Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]
Thư tòa soạn
Đông ?  Xuân ?

Năm hết, tết đến, nhà nhà chuẩn bị đón tết , người người ca ngợi xuân về... Nhưng, ngày Tết , tại quê nhà, trời  lạnh cóng ; nơi trời Tây, băng giá trùm cảnh vật, tuyết phủ trắng phố phường, cây trơ cành... Tết đến, Ðông còn lưu luyến chẳng chịu ra đi. 

Có lẽ phải chờ đến cuối tháng ba, ngày lạnh ngày nhu,  khí trời mới hơi hơi ấm lại, hoa cố nở, nắng ráng vén mây. Xuân gắng tới ! Trời đã nắng, nhưng ra đường đừng quên áo lạnh, khăn quàng.

Phải chăng vì đông xuân lẫn lộn, ngoài cảnh vật, trong lòng người, mà ta có cảm giác sống lúc giao thời. Một tí vui, một tí buồn, dăm ba âu lo, bồi hồi, chán nản, nhưng cũng có một đôi tia hy vọng. Quái bệnh tiếp quái bệnh,  chuyền đi khắp thế giới , bác sĩ bó tay đứng nhìn. Xa xa tiếng súng I-Rắc ì ầm vọng về, đe dọa tương lai, kinh tế ngừng thở lắng nghe, do dự, người ta biểu tình đòi hòa bình, người ta đình công đòi cơm áo, ...

Thực ra, " tâm trạng giao thời " nào phải chỉ ngày nay mới có, thiếu cơm, thiếu áo đâu phải chỉ là hiện tại, mà cũng đã là quá khứ, và chắc chắn sẽ còn là tương lai. Sự vật là bấp bênh, là "giao thời", cuộc đời là "Khổ", có người nói như vậy.

***

Nào, cửa vườn Chim Việt 12 đã mở , xin kính mời!

Nguyễn Dư tiếp bạn vài tranh dân gian lồng trong một bài về phong tục tập quán, "Xướng ca vô loài", kể lại thân phận một loại người xưa kia không được xếp hạng, nằm ngoài bốn lớp "Sĩ , nông, công, thương".
Băng Sơn miêu tả phong cách ăn uống trong "Bữa ăn ngày thường" của một gia đình nền nếp, lễ nghi, biết "ăn trông nồi, ngồi trông hướng". Ngày nay, tại hải ngoại, "bữa ăn ngày thường" nhiều khi chỉ còn là vài ba miếng hamburger mua vội trong cửa tiệm Mắc Ðô, rồi vừa đi trên đường vừa ăn.
Mời bạn tiếp bước, vào xem trang triển lãm của Hội Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam, Hội được thành lập vào năm 1968 tại Việt Nam.
Nguyễn Kỳ Nam giới thiệu Chợ Hoa, hoa Sài Gòn, hoa Hà Nội.
Nguyễn Dư gửi thêm hơn 20 tấm ảnh mới trong Bộ ảnh Peyrin, cộng vào gần 150 ảnh đã đưa lần trước. Bộ ảnh thực ra có gần ngàn tấm, nhưng nhiều phim đã mốc meo, hư hại, cần bỏ nhiều thì giờ từ từ khôi phục.

Hai bài thơ Nghĩ về nhau , Thương Tản Ðà nói lên tâm trạng Nguyễn Hồi Thủ của những năm 1980-1990, những năm tháng của nghi ngại, dằn vặt, cô đơn. 
Ra đi, trở lại, bao tình cảm vui buồn nhớ nhung vương vấn được thu gọn trong những cái nhìn, trao gọn qua đôi mắt, với bài đôi mắt của Vũ Quyên.
Huỳnh Mạnh Tiên đề thơ "Chiều tháo kính ngồi dưới bảng "nhà bán" ", Ðan Tâm dịch thơ "Ca khúc" của Federico Garcia Lorca .

