Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]
Thư tòa soạn

(Chim Việt Cành Nam số 27 ngày 25-05-2007)

Vô Môn Quan ,  " cửa không cửa " ! Nhưng "cửa không có cửa " thì làm sao bước vào?
Các Thiền sư hay đặt cho đệ tử những đề tài cắc cớ mâu thuẫn như vậy, thường được gọi là những câu thoại đầu. Hình như các Ngài dùng phương thức này, đưa đệ tử đến chỗ cùng đường bí lối, không biết phải sử trí ra sao, rồi đùng một cái, một tiếng thét hợp thời hợp cảnh giúp thiền sinh khai thông tâm trí !
Phải nói "hình như", vì đây cũng chỉ là phỏng đoán mà thôi, làm sao dám quả quyết biết rõ thâm tâm của các ngài ra sao.

Tuy nhiên có một việc rõ ràng chắc chắn là những câu thoại đầu, những chuyện xoay quanh câu thoại đầu, từ rất lâu đã đưọc ghi chép lại, viết thành sách . Rồi nhiều người - những người có thiền căn sâu sắc, và những người nghĩ mình có thiền căn sâu sắc- đã tìm giải đáp với những lời bình thật đậm đà đạo vị, thấm nhuần Thiền phong. 
Nhưng qua đó những tiếng thét , những chiếc gậy đã hóa thân thành những chữ viết, những khái niệm - nếu không nói là quy ước - trong tâm ý người nghe kể, người đọc sách.

Một trong những tập sách ghi các "truyện Thiền" , những câu thoại đầu , nổi tiếng nhất là tập "Vô môn quan", hay "Cửa không Cửa ".
Như đã nói ở trên, rất nhiều người đã bình sách này với cái nhìn của kẻ có thiền căn.

Bây giờ , để thay đổi, ta thử xem các truyện được ghi chép trong sách với con mắt của kẻ sơ cơ, với lời bình của người phàm phu tục tử. Hẳn những bậc thiện tri thức, với tinh thần Thiền, sau khi đọc, không chấp trước, hỷ xả  cho.

"Vô môn quan", "cửa không cửa", một tập 48 truyện Thiền, hay 49, hay 50 ?
Vừa bước vào đã choáng ngợp, này truyện một vị mang tướng "đầu tròn vai vuông" mà ví Phật như cục phân, kia truyện tăng sĩ chém mèo ra làm đôi, lại có người chặt tay dâng lên thầy cầu giác ngộ ...

Dù biết Nhà Thiền " ăn nói khác đời " nhưng vẫn không tránh khỏi phân vân nghi ngại : 

Đạo Phật chủ trương tránh cực đoan, không hành thân sác, không hưởng thụ xa hoa, vậy những hành động trên phải chăng là Trung Đạo của nhà Phật? Lại còn truyện giết mèo nữa  phải chăng như vậy là phạm tội sát sinh ? hay vì con mèo là súc sinh nên ta có quyền chém giết thẳng tay ? vậy còn đâu là lòng từ bi ? còn đâu là "tính bình đẳng " của chúng sinh ?

Nhân danh "phá chấp " mà ăn nói hỗn hào phải chăng là ngụy biện, nhân danh giải thoát mà sát sinh , mà tự hủy hoại thân thể phải chăng là cuống tín ! Thiền sư dạy đừng chấp, hãy sống ! nhưng sống như vậy phải chăng là đã rơi vào Ma đạo ?

Thiền sư dạy hãy vượt qua cái tướng bề ngoài giả hợp để đạt đến "chân như". Ta hồ nghi tự hỏi " các cô chú bé con thơ dại của khắp năm châu, nếu ngày ngày cứ thấm nhuần hình ảnh chém giết bạo tàn của Ci Nê, TV thì làm sao vượt qua khỏi cái tướng điên loạn của xã hội để trở thành người hiền lương".

Bế tắc ! đúng là "cửa không cửa" !

