Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]

Mê Thảo -thời vang bóng
Hàn Thuỷ
Truyện phim diễn ra dưới thời bảo hộ đầu thế kỷ, được xây dựng chung quanh những nhân vật chính là : Nguyễn, chủ nhân ấp Mê Thảo - một thái ấp sống bằng nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt luạ ; bạn tri âm của Nguyễn là nghệ sĩ chơi đàn Tam, vì ngộ sát phải trốn tránh, được Nguyễn đem về làm quản gia ; cô đầu nổi tiếng Tơ, tình nhân của Tam, sau vụ ngộ sát Tơ trở về với chồng, khi chồng chết Tơ dứt bỏ nghiệp ca hát ; và Cam, người tớ gái bị câm và phải lòng ông chủ.

Hôn thê của Nguyễn bị tai nạn qua đời trên đường đi xe hơi về Mê Thảo để làm lễ cưới. Nghĩ rằng "sản phẩm văn minh" là nguyên nhân cái chết của hôn thê, Nguyễn ra lịnh cấm đoán, tiêu hủy tất cả những gì liên quan đến văn minh cơ khí. Nguyễn đắm chìm trong quá khứ, trong men rượu, chỉ tôn thờ và đối thoại với hình tượng của hôn thê... Cùng lúc đó thông báo về một công trình đường sắt sẽ xuyên qua Mê Thảo khiến Nguyễn càng điên loạn. Vào một đêm Cam chỉ cho Tam xem một cảnh tượng kinh khiếp : Nguyễn đang làm tình với nữ hình nhân bằng gỗ ! Cam mang tượng quẳng xuống hồ, nơi sau đó chính cô bị Nguyễn bỏ rọ ném để trừng phạt. Cam được Tam cứu thoát. Mê Thảo trên đà phá sản, tan nát vì sự điên loạn của Nguyễn.

Tin rằng chỉ có âm nhạc mới cứu rỗi được linh hồn Nguyễn, Tam quyết định tìm Tơ ; cô từ khước vì đã thề độc chỉ hát với cây đàn đáy của chồng cô để lại, mà ai dùng cây đàn đó sẽ bị hồn của chồng Tơ bóp chết. Tam vẫn quyết định hòa giao âm nhạc với người yêu lần cuối. Tiếng đàn, tiếng hát lôi Nguyễn về thực tại nhưng cũng là lúc Tam gục ngã.

Trở lại thái ấp, Nguyễn trông thấy công trường đường sắt đã khởi công. Nguyễn mang xác bạn tìm đến gò chôn rượu, đập nát các hũ rượu, phóng hỏa... Nguyễn chết trong lửa rượu, trước mắt Cam, một chứng nhân đau khổ và câm nín.

Trong tên "Mê Thảo - thời vang bóng" tôi đồng ý với đạo diễn ở tiểu tựa "thời vang bóng", theo tôi nó quan trọng. Thật thế, có nhiều Nguyễn Tuân, trước và sau 1945. "Chùa Đàn", tuy được xuất bản năm 1946, nhưng có hai phần khác nhau rõ rệt, phần lõi ở giữa có tên riêng "Tâm sự của nước độc". Có thể nói đó là tác phẩm cuối, tác phẩm văn học đỉnh cao của Nguyễn Tuân trước 45, vừa ưu hoài, vừa vượt ra khỏi cái hoài cựu của "vang bóng một thời" để mà lung linh, ma quái, đa nghĩa. Dùng cái yêu ngôn (chữ N.T.) để tạo đa nghĩa, để gửi gấm một linh cảm nào đó về sứ mạng của văn nghệ trước thời cuộc. Phần thứ hai, bao bọc cái lõi trên, thì có tính lịch sử hơn, và chỉ có tính lịch sử thôi, là đoạn dựng và đoạn mưỡu, mà giá trị chính là biểu tượng cho cái hồ hởi mà ấu trĩ của văn nghệ đầu cách mạng. Không biết tại sao Nguyễn Tuân viết thêm phần này, có phải cần thiết vì đưa in sau cách mạng ? Điều ấy xin để hỏi các nhà làm lịch sử văn học, nhưng độc giả nào muốn đọc " Chùa Đàn " dù đã xem hay chưa xem phim đều có thể bỏ qua hai cái đoạn thủ vĩ gượng ép ấy, đọc không có ích gì mà còn bực mình thêm.

