng (symphony) sau khi một bản overture đầu tiên được khen ngợi vào tháng Ba năm1866. Bản Symphony đầu tiên Winter Daydream được điều khiển bởi nhạc trưởng Rubinstein vào năm 1868. Năm 1869, ông soạn nhạc cho vở kịch Romeo and Juliet và tác phẩm này được coi như là một trong những tác phẩm nổi danh nhất của ông. Tháng 5 năm 1872 ông hoàn tất nhạc phẩm Little Russian (Second Symphony) tại nhà người em gái Alexandra. Năm 1877 ông cho ra mắt tác phẩm Swan Lake (Lebedino Ozero) viết cho Imperial Ballet của Moscow. Mặc dù buổi ra mắt không thành công do biên đạo múa chưa đạt đuợc tầm vóc nhạc của ông, nhưng nhạc phẩm ballet này sau đó được xem là một trong ba tác phẩm ông đã thực hiện nhạc thật tuyệt vời cho vũ kịch ballet. Hai tác phẩm kia là The Sleeping Beauty (Spyaschaya kravavitsa) và The Nutcracker (Shchelkunchik). Cả ba nhạc phẩm này của ông đã trở thành những tác phẩm tiêu biểu nhất cho nhạc múa ballet cổ truyền.

Năm 1874 ông hoàn thành tác phẩm First Piano Concerto, tác phẩm đã bị Nikolai Rubinstein chỉ trích lần đầu tiên nhưng sau đó lại công nhận là một nhạc phẩm hay sau khi bản này được trình diễn ở Boston, USA. Từ năm 1874 đến 1877 ông du lịch nhiều nơi và viết nhiều tác phẩm khác.

Năm 1877 đánh dấu nhiều biến chuyển trong cuộc đời ông. Ông lấy vợ và ông được bà quả phụ triệu phú đường rày xe lửa Nadezhda Von Meck tài trợ cho ông với số tiền rất lớn đủ để ông sáng tác mà không phải bó buộc làm việc cho bất cứ một cơ quan nào. Bà Von Meck chỉ có đặt một điều kiện duy nhất là ông không được phép gặp bà.

Tài liệu cho biết Tchaikovsky là một người có khuynh hướng đồng tính luyến ái ngay từ khi còn trẻ. Chứng đồng tình luyến áicó lẽ đã được khơi mào từ những ngày ông học ở trường Trung cấp Luật, một trường tư dành riêng cho Nam học sinh. Sự thân thiện đặc biệt từ ngày đó với một học sinh khác trong trường đã được nhắc đến trong tiểu sử chi tiết của đời ông và không có chi đáng ngạc nhiên. Sau này một trong hai người em trai song sinh của ông tên là Modest cũng mắc chứng đồng tình luyến ái.

Tchaikovsky luôn luôn bị ám ảnh bởi chứng đồng tình luyến ái nhưng vào thời điểm đầu năm 1877, ông vẫn nghĩ rằng ông có thể vượt qua chứng này và có thể thở thành người bình thường nếu lấy vợ. Vợ ông, Antonina Milyukova, đã gặp và biết ông từ ngày cô còn trẻ nhưng đến năm 1877, khi gặp lại Tchaikovsky thì cô 28 tuổi. Coi Tchaikovsky là một thần tượng âm nhạc, cô đã viết rất nhiều thơ nóng bỏng gửi ông tỏ lòng yêu mến. Tchaikovsky hiển nhiên đã hy vọng cuộc hôn nhân với cô sẽ giải đáp được tình cảnh đồng tình luyến ái của ông. Nhưng cuộc hôn nhân hoàn toàn thất bại, vì ông không thể đáp ứng đuợc những đòi hỏi ân ái của người vợ mong có một liên hệ bình thường với chồng. Cuộc hôn nhân kéo dài cỡ 9 tuần, sau đó ông từ bỏ vợ, ra đi và không bao giờ gặp lại vợ. Cả hai cũng không hề ly dị . Sau khi hai người xa nhau, vợ ông bị chứng rối loạc tâm thần nhiều lần. Ba năm sau khi ông chết, 1896, vợ ông mắc bệnh điên và bà sống trong một nhà thương điên cho đến khi chết.