Nguyễn Nam Trân dịch truyện "Cháo Khoai", nguyên tác bằng tiếng Nhật của Akutagawa Ryunosuke (1892-1927) , tác giả của La Sinh Môn, Địa Ngục Môn. "Akutagawa bi quan chăng khi muốn nói đến cái hụt hẫng của con người lúc sắp đạt được lý tưởng mà lý tưởng chỉ có giá trị khi người ta không đạt đến. Ông lạc quan chăng khi muốn bảo rằng mọi cuộc đời dù hèn mọn đến đâu cũng đều đáng sống, lý tưởng dù nhỏ nhoi thế nào cũng phải ấp ủ. " ( Nguyễn Nam Trân  )
Ðinh Văn Phước giới thiệu Yokomitu Riichi  (1898-1947) qua truyện dịch "con ruồi" . "Ông là một nhà văn mới trong đương thời, được đánh giá cao về lối viết tả thực, mộc mạc, đồng quê, gây ấn tượng và có sức truyền cảm mới " (Ðinh Văn Phước ).
Mời bạn về Huế, cùng Nguyễn Tường Bách ghé thăm một thị trấn nhỏ, hay đúng hơn một căn nhà nhỏ, bên bờ sông Hương, qua bài "Trước nhà là sông".
Hay cùng Trần Trúc Lâm, với bài " Ðầu xuân nói chuyện Thiên Thai  ", truy nguyên vài dữ kiện trong bài hát "Thiên Thai" của Văn Cao.
Võ Hồng nhớ lại " Mái chùa xưa " với những kỷ niệm khi còn ấu thơ. Xa hơn nữa, lúc "giao thời", trong những năm tháng cuối cùng của Nho học, một cách làm ăn "rất văn học" được Nguyễn tuân gợi lại qua truyện ngắn " thả thơ ".
Trúc Huy dịch truyện ngắn nổi tiếng của Khái Hưng " Anh phải sống " (  You must live  ), nói lên nỗi khốn cùng của người dân trước mùa thu tháng Tám, là bối cảnh cho bầu không khí sôi sục trên mọi địa hạt, tư  tưởng, văn học, chính trị vào thời đó.
Giáo sư Thanh Lãng tiếp tục câu chuyện tranh cãi thơ văn quyết liệt  trong những năm 30 qua bài " Sinh hoạt phê bình văn học thế hệ 1932 ". 
Nguyễn Tấn Long-Nguyễn Hữu Trọng giới thiệu Tản Ðà, Nguyễn Khắc Hiếu.

Qua bài " Con dê chín mùi " , Ðặng Tiến , "nhân chuyện dê năm Mùi ... ôn lại một số chuyện văn học và văn hóa" , rồi ngay sau đó, đưa chúng ta đi dự Liên Hoan Phim Deauville, và tại đây, tìm gặp nữ đạo diễn Việt Linh qua tác phẩm " Mê Thảo-Thời vang bóng ".
" Mê Thảo-Thời vang bóng là một phim hay, đã được dư luận tán thưởng tại Liên Hoan Deauville. Sau đó dự thi tại Liên Hoan phim Bergamo, thành phố 150.000 dân miền bắc nước Ý, từ 15 đến 23 tháng 3-2003, đã đoạt giải nhất Bông Hồng Vàng, trước các phim Pháp " Trên Đầu Ngón Tay " của Yves Angelo, và " Chuyện Gì Đã Xảy Ra " của Rabah Ameur-Zaimeche. (Năm 1998, cũng tại Bergamo, phim " Ai Xuôi Vạn Lý " của Lê Hoàng đã đoạt giải Bông Hồng Đồng)" (Ðặng Tiến). 
Ðinh cường tưởng nhớ họa sĩ Modigliani nhân cuộc triển Lãm " Modigliani, thiên thần buồn "  (Modigliani, L'ange au visage grave) tại Paris. Bài " Trịnh Công Sơn và những cảm tác đầu đời " của  Bửu Ý, kể lại những bước đầu sáng tác của Trịnh Công Sơn. 

Lê Văn Hảo tiếp tục hướng dẫn chúng ta về thăm nước Văn Lang thời Hùng Vương dựng nước để chứng kiến " Cuộc sống đầm ấm của gia đình Việt cổ " .
Hòa Ða, duyệt lại những thuyết xưa nay về " cội nguồn " của dân tộc Việt.

Nguyễn Phúc Bửu Tập bàn về " địa vị người đàn bà trong kinh Phật ", bài này được Corinne Segers, một phụ nữ Bỉ (Belge), nói và viết thông thạo tiếng Việt, dịch ra tiếng Pháp với tựa đề " La condition de la femme d'après les écrits bouddhistes ".

Ðể kết thúc, Lê văn Hảo điểm sách giới thiệu " Một công trình văn hóa lớn đã hoàn thành : Tổng Tập Văn Học Việt Nam " .

Mà đã thực sự kết thúc chưa nhỉ ? Mời bạn thỉnh thoảng ghé trở lại vườn. Kìa, bên đường một đóa hồng vừa  nở ...

Chim Việt Cành Nam (*)
-------------------
(*)1 - Chim Việt cành Nam, lấy từ chuyện Chim Trĩ , do vua Việt ở phương Nam tân cống cho vua nhà Chu (Chu Thành Vương). Chim chọn cành phía Nam để làm ổ . "Việt điểu sào nam chi" (Sào là làm tổ chim)  , ý nói nhớ quê hương phía Nam. 
2 - Ngựa Hồ hí gió Bấc , là chuyện ngựa của rợ Hồ (Mông Cổ) dâng cho vua Hán Vũ Đế , khi gió Bấc thổi, thì hí lên "Hồ mã tê bắc phong", ý nói nhớ quê, phương bắc.

Trở Về  ]