Hay là những câu chuyện trên đây " không có thật ", chỉ là những truyện các ông Thiền sư bịa ra để dạy đệ tử. Dơ cao, đánh khẽ , nói dữ tợn để có cớ luận bàn mà thôi ? Ngài Vô Môn Huệ Khai kể những truyện này ra nhưng rồi khi bình thì nào có đe dọa gì ai . Những câu chuyện được đặt trong bối cảnh nào đó, như núi rừng thanh tịnh, chùa chiền xa xôi của ngày xửa ngày xưa, nay được phổ biến thành hàng trăm triệu sách, tràn ngập các mạng lưới hoàn cầu ... ý nghĩa phải chăng còn nguyên vẹn  ?

Dù sao, ta cũng chẳng có gì mà lo bị ăn gậy, bị chặt tay ! Từ câu chuyện chém mèo, truyền dần tới ta, cũng phải qua mấy tầng mấy lớp: 
Tầng thứ nhất , là truyện được kể - chưa chắc có thật -, là nơi có la hét, chém giết , lẽ ra là chuyện riêng tư cá biệt giữa một thày một trò. Không sống trong điều kiện của thầy trò người ta mà lấn vào thì quả thật là vô duyên ! Nghe nói thông thường một thiền sư ra công án, trao câu thoại đầu cho đệ tử, người này về suy ngẫm vài năm trời mới tới trả lời Thầy. Chuyện vài năm, ta đọc trong vài phút !
Tầng thứ hai là Ngài Huệ khai, kể những truyện này cho đệ tử rồi bình luận thêm, ta nghe thấy cũng êm êm.
Tầng thứ ba, là những người đọc truyện ngài Huệ Khai rồi lại quay ra tán thêm. 
Rồi tầng thư, thứ năm ...

Chỉ sợ có những người, bị kẹt ngay ở tầng thứ nhất, quay ra cầm dao, vác gậy múa may loạn xạ thì phiền ... lúc đó mới thực nguy, ở gần, giác ngộ đâu không thấy, có ngày mất mạng như chơi.

Tình cờ đọc những lời bàn lẩn thẩn ở trên , hẳn có vị Thiền sư nào đó sẽ trợn trừng đôi mắt (bắt chước ai ấy nhỉ ?) quát :  - Dốt thì im đi ! nói như vậy còn gì là Thiền nữa ? 
- Ta nói vậy, đừng hiểu như vậy, ấy mới là vậy ...

Có người kể truyện rằng :
" Ngày kia, dân vùng nọ tới gặp một vị hiền giả :
- Thưa Ngài, có rất nhiều vị Thầy tới giảng đạo, ai cũng nói lý của mình là đúng, là đẹp, là hay, lý của người khác là sai, là quấy. Chúng tôi thấy nghi ngại quá, không biết phải tin ai ?
Nhà hiền giả trả lời:
- Các vị nghi ngờ là phải. Này các vị, đừng vội tin một điều gì vì được nghe kể lại, hay vì lý do đó là truyền thống ngày trước, hay vì đó là tin đồn. Đừng vội tin vì điều đó đã được ghi chép trong kinh điển của đạo mỉnh, hay chỉ vì thấy có vẻ hợp lý, hay vì điều đó được chính Thầy của mình nói ra.
Chỉ khi nào qua thể nghiệm của chính mình, các vị thấy điều đó là đúng, mang lại hay, đẹp , an vui cho ta cho người thì hãy tin theo. "

Mời bạn đọc "Vô môn quan", đọc rồi quên đi, ... Nhưng cũng nên đọc !

***

Rời "cửa không cửa", ta vào vườn Chim Việt , xem có gì an vui , thích thú ?

Nguyễn Dư đưa ta " dạo chơi, thăm " Một vài cái Động " của người xưa. .. nào là Động Thổ, Động mồ, Động mả , ... cho đến " động cỡn " đầy thú vị .