Tchaikovsky và vợ Antonina Milyukova
Nadezhda Von Meck

Ngay sau cuộc hôn nhân thất bại, và trải qua một thời kỳ đau khổ đến muốn tự tử, Tchaikovsky đã có may mắn được bà Nadezhda Von Meck bảo trợ tài chính lâu dài, mặc dù trước đó bà cũng đã từng đài thọ nhiều lần cho Tchaikovski. Không phải lo vấn đề mưu sinh, ông bắt đầu phục hồi. Cuối năm 1877, đầu năm 1878 ông đi du lịch với người em trai tên Anatoli và sau đó là Modest (Anatoli và Modest là hai em trai song sinh của Pyotr Tchaikovsky) và bắt đầu viết bản Giao hưởng số 4 để bí mật đề tặng bà Von Meck. Ông đã viết cho bà Von Meck nói về sự liên quan giữa nhạc của ông và Định mệnh. Tư tưởng về Định mệnh, một tiên mệnh đã ngăn cản nguồn hy vọng và hạnh phúc của ông, đã hiện diện trong rất nhiều tác phẩm sau đó của ông. Thời gian này ông cũng viết vở nhạc kịch Eugene Onegin căn cứ trên cuốn chuyện tiểu thuyết văn thơ của Alexander Pushkin, một nhạc kịch opera diễn tả những bi thảm của đời sống người dân Nga.

Sau một thời gian du lịch làm nhạc trưởng biểu diễn tại nhiều quốc gia Âu châu, Tchaikovsky trở về Nga và sáng tác một số bản nhạc. Năm 1880 ông hoàn tất bản Overture 1812 một tác phẩm nổi tiếng kể lại sự chiến thắng của Nga đánh bại quân đội Pháp của Napoleon. Từ 1881 cho đến 1884 ông vừa làm việc viết nhạc vừa đi du lịch nhiều nơi. Vào cuối năm 1884, Tchaikovsky cảm thấy cần phải ổn định cuộc sống và rồi sang đầu năm 1885, ông thuê một căn nhà ở Maidanovo gần Klin ngay ngoại ô Moscow và ở đó một thời gian.

[Maidanovo là một thành phố thuộc quận Klin của Moscow, cách thành phố Klin cỡ 6 km về hướng đông nam. Tchaikovsky thuê nhà ở Maidanovo trong thời gian tháng 2, năm 1885 đến tháng 4, 1888, trước khi dọn đến căn nhà ở làng Frolovskoe gần bên cạnh ( tháng 5 1888 đến tháng 3, 1891). Tuy nhiên ông lại trở lại cũng căn nhà cũ ở Maidanovo từ cuối tháng 5, 1891 đến tháng tư 1892. Sau đó là ông sống ở căn nhà tại Klin từ tháng 5, 1892 cho đến khi ông qua đời vào tháng 9, 1893. Sau khi ông mất, Modest, em ông và người quản gia Aleksei Sofronov đã mua đứt căn nhà và biến nó thành một nhà bảo tàng kỷ niệm Tchaikovsky cho đến ngày nay.]

Năm 1888 ông hoàn tất bản Giao Hưởng số 5 với nhạc chỉ mở màn tiêu biểu cho hoàn toàn khuất phục cho Định mệnh, chuyển sang phần hai thì trở nên sống động có tình yêu tươi sáng. Bản The Queen of Spades (Pikovaya dama) dựa vào Định mệnh và ảnh hưởng của Pushkin đã được Tchaikovsky sáng tác quanh một câu chuyện ly kỳ của chết chóc và hủy diệt vì ghiền cờ bạc.

Năm 1890 bà Von Meck quyết định chấm dứt tài trợ cho Tchaikovsky sau 14 năm dài, với lý do vì bà có nguy cơ bị phá sản. Quyết định của bà Von Meck có ảnh hưởng lớn đến Tchaikovsky và đã làm ông kiệt quệ tinh thần vốn đã ở trong tình trạng không tốt do lối sống không bình thường và tật uống rượu của ông. Năm 1891 ông đến New York City để tham gia việc khánh thành Nhà hát Carnegie Hall. Nhưng sự thành công này cũng không thể làm ông quyên được cái chết của người em gái. Năm 1893, ông hoàn tất tác phẩm Pathétique. Sau khi tác phẩm này được trình diễn lần đầu tiên ngày 28 tháng 10, 1893, thì hơn một tuần sau, ông qua đời tại St. Petersburg ngày 6 tháng 11, năm 1893 (53 tuổi). Lý do ghi trên giấy tờ là ông chết vì nhiễm khuẩn bịnh tả do uống nước không đun sôi. Có nhiều nghi vấn và giả thuyết về cái chết đột ngột của ông, có người cho rằng ông tự tử, có kẻ cho rằng ông bị đầu độc, nhưng tất cả đều không có một chứng cớ cụ thể nào để chứng minh nên cho đến hiện tại lý do chết vì mắc bệnh tả vẫn được xem như là chính thức trừ khi trong tương lai khoa học có thể kiểm chứng lại với những phương pháp chính xác hơn và điều kiện mà chính phủ Nga cho phép.

Một số tác phẩm của Tchaikovsky
Những tác phẩm ông sáng tác trong thời gian ở Maidanovo gồm opera Cherevichki (1885), The Enchantress (1885-87) và Iolanta (1891-92); ballet The Nutcracker (1891-92); symphony Manfred (1885); Nos. 4 to 9 of the Nine Church Pieces (1885); choruses The Angel Cried Out (1887) và Blessed is He Who Smiles (1887).