Phim của Việt Linh chỉ phỏng theo "Tâm sự của nước độc" thôi, và viết thêm "thời vang bóng" sau tên Mê Thảo tỏ rõ là tập thể làm phim đã khẳng định đúng cái chân giá trị, và nhấn mạnh sự lựa chọn đó bằng cách gợi lại "vang bóng một thời", tác phẩm rất quen thuộc của giai đoạn trước 45. Còn "Mê Thảo", đó là cái tên của vùng đất nơi xảy ra câu chuyện, một cái tên gợi lên sự mê đắm đến từ bên ngoài, một người điên loạn vì ăn phải một thứ cỏ lú, chứ sự điên loạn này chẳng hề có giá trị tự tại. Cái tên "Mê Thảo" hình như là một cảnh báo với ai nghĩ rằng Nguyễn Tuân đang viết về một thứ tình yêu tuyệt đối nào đó.

Kịch bản của Mê Thảo có trung thành với nguyên tác văn học không ? có lẽ điều này không quan trọng lắm, vì điều quan trọng nhất là phim có đạt hay không. Hai loại hình nghệ thuật dù sao cũng cần những thủ thuật rất khác nhau. Điện ảnh vừa có thể hào phóng hơn với âm thanh và màu sắc, vừa bị những giới hạn chặt chẽ của thể loại "thưởng thức theo thời gian thực", như mọi thứ nghệ thuật trình diễn. Những hình ảnh đẹp trung thành với truyện thấy có gò chôn rượu, và những nong tằm ... "Lắm lứa đang chín, bụng đỏ ửng và trong suốt như hổ phách"... (N.T.)

Điều dễ để ý đến nhất là phim rất trung thành với truyện - và vượt xa truyện, nếu muốn khiêu khích những "fan" Nguyễn Tuân mê muội, chỉ biết bàn về trung với chả thành - trong sự thể hiện tình yêu ca trù. Phải nói Việt Linh đã thành công trong cả âm thanh, hình ảnh, và lời các bài hát ; đã mời các nghệ sĩ danh tiếng nhất lồng tiếng hát tiếng đàn của mình vào phim. Vả lại hiển nhiên truyện thì không thể cạnh tranh được với phim trong cái mặt sống động này, dù văn tài của Nguyễn Tuân cao đến thế nào đi nữa. Nhưng nói đến cái thần, cái cốt tuỷ của Chùa Đàn, là sự lung linh ma quái và đa nghĩa, thì phải nói phim trung thành với Nguyễn Tuân một cách tuyệt diệu. Mà chỉ có dám sáng tạo thì mới trung thành được như vậy thôi, vì Nguyễn Tuân nói với người thời ông, còn Việt Linh nói với người thời nay.

Trong những khác biệt quan trọng giữa "Chùa Đàn" và "Mê Thảo" có thể nói đến hình tượng cô Cam, sáng tạo của kịch bản phim, một thứ người dẫn truyện rất đạt, đồng thời là một biểu tượng (cho đa số thầm lặng mà hy sinh không tính toán cho đất nước ? ). Một sáng tạo khác : hình tượng cô Út người yêu của Nguyễn ; lúc đầu là hình nộm rơm, sau thành người gỗ, đối tác cho sự điên loạn của Nguyễn ; cô Út còn là cả gương mặt tươi rói của Cam nữa, nhưng đó chỉ là trong ước mơ của Cam thôi. Mà, ừ nhỉ, trong cả bộ phim không hề thấy cô Út bằng xương bằng thịt, vậy có thật có một cô Út người yêu lý tưởng của Nguyễn hay không ? Phải chăng cô Út, nguồn gốc của sự điên loạn của Nguyễn tại Mê Thảo, lại chính là mê thảo, cỏ mê của một lý tưởng không hề hiện thực ?

Như thế, Mê Thảo rất đa dạng, và thường thống nhất thành công cái đa dạng đó. Nhưng có lẽ về những "ý tại phim ngoại", như các phim khác của Việt Linh vẫn thường gợi hứng cho người xem, thì cần đi coi nhiều lần nữa, một lần quả không đủ. Vì thế những ý gợi ra ở đây chỉ là tạp ghi vắn tắt của một người, để nghiệm lại lần sau.