Vườn thơ Chim Việt vẫn là nơi hội ngộ của các dòng thơ đến từ khắp năm Châu,  với Bùi Thụy Đào Nguyên , Lê Hưng Tiến của  Đồng bằng Sông Cửu Long, Nguyễn Thế Tài , của  Bỉ, Hoài ziang duy, Phan Bá Thụy Dương, Vũ Tiến Lập từ Mỹ, Quỳnh Chi tại Nhật, và Đỗ Phong Châu tại Pháp.

. Bùi Thụy Đào Nguyên :  Mẹ
. Phan Bá Thụy Dương : Ngày về An Hữu
. Nguyễn Thế Tài :  Bên cạnh ...
. Hoài ziang duy : Sáu mùa đông trên một chiếc xe tang 
. Lê Hưng Tiến : Thực đơn tôi - Xuân tam thể  - Thơ nhìn nghiêng  - Thơ văn cầm hải, cảm và luận
. Vũ Tiến Lập : mật ước
. Quỳnh Chi :  Chân mẹ -  Thời gian - Biển và trăng - Mộng dưới trăng - Trong lòng biển
. Đỗ Phong Châu :  Nắng hạ Tây Nguyên 
. Tâm Minh Ngô Tằng Giao (chuyển ngữ):   *James Joyce : Suốt ngày  tôi nghe tiếng nước ròng   - 
*William Butler Yeats : Dưới vườn dương liễu - Khi nàng bóng xế 

. Miêng : Trầm hương
"Tôi khựng ở cửa, cô giật mình đỏ mặt nhét vội  mấy phong thư vào ngăn kéo, bóp khoá. Lần đầu tiên có khoá. Cô có gì giấu giếm khiến tôi tự ái, bất mãn. Tôi nhìn trân ổ khoá rồi ngúng nguẩy quay lưng nhanh khỏi phòng. Lẽ ra thư từ trao đổi với chú ngồi băng đá chẳng nên giấu giếm tôi, cho tới bây giờ tôi là người kín miệng mà. Hay với ai khác mà tôi không biết ?"

. Bùi Thụy Đào Nguyên : Xóm Quýt , Quê xa...
"Đêm đó , tôi ngồi bên nội cùng canh lửa cho nồi bánh nếp lá dừa , nghe bà kể chuyện người , chuyện đất ... Về giống quýt hồng nhờ ai mà có , về bao nổi gian lao của cha ông thuở mở đất , khai nguồn . Bà cũng phiền trách mấy đứa con của thím Sáu không chịu làm gì , chỉ ham mê rượu chè , đàn đúm , ngày đêm cứ tơ tưởng số tiền đất sẽ được bồi hoàn . Tôi nghe mà lòng chạnh xót xa . Chợt nhớ lại ánh trăng đêm nào cùng lời ca cũ : " Đất như người  mẹ hiền tần tảo , vắt kiệt sức mình nuôi lớn các con ..." Và cũng đêm đó tôi mơ thấy những đoàn tàu chở đầy quýt đỏ , những áo màu dự lễ hội kỳ yên , nghe lại giọng hát hò trên cánh đồng lúa mới và tiếng chị tôi reo vui khi đàn kiến trở về ...."

. Ðỗ Phong Châu : Trở về
"Màu xanh của ruộng đồng thưa dần khi phi cơ bay gần tới phi trường Tân Sơn Nhất.Ngồi gần ổ kính, Tin Nguyễn không khỏi nhớ lại lần đáp máy bay rời nước ra đi, trên cao nhìn xuống, còn thấy rõ những hố bom đầy nước mọc lổm chổm giữa những thửa ruộng vuông vắn xinh đẹp.
Vậy mà thấm thoát đã 15 năm qua ! Anh ta chợt thở dài và tâm tư lại hướng về người mẹ yêu dấu giờ đây chắc đang nóng lòng đợi đứa con duy nhất trở về sau 15 năm xa cách."