Thời gian ở căn nhà tại Frolovskoe ông đã soạn nhiều tác phẩm nổi tiếng như Symphony No. 5 (1888), overture-fantasia Hamlet(1888), Six French Songs(Op. 65) (1888), orchestra Overture-Fantasia bởi Herman Laroche (1888), ballet The Sleeping Beauty(1888-89), opera The Queen of Spades(1890), và nhạc cho vở Hamlet (1891). (danh sách tác phẩm trong phụ bản đính kèm).

Bản Piano Concerto No. 1 B flat minor, Op 23 hoàn tất lần đầu vào khoảng giữa November 1874 và February 1875. Bản được sửa đổi lại hai lần vào mùa hè 1879 và December 1888. Trong giai đọan đang viết, bản nhạc này bị nhạc sĩ piano tài giỏi Nikolai Rubinstein chỉ trích nặng nề, nhưng sau đó Nikolai lại hết lòng ca ngợi sau khi bản nhạc đã được sửa đổi. Bản này đuợc xem như là bản piano concerto hay nhất và thông dụng nhất của Tchaikovsky.

Bản Violin Concerto D major, Op. 35 đuợc Tchaikovsky viết vào năm 1787, đuợc biết đến nhiều nhất trong tất cả những bản violin concerto và đuợc coi như là bản có kỹ thuật khó nhất trong tất cả những bản soạc cho violin. Bản gồm ba movements

1. Allegro moderato (D major)
2. Canzonetta: Andante (G minor)
3. Finale: Allegro vivacissimo (D major)
Bản này chơi không ngừng nghỉ kéo dài cỡ 35 phút.

Bản Giao hưởng số 4 minor Op. 36 viết giữa năm 1877 và 1878. Lần đầu tiên được trình diễn ở Saint Petersburg với Nikolai Rubinstein làm nhạc trưởng. Bản gồm 4 movements:

1. Andante sostenuto -- Moderato con anima -- Moderato assai, quasi Andante -- Allegro vivo (F minor)
2. Andantino in modo di canzona (B flat minor)
3. Scherzo: Pizzicato ostinato -- Allegro (F major)
4. Finale: Allegro con fuoco (F major)

Bản Giao hưởng số 5 minor Op. 64 được Tchaikovsky soạn trong thời gian tháng Năm và tháng Tám 1888. Bản này được đề tặng Theodore Avé-Lallemant. Bản gồm 4 movements

1. Andante -- HYPERLINK "http://en.wikipedia.org/wiki/Allegro_(music)" Allegro con anima (E minor)
2. Andante cantabile, con alcuna licenza -- Moderato con anima -- Andante mosso -- Allegro non troppo -- Tempo I (D major)
3. Valse: Allegromoderato (A major)
4. Finale: Andante maestoso -- Allegro vivace -- Molto vivace -- Moderato assai e molto maestoso -- Presto

Overture of 1812 in E flat major, Op. 19

Năm 1880 do đặt hàng của Sa hoàng Alexander I muốn ông viết để kỷ niệm sự thất bại của Napoleon và quân đội Pháp vào năm 1812, khi chiến trận Borodino vào năm 1812 xẩy ra. ông bắt đầu soạn bản 1812 Overture từ tháng 10 năm 1880, hoàn tất trong vòng sáu tuần. Mặc dù ông cho rằng bản nhạc rất lớn tiếng và ồn ào và vì ông không có cảm tưởng ấm áp nồng nhiệt khi viết nên có thể sẽ không chứa đựng được cái nghệ thuật mong muốn. Tuy nhiên 1812 Overture lại chính là bản nhạc được cho rằng là bản hay nhất của Tchaikovsky.Buổi trình diễn đầu tiên tại Thánh đường Christ of the Savior ở Moscow vào ngày 20 tháng Tám năm 1882. Bản nhạc rất sống động với tiếng đại bác nổ, nhạc chuông kêu vang, và kèn đồng kết thúc.

Một chút lịch sử về trận chiến Napoleon xâm chiếm Nga. Ngày 7 tháng Chín năm 1812 tại Bodorino cách Moscow cỡ 120 km (75 miles) về hướng tây, Napoleon đã đánh bại quân đội Nga, số tử vong lên đến hơn 100,000 người. Với nguồn cung cấp vơi dần và chi dùng quá đáng, quân đội suy yếu của Napoleon tiến vào Moscow không gặp nhiều kháng cự, nhưng khi vào thành thì quân Pháp chỉ thấy một thành phố hoang tàn đổ nát, một phần đã bị chính quân đội Nga đốt phá chỉ còn trơ lại nền gạch. Không có nguồn lương thực cho quân đội, Napoleon bắt buộc phải cho rút quân về. Bắt đầu từ 19 tháng 10 cho đến tháng 12, quân đội Pháp gặp rất nhiều trở ngại trên con đuờng rút lui: đói, bệnh thương hàn, nhiệt độ quá lạnh, quân đội Nga quấy nhiễu. Bị Napoleon bỏ rơi, quân đội Đại binh chỉ còn lại cỡ 1/10 quân số khi tới được Ba lan an toàn.