Trở lại vài cảm nhận về bề nổi, tức ở tầng ý nghĩa thứ nhất của phim, những gì người ta "đọc" đuợc lập tức khi xem. Trong phim ảnh còn hơn trong tiểu thuyết, phải có một bề nổi hấp dẫn, và hấp dẫn một cách đại chúng thì mới "đứng" được. Ở đây không có chỗ nói dài về một vài bất cập, quá nhỏ so với tầm vóc của phim này, thí dụ như hoá trang và đối thoại hay độc thoại ở vài chỗ không đủ tự nhiên. Riêng tôi cũng hơi tiếc là phim được mở đầu bằng cảnh con tàu hiện thực của hôm nay, cũng như kết thúc bằng câu nói của Nguyễn về bóng tối, ánh sáng, địa ngục và thiên đường. Tôi nghĩ cả hai đều không cần thiết lắm. Nhưng khi nhớ lại toàn bộ thì những lúc người xem thích thú, sửng sốt nữa, là áp đảo : âm thanh, hình ảnh trong cả phim đều đạt tiêu chuẩn quốc tế, có những đoạn thật là tuyệt vời ai cũng nói đến, như cảnh lồng đèn bay lên trời, cảnh Tơ và Tam đàn hát lần thứ hai, cảnh đốt "tửu phần", nơi chôn rượu v.v. sẽ ăn khách trên cả thế giới. Dàn cảnh và diễn xuất đúng mực nên không cường điệu mà tạo được sức căng lớn ; các vai đều đạt nhưng phải kể đặc biệt đến vai Cam, được trao một nhiệm vụ rất khó mà thể hiện quá giỏi ; trong các vai phụ thì vai bõ già cũng thật chín muồi. Có thể nói đạo diễn Việt Linh và người cầm máy Phạm Hoàng Nam lần này có đầy đủ phương tiện để làm mỹ thuật cho hả dạ, từ những cảnh rất thân mật như ca trù đến những cảnh rộng ngoài trời như bè chở cây gạo dọc sông, qua những cảnh ghê rợn như khổ dâm với tượng gỗ... đều rất đẹp và chuyển đạt không khí cần thiết. Không khí thành thị và nông thôn miền Bắc đầu thế kỷ hai mươi được dàn dựng công phu, có thể là phối cảnh đẹp hơn ngoài đời, nhưng tin được là trung thực, hãy nghe Việt Linh : " ...6 năm sưu tập tài liệu tôi đã vào viện bảo tàng chép tư liệu, lùng sục các nơi bán đồ cũ để xem lại các phim 6 ly, 8 ly... từ thời đó " (phỏng vấn trong Phụ Nữ TP HCM, 04-10-2002).

Đó là mặt mới mà người ta khám phá từ Việt Linh lần này, so với các phim trước. Thế còn về mặt mạnh cố hữu của đạo diễn này, về khả năng khơi mở nhiều tầng ý nghĩa ? Nghệ thuật đích thực phản ánh cuộc đời, mà cuộc đời luôn luôn có nhiều tầng ý nghĩa. Câu chuyện đơn giản rõ ràng của tầng này có thể thành một ẩn dụ gợi hứng cho người thưởng thức đi đến những tầng ý nghĩa khác. Và trong cái liên tưởng đó thì mỗi người có thể suy diễn một cách, và cũng có thể suy diễn ra ngoài những ý tưởng của cả Nguyễn Tuân lẫn Phạm Thuỳ Nhân và Việt Linh...

Hẳn rồi, Mê Thảo là một phim về tình yêu và tình bạn, những mối tình đan chéo và tạo nên kịch tính trong một khung cảnh xã hội và văn hoá xáo trộn, nguồn gốc của bi kịch. Tình yêu điên loạn của Nguyễn, tình yêu câm nín của Cam, tình yêu tri kỷ của Tơ và Tam, tình bạn rồi tình nghĩa tri ân của Tam với Nguyễn. Đặc biệt những mối dây giữa Tơ, Tam và Nguyễn này hội tụ và nổ tung trong trường đoạn đàn hát lần cuối, Đơn Dương và Thuý Nga đã diễn tả xuất thần. 