. Võ Quang Yến : Bộ Tripitaka ở chùa Haiensa xứ Đại Hàn  -  Hương vị Cà cuống
"Sách du lịch cũng bảo ghé Đại Hàn, nếu chỉ có thì giờ đi xem một chùa thì nên viếng chùa Haiensa, vì chùa nầy không phải đẹp nhất, mà nhờ có bộ Tripitaka nổi tiếng."

. Xuân Sương : Chiếc cầu văn sĩ
"Ra đời chưa đầy năm, cây cầu văn sĩ đã khẳng định chỗ đứng trầm tịnh của mình trong nhịp sống rộn rã Paris. Hân hạnh mang tên nữ văn sĩ Simone de Beauvoir, tác giả quyển tiểu luận nổi tiếng Le Deuxième Sexe (Giới Tính Thứ Hai) với quan niệm độc đáo Người ta không sinh ra là đàn bà, người ta trở thành đàn bà - cây cầu nhỏ thanh tao nối liền hai bờ sông Seine là biểu tượng nhàn nhã, nghệ sĩ và hữu dụng."

. Phạm Xuân Hy : Ấn chương và Truyền quốc ngọc tỷ      /   [  PDF ]
" Ấn chương (印章) mà ta vẫn thường gọi là con dấu, hay ấn tín;tuy chỉ là một vật dụng nhỏ bé, nhưng lại mang tính thực dụng và nghệ thuật hết sức to lớn.
Đứng về mặt thực dụng, ấn chương hay con dấu là bằng chứng trọng yếu trong việc hành sử quyền lực chính trị của một quốc gia hay một chính quyền. Còn đứng về phương diện tư nhân và hoặc giao dịch thương mại, mậu dịch qua lại , ấn chương là một tín vật không thể thiếu được. Còn đứng về phương diện nghệ thuật, bản thân của ấn chương cũng là một tác phẩm nghệ thuật, được sáng tạo một cách tinh nhã, trạm chỗ chi li tỉ mỉ công phu, với những hoa vằn nhỏ bé, âm dương biến ảo, cùng với  nghệ thuật thư hoạ của Trung Quốc, song hành đắp bù cho nhau.
Vì thế, từ hàng ngàn năm nay trong suốt lịch sử Trung Quốc, dù xẩy ra những biến đổi cơ chế xã hội, nhưng tác dụng của ấn chương vẫn không thay đổi "

.Phạm Vũ Thịnh : Kurt Vonnegut - Tiểu Thuyết Gia Hiện Đại Mỹ / Bình đẳng hoàn toàn (truyện ngắn)

"Kurt Vonnegut là một nhà văn Mỹ hiện đại, được biết đến nhiều nhất về khuynh hướng hoà bình và nhân bản trong văn phong khôi-hài-đen và hậu-hiện-đại. Tác phẩm của ông được ghi vào giáo trình trung và đại học Mỹ, ảnh hưởng đến nhiều nhà văn thời danh trên thế giới.
(...)
Tác phẩm của ông châm biếm những tệ đoan của con người và xã hội hiện đại. Ông châm chích vào những hành vi phi-nhân-hoá trong xã hội kỹ-thuật-cao: con người trở thành cái máy làm tình thay vì thể nghiệm tình yêu, ưa chuộng sách khiêu dâm thay vì văn chương; thói kỳ thị màu da: xếp dân da đen vào loại người hạng thấp; thói kỳ thị phái tính: khinh miệt vai trò và công việc của phái nữ; thói cường điệu đến cực đoan những chiêu bài nhân bản: bình đẳng, dân sinh; thói sa đoạ vì quyền lợi mà tàn phá môi sinh. "

. Nguyễn Ngọc Duyên :  Cố hương
"Mùa hè năm ngoái, sau mười năm xa cách tôi đã trở về thăm lại cố hương. Sau đó tôi tóm tắt những sự việc đã xảy ra vào một truyện ngắn dài bốn mươi mốt trang, đặt tựa đề "Về, đi rồi lại đến" (Kikyorai) xong gửi đến ban biên tập của một tam nguyệt san. Câu chuyện dưới đây xảy ra ngay sau đó.  " 