Căn nhà bảo tàng Tchaikovsky tại Klin
Trong chuyến du lịch thăm liên bang Nga mùa Thu năm 2011, người viết có dịp được ghé thăm ngôi nhà của Tchaikovsky ở Klin nay được biến thành nhà bảo tàng Tchaikovsky.

Căn nhà Bảo tàng Tchaikovsky tại Klin là một căn nhà gỗ đồng quê ở vùng tây bắc và cách Moscow (Liên bang Nga) 85km. Đây là nơi mà Pyotr Ilyich Tchaikovsky sống những ngày cuối của cuộc đời từ tháng 5, 1892 đến tháng 11, 1893. Căn nhà này nay là một nhà bảo tàng chứa đựng tất cả những kỷ niệm của ông. Vào thăm viện bảo tàng, tất cả mọi người phải mang một đôi shoe cover (gọi là bakhily) để bảo vệ sàn nhà cùng làm giảm hoàn toàn những tiếng động không cần thiết.

Phòng tiếp khách trên lầu là phòng lớn nhất, có chứa chiếc đàn piano Becker do chủ nhân công ty đàn tại St. Petersburg (Becker) tặng vào năm 1885. Nhân viên tại nhà bảo tàng cho hay mặc dù ông không hề chơi đàn trong những buổi trình diễn sảnh đuờng, ông thường chơi piano ở nhà cùng bạn hữu. Từ cầu thang đi lên tại một góc phòng có trưng bày một bộ hành lý để ông đi lại khắp nơi.

Hình internet

Một căn phòng dưới nhà có chứa những kỷ niệm như mũ, bao tay trắng, và những kỷ vật do thân hữu tặng. Căn nhà chứa rất nhiều hình. Một phòng có trưng bày những hình kể lại cuộc đời của ông từ khi lớn lên cho đến ngày ông qua đời.

Khu vườn chung quanh ngôi nhà của ông rất nên thơ, có một tượng ông ngồi trên băng ghế đang đọc sách nhạc, và có nhiều cây bạch phong/dương trong vườn.

Nói về bạch phong/dương thì đây là cây huê, cây bulô mang tên latin là Betula, trong gia đình Betulaceae, tương tự như gia đình cây cây sồi/giẻ gai (oak/beech), Fagaceae. Cây này có rất nhiều ở Bắc bán cầu thường chịu nhiệt độ lạnh. Thân cây có lớp vỏ mầu trắng và có những dấu vân ngang màu đen. Bạch phong dương Betula pendula có thể thuộc silver birch hay white birch.

Tchaikovsky đã mang vào trong một đoạn chót của Symphony No. 4 F minor, Op 36 (viết năm 1877-1878) bài dân ca có tên Cây Birch/Beriozka mang lời như sau.

Beriozka (The Birch Tree) or In the Field Stood a Birch Tree

Lyrics
See the lovely birch in the meadow,
Curly leaves all dancing when the wind blows.
Loo-lee-loo, when the wind blows,
Loo-lee-loo, when the wind blows.

Oh, my little tree, I need branches,
For the silver flutes I need branches.
Loo-lee-loo, three branches,
Loo-lee-loo, three branches.

From another birch I will make now,
I will make a tingling balalaika (*).
Loo-lee-loo, balalaika,
Loo-lee-loo, balalaika.

When I play my new balalaika,
I will think of you, my lovely birch tree.
Loo-lee-loo, lovely birch tree,
Loo-lee-loo, lovely birch tree.

(*) The balalaika là một nhạc cụ của Nga gồm một thân hình tam giác và ba giây đàn.

Trên cánh đồng đứng một cây phong

Trên cánh đồng, yêu dấu một cây phong
Những lá cong hùa nhau nhún nhảy giữa thu phong
Ríu rít reo khi gió thổi vòng vòng
Ríu rít reo khi gió thổi vòng vòng.
Này cây nhỏ ta cần có vài cành
Cho ống sáo nên cần có vài cành
Ríu rít reo ta cần có ba cành
Ríu rít reo ta cần có ba cành
Thêm cây nữa vì ta đây sẽ chế
Một balalaika tốt đến muốn tê
Réo rắt reo balalaika đáng mê
Réo rắt reo balalaika đáng mê
Khi ta chơi cây đàn mới balalaika
Ta sẽ nhớ cây phong yêu dấu của riêng ta
Ríu rít reo cây phong yêu dấu tình ta
Ríu rít reo cây phong yêu dấu tình ta.
                           Đàm Giang chuyển dịch.
                            27 September 2011

(ghi chú: cây birch, cây maple đều được gọi là cây phong)

Nhạc Kịch Ballet
Pyotr Ilyich Tchaikovsky (1840- 1893) là một nhà soạn nhạc Nga vào thời Lãng Mạn. Ông soạn nhạc hoà tấu, nhạc kịch nghệ, vũ ballet cổ điển, nhạc dụng cụ, nhạc thính phòng và nhạc ca hát. Những nhạc phẩm kịch nghê ballet cổ điển nổi tiếng của ông được cả thế giới biết đến là Swan Lake, The Sleeping Beauty, The Nutcracker.

Bản kịch ballet Swan Lake (Lebedinoye ozero), được Tchaikovsky viết vào khoảng năm 1875-76. Bản kịch phỏng theo chuyện truyền kỳ dân gian của Nga, kể về một công chúa tên Odette bị biến thành Thiên nga bởi lời nguyền một phù thủy độc ác. Biên dạo múa đầu tiên là Julius Resinger. Và vở kịch vũ ballet này được ra mắt lần đầu tiên ngày 4 tháng Ba, 1877 tại nhà hát Bolshoi ở Moscow với tên Hồ của Các Thiên Nga. Mặc dù hiện nay có nhiều bản khác nhau, nhưng hầu hết những kịch bản ballet sau này đều dựa vào biên đạo múa cùng nhạc của bản phối lại của Marius Petipa và Lev Ivanov, cho trình diễn lần đầu tiên với Imperial Ballet tại Nhà hát Mariinsky tại St. Petersburg ngày 15 tháng 1 năm 1895. Khi phối lại, nhạc của Tchaikovsky đã được tu bổ bởi nhạc trưởng và nhà soạn nhạc Riccardo Drigo của Nhà hát Imperial ở St. Petersburg.

Tóm tắt thì Swan Lake là một kịch vũ đã trải qua một thời gian ban đầu với nhiều phê bình bất lợi với nhạc quá phức tạp cho ballet và biên đạo không thích hợp. Nhưng sau nhiều biến đổi hiện nay tác phẩm này được xem như là một tuyệt phẩm của Tchaikovsky và tạo cho ông chỗ đứng cao nhất trong ngành soạn nhạc cho vũ cổ truyền ballet.

The Sleeping Beauty (Spyashchaya krasavitsa) là một vở kịch ballet gồm ba hồi do Tchaikovsky viết vào năm 1889 và trình diễn lần đầu tiên vào năm 1890 tại nhà hát Mariinsky ở Saint Petersburg. Bản ballet căn cứ vào cốt chuyện La Belle au bois dormant của Charles Perrault. Biên đạo múa khởi thủy do Marius Petipa biên soạn.

The Nutcracker (Shchelkunchik) là một bản kịch vũ cổ điển kịch trường với hai hồi, ba cảnh được biên đạo múa bởi Marius Petipa và Lev Ivanov cùng với nhạc soạn bởi Tchaikovsky. Kịch bản được phỏng theo chuyện của E.T.A. Hoffmann "The Nutcracker and the Mouse King". Buổi trình diễn đầu tiên tại Mariinsky Theatre ở St. Petersburg ngày 06 December 1892 với nhạc trưởng Riccardo Drigo. Và sau đó Nutcracker đã được trình diễn tại nhiều nơi trên thế giới.

Vào Giáng sinh năm 1977, đài truyền hình CBS của Hoa kỳ đã mang bản kịch vũ The Nutcracker lên đài. Sau khi CBS cho chiếu hai lần thì Nutcracker được chuyển sang đài truyền hình không vụ lợi PBS và cho đến hiện tại bản kịch vũ cổ điển vẫn còn được xem như là một ballet cổ điển được chiếu lại hàng năm tại nhiều nơi vào dịp Lễ Giáng Sinh. Nam vũ công chính trong vũ kịch ballet Nutcracker của CBS/PBS là Mikhail Nikolaevich Baryshnikov, một chuyên viên biên đạo múa, sân khấu, và tài tử, và là vũ công nổi tiếng người Mỹ gốc Nga. Giáng Sinh cũng là dịp để các nhà hát lớn của các thành phố trên thế giới cho trình diễn trên sân khấu vũ kịch ballet nổi tiếng Nutcracker này.

Tchaikovsky và Hồ Thiên Nga (Lebedino Ozero/Swan Lake)

Vở ballet Hồ Thiên Nga trình diễn xen lẫn các màn cảnh sống động của các lễ hội (màn I và III) và bi kịch lãng mạn (màn II và IV). Khi phiên bản "Hồ Thiên Nga" lần đầu tiên trình diễn năm 1877 do Julius Reizinger biên đạo múa thì đã bị thất bại với nhiều phê bình chỉ trích. Câu chuyện Hồ Thiên Nga kể từ mười năm sau đó được biên soạn theo nhiều cách khác nhau và các dàn dựng cũng được điều chỉnh khác nhau ở khắp mọi nơi.