Nhưng khi xem phim này ra về, ai cấm chúng ta suy nghĩ về cái ấp Mê Thảo như đất nước Việt Nam một thời đã qua, với những ông Nguyễn quỳ lạy trước những thần tượng mà cuối cùng chỉ là những hình nộm bằng rơm ? Về hình tượng này, một người xem phim ngây thơ có thể bảo : Sao lúc tôn thờ thì là người rơm, mà làm lúc làm tình lại là người gỗ, bất nhất dở quá. Nhưng tôi thấy đổi từ rơm qua gỗ lại hay, hình như gợi ra một ẩn dụ khác. Có điều rằng ẩn dụ có hai mặt : nếu nó có thể đa nghĩa và rộng nghĩa, thì nó cũng không nói gì cụ thể. Diễn tả ẩn dụ tuỳ thuộc vào... ẩn ức của người xem. Nghệ thuật là như thế, hỏi tác giả muốn nói gì thực ra không cần thiết, hãy thưởng ngoạn.

Xin tặng bạn vài câu hỏi viển vông rất riêng tôi, cho cả cái thế giới vẫn đầy cuồng nộ này. Tại sao kẻ cầm đầu điên loạn lại chỉ có thể "thông dâm" với những hình nhân gỗ, sex gỗ và lưỡi gỗ ? Và tại sao Cam, người dẫn truyện, theo truyền thống chú Tễu của văn hoá dân gian đấy, nhưng dẫn truyện mà lại câm, chỉ lấp ló mỗi khi chuyển đến những cảnh quan trọng, một sáng tạo điện ảnh có thể trở thành cổ điển ; ừ tại sao Cam lại bị đóng rọ nhỉ, câm mà lại còn bị đóng rọ, lật qua lật lại, cái nhìn xoay tròn đảo điên chóng mặt... ối giời ! Bạn không thấy hay thì tôi còn biết nói sao ? 

Nếu suy nghĩ mông lung rộng hơn nữa, thì ai cấm chúng ta đặt câu hỏi như đã đặt ra qua niềm tin của Tam sẽ cứu vãn được Nguyễn bằng tiếng hát : làm sống lại văn hoá dân tộc có đủ để thức tỉnh những sai lầm của dân tộc ấy hay chăng ? và qua cái chết của Tam : văn hoá dân tộc trong thời đại mới có cần tự giết mình đi để mà tái sinh hay chăng ? Đó là những câu hỏi ở tầng thứ ba, có thể suy ra từ biện chứng hiển nhiên ở tầng ý nghĩa thứ hai, xuyên từ Chùa Đàn đến Mê Thảo, biện chứng đối lập mà bị cưỡng ép phải thống nhất giữa cái văn hoá cổ truyền và cái văn minh hiện đại, giữa vò rượu "vô cố nhân", guồng chỉ tơ tằm, và cái đường ray, cái đầu máy xe lửa. Chỉ riêng biện chứng này đã có thể làm cho người ta điên, và nếu nhìn thời sự thì vẫn còn những thằng điên nắm quyền sinh sát trên những vùng đất không phải chỉ lèo tèo như cái ấp Mê Thảo. Có điều cái điên của Nguyễn là cái điên chối bỏ văn minh vật chất, còn cái điên của Bin Laden, Bush và Saddam là cái điên chối bỏ văn hoá loài người.

"Mê Thảo" tự nó rất đạt, so với bất cứ phim nghệ thuật nào của thế giới. Một đội ngũ diễn viên xuất sắc và đồng bộ. Một thành công lớn về thẩm mỹ cộng với một kích thước tư duy sâu rộng. Mê Thảo đã vượt qua thách đố làm sống lại Chùa Đàn của Nguyễn Tuân một cách sáng tạo. Trong Liên hoan phim châu Á 2003 tại Deauville lần này, Mê Thảo bật sáng một cách đường bệ, cổ điển mà độc đáo. Mặc dù là một phim mời, không dự thi (cũng như Hero của Trương Nghệ Mưu) nhưng so với các phim khác của LHP (có dự thi hay không) có lẽ Mê Thảo là một trong hai ba phim đứng đầu.



Trở Về  ]