. Những bài viết bằng tiếng Pháp và Anh :
. BS Nguyễn Vi Sơn : . Music therapy for the mentally  ill
. Georges Nguyễn Cao Đức : Le Nam Giao - Cortège et cérémonie  - Phò Mã et Princesses à la cour d'Annam . Natsuki Nguyễn Cao Đức :Art et Artisanat anciens du Japon

Thơ cổ Trung Quốc ( Quỳnh Chi phóng dịch )
. Đỗ Phủ :  Tuyệt cú   - Mạn hứng kỳ nhị - Mạn hứng kỳ tam
. Lý Bạch : Thanh bình điệu tam thủ
. Lý Bộ : Đề hạc Lâm tự
. Lý Hạ : Tương tiến tửu
. Lý Thương Ẩn : Thiên nhai
. Vương Xương Linh :  Phù Dung lâu tống Tân Tiệm

. Nguyễn Khắc Xương :  Nữ tướng thời Trưng Vương (tiếp theo) :   15.Phật Nguyệt , Tả tướng thủy quân  - 16.Phương Dung Nữ Tướng - 17.Trần Nang, Trưởng Lĩnh Trung Quân - 18.Nàng Quốc , Trung Dũng Đại Tướng Quân

. Nguyễn Đắc Xuân : Lăng Đan Dương của vua Quang Trung ở đâu ?
"Tôi rất hân hạnh được gởi đến quý vị tập "Lăng Đan Dương của vua Quang Trung ở đâu ? Xin góp một câu trả lời "

Đây là công trình tôi đã nổ lực khảo cứu từ khi tóc vẫn còn xanh, nay đầu đã bạc trắng. Tất cả trí tuệ, tâm huyết và tâm sự tôi đã gởi gắm trong tập sách dày trên 300 trang. Những trang sách đang hiện ra trên màn hình máy vi tính của quý vị chỉ là bản tóm lược nhưng đầy đủ."

. Lê Văn Hảo : Việt Nam Văn Hiến Ngàn Năm (tiếp theo) : - 10. Thời Tây Sơn (1771-1802) - và 15 năm văn hóa Phú Xuân  - 11. Thời Nguyễn Sơ (1802-1883) với 80 năm rực rỡ của văn hóa Phú Xuân   - 12. Thời Nguyễn Mạt - thuộc Pháp (1885-1945) với 60 năm phong phú của văn hóa Việt Nam cận hiện đại

. Bùi Thụy Đào Nguyên : Tống Thị Quyên , một bi kịch chốn Vương Triều Nhà Nguyễn

. Bùi Thụy Đào Nguyên :  Góp một số suy nghĩ về thiền sư , thi sĩ Huyền Quang

"Mấy năm liền ...vì việc riêng , tôi tạm trú ở chùa . May sao nơi đấy có kha khá kinh sách , nhờ vậy tâm trí tôi tạm khuây khoả . Và trong số tàng thư ấy , quyển Vũ Trung Tùy Bút (Phạm Đình Hổ) có chứa mẩu chuyện Lý Đạo Tái đã gợi tôi nhiều cảm hứng để tìm hiểu vị thiền sư đời Trần này .
Sách Vũ Trung Tùy Bút chép : Huyền Quang (H.Q) tên Lý Đạo Tái , là bậc khoa bảng mà bỏ đi tu ..."