Khi bắt đầu viết Hồ Thiên Nga, Tchaikovsky đã là một nhà soạn nhạc nổi tiếng mặc dù vẫn còn rất trẻ. Tchaikovsky viết vở ballet đầu tiên của mình theo đơn đặt hàng của Nhà hát Lớn ở Moscow (Moskva).

Khi Hồ Thiên Nga được trình diễn lần đầu tiên vào ngày 4 tháng Ba, 1877 trên sân khấu Bolshoi tại Moscow, mang tên The Lake of The Swans thì chưa được biên đạo thích hợp với những tư tưởng của nhà soạn nhạc. Khi đó, mặc dù Julius Reizinger, biên đạo múa của Nhà hát Lớn, đã rất tận tình thử đem những giải pháp sân khấu của ông để miêu tả kịch bản, nhưng Reizinger đã chỉ sử dụng âm nhạc như phần nền nhịp điệu, và người xem không quen thuộc với nhạc giao hưởng cho ballet nên kết quả là Hồ Thiên Nga đã thất bại nặng nề và bị quên lãng trong một thời gian khá lâu.

Sự tái sinh của Hồ Thiên Nga
Hơn một năm sau khi nhà soạn nhạc qua đời vào năm1893, tại một buổi trình diễn âm nhạc tưởng nhớ Tchaikovsky, Lev Ivanov, một biên đạo múa tại thành phố St. Petersburg đã cho trình diễn trước công chúng hồi hai của vở ballet, hồi múa "thiên nga" trong cách biên đạo của ông. Lúc bấy giờ Lev Ivanov chỉ là một biên đạo múa tầm thường của nhà hát Mariinsky, một người làm việc dưới cái bóng của bậc thầy biên đạo Marius Petipa. Vốn rất yêu những nhạc phẩm của Tchaikovsky, Ivanov đã cảm nhận được một cách sâu sắc và tinh tế cảm xúc của Tchaiskovsky qua vở ballet này, và đã sáng tạo ra một bản giao hưởng vũ đạo xứng với tầm vóc của Tchaikovsky. Đặc biệt chính Ivanov đã sáng tạo nên hình ảnh những cô gái múa với đôi tay bắt chéo và mái đầu cúi thấp - trong tư thế như hình bóng những con chim xếp cánh. Ivanov đã tìm ra dáng vẻ và sự uyển chuyển của từng động tác, tạo những đôi tay múa lên thành nhạc cho các nữ diễn viên ballet.

Biên đạo danh tiếng Marius Petipa nhận ra ngay giá trị biên đạo độc đáo của Ivanov và đề nghị Ivanov cùng biên đạo dàn dựng trọn vẹn vở balle với Petipat. Petipa cùng với nhạc trưởng và cũng là nhà soạn nhạc Riccardo Drigo bắt đầu từ bản tổng phụ. Marius Petipa biên đạo những cảnh dạ vũ và hội hè của cung đình. Ông đã dựng màn thiên nga trắng Odette tương phản với thiên nga đen Odile, điệu múa của đàn thiên nga đối lập với những điệu luân vũ Hoàng cung và sự náo nhiệt rực rỡ vui tươi của những điệu múa Hungary, Ba Lan, Tây Ban Nha, YÙ và Nga.
Người đầu tiên đóng vai Odette-Odile trong vở kịch của Petipa - Ivanov là nữ diễn viên ballet người YÙ Pierina Lenhiani. Diễn viên này đã làm khán giả kinh ngạc với một màn vũ thuật ballet với 32 fuettes - 32 động tác xoay tròn trên một chân liên tiếp. Và chính trong Hồ Thiên Nga với đoàn Imperial Ballet trình diễn ngày 15 tháng Một, 1895 tại nhà hát Mariinsky, St Petersburg, Petipa đã làm cho màn vũ thuật này và Hồ Thiên Nga trở thành độc đáo có một không hai.

Từ sau buổi trình diễn năm 1895, Hồ Thiên Nga đã được thừa nhận là một tác phẩm tuyệt vời của nghệ thuật Nhà hát ballet và đã được dàn dựng rất nhiều lần, tại nhiều nhà hát trên thế giới. Và dù đã hơn 100 năm đã qua, những dàn dựng về bức tranh thiên nga do Ivanov biên đạo vẫn hiện diện trong bất kỳ dàn dựng cổ điển nào của Hồ Thiên Nga. Vở Hồ Thiên Nga rất được ưa chuộng vì nó chứa tất cả những tình tiết của một câu chuyện thần tiên có hoàng tử, công chúa, có phù thủy, có ma thuật, và có tình yêu chân thành.

Tóm lược câu chuyện Hồ Thiên Nga
Vở kịch múa Hồ Thiên Nga gồm 4 hồi.

Hồi I. Cảnh 1: Vào thời Trung cổ ở Đức quốc, Hoàng tử Siegfried chung vui với các bạn. Cảnh 2: Nữ hoàng thân mẫu đến báo tin cho hoàng tử biết là ngày mai chàng phải chọn cho mình một vị hôn thê trong số những công chúa mà bà mời đến tham dự lễ hội. Cảnh 3: Hoàng tử buồn với quyết định của mẹ nhưng đuợc bạn an ủi, và cuộc vui lại tiếp tục .Cảnh 4. Chiều xuống. Điệu nhảy giã từ, cuộc vui kết thúc. Cảnh 5: Đàn thiên nga trắng xuất hiện bay ngang sân khấu làm đám thanh niên tỉnh ngủ và muốn kết thúc ngày vui bằng một cuộc săn. Cả đoàn lên đường đi săn.

Hồi II. Tại một địa điểm hoang vu, phía xa là mặt hồ. Bên phải, trên bờ hồ là một toà lâu đài. Cảnh 1: Trăng sáng cho thấy đàn thiên nga trắng bơi trên mặt hồ. Thiên nga đầu đàn mang một vương miện trên đầu.
Cảnh 2: Benno, hoàng tử cùng một số thanh niên thấy đàn thiên nga xuất hiện. Hoàng tử ra lệnh cả đoàn tiếp tục đi săn. Đàn thiên nga lùi ra sau. Và Odetta xuất hiện xin đoàn đừng bắn. Cảnh 3: Siegfried cảm sắc đẹp của Odetta, hỏi nàng là ai. Odetta cảm ơn chàng và kể cho chàng nghe nàng là một công chúa. Nhưng nàng và các bạn gái hiện phải chịu lời nguyền của một tên phù thủy độc ác tên Von Rothbart, ban ngày họ bị biến thành thiên nga, chỉ đêm về bên lâu đài này thì được trở lại hình người. Và hồ nước chính là nước mắt của cha mẹ nàng sau khi nàng bị gã phù thủy bắt cóc. Gã phù thủy độc ác nửa người nửa cú canh giữ họ. Phù thuật chỉ được giải khi có ai đó dành tình yêu chung thủy cho nàng, thề suốt đời không yêu người con gái nào khác. Cảnh 4: Odetta cùng các bạn gái nhảy múa. Siegfried quyết tâm cứu nàng. Chàng chưa hề thề yêu ai, bởi vậy lời thề của chàng có thể giải được lời nguyền của phù thủy. Odetta cho chàng biết gã phù thuỷ chỉ có thể chết nếu như có một ai đó đủ dũng cảm chết vì tình yêu dành cho nàng. Siegfried nói chàng sẵn lòng làm việc đó cho nàng, Nhưng ngày mai Nữ hoàng mẹ chàng tổ chức vũ hội, tất cả các cô gái đẹp được mời đến dự và chàng phải chọn một người trong đám thiếu nữ ấy làm vợ. Ziegfried nói chỉ khi nào Odetta xuất hiện chàng mới chọn. Nhưng Odetta cho biết đó là thời gian nàng vẫn còn phải mang hình hài thiên nga và chỉ có thể bay quanh lâu đài. Hoàng tử thề sẽ không bao giờ phản bội nàng. Odetta cảm động vì sự thành thật của hoàng tử, nhận lời thề của chàng. Cảnh 5: Bình minh. Odetta chia tay với người yêu. Trời sáng rõ, trên mặt hồ hiện ra một đàn thiên nga và gã phù thủy nửa người nửa cú bay phía trên mặt hồ.

Hồi III. Cảnh 1: Trong căn phòng lộng lẫy chuẩn bị sẵn sàng cho vũ hội. Nữ hoàng và hoàng tử Siegfried xuất hiện cùng với đoàn tuỳ tùng. Các cô gái cùng với cha mẹ của họ lần lượt bước vào.
Cảnh 2: Siegfried nói với mẹ rằng tất cả các cô đều đáng yêu, nhưng chàng vẫn chưa thấy cô gái mà chàng muốn hẹn thề chung thủy suốt đời.
Cảnh 3: Nhạc thông báo có những vị khách mới đến. Một nhà quý tộc dẫn con gái vào. Siegfried hết sức ngạc nhiên vì nàng quá giống Odetta và hân hoan chào mừng nàng. Nhưng thật ra đó là Von Rothbart và con gái Odillia. Còn Odetta, vẫn mang hình hài thiên nga xuất hiện bên cửa sổ, mong bảo vệ chàng khỏi pháp thuật của phù thuỷ độc ác. Nhưng chàng đã quá mê mải vì Odillia nên không nhận ra bất cứ điều gì khác ngoài Odillia
Cảnh IV. Hoàng tử đã lựa chọn và vì tin rằng Odillia chính là Odetta, nên chàng chọn Odillia làm vị hôn thê. Von Rothbart trịnh trọng cầm tay con gái trao cho hoàng tử và chàng nói lời thề nguyện vĩnh viễn yêu nàng. Đúng vào thời điểm đó chàng đột nhiên trông thấy Odetta bên cửa sổ. Chàng hiểu mình đã bị lừa, nhưng đã quá muộn: Lời thề đã được nói ra. Rothbart và Odillia biến mất. Odetta sẽ vĩnh viễn bị giam cầm bởi lời nguyền độc ác của gã phù thuỷ, xuất hiện sau lưng nàng. Tuyệt vọng, hoàng tử bỏ chạy.

Hồi IV. Trong đêm tối, bãi trống cạnh hồ Thiên nga có vài mỏm đá. Xa xa là một lâu đài.
Cảnh 1: Đàn thiên nga ngóng chờ Odetta trở về.
Cảnh 2: Odetta xuất hiện. Đàn thiên nga vui mừng đón nàng, nhưng nhìn nàng ủ dột thì họ hiểu rằng Siegfried đã phản bội. Odetta sẽ vẫn còn là thiên nga. Odette hiểu rằng tốt nhất là tự vẫn trong hồ để chết khi vẫn còn mang hình hài thiếu nữ, hơn là sống trong lốt thiên nga.
Cảnh 3: Hoàng tử xuất hiện. Chàng tìm kiếm Odetta xin nàng thứ lỗi, bởi hành động phản bội vô ý của chàng. Cảnh 4: Hoàng tử phải thực hiện lời hứa của mình, cưới Odillia, còn Odetta khi bình minh đến sẽ vĩnh viễn biến thành thiên nga. Chỉ có cái chết khi họ vẫn còn đủ thì giờ mới có thể giữ Odetta hình dạng công chúa. Siegfried thề sẽ chết cùng nàng. Chàng sẽ chết vì tình yêu cùng với Odetta. Odette ôm chặt người yêu một lần cuối, rồi chạy đứng lên mỏm đá và sửa soạn nhảy xuống hồ. Gã phù thuỷ độc ác đang chờ và sẵn sàng để biến Odetta thành thiên nga. Hoàng tử vội vã chạy theo Odetta, cùng nàng nhảy xuống hồ. Vì Hoàng tử đã chết vì nàng nên theo đúng lời nguyền, gã phù thủy phải chết, toà lâu đài bị phá tan. Bình minh bắt đầu xuất hiện, đoàn thiên nga được giải thoát khỏi lời nguyền nên vẫn giữ nguyên nhân dạng thiếu nữ cúi chào vĩnh biệt đôi linh hồn của hoàng tử Siegfried và Odetta đang bay trên mặt hồ để lên thiên đàng.


Swan Lake trình diễn bởi American Ballet Theatre, tại Coliseum ở London

Đoàn Thiên nga múa Hoàng tử và Odetta múa
Hoàng tử và Odillia múa Odetta tuyệt vọng khi biết hoàng tử đã mắc lừa
Kết Luận
Tác phẩm của Tchaïkovsky là một hòa hợp của nhạc cổ điển phương Tây và nhạc truyền thống Nga. Âm nhạc của ông phản ảnh tâm trạng vô cùng nhạy cảm, rất biến ảo và riêng tư của ông. Tchaïkovsky là một trong những nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất thế giới và chắc chắn ông là nhà soạn nhạc Nga được biết nhiều nhất. đã để lại cho đời một gia tài vô giá gồm những bản nhạc giao hưởng, nhạc thính phòng, concerto dành cho piano, cho violin, cho cello, những vở nhạc/kịch nổi tiếng Romeo và Juliet, Overture 1812, Queen of Spades, Eugene Onegin, cùng ba bản nhạc kịch ballet cổ điển Swan Lake, Sleeping Beauty, à Nutcracker, cùng nhiều loại nhạc cho những nhạc cụ khác, nhạc độc tấu piano.

Năm 2010, để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 170 của Tchaikovsky, ngày 7 tháng 5, Google đã có logo Swan Lake :

07 May 2010

Tchaikovsky quả không hổ danh là một nhà soạn nhạc Nga được biết đến nhiều nhất và âm nhạc của ông không những được dân chúng Nga ca tụng mà còn được cả thế giới ngưỡng mộ.

Sóng Việt Đàm Giang
28 October 2011
Xem Nutcracker- Baryshnikov (trọn vở ballet)
The Nutcracker Ballet -Mikhail Baryshnikov
http://www.youtube.com/watch?v=5RcMV091Ifk&feature=related

Xem Swan Lake (trọn vở kịch vũ ballet)
Swan Lake - Royal Ballet
http://www.youtube.com/watch?v=3gsfNUQivVU&feature=fvwrel