. Nguyễn Thị Chân Quỳnh :  Khoa Cử Việt Nam ( tập thượng ) : Thi  Hương (tiếp theo và hết)
" Có người hỏi tôi tại sao sống ở Pháp lâu năm, vào thời buổi này thiếu gì chuyện để học hỏi, nghiên cứu mà cứ viết đi viết lại mãi về Khoa cử ? Kể ra thì có rất nhiều lý do, song lý do chính là vì Khoa cử có liên quan mật thiết đến vận mệnh nước ta : trong non một nghìn năm tự trị ta đều dùng Khoa cử để kén người ra cầm quyền chính, đều hỏi về thuật trị nước của Nho giáo, dựa trên trật tự xã hội và đạo đức. Trong văn bia Tiến sĩ khoa 1442, Thân Nhân Trung đã viết rõ :"Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh. Các thánh đế, minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí là việc đầu tiên..." đủ thấy Khoa cử quan trọng ngần nào. Thế mà chỉ mới bãi Khoa cử chưa đầy một trăm năm, ngày nay phần đông chúng ta không còn biết Khoa cử là gì nữa, hoặc có biết cũng rất mơ hồ, chẳng hạn yên trí Khoa cử chỉ là những kỳ thi thuần văn chương (concours littéraires) vô bổ. Muốn tìm một quyển sách tương đối cặn kẽ, đầy đủ về Khoa cử thì lại không có. "

. Nguyễn Quốc Bảo : Chuyện học hành thi cử của Cụ Án [ PDF ]
"Trong Nguyễn Tộc Phổ Sử có ghi chép nhiều về chuyện học hành và chi tiết các kỳ thi Hương của Cụ Án Nguyễn Mậu. Kể tất cả thì Cụ Án đi thi Hương 3 kì, thi hỏng lần đầu năm 16 tuổi (1909). Thi cử là điểm quan trọng trong cuộc đời Cụ Án, nhờ khoa bảng mà biến Nông ra Sĩ! Chuyện học hành của Cụ rất vất vả, nhưng nhờ lòng hiếu học của 2 Cụ Thân sinh, tuy chỉ là nông gia nhưng nuôi trong nhà nhiều Thầy để dạy Cụ và ông anh, Cụ Cai Bù, vì thời đó đâu có trường học thầy đồ ở các làng nhỏ nông nghiệp!
Khóa thi Hương kì sau, năm 1915, Cụ Án vì đã có gia đình, phải lo kiếm việc làm nên không dự thí. Sau khi đậu Tú tài, Cụ thi đậu Ký Lục các Tòa, nhưng không được bổ. Cụ chuyển qua học thêm Pháp ngữ, nên năm 1916 đậu Trợ giáo Pháp văn và được bổ dạy trường Đốc học Nghệ An. Ở đây Cụ vừa dạy học vừa học thêm, đến tháng 3 năm 1918 lại vác lều chõng đi thi Hương khoa Mậu Ngọ. Cụ dạy học ở Nghệ An nên được phụ thí trường Nghệ, thay vì phải về thi trường Thừa Thiên. Triều Nguyễn có tất cả 8 trường, sau rút lại còn 5 là : Gia Định, Thừa Thiên, Thanh Hoá, Nghệ An và Hà Nam"

. Nguyễn Nam Trân : Văn Học Sử Nhật Bản (tiếp theo)   :  18) Tsubo.Uchi Shôyô, Futabatei Shimei và Văn học thời Duy Tân -Tổng quan giai đoạn 1868-1912. Tư tưởng và phê bình. Chuyển tiếp cũ mới của tiểu thuyết Nhật Bản  -  21) Các luồng văn học trong giai đoạn dân chủ ngắn ngủi thời Taishô (1912-26):  văn học tư sản lý tưởng nhân đạo (phái Shirakaba), tiểu thuyết tự thú, văn học vô sản

***
Chim Việt Cành Nam (*)
-------------------
(*)1 - Chim Việt Cành Nam, lấy từ chuyện Chim Trĩ , do vua Việt ở phương Nam tân cống cho vua nhà Chu (Chu Thành Vương). Chim chọn cành phía Nam để làm ổ . "Việt điểu sào nam chi" (Sào là làm tổ chim)  , ý nói nhớ quê hương phía Nam. 
2 - Ngựa Hồ hí gió Bấc , là chuyện ngựa của rợ Hồ (Mông Cổ) dâng cho vua Hán Vũ Đế , khi gió Bấc thổi, thì hí lên "Hồ mã tê bắc phong", ý nói nhớ quê, phương bắc.

Trở Về